Trang chủ

Sonntag, April 29, 2012

Trong số 9 tân Linh mục được ĐTC phong chức hôm nay có 1 phó tế Việt NamLm Trần Đức Anh OP 4/29/2012

VATICAN - Trong số 9 phó tế được ĐTC Biển Đức 16 truyền chức sáng chúa nhật 29-4-2012 tại Đền thờ Thánh Phêrô, đặc biệt lần đầu tiên có một Phó tế Việt Nam.
Đó là thầy Giuse Vũ Văn Hiếu, sinh trưởng tại Nam Định, thuộc giáo phận Bùi Chu, từ 6 năm nay cư ngụ tại Chủng viện Capranica nhất ở Roma và theo học thần học tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana. Đây là lần đầu tiên từ hàng chục năm nay mới có một phó tế người Việt được ĐTC truyền chức LM và là người Việt đầu tiên được ĐTC Biển Đức 16 tấn phong.

Thánh lễ bắt đầu lúc quá 9 giờ sáng chúa nhật thứ tư Phục Sinh, cũng là Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 49 với chủ đề ”Ơn gọi, hồng ân tình thương của Thiên Chúa”.

Trong số 8 Phó tế còn lại nhập tịch giáo phận Roma, có 3 thầy học tại Đại chủng viện Roma, 1 thầy tại Học viện Caprania, và 4 thầy học tại Học viện giáo phận 'Mẹ Đấng Cứu Chuộc' (Redemptoris Mater) thuộc Con đường Tân Dự Tòng. Trong 4 thầy này có 2 thầy Italia và 1 thầy Colombia, 1 thầy người Côte d'Ivoire bên Phi châu.

Trong số các tiến chức người Italia, có thầy Piero Gallo 42 tuổi, đã từng làm pháp quan rồi làm luật sư cho chính phủ trong 8 năm trời, trước khi cảm thấy ơn đi tu nhờ những bài giáo lý về 10 giới răn. Đặc biệt thầy phó tế Alfredo Tedesco thuộc giáo xứ Đức Mẹ Chuộc kẻ làm tôi ở Roma, tốt nghiệp hóa học, từng có người yêu, nhưng đã theo tiếng Chúa gọi. Hiện diện tại buổi lễ truyền chức này có người yêu cũ ấy của thầy và người chồng tương lai của cô.

Trong số các Phó tế xuất thân từ Học Viện Mẹ Đấng Cứu chuộc, có thầy Marco Santerelli, 30 tuổi, cựu phi công máy bay riêng, đã cảm thấy tiếng Chúa gọi trong dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ tại Toronto, Canada năm 2002, qua những lời Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 mời gọi người trẻ hãy theo Chúa Giêsu và đừng sợ hãi gì.

Đồng tế với ĐTC có ĐHY Giám quản Agostino Vallini, 7 GM Phụ tá của giáo phận Roma, các cha giám đốc Đại chủng viện, linh hướng, và các cha sở liên hệ của các tiến chức và hàng chục linh mục khác. Phần thánh ca, ngoài Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh còn có 180 ca viên thuộc ca đoàn Roma và các chủng sinh.

Nghi thức truyền chức bắt đầu sau bài Phúc Âm. Thầy Phó Tế được ủy nhiệm lần lượt điểm danh 9 tiến chức và ĐHY Giám quản xin ĐTC truyền chức linh mục cho các thầy.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Sau nghi thức giới thiệu, ĐTC đã diễn giảng các bài đọc của Chúa nhật Chúa Chiên lành, đặc biệt là bài Phúc Âm theo thánh Gioan với câu của Chúa Giêsu ”Thầy là mục tử nhân lành.. Mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11), từ đó ĐTC nhấn mạnh chiều kích hy tế trong cuộc đời linh mục, noi gương Chúa Kitô. Ngài nói:

”Năm nay đoạn Phúc Âm là đoạn nòng cốt trong chương 10 của thánh Gioan và bắt đầu với lời khẳng định của Chúa Giêsu: ”Thầy là mục tử nhân lành”, và ngay sau đó là đặc tính cơ bản thứ nhất: ”Người mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11). Ở đây chúng ta được dẫn ngay vào trung tâm, tột đỉnh mạc khải của Thiên Chúa như người chăn dắt dân Ngài; trung tâm và tột đỉnh ấy là Chúa Giêsu, chính Chúa Giêsu đã chết trên thập giá và ra khỏi mồ vào ngày thứ ba, Chúa sống lại với trọn nhân tính của Ngài, và qua cách thức đó, Ngài cũng đưa chúng ta, mỗi người chúng ta, vào trong tiến trình của Ngài từ cái chết đến sự sống. Biến cố ấy - là cuộc Vượt qua của Chúa Ktiô - trong đó có thể hiện trọn vẹn và chung kết hoạt động chăn dắt của Thiên Chúa, là một biến cố hy tế: vì thế Vị Mục Tử Nhân Lành và Vị Thượng Tế đồng qui trong con người của Chúa Giêsu Đấng đã hiến mình vì chúng ta”.

ĐTC cũng nhắc đến bài đọc thứ I và đáp ca trích từ thánh vịnh 118 nói về Chúa Giêsu là viên đá bị thợ xây loại bỏ nhưng đã trở thành viên đá góc. Chúa đã trải qua kinh nghiệm bị các thủ lãnh của dân loại bỏ nhưng được Thiên Chúa phục hồi và đặt làm nền tảng của Đền thờ mới, của một dân tộc mới, chúc tụng Chúa với những hoa trái của sự công chính (Xc Mt 21,,42-43).

Từ những nhận xét đó, ĐTC trở lại bài Phúc Âm để khai triển thêm ý tưởng người mục tử nhân lành hiến mạng vì đoàn chiên. Ngài nói: ”Chúa Giêsu nhấn mạnh đến đặc tính thiết yếu này của người mục tử chân thực là chính Ngài: đặc tính 'hiến mạng sống'. Chúa lập lại điều đó 3 lần và sau cùng Ngài kết luận: ”Chính vì thế, Cha yêu mến Thầy: vì Thầy hiến mạng sống, rồi Thầy lấy lại. Không ai tước đoạt mạng sống của Thầy: chính thầy hiến mạng sống. Thầy có quyền cho đi sự sống và có quyền lấy lại sự sống. Đó là mệnh lệnh mà Thầy đã nhận từ Cha Thầy” (Ga 10,17-18). Hiển nhiên đó là đặc tính của người mục tử như Chúa Giêsu đích thân giải thích, theo ý Chúa Cha Đấng đã sai Ngài. Hình ảnh vị vua-mục tử chủ yếu bao gồm nghĩa vụ cai quản Dân Chúa, giữ cho dân được đoàn kết và hướng dẫn họ, tất cả chức năng của vị vua như thế được thể hiện hoàn toàn nơi Chúa Giêsu Kitô qua chiều kích hy tế, qua sự dâng hiến mạng sống. Tóm một lời, đó là trong mầu nhiệm Thánh Giá, nghĩa là trong cử chỉ tột cùng khiêm tốn và yêu thương dâng hiến. Viện phụ Teodoro Studita nói: ”Nhờ thập giá, chúng ta, là những con chiên của Chúa Ktiô, được tập họp thành một đoàn chiên duy nhất và chúng ta được hướng về nơi vĩnh cửu” (Discorso sull'adorazione della croce: PG 99,699).”

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nhắc đến các công thức trong nghi thức truyền chức cũng phản ánh ý tưởng chức linh mục hy tế của Chúa Giêsu. Ngài nói:

”Trong viễn tượng ấy, các công thức của nghi thức truyền chức linh mục chúng ta đang cử hành cũng có chiều hướng như vậy. Chẳng hạn, trong 3 câu hỏi liên quan đến những cam kết của tiến chức, câu cuối cùng có tính chất tột đỉnh và tổng hợp, nói rằng: ”Các con có muốn được luôn luôn kết hiệp chặt chẽ với Chúa Kitô Linh mục thượng phẩm, Đấng đã tự hiến cho Chúa Cha như lễ vật tinh tuyền vì chúng ta, thánh hiến các con cho Thiên Chúa cùng với Ngài để cứu độ nhân loại hay không?”. Thực vậy, linh mục là người được tháp nhập một cách đặc biệt vào mầu nhiệm hy tế của Chúa Kitô, qua sự kết hiệp bản thân với Chúa, để kéo dài sứ mạng cứu độ của Ngài. Sự kết hiệp này diễn ra nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, ngày càng phải trở nên chẽ hơn, nhờ sự quảng đại đáp lại của chính linh mục. Vì thế, hỡi các Tiến chức quí mến, lát nữa đây các con sẽ trả lời câu hỏi này và nói: “Thưa có, với sự phù trợ của Chúa, con muốn”. Sau đó trong các nghi thức bổ túc, lúc xức dầu thánh, vị chủ tế nói: ”Xin Chúa Giêsu Kitô, mà Chúa Cha đã thánh hiến trong Thánh Linh vá quyền năng, giữ gìn con để thánh hóa dân Chúa và để dâng lễ hy sinh”. Và rồi, khi trao bánh và rượu, ngài nói: ”Con hãy nhận lễ vật của dân thánh để dâng hy tế thánh thể. Hãy ý thức điều con sẽ làm, bắt chước điều con cử hành, làm cho cuộc sống của con phù hợp với mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô”. Ngài mạnh mẽ nêu bật điều này là: đối với linh mục, cử hành Thánh Lễ mỗi ngày không có nghĩa là thực hiện một chức năng nghi thức, nhưng là chu toàn một sứ mạng bao gồm trọn vẹn cuộc sống của linh mục một cách sâu xa, trong niềm hiệp thông với Chúa Kitô phục sinh, Đấng tiếp tục thực hiện Hy tế cứu chuộc trong Giáo Hội của Ngài”.

ĐTC nhận xét rằng ”Chiều kích Thánh Thể - Hy tế ấy là điều không thể tách rời khỏi chiều kích mục vụ và họp thành một nòng cốt chân lý và sức mạnh cứu độ, và hiệu năng của mọi hoạt động đều tùy thuộc nòng cốt ấy. Dĩ nhiên, chúng ta không nói về hiệu năng trên bình diện tâm lý và xã hội mà thôi, nhưng cả về sự phong phú sinh tử của sự hiện diện Thiên Chúa trên bình nhân bản sâu xa. Việc rao giảng, các hoạt động, những cử chỉ khác nhau mà Giáo Hội thi hành qua nhiều sáng kiến của mình, sẽ mất đi sự phong phú cứu độ nếu thiếu việc cử hành Hy tế của Chúa Kitô. Việc cử hành này được ủy thác cho các linh mục được truyền chức. Thực vậy, linh mục được kêu gọi sống nơi bản thân mình điều mà Chúa Giêsu đã đích thân cảm nghiệm trước tiên, nghĩa là dấn thân trọn vẹn cho việc rao giảng và chữa lành con người khỏi mọi tật bệnh thể xác và tinh thần, rồi sau cùng, tóm gọn tất cả trong cử chỉ tột cùng là ”hiến mạng sống” vì con người, cử chỉ này được diễn tả theo thể thức bí tích trong Thánh Thể, là lễ tưởng niệm đời đời cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu. Chỉ qua ”cánh cửa” Hy tế vượt qua ấy, con người nam nữ thuộc mọi thời đại và mọi nơi mới có thể bước vào sự sống đời đời; chỉ qua ”con đường thánh” ấy, họ mới có thể thực hiện một cuộc xuất hành, dẫn họ vào ”đất hứa” của tự do chân thực, đến ”đồng cỏ xanh tươi” của an vui vô tận (Xc Ga 10,7.9; Tv 77,14.20-21; Tv 23,2).

Và ĐTC kết luận rằng: ”Các Tiến chức thân mến, ước gì Lời này của Chúa soi sáng trọn cuộc sống của các con. Và khi gánh nặng của thập giá trở nên nặng nề hơn, các con hãy biết rằng đó là giờ quí giá nhất đối với các con và những người được ủy thác cho các con: với lòng tin yêu, khi lập lại lời ”thưa có, với ơn phù trợ của Chúa, con muốn”, các con cộng tác với Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm và Mục Tử nhân lành, vào việc chăn dắt các chiên của Chúa, có khi là con chiên duy nhất bị lạc, nhưng trên trời sẽ rất vui mừng vì con chiên lạc ấy! Xin Đức Trinh Nữ Maria, là Phần rỗi của dân Roma, luôn canh chừng trên mỗi người các con và trên hành trình của các con”. Nghi thức truyền chức

Sau bài giảng, lễ nghi truyền chức LM được tiếp tục. 9 tiến chức lần lượt tuyên hứa trước ĐTC và cộng đoàn, cam kết chu toàn các nghĩa vụ, thi hành thừa tác vụ linh mục trọn đời như những cộng tác viên trung thành của giám mục, để phục vụ dân Chúa, chu toàn sứ vụ Lời Chúa qua việc rao giảng Tin Mừng và giảng dạy đức tin Công Giáo, sốt sắng cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô theo truyền thống của Giáo Hội, đặc biệt là Thánh Lễ và bí tích hòa giải, siêng năng cầu nguyện. Sau cùng, mỗi thầy tiến lên, quì gối trước mặt ĐTC và tuyên hứa tôn trọng và vâng lời Ngài và các Đấng kế vị.

Sau khi cầu xin ơn phù trợ của các thánh, các tiến chức đã được ĐTC đặt tay trên đầu, và một số LM khác cũng làm như vậy, trước khi ngài đọc lời nguyện phong chức.

Buổi lễ được tiếp tục với nghi thức mặc phẩm phục linh mục, xức dầu thánh trên đôi bàn tay, trao đĩa thánh và chén thánh, trước khi trao ban bình an.

Sau thánh lễ truyền chức, lúc giữa trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới trời nắng. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC dâng lời cảm tạ Chúa vì 9 tân linh mục của giáo phận Roma như một hồng ân, dấu chỉ tình yêu trung tín và quan phòng của Chúa đối với Giáo Hội. Ngài mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các linh mục mới, cũng như cầu nguyện để tất cả các bạn trẻ quan tâm đến tiếng Chúa trong nội tâm và từ bỏ mọi sự để phụng sự Chúa.

ĐTC nhận xét rằng những người trẻ mà ngài truyền chức LM hôm nay không khác những người trẻ khác, nhưng họ được vẻ đẹp của tình yêu Chúa đánh động sâu xa và không thể không đáp lại với tất cả cuộc sống. Họ đã gặp tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, trong Tin Mừng, Thánh Thể và cộng đoàn Giáo Hội. ĐTC nói chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi cộng đoàn địa phương trở thành một vườn được tưới gội trong đó những mầm ơn gọi mà Chúa rộng ban có thể nảy mầm và trưởng thành. Đặc biệt các gia đình hãy trở thành môi trường đầu triên trong đó con người thở hít tình yêu của Thiên Chúa, mang lại sức mạnh nội tâm giữa những khó khăn và thử thách của cuộc sống.

Sau kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, ĐTC đã ban phép lành cho mọi người, trước khi chào thăm các tín hữu hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài cũng nhắc đến 2 lễ phong chân phước hôm qua: thứ nhất là giáo sư Giuseppe Toniolo người Roma, có 7 người con và người hăng say phục vụ tình hiệp thông của Giáo Hội; Ông được tôn phong trong buổi lễ sáng hôm qua tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành ở Roma. Tiếp đến là LM Pierre Adrien Toulorge, thuộc dòng Prémontré, tử đạo trong cuộc cách mạng Pháp, chứng nhân rạng ngời của chân lý, được tôn phong chiều hôm 29-4-2012 tại Coutances bên Pháp.
 

Dienstag, April 17, 2012

Đức Thánh Cha ghi dấu ngày sinh nhật thứ 85 bằng việc suy niệm về 2 vị thánh
Bùi Hữu Thư dịch 4/17/2012

Ngài ghi nhận việc ngài sanh và chịu phép rửa vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh

VATICAN, 16, tháng 4, 2012 (Zenit.org).- Sinh nhật thứ 85 của Đức Thánh Cha Benedict XVI được ghi dấu bằng một ngày có nhiều nghi thức, thăm viếng và lễ hội. Vào dịp này, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ trong nhà nguyện Pauline Chapel của cung điện Tông Đồ, có sự tham dự của một số giới chức và giám mục Bavaria, các vị này sau đó được ngài tiếp kiến riêng.

Để chào mừng ngài, Đức Hồng Y Angelo Sodano, chủ tịch Hồng Y Đoàn đã cám ơn Đức Thánh Cha về lòng ưu ái ngài đã dành cho việc phục vụ cho tình yêu.

Đức hồng y tiếp, không phải là một sự tình cờ về sự việc tông huấn đầu tiên của ngài (Deus Caritas Est) là một thánh ca tình yêu chính là Chúa, như một tình yêu phải làm cho tất cả mọi chủ chăn sống động, và được mời gọi để cho ánh sáng của Chúa chiếu soi trên thế giới và cũng thế, đem lại sự ấm áp của tình yêu Người.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc đến hai vị thánh người Pháp, đã hiện diện trong hành trình thiêng liêng và mục vụ lâu dài của ngài: thánh có thị kiến Bernadette Soubirous, và thánh khất thực hành hương Benedict Joseph Labre của thế kỷ 19.

Đức Thánh Cha cũng nói về Thứ Bẩy Tuần Thánh. Chính vào ngày này, vào đêm vọng Phục Sinh ngày 16 tháng 4, 1927, Joseph Ratzinger đã sinh ra và chịu phép rửa. Ngài nói về Thứ Bẩy Tuần Thánh như một ngày thinh lặng và dường như thiếu vắng Thiên Chúa, là ngày chờ đợi Chúa Phục Sinh. Đức Thánh Cha đã luôn luôn coi ngày này như chìa khóa cho bài đọc của đời ngài, trước và sau khi được bầu làm giáo hoàng.

Về thánh Bernadette, ngài ca ngợi vị thánh về sự trong sạch của trái tim và khả năng thấy được Mẹ Thiên Chúa, và trong vị thánh có phản ảnh sự huy hoàng và thiện hảo của Thiên Chúa. Chính là nhờ trái tim không bị ô nhiễm của cô bé gái thành Lộ Đức mà Mẹ Maria mới có thể hiện ra, và nói với thế kỳ đó và sau đó nữa.

Do đó, Thứ bẩy Tuần Thánh và vị thánh có thị kiến của Lộ Đức, đã luôn luôn đối với Đức Thánh Cha là một dấu chỉ về điều tất cả chúng ta phải làm, về khả năng của một cái nhìn của trái tim, để có thể thấy được những gì là thiết yếu.

Sự thiết yếu này nằm ở chỗ Đức Mẹ chỉ cho Bernadette: một nguồn suối nước hằng sống và trong sạch, là hình ảnh của sự thật đã được ban cho chúng ra qua đức tin, và một dấu chỉ của sự tưởng nhớ đến đời sống trong sạch của con người không tội lỗi.

“Ánh sáng của Đấng Phục Sinh làm cho tôi vững dạ tiến bước."

Benedict Joseph Labre, là vị thánh thứ hai được Đức Thánh Cha nhắc đến, là một khách hành hương tới các đền thánh Âu Châu, hầu như trong suốt cuộc đời, và không làm gì khác hơn là làm chứng tá cho những gì quan yếu. Vì sự bao la của các cuộc hành hương của mình, thánh Labre chính thật là một vị thánh Âu Châu, nhưng trên hết, đây là một vị thánh, trên danh nghĩa của tình thân hữu trong Chúa, đã có thể phá bỏ tất cả mọi ranh giới.

Suy niệm về Thứ Bẩy Tuần Thánh và phép rửa của ngài, Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: "Đời sống trở thành một quà tặng thật sự nếu theo đó người ta cũng có thể làm một lời hứa mạnh hơn bất cứ sự rủi ro nào có thể đe dọa mình, và nếu được nhận chìm trong một sức mạnh bảo đảm rằng được làm một con người là điều tốt lành.”

Theo nghĩa này, Phép Rửa là biểu tượng của một sự tái sinh, của sự tin chắc trong chân lý là một sự tốt lành được thể hiện, vì lời hứa mạnh hơn những đe doạ, nhờ sự kiện chúng ta được tiếp nhận vào gia đình mới của Thiên Chúa.

Sau đó Đức Thánh Cha nói ngài cảm thấy đang đi trong đoạn đường cuối của cuộc đời: "Tôi không biết những gì đang chờ đợi tôi. Tuy nhiên ánh sáng của Chúa Phục Sinh mạnh hơn bóng tối và sẽ giúp cho tôi vững tin tiến bước."

Để kết luận, Đức Thánh Cha Benedict XVI chân thành cảm ơn tất cả những ai tiếp tục để cho ngài cảm nhận được lời 'xin vâng' Thiên Chúa qua đức tin của họ.
 

Samstag, April 14, 2012

Lòng Chúa Thương Xót trong Kinh ThánhTrầm Thiên Thu 4/10/2012

LỜI NGỎ: Bài viết này dựa vào Tông thư “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót” [Rich in Mercy (Anh ngữ), Dives in Misericordia (La ngữ)] của Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Đây là loại bài “cao cấp” nên rất khó lĩnh hội ngay, vì thế bạn cần đọc chậm và suy nghĩ nhiều theo linh hứng của Chúa Thánh Thần. Đừng đọc cả một lúc, mỗi lần đọc một ít. Chúc bạn được Chúa Thánh Thần linh hứng để hiểu đúng linh đạo này.

Khi diễn tả Lòng Chúa Thương Xót (LCTX), các sách Cựu ước dùng 2 cách diễn tả đặc biệt, mỗi câu đều có một sắc thái khác nhau về ngữ nghĩa.

Trước hết, thuật ngữ “hesed” ngụ ý một thái độ sâu sắc của “lòng tốt”. Khi điều này được thiết lập giữa hai cá nhân, họ không chỉ muốn tốt cho nhau mà họ còn tin tưởng nhau bằng sự thầm hứa trong lòng, và trung thành với nhau. Vì “hesed” cũng có nghĩa về ân huệ hoặc yêu thương, điều này xảy ra đúng theo nền tảng của lòng trung thành. Sự thật là sự tận tụy được nói tới không chỉ là đặc tính luân lý mà còn hầu như là đặc tính pháp lý tạo sự khác biệt.

Cựu ước dùng từ “hesed” để nói về Thiên Chúa, điều này luôn xảy ra khi liên kết với giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với dân Israel. Đối với Thiên Chúa, giao ước này là tặng phẩm và ân huệ dành cho dân Israel. Do đó, Thiên Chúa đã hứa tôn trọng giao ước, “hesed” cũng cần một ý nghĩa hợp pháp phù hợp với giao ước.

Lời hứa theo pháp lý về phần Thiên Chúa bắt buộc dân Israel không được vi phạm giao ước và phải tôn trọng các điều kiện của giao ước. Nhưng ở điểm này, “hesed” không là pháp lý, được mặc khải phương diện sâu xa hơn, cho thấy chính nó là gì ngay từ đầu, nghĩa là tình yêu đã được trao ban, tình yêu mạnh hơn sự phản trắc và ân sủng mạnh hơn tội lỗi.

Lòng tín trung này đối với con-gái-bất-trung-của-dân-tộc: “Ngay cả lũ chó rừng cũng biết chìa vú cho con bú, thế mà con gái dân tôi lại dữ dằn hung bạo như đà điểu chốn hoang địa khô cằn. Thiếu nữ dân tôi gian ác tầy trời vượt xa cả Xô-đôm tội lỗi; thành đó bị đổ nhào trong nháy mắt, chẳng cần ai phải nhúng tay vào” (Ac 4:3, 6). Tóm lại, đối với Chúa, đó là lòng tín trung đối với chính Ngài. Điều này trở thành hiển nhiên thường xuyên ở cả hai dạng “tận tụy” mà chúng ta gặp (ân sủng và tín trung), có thể được coi là trường hợp của phép thế đôi (hendiadys, cách dùng liên từ “và” giữa 2 từ ngữ), ví dụ: Xh 34:6; 2 Sm 2:6; 15:20; Tv 25 [24]:10; 40 [39]:11-12; 85 [84]:11; 138 [137]:2; Mi 7:20).

“Ngươi hãy nói với nhà Israen: Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Hỡi nhà Ítraen, không phải vì các ngươi mà Ta hành động, mà vì danh thánh của Ta đã bị các ngươi xúc phạm giữa các dân các ngươi đã đi đến” (Ed 36:22). Do đó mà dân Israel, mặc dù nhiều tội lỗi vì vi phạm giao ước, không thể yêu cầu “hesed” của Thiên Chúa theo pháp lý, nhưng họ có thể và phải tiếp tục hy vọng và tin sẽ được điều đó, vì Thiên Chúa của giao ước thực sự “chịu trách nhiệm về tình yêu của Ngài”.

Thành quả của tình yêu này là ơn tha thứ và phục hồi ân sủng, tái lập giao ước nội tại. Từ ngữ thứ hai theo thuật ngữ Cựu ước xác định Lòng Thương Xót là “rahamim”.

Đây là sự khác biệt của “hesed”. Trong khi “sự tận tụy” làm nổi bật lòng tín trung của “trách nhiệm đối với tình yêu của mình” (theo nghĩa nam tính), “rahamim” theo chính nguyên ngữ đã bao hàm tình yêu của người mẹ (rehem = tử cung).

Từ hệ lụy nguồn gốc và sâu xa – thực sự là sự kết hợp – liên kết người mẹ với đứa con làm nảy sinh mối quan hệ đặc biệt với đứa con, một tình yêu đặc biệt. Với tình yêu này, người ta có thể nói rằng đó là “hoàn toàn cho không”, vô điều kiện, và về phương diện này nó cấu thành sự cần thiết nội tại: Tình trạng cấp bách của con tim.

Như vậy, đó là sự biến đổi “nữ tính” của lòng tín trung nam tính đối với chính nó được diễn tả bằng từ ngữ “hesed”. Đối với nền tảng tâm lý này, “rahamim” phát sinh một loạt cảm xúc, kể cả lòng tốt và dịu dàng, kiên nhẫn và hiểu biết, nghĩa là sẵn sàng tha thứ.

Cựu ước quy cho Thiên Chúa các đặc tính này khi dùng thuật ngữ “rahamim” để nói về Ngài. Chúng ta đọc thấy trong sách Isaia: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49:15).

Tình yêu này là lời cảm tạ tín thành đối với sức mạnh mầu nhiệm của tình mẫu tử, được diễn tả trong Cựu ước bằng nhiều cách: Cứu thoát khỏi mọi nguy hiểm, nhất là thoát khỏi kẻ thù; tha thứ tội lỗi – của từng người và của cả toàn dân Israel – cuối cùng là sẵn sàng làm trọn lời hứa và niềm cậy trông, mặc dù nhân loại bất trung, như chúng ta thấy trong sách Hôsê: “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình, vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi chúng” (Hs 14:5).

Theo cách nói của Cựu ước, chúng ta cũng thấy những cách diễn tả khác, ngụ ý nhiều cách đối với ngữ cảnh cơ bản. Nhưng cả hai cách nói trên đều đáng lưu ý đặc biệt, cho thấy rõ phương diện theo thuyết hình người nguyên thủy (original anthropomorphic aspect): Khi diễn tả LCTX, các tác giả Kinh thánh dùng cách nói phù hợp với lương tâm và kinh nghiệm của những người đương thời.

Thuật ngữ Hy Lạp theo bản dịch “Bảy Mươi” (*) không cho thấy như bản cổ ngữ Do Thái: Vì thế nó không đưa ra tất cả sự khác biệt về ngữ nghĩa riêng đối với văn bản gốc. Dù ở mức nào, Tân ước cũng dựa vào sự phong phú và độ sâu ghi dấu cổ.

Theo cách này, chúng ta thừa hưởng từ Cựu ước – theo cách tổng hợp – không chỉ phong phú về cách diễn tả được các sách đó dùng để xác định LCTX, mà còn về “tâm lý” của Thiên Chúa theo thuyết hình người: Hình ảnh về tình yêu khắc khoải của Ngài, khi tiếp xúc với điều ác, nhất là với tội lỗi của cá nhân và dân tộc, được biểu hiện là LTX.

Hình ảnh này được tạo nên không chỉ về ngữ cảnh tổng quát của động từ “hanan” mà còn về ngữ cảnh của từ ngữ “hesed” và “rahamim”. Thuật ngữ “hanan” diễn tả một khái niệm rộng hơn, thực sự có nghĩa là cách biểu hiện của ân sủng, liên quan một bẩm chất kiên định (constant predisposition) là khoan hồng, nhân từ và thương xót.

Thêm vào các yếu tố ngữ nghĩa, khái niệm của Cựu ước về LCTX cũng được tạo nên từ những gì bao hàm trong động từ “hamal”, theo nghĩa đen là “tha chết” (một kẻ thù chiến bại) nhưng cũng “tỏ lòng thương xót và trắc ẩn”, vì thế mà tha thứ và miễn trừ tội lỗi.

Còn có thuật ngữ “hus” diễn tả lòng thương xót và trắc ẩn, nhưng đặc biệt mang ý nghĩa xúc động. Các thuật ngữ này xuất hiện ít hơn trong các văn bản Kinh thánh khi diễn tả LCTX.

Ngoài ra, nên chú ý từ ngữ “emet” đã được nói tới. Nó có nghĩa ban đầu là “sự vững chắc, sự an toàn” (theo Hy ngữ của bản Bảy Mươi là “chân lý”) và khi đó có nghĩa là “lòng thành tín”. Theo cách này, nó có vẻ liên kết với ngữ nghĩa riêng đối với thuật ngữ “hesed”. Ở cả 2 nơi, đó là trường hợp của “hesed”, nghĩa là lòng thành tín mà Thiên Chúa thể hiện tình yêu của Ngài đối với dân, trung thành với điều Ngài hứa là sẽ làm trọn trong tình mẫu tử của Mẹ Thiên Chúa (x. Lc 1:49-54), như Kinh thánh nói: “Chúa sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước” (Lc 1:72). Đây cũng là trường hợp của LCTX theo nghĩa của từ “hesed”, theo mức của những câu theo sau, những câu mà Dacaria nói về “LTX nhân hậu của Thiên Chúa”, diễn tả rõ ràng nghĩa thứ hai, nghĩa là “rahamim” (bản La ngữ: Viscera Misericordiae), đồng hóa LCTX với tình thương của người mẹ.
CỰU ƯỚC
Cựu ước hiểu LCTX bằng cách dùng nhiều thuật ngữ có ý nghĩa liên quan, khác nhau bằng nội dung riêng, nhưng có thể nói được rằng chúng đều đồng quy từ những hướng khác nhau theo nghĩa cơ bản, diễn tả sự phong phú nổi bật và gần gũi với con người với các phương diện khác nhau.

Cựu ước khuyến khích mọi người chịu đựng nỗi bất hạnh, nhất là nỗi đau khổ do tội lỗi – như dân Israel được Thiên Chúa hứa ban giao ước – để cầu xin LTX của Thiên Chúa, và làm cho những nỗi bất hạnh đó trở thành niềm hy vọng, nhắc nhở về LCTX trong những lúc thất bại và mất niềm tin.

Cựu ước cũng luôn dâng lời tạ ơn về LCTX, thể hiện trong đời sống của toàn dân và mỗi cá nhân. Theo cách này, LCTX tương phản với sự công thẳng của Thiên Chúa theo nghĩa nào đó, và trong nhiều trường hợp được thể hiện không chỉ mạnh hơn mà còn sâu sắc hơn công lý. Cũng vậy, tình yêu tác động tới công lý, và cuối cùng thì công lý phục vụ tình yêu.

Cựu ước còn dạy rằng, dù công lý là một nhân đức đích thực nơi con người, và nơi Thiên Chúa biểu hiện sự hoàn hảo trong suốt, do đó mà tình yêu “lớn hơn” công lý – lớn hơn về ý nghĩa nguyên thủy và cơ bản.

Tính ưu việt và nổi trội của tình yêu có liên quan công lý – đây là dấu ấn của toàn bộ mặc khải – được mặc khải chính xác qua LTX. Điều này có vẻ minh nhiên đối với các tác giả thánh vịnh và các tiên tri mà công lý kết thúc theo nghĩa Ơn cứu độ được hoàn tất bởi chính Thiên Chúa và LCTX [Tv 40 (39):11; 98 (97):2; Is 45:21; Is 51:5 & 8; Is 56:1].

LCTX khác với công lý, nhưng không đối lập, nếu chúng ta nhận theo lịch sử con người – như Cựu ước đã thể hiện chính xác – sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa đã tự liên kết với thụ tạo của Ngài bằng một tình yêu đặc biệt.

Theo bản chất, tình yêu loại trừ thù hận và ý xấu đối với người mà Ngài đã trao tặng phẩm là chính mình: “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Ngài đã làm ra” (Kn 11:24). Những từ này cho thấy cơ bản thâm sâu của mối quan hệ giữa công lý và LTX nơi Thiên Chúa, trong mối quan hệ của Ngài với con người và thế giới.

Những lời đó cho chúng ta biết rằng chúng ta phải tìm kiếm nguồn gốc của việc trao ban sự sống và các lý do thân thiết đối với mối quan hệ này bằng cách trở lại từ “sự bắt đầu”, trong chính mầu nhiệm sáng tạo. Những lời đó báo trước Giao ước cũ (Cựu ước), sự mặc khải viên mãn của Thiên Chúa, Đấng mệnh danh là “tình yêu” (1 Ga 4:15 & 16).

Nối kết với mầu nhiệm sáng thế là mầu nhiệm của sự chọn lựa, theo cách đặc biệt mà hình thành lịch sử con người có người cha tâm linh là Abraham nhờ đức tin. Do đó, qua dân tộc này mà các hành trình xuyên suốt lịch sử Cựu ước và Tân ước, mầu nhiệm của sự chọn lựa nói đến mỗi người trong đại gia đình nhân loại.

“Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31:3). “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy” (Is 54:10). Sự thật này, đã từng được công bố với dân Israel, liên quan viễn cảnh của toàn lịch sử con người, cả viễn cảnh thời gian và thế mạt (Gn 4:2, 11; Tv 145 (144):9; Hc 18:8-14; Kn 11:23-12:1).

Đức Kitô mặc khải Chúa Cha trong cùng viễn cảnh và theo nền tảng đã được chuẩn bị, như nhiều trang Cựu ước mô tả. Cuối mặc khải này, vào đêm trước khi chịu chết, Chúa Giêsu nói với tông đồ Philipphê lời đáng ghi nhớ này: “Thầy ở với anh em bấy lâu, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9).
TÂN ƯỚC
Ngay đầu Tân ước, hai tiếng nói vang lên trong Phúc âm thánh Luca phù hợp việc liên quan LCTX – một sự hài hòa vang dội cả truyền thống Cựu ước. Đức Maria vào nhà ông Dacaria, tán tụng Chúa bằng cả linh hồn vì LXT của Chúa, điều mà “từ đời nọ đến đời kia” được trao ban cho những ai kính yêu Ngài.

Sau đó, khi Đức Mẹ nhớ lại sự tuyển chọn dân Israel, Đức Mẹ đã tuyên xưng LCTX mà Ngài đã chọn Đức Mẹ là người được mọi thời khen là “đầy ơn phúc” (x. Lc 1:49-54). Khi Gioan Tẩy giả chào đời, ông Dacaria ca tụng Thiên Chúa của Israel và tôn vinh Ngài vì đã tỏ LTX như đã hứa với các tổ phụ và vì đã nhớ giao ước thánh của Ngài (x. Lc 1:72). Đây cũng là trường hợp của LCTX theo nghĩa của từ “hesed”, điều mà ông Dacaria nói về “lòng nhân hậu của Thiên Chúa”, được diễn tả rõ theo nghĩa thứ hai, nghĩa là “rahamim” (La ngữ là viscera misericordiae), xác định LCTX như tình mẫu tử.

Trong giáo huấn của chính Chúa Giêsu, hình ảnh này kế thừa từ Cựu ước trở nên đơn giản hơn và sâu xa hơn. Đây có thể là điều hiển nhiên nhất trong dụ ngôn về đứa con hoang đàng (x. Lc 15:14-32). Dù từ ngữ “lòng thương xót” không xuất hiện, nhưng vẫn diễn tả rõ ràng bản chất của LCTX.

Đó là mầu nhiệm của LCTX, một kịch bản thâm thúy thể hiện Tình Cha đối với đứa con hoang đàng và tội lỗi. Người con đó không chỉ được hồi phục quyền làm con mà còn được tiếp tục thừa kế gia sản của người cha dù đã ăn chơi phung phí hết phần gia sản riêng. Ăn năn và trở về, nhận lỗi và xin lỗi, tất cả lại trở về nguyên trạng của người con. Tình Chúa quá bao la và kỳ diệu!

“Khi tiêu xài hết mọi thứ”, người con “bị túng quẫn”, nhất là “nạn đói xảy ra trong vùng đó” đến nỗi người con “thèm ăn cám heo” mà cũng không được ăn, thế là người con phải quyết định về nhà cha: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà mình ở đây lại chết đói!” (Lc 15:17). Việc trở về của người con có thể chỉ là vạn bất đắc dĩ, nhưng ít nhiều gì anh cũng nhận thấy mình bất xứng và chỉ dám xin cha coi mình như tôi tớ: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (Lc 15:18-19). Thế nhưng anh không thể tin những gì anh thấy: Người cha ra ôm anh vào lòng, làm tiệc mừng, cho mang đồ mới và giày mới. Dụ ngôn này đã “chạm” đến giao-ước-tình-yêu, “chạm” đến mọi tình trạng mất ân sủng và mọi tội lỗi.

Theo nhận thức, người con này lý luận để khả dĩ thấy rằng mình đã hoàn toàn bất xứng, không còn mối quan hệ mật thiết của tình phụ tử. Do đó mà người con quyết định đứng dậy và trở về với cha. Dám trở về là can đảm, vì dù sao cũng đã bẽ mặt và nhục nhã, nhưng không mặc cảm tội lỗi. Người con hoang đàng nhận thấy mình không có quyền đòi hỏi gì nữa, không đáng là con, may lắm cũng chỉ mong được làm người giúp việc trong nhà cha mình thôi. Người con đã nhận thức đầy đủ về tình trạng bất xứng của mình và “đáng đời” thế nào theo công lý. “Quyết định dứt khoát trở về” là động thái rất quan yếu. Lúc đó, con người phải giằng co âm thầm rất mãnh liệt. Đó chính là động thái trưởng thành trong đức tin – tin vào LCTX và tin mình được thứ tha.

Trong dụ ngôn “người con hoang đàng”, thuật ngữ “công bình” không được dùng, và trong nguyên bản cũng không dùng từ “lòng thương xót”. Mối quan hệ giữa công bình và yêu thương được biểu hiện như LCTX, đồng thời được khắc sâu bằng tính chính xác trong nội dung của dụ ngôn.

Rõ ràng hơn là tình yêu được biến đổi thành LCTX khi cần có quy luật chính xác của sự công bình. Người con hoang đàng không còn xứng đáng sau khi ăn chơi sa đọa, trắng tay khi trở về với cha, nhưng được cha tha bổng, và dần dần người con được vun đắp về vật chất và tinh thần, dù có thể không bao giờ được đầy đủ như xưa. Tình phụ tử được khôi phục là nhờ tính cao thượng và tình thương của người cha.

Mối quan hệ như vậy không bao giờ có thể bị thay đổi hoặc bị phá hủy bằng bất cứ động thái nào. Người con hoang đàng biết vậy và biết mình phải làm gì để chuộc lỗi lầm, đó là lúc người ta biết rõ mình để có thể sống khiêm nhường hơn.

Hình ảnh người con hoang đàng giúp chúng ta nhận biết LCTX là gì và như thế nào. Chắc chắn đây là mặc khải về Thiên Chúa Cha, giúp chúng ta tái phát hiện cách nhìn của Cựu ước về LCTX luôn mới, vừa đơn giản vừa sâu xa.

Người cha của đứa con hoang đàng luôn trung thành với cương vị làm cha, trung thành với tình yêu bao la mà ông luôn dành cho con mình. Do đó mà người cha luôn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ nếu đứa con biết trở về. Tình yêu ấy là LTX, kỳ lạ đến nỗi không ai khả dĩ hiểu hết. Người cha ấy đã tha thứ thì không còn phân biệt gì so với đứa con vẫn ngoan ngoãn ở với mình. Người con ngoan ngoãn đã so đo nhưng người cha đã phân tích rõ ràng để huynh đệ vẫn hiếu thuận với nhau.

Người cha trung tín với chính mình – một đặc điểm mà Cựu ước dùng thuật ngữ “hesed” – ngay khi diễn tả bằng cách thể hiện tình phụ tử. Thật vậy, chúng ta đọc thấy rằng khi người cha thấy đứa con hoang đàng trở về, ông đã chạnh lòng trắc ẩn, chạnh LTX, chạy ra đón nó, ôm nó trước khi nó ôm mình, rồi hôn nó (Lc 15:20). Chắc chắn ông làm điều này vì yêu thương con sâu sắc lắm, và điều này cũng bày tỏ lòng đại lượng dành cho con, lòng đại lượng đó đã khiến người con lớn phải tức giận. Lời người cha nói với người con lớn giản dị mà thâm sâu: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15:32).

Trong Phúc âm của thánh sử Luca có dụ ngôn Con Chiên Lạc (x. Lc 15:4-7) và dụ ngôn Đồng Bạc Bị Mất (x. Lc 15:8-9). Mỗi lần đều có mức nhấn mạnh tương tự về niềm vui có trong trường hợp của đứa con hoang đàng (x. Lc 15:11-32). Lòng thành tín của người cha hoàn toàn được tập trung vào tính nhân bản đối với đứa con hư hỏng, về nhân phẩm của đứa con.

Điều này giải thích mọi niềm vui nỗi mừng lúc đứa con trở về nhà. Do đó người ta có thể nói rằng tình thương dành cho đứa con là tình yêu xuất phát từ chính bản chất tình phụ tử, theo cách thức bắt buộc người cha quan tâm đến nhân phẩm của đứa con. Mối quan tâm này là thước đo tình yêu thương của người cha, tình yêu thương mà thánh Phaolô diễn tả: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn” (1 Cr 13:4-8).

Lòng Thương Xót – như Đức Kitô đã bày tỏ trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (hoặc dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng) – có dạng nội tại của tình yêu trong Tân ước gọi là “agape”. Tình yêu thương này có thể đạt tới mọi đứa con hoang đàng, tới mọi nỗi khổ đau của con người, tới cả nỗi khốn khổ luân lý và tội lỗi.

Khi điều này xảy ra, con người là khách thể của LTX mà không hề cảm thấy bị hạ nhục, mà cảm thấy lại được tìm thấy và “được phục hồi giá trị”. Người cha bày tỏ niềm vui mừng đối với đứa con vừa “được tìm thấy” và như “chết sống lại”.

Niềm vui này thể hiện cái tốt nguyên trạng, dù đứa con hoang đàng cũng không thể ngăn cản tình cha thương con. Niềm vui đó còn thể hiện cái tốt lại được tìm thấy, khi đứa con trở về thú nhận tội lỗi. Điều xảy ra giữa mối quan hệ phụ tử trong dụ ngôn của Chúa Giêsu không được đánh giá “từ bên ngoài”. Định kiến của chúng ta về LTX đa số là hậu quả của việc chúng ta đánh giá theo bề ngoài.

Thi thoảng điều này xảy ra bằng cách theo phương pháp đánh giá mà chúng ta thấy trong LTX vượt trên mọi mối quan hệ bất bình đẳng giữa người trao LTX và người nhận LTX. Do đó, chúng ta vội vã “chiết khấu” LTX mà “thu nhỏ” người nhận, cho nên chúng ta xúc phạm nhân phẩm người khác.

Dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng cho thấy thực tế khác hẳn: Mối quan hệ của LTX dựa trên kinh nghiệm chung của cái tốt là con người, kinh nghiệm chung của phẩm chất đúng nơi con người. Kinh nghiệm chung này làm cho đứa con hoang đàng bắt đầu tự nhận thấy mình và hành động của mình bằng sự thật trọn vẹn (đó là khiêm nhường). Mặt khác, vì chính lý do này mà đứa con trở thành cái tốt riêng của người cha: Người cha thấy rõ cái tốt đạt được nhờ mầu nhiệm của chân lý và yêu thương để người cha có vẻ quên mọi tội lỗi mà đứa con đã phạm.

Hoán cải là cách diễn tả cụ thể nhất về tác dụng của tình yêu và sự hiện hữu của LTX trong thế giới loài người. Dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng diễn tả theo cách đơn giản nhưng sâu sắc trong thực tế cải tà quy chánh.

Ý nghĩa riêng và đúng của LTX không chỉ bao gồm trong cách nhìn, mà còn xuyên suốt và đầy lòng trắc ẩn: LTX được diễn tả về phương diện đúng và riêng khi LTX phục hồi để đánh giá, thúc đẩy và thu hút những điều tốt từ mọi dạng của điều xấu hiện hữu trong thế giới và trong con người. Hãy hiểu theo cách này, LTX cấu thành nền tảng của sứ vụ cứu độ và sức mạnh trong sứ vụ của Đức Kitô.

Các tông đồ và các môn đệ của Ngài đã hiểu và thực hành LTX như cách của Ngài. LTX không bao giờ ngừng mặc khải, bằng tâm khảm và trong hành động, như bằng chứng hùng hồn về tình yêu: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (x. Rm 12:21). Khuôn mặt đích thực của LTX phải được mặc khải theo cách mới. Mặc dù có nhiều định kiến, LTX vẫn thực sự rất cần thiết trong thời đại chúng ta.
LCTX được mặc khải trên Thánh giá và trong sự Phục sinh
Sứ vụ của Đức Kitô và hoạt động của Ngài giữa nhân loại kết thúc bằng cái chết trên Thập giá và sự Phục sinh. Chúng ta phải thẩm thấu sự kiện cuối cùng này, nhất là theo ngôn ngữ của Công đồng Vatican II xác định là Mầu nhiệm Vượt qua (Mysterium Paschale) – nếu chúng ta muốn diễn tả sâu sắc sự thật về LTX, như được mặc khải trong lịch sử cứu độ.

Ở mức cân nhắc này, chúng ta phải tiếp cận Tông thư Redemptor Hominis (Gioan Phaolô II, 1978). Thật vậy, thực tế của ơn cứu độ, theo chiều kích con người, đã mặc khải những điều chưa từng nghe biết – về sự cao cả của con người, như Bài Exsultet (công bố trong đêm Vọng Phục Sinh) mô tả: “Tội hồng phúc đã ban cho chúng ta Đấng cứu chuộc rất cao sang”, ngay lúc chiều kích cứu độ của Thiên Chúa làm cho chúng ta có thể hồi sinh theo cách kinh nghiệm nhất và lịch sử nhất, để tiết lộ chiều sâu của tình yêu không không chùn bước trước sự hy sinh khác thường của Chúa Con, để thỏa mãn lòng trung thành của Chúa Cha đối với loài người, tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Ngài và chọn chúng ta từ khởi nguyên, nơi Chúa Con, đối với ân sủng và vinh quang.

Các sự kiện của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, thậm chí trước đó, trong lời cầu nguyện tại Ghết-si-ma-ni, giới thiệu sự thay đổi nền tảng của toàn bộ sự mặc khải về tình yêu và LTX trong sứ vụ của Đức Kitô. Ngài “thi ân giáng phúc, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế” (Cv 10:38), đồng thời “chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9:35), chính Ngài thực hiện LTX và kêu gọi LTX, khi Ngài bị bắt, bị đối xử tệ, bị kết án, bị đánh đòn, đội vòng gai, bị đóng đinh vào Thập giá và chết trong đau đớn vô cùng (x. Mc 15:37; Ga 19:30).

Lúc đó Ngài xứng đáng nhận LTX từ những người mà Ngài đã làm tốt cho họ, nhưng Ngài đã không nhận được. Ngay cả những người thân tín nhất cũng không thể bảo vệ Ngài khỏi kẻ ác. Ở giai đoạn cuối cùng của sứ vụ, các lời tiên tri, nhất là của tiên tri Isaia nói về Người Tôi Tớ Đau Khổ, hoàn toàn ứng nghiệm nơi Đức Kitô: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53:5).

Đức Kitô, là người chịu đau khổ trong Vườn Cây Dầu và trên đồi Can-vê, đã thưa với Chúa Cha rằng Ngài đã thể hiện tình yêu của Chúa Cha cho mọi người. Nhưng Ngài cũng không được thoát khỏi đau khổ và cái chết trên Thập giá: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5:21).

Thánh Phaolô viết về chiều kích thực tế của ơn cứu độ. Chính ơn cứu độ này là mặc khải tính thánh thiêng của Thiên Chúa, Đấng hoàn thiện, đầy đủ công lý và yêu thương, vì công lý dựa trên yêu thương.

Trong cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô, Chúa Cha không tha chính Con mình, nhưng “vì chúng ta mà tự nhận thân phận như tội nhân”, công lý được diễn tả, Đức Kitô chịu đau khổ và chấp nhận Thập giá vì tội lỗi nhân loại. Điều này cấu thành “sự dồi dào” của công lý, vì tội lỗi của loài người “được đền bù” nhờ sự hy sinh của Thiên-Chúa-Làm-Người.

Công lý này là “tiêu chuẩn của Thiên Chúa”, hoàn toàn nhiệm xuất từ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, và sinh hoa kết trái trong tình yêu. Vì thế, công lý của Chúa mặc khải trên Thánh giá của Đức Kitô là “chiều kích cùa Thiên Chúa” vì nhiệm xuất từ tình yêu và được hoàn tất trong tình yêu, sinh ra hoa trái ơn cứu độ. Ơn cứu độ liên quan sự mặc khải về LTX viên mãn.

Chiều kích ơn cứu độ được đặt trong hiệu quả không chỉ bằng cách đem lại công lý để chịu đựng tội lỗi, mà còn phục hồi tình yêu nơi con người, vì chính con người đã từng viên mãn sự sống và sự thánh thiện đến từ Thiên Chúa. Theo cách này, ơn cứu độ liên quan sự mặc khải về LTX một cách viên mãn.

Mầu nhiệm Vượt qua là tột đỉnh của sự mặc khải này và hiệu của cùa LTX, có thể biện hộ cho con người, phục hồi công lý theo nghĩa của mệnh lệnh cứu độ mà Thiên Chúa đã muốn từ khi tạo dựng nhân loại. Cuộc khổ nạn của Đức Kitô nói theo cách đặc biệt đối với con người, không chỉ với người có niềm tin.

Những người không có niềm tin cũng có thể khám phá nơi Ngài về mối liên kết với số phận con người, cũng như sự hài hòa trọn vẹn của sự dấn thân vô vị lợi vì con người, vì chân lý và vì yêu thương. Nhưng chiều kích của Mầu nhiệm Vượt qua còn thâm thúy hơn. Thập giá trên đồi Can-vê, nơi mà Đức Kitô đã đối thoại lần cuối với Chúa Cha, nổi bật lên từ chính trái tim yêu thương của con người, vốn được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa, đã được làm thành tặng phẩm theo kế hoạch đời đời của Thiên Chúa.

Như Đức Kitô đã mặc khải, Thiên Chúa không chỉ thân thiện với thế giới với tư cách Tạo hóa và nguồn hiện hữu, mà Ngài còn là Cha: Ngài liên kết với con người, và Ngài mời gọi họ hiện hữu trong thế giới vô hình, bằng mối liên kết thân mật hơn. Đó là tình yêu không chỉ tạo điều tốt mà còn cho tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì Ngài yêu thương và muốn trao ban chính Ngài. Và Ngài cũng mời gọi chúng ta chia sẻ chân lý và tình yêu nơi Thiên Chúa.

Tín điều Công đồng Nicê-Constantinopolitan xác nhận: “Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Thập giá là bằng chứng tuyệt vời về giao ước của Thiên Chúa đối với nhân loại – mỗi con người đều là giao ước này. Thập giá là giao ước mới đã được thiết lập trên đồi Can-vê, không hạn chế với một người nào.

Thập giá của Đức Kitô nói gì với chúng ta? Thập giá lại cho chúng ta một sứ điệp quan trọng: “Đức Kitô phục sinh”.

Những người thấy ngôi mộ trống trở thành nhân chứng về Đức Kitô phục sinh. Nhưng ngay trong vinh quang Thiên Chúa, Thập giá vẫn còn. Thập giá đó vẫn nói và không ngừng nói về Thiên Chúa Cha, Đấng tuyệt đối trung tín với tình yêu đời đời của Ngài đối với con người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).

LTX là tình yêu tuyệt đối. Tin vào tình yêu này là tin vào LCTX. Tin vào Chúa Con bị đóng đinh là “thấy Chúa Cha” (x. Ga 14:9), nghĩa là tin tình yêu đó hiện hữu trong thế giới và tình yêu này mạnh hơn mọi điều ác nơi mọi người, nơi nhân loại, hoặc cả thế gian. LCTX là chiều kích tuyệt đối của tình yêu.
Tình yêu mạnh hơn tử thần và mạnh hơn tội lỗi
Thập giá của Đức Kitô trên đồi Can-vê cũng là nhân chứng đối với sức mạnh của sự ác chống lại Con Thiên Chúa, chống lại một người con trong những người con của nhân loại, con người đó có bản chất vô tội, chống lại những người sinh ra trong thế gian chưa bị hoen ố vì sự bất tuân phục của Adam và ảnh hưởng Tội nguyên tổ. Và ở đây, chính nơi Đức Kitô, công lý được thực hiện đối với tội lỗi bằng giá máu hy sinh của Ngài, bằng cách “vâng lời cho đến chết trên Thập giá” (Pl 2:8).

“Ngài chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Ngài” (2 Cr 5:21). Công lý cũng được đem tới để liên quan cái chết, mà từ đầu lịch sử nhân loại đã bị nối kết với tội lỗi. SỰ chết đã được công lý thực hiện bằng giá của cái chết của Con Người không hề có tội và chiến thắng bằng cái chết: “Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Ngài đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (x. 1 Cr 15:54-57).

Chúa Con, Đấng đồng bản thể với Chúa Cha, đã hoàn lại công lý cho Thiên Chúa bằng chính Thập giá, đồng thời mặc khải LTX, đó là tình yêu trái ngược với những gì cấu thành nguồn gốc điều ác trong lịch sử nhân loại: chống lại tội lỗi và sự chết.

Thập giá là sự hạ mình sâu thẳm nhất của Thiên Chúa đối với loài người và những số phận bất hạnh của loài người – nhất là những lúc khó khăn và đau khổ. Thập giá như là “cách tiếp xúc” của tình yêu vĩnh hằng đối với những vết thương của loài người; đó là sự hoàn tất trọn vẹn của chương trình cứu độ nhân loại mà Đức Kitô đã bày tỏ tại Đền Thờ ở Nadarét (x. Lc 4:18-21) và đã được ngôn sứ Gioan Tẩy giả lặp lại (x. Lc 7:20-23).

Theo cách nói của tiên tri Isaia (x. Is 35:5; 61:1-3), chương trình này cốt ở việc mặc khải về LCTX đối với người nghèo, người đau khổ, tội nhân, người mù, người bị đàn áp và bị bóc lột. Trong Mầu nhiệm Vượt qua, các giới hạn của “sự dữ đa chiều” mà nhân loại “ăn chia” đã bị vượt qua: Thật vậy, Thập giá của Đức Kitô làm chúng ta hiểu căn nguyên sâu xa của sự dữ, đã bị gắn sâu trong tội lỗi và sự chết; vì thế Thập giá trở nên dấu hiệu tận thế (eschatological sign).

Chỉ trong sự hoàn tất cuối cùng và sự canh tân cuối cùng của thế giới mà tình yêu sẽ chiến thắng, trong những người Chúa chọn, hoa trái chín muồi của vương quốc sự sống và vinh quang bất tử. Việc thiết lập sự hoàn tất cuối cùng này có nơi Thập giá của Đức Kitô và trong cái chết của Ngài.

“Chúa Giêsu đã sống lại vào ngày thứ ba” (x. 1 Cr 15:4), điều đó cấu thành dấu hiệu cuối cùng của sứ vụ cứu độ, dấu hiệu hoàn tất toàn bộ mặc khải về LCTX trong thế-gian-bị-cái ác-chế-ngự. Đồng thời cấu thành dấu hiệu tiên báo “trời mới và đất mới” (Kh 21:1), lúc “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21:4).

Trong sự hoàn tất cuối cùng, LCTX sẽ được mặc khải là tình yêu, trong khi trên thế gian, trong lịch sử nhân loại, cùng với lịch sử của tội lỗi và sự chết, tình yêu phải được mặc khải là LCTX và cũng phải được hiên thực hóa là LCTX. Chương trình cứu độ của Đức Kitô, chương trình của LTX, trở thành chương trình của Dân Ngài, chương trình của Giáo hội.

Ngay tại trung tâm của chương trình đó luôn có Thập giá, vì chính nơi Thập giá mà sự mặc khải LCTX đạt tới đỉnh cao. Khi “những cái cũ bị tẩy sạch” (x. Kh 21:4), Thập giá vẫn còn được dẫn chứng những từ ngữ trong sách Khải huyền của Thánh Gioan: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3:20).

Theo cách đặc biệt, Thiên Chúa cũng mặc khải LTX khi Ngài mời gọi nhân loại “thương xót” Con Một Ngài là Đấng-bị-đóng-đinh. Đức-Kitô-bị-đóng-đinh chính là Ngôi-Lời-không-qua-đi: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mt 24:35), và Ngài là người “đứng trước cửa và gõ vào cửa lòng của mỗi người” (x. Kh 3:20), không hạn chế tự do nhưng tìm cách rút ra từ chính lòng yêu chuộng tự do, đó không chỉ là hành động đoàn kết với Con-Người-chịu-đau-khổ (Đức Kitô), mà còn là dạng LTX được mỗi người trong chúng ta thể hiện với Con của Chúa Cha hằng hữu.

Trong toàn bộ chương trình cứu độ của Đức Kitô, trong toàn bộ mặc khải về LTX qua Thập giá, phẩm giá con người có thể được tôn trọng hơn và được đề cao hơn, vì đạt được LTX. Đức Kitô đã xác định: “Các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40).

Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu nói đến một trong Bát Phúc (Tám mối phúc thật): “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7). Điều đó cấu thành một bản tổng hợp của toàn bộ Tân ước, toàn bộ “sự trao đổi tuyệt vời” (admirable commercium) bao gồm trong đó. Sự trao đổi này là luật của kế hoạch cứu độ, luật này vừa đơn giản, vừa mạnh mẽ, vừa dễ dàng.

Thể hiện ngay từ đầu những gì mà “trái tim con người” có thể thương xót, những từ ngữ này không từ Bài Giảng Trên Núi mặc khải viễn cảnh mầu nhiệm thẳm sâu của Thiên Chúa: Tính đồng nhất bí ẩn của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trong đó tình yêu bao gồm công lý, đặt trong LTX, mặc khải sự hoàn hảo của công lý.

Mầu nhiệm Vượt qua là Đức Kitô ở đỉnh cao của sự mặc khải về mầu nhiệm bí ẩn của Thiên Chúa. Đó là những lời được nói đã hoàn toàn nên trọn: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14:9). Thật vậy, Đức Kitô là Đấng mà Chúa Cha “cũng không tha” (Rm 8:32) vì nhân loại, Đấng phải chịu khổ hình Thập giá đã không được nhân loại thương xót, Đấng đã mặc khải tình yêu viên mãn trong sự phục sinh của Ngài mà Chúa Cha đã dành cho Ngài, nơi Ngài, và cho nhân loại: “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Mc 12:27).

Trong sự phục sinh, Đức Kitô đã mặc khải Thiên Chúa của LTX, vì Ngài đã chấp nhận Thập giá là đường tới phục sinh. Vì thế, khi chúng ta nhớ tới Thập giá, cuộc Khổ nạn và Sự chết của Đức Kitô, đức tin và đức cậy của chúng ta tập trung vào Đấng Phục Sinh: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20:19-20). Rồi Ngài nói với họ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:22-23).

Ở đây Chúa Con có kinh nghiệm về LTX đã được thể hiện với Ngài, nghĩa là tình yêu của Chúa Cha mạnh hơn Tử thần. Đức Kitô cũng vậy, vào lúc cuối của sứ vụ cứu độ, Ngài đã mặc khải chính Ngài là Nguồn Thương Xót vô tận, về chính tình yêu ấy, trong viễn cảnh lịch sử cứu độ nơi Giáo hội, được xác nhận là lớn hơn mọi tội lỗi của nhân loại.

Đức Kitô Vượt Qua là hiện thân cuối cùng của LTX, dấu hiệu sống động trong lịch sử nhân loại cho đến tận thế. Trong tinh thần đó, phụng vụ mùa Phục sinh đặt trên môi miệng chúng ta những lời của Thánh vịnh: “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài” [Tv 89 (88):2].

(Chuyển ngữ từ TheDivineMercy.org)
________________________________________
(*) Septuagint, quen gọi là Bản Bảy Mươi. Bản Kinh thánh phổ thông (Vulgate) chủ yếu là công của thánh Giêrônimô, và được ĐGH Damasus I ủy nhiệm năm 382. Lúc đó, bản này là tiêu chuẩn trong Giáo hội, nhưng đến thế kỷ XVI có vài trăm bản được in, với nhiều thay đổi. Công đồng Trentô tuyên bố rằng Bản Kinh thánh phổ thôn là xác thực khi đọc công khai, tranh luận, giảng thuyết và bình luận, và truyền lệnh xem xét kỹ lưỡng. Nghĩa là bản phổ thông này là bản Kinh thánh chính thức của Giáo hội. Bản này cũng được Công đồng Vatican I và Vatican II sử dụng.


Nguồn:  http://www.vietcatholic.net/News/Html/97133.htm

Mittwoch, April 11, 2012

Đức Maria và tương lai đại kếtVũ Văn An4/11/2012

Giáo Hội ‘là’ sự hợp nhất không tì ố và bất khả tiêu của tình yêu Chúa Ba Ngôi được tràn đổ trên Nữ Tỳ của Người và được nữ tỳ này tiếp nhận”
Năm thánh 2000 khiến nhiều người hy vọng có được một chứng tá hợp nhất của Kitô Giáo về hồng ân Thiên Chúa tự hiến cho thế gian. Ta nghe nhiều người thảo luận hăng say về tương lai của đại kết, khi các giáo hội Kitô Giáo bắt đầu cảm thấy nhu cầu khẩn thiết phải có một biểu thức bề ngoài nói lên sự hợp nhất trong niềm tin của họ vào Thiên Chúa Ba Ngôi, để thế giới thấy mà tin. Chọn đề cập tới chủ đề này từ một góc nhìn có lẽ là bất ngờ nhưng nó cho phép ta định vị sự hợp nhất Kitô Giáo vào chính nguồn gốc của nó là Thiên Chúa. Các giáo hội Kitô Giáo vốn chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa, “nhờ sự kết hợp với Chúa Kitô và sự ngụ cư của Chúa Thánh Thần” (Novo Millennio Ineunte, 31). Theo nghĩa sâu xa nhất, sự hợp nhất mà ta đang cố gắng đạt tới thực ra đã được ban cho ta trong hồng ân Thiên Chúa. Hồng ân này đã được Đức Maria tiếp nhận; lời ưng thuận đơn giản của ngài đối với Ngôi Lời Thiên Chúa có thể dẫn ta tới chỗ làm chứng tá cho việc nên một trong sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. Cho nên, trước khi bắt đầu cuộc thảo luận về tương lai của việc hợp nhất Kitô Giáo, ta phải cùng với Đức Maria lắng nghe Lời Người, là cách hay hơn hết để biện phân được bản chất của sự hợp nhất này và nguồn gốc phát sinh ra nó.

Nền tảng của Đại Kết

“Để chúng nên một; như Cha, lạy Cha, Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha, để cả chúng nữa cũng ở trong chúng ta, hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17:21). Sự hợp nhất được Chúa Giêsu cầu xin và chịu đau khổ cho, sự hợp nhất Người muốn chia sẻ với toàn thể nhân loại ấy chính là sự hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa từng được mạc khải trong cái chết và sự phục sinh của Người. Sự hợp nhất này chính thức bước vào lịch sử nhân loại khi Đức Maria Thành Nadarét nói lời “xin vâng” đối với kế hoạch của Thiên Chúa.

Tân Ước làm chứng rằng sự hợp nhất của Thiên Chúa và kế hoạch của Người là một mầu nhiệm của Tình Yêu: “Vì Thiên Chúa quá yêu thế giới đến nỗi đã ban Con Một của Người, để bất cứ ai tin vào Người sẽ không bị diệt vong trái lại được sống muôn đời” (Ga 3:16). Khi Thánh Gioan Thánh Sử nói về tình yêu Thiên Chúa, rõ ràng ngài nghĩ tới tình yêu vô lượng của Chúa Cha đối với thế giới, tuy nhiên, giáo huấn của ngài đi xa hơn thế. Người môn đệ yêu dấu biết rằng “Ai yêu mến thì sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa… vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4:7-8). Khi viết “Thiên Chúa là tình yêu”, ngài nghĩ tới Đấng Thiên Chúa tự tại trong chính Người: tức Tình Yêu Ba Ngôi, khởi nguồn từ Chúa Cha sinh Chúa Con trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần. Bởi thế, theo Tân Ước, sự hợp nhất trong yếu tính Thiên Chúa phải được hiểu theo nghĩa Tình Yêu, theo nghĩa việc hiến mình đã phát sinh ra Chủ Thể Khác để Chủ Thể này là Một với mình, trong cùng một Thánh Thần.

Chúa Giêsu phán: “Cha Thầy với Thầy là một” và “Vinh quang mà Cha đã ban cho Con, Con cũng đã ban cho chúng, để chúng nên một như Cha với Con là một, Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng hoàn toàn trở nên một, ngõ hầu thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và yêu thương chúng như đã yêu Con” (Ga 17:23). Chúa Giêsu không cầu xin Chúa Cha ban thứ hợp nhất hạng nhì, phản ảnh yếu ớt các mối liên hệ Ba Ngôi; Người cầu xin rằng cùng một tình yêu từng hợp nhất Người với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần cũng sẽ hợp nhất mọi môn đệ của Người, “để chúng cũng được thánh hiến trong sự thật” (Ga 17:19) và được “thấy vinh quang mà Cha đã ban cho Con” (Ga 17:24). Đối tượng tối hậu của lời Người cầu xin là sự chia sẻ vinh quang của Chúa Cha vốn rực sáng trong Chúa Thánh Thần. Thành thử, sự hợp nhất ở đây không hẳn là sự hợp nhất mô phỏng mà là sự tham dự vào chính mối liên hệ Ba Ngôi (1).

Thiên Chúa tình yêu muốn chia sẻ sự hợp nhất của Người với ta. Sự hợp nhất này xuống với ta khi Ngôi Lời mặc lấy xác phàm. Khi Con của Chúa Cha trở thành Con của Đức Maria, Người dẫn khởi tình yêu Ba Ngôi vào các liên hệ nhân bản làm nguyên tắc mới cho hợp nhất.

Đức Maria, trường dạy hiệp thông đại kết

Đức Maria là người lãnh nhận nguyên tắc này trước nhất khi ngài dùng đức tin thưa “xin vâng” đối với lời truyền tin của thiên thần rằng ngài sẽ là mẹ Con Thiên Chúa. Nhờ ơn thánh của lời xin vâng được nói lên trong Chúa Thánh Thần này, tình yêu Ba Ngôi đã tràn vào linh hồn và thân xác ngài để tạo ra việc các liên hệ nhân bản tham dự vào các liên hệ Ba Ngôi, qua Ngôi Lời nhập thể trong lòng ngài.

Trong đức tin, mối liên hệ mẹ con của ngài với Chúa Giêsu là trường học đầu tiên dạy sự hiệp thông Ba Ngôi trên thế giới, giữa lòng nhân loại. Chính Chúa Giêsu, trong tư cách nhân bản, cũng đã học tập để biết cách sống mối liên hệ của Người với Chúa Cha qua mối liên hệ mẫu tử với Đức Maria.

Thánh Giuse cũng được đưa vào Vương Quốc Tình Yêu qua việc chấp nhận ơn gọi độc đáo làm chồng Đức Trinh Nữ và là cha Con Trẻ vốn không phải là con mình. Ngài cũng tin vào mầu nhiệm Tình Yêu và không những chỉ là người bảo vệ và giám hộ mối liên hệ độc đáo giữa người mẹ này và Con Trẻ, mà còn tham dự vào mối liên hệ đó theo cách riêng của ngài nữa.

Trong mối liên hệ với Thánh Giuse, Chúa Giêsu, Đấng lúc nào cũng ý thức rõ mối liên hệ độc đáo với Cha trên Trời của Người, muốn nói lên để Thánh Giuse hiểu sự tùng phục của Người đối với thánh ý Chúa Cha trên Trời và lòng biết ơn của Người vì có được một người cha phàm trần luôn chăm sóc Người và mẹ Người trong mọi sự.

Nhà quán quân của đại kết

Đức Gioan Phaolô II vốn suy nghĩ sâu sắc về mầu nhiệm hiệp thông trong gia đình nhân bản của Chúa Giêsu, qua đó, ta thoáng nhận ra gia đình Ba Ngôi của Người, một gia đình luôn sáng ngời ở hậu trường. Ngài từng biến suy tư này thành chủ đề được nhắc đi nhắc lại trong suốt triều đại của ngài, từ Tông Huấn Familiaris Consortio tới Thông Điệp Evangelium Vitae, từ Lá Thư viết về phẩm giá phụ nữ, Mulieris Dignitatem Lá Thư Gia Đình, tới Thông Điệp Redemptoris Mater và, dĩ nhiên, Lá Thư Redemptoris Custos, chuyên về Thánh Giuse và vai trò của thánh nhân trong Thánh Gia, mà Đức Thánh Cha gọi là Giáo Hội Tại Gia đầu tiên.Tổng bộ các giáo huấn vừa kể giải thích cho ta hiểu lý do tại sao Đức Gioan Phaolô II đã biến hôn nhân và gia đình thành ưu tiên mục vụ hàng đầu trong triều giáo hoàng của ngài, và tiết lộ cho thấy sự linh hứng và nền tảng cuộc đấu tranh của ngài cho phẩm giá nhân vị và sự tôn trọng nhân quyền. Ngài để lại cả một di sản gồm nhiều khai triển quan trọng đối với hình ảnh của Công Đồng về Giáo Hội được coi như gia đình của Thiên Chúa, một hình ảnh bắt đầu xuất hiện như một phạm trù đầy hứa hẹn của giáo hội học, nhất là tại Phi Châu (2).

Đại kết vốn là ưu tiên khác của triều đại Đức Gioan Phaolô II (Ut Unum Sint, 99); Ngài phát huy nó bằng việc trung thành tuân theo các nguyên tắc của Công Đồng Vatican II. Nhờ thế, ngài đã thực sự trở thành nhà quán quân độc nhất vô nhị của chính nghĩa hợp nhất Kitô Giáo. Nhờ giáo huấn, các cuộc tông du và nhất là các nghĩa cử của mình, ngài đã mở rộng cánh cửa Giáo Hội Công Giáo đón nhận một tình huynh đệ mới mẻ với các giáo hội và cộng đồng giáo hội khác. Việc chuẩn bị năm thánh, Thông Điệp Ut Unum Sint, các lời xin được tha thứ, việc cùng mở cửa thánh tại Nhà Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành với Tổng Giám Mục Canterbury và một vị tổng giám mục thuộc tòa thượng phụ Constantinốp, bàn tay khiêm nhường nhưng cương quyết chìa ra cho người Chính Thống trong các cuộc tông du mới đây, tất cả đều chứng tỏ một ý thức khẩn trương đối với chính nghĩa đại kết, và một quyết tâm dùng mọi phương thế có thể có để đáp ứng ý muốn của Chúa Kitô đối với Giáo Hội của Người. Cuộc thăm viếng Rôma gần đây của một phái đoàn chính thức của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, thoạt đầu tuy có vẻ miễn cưỡng, nhưng đủ để đánh thức được niềm hy vọng về một hòa giải gần kề giữa các giáo hội, dù đường xem ra vẫn còn xa hơn ta tưởng.

Đàng khác, phải chăng việc tái hợp nhất trọn vẹn với Giáo Hội Chính Thống Nga không thể có được ngoại trừ nhờ một cuộc hồi tâm sâu xa hơn và nhờ những liên hệ thân hữu chân thực hơn giữa đôi bên? Việc thực thi ưu tiên vĩ đại này trong triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II đòi hỏi nhiều suy nghĩ và sáng kiến mạnh bạo, kiên nhẫn và đầy sáng tạo. Nhưng, vì hợp nhất vốn là hồng ân của Chúa, vì nó là hồng ân được Chúa lấy ra từ sự hiệp thông của chính Người, nên ta phải dành suy nghĩ của ta không những để canh tân cơ cấu, thói quen và não trạng, mà trên hết còn canh tân các thái độ nền tảng để Lời Thiên Chúa được tiếp nhận.

Vì hợp nhất trước hết là một ơn thánh, nên nó không phải là việc “của chúng ta” mà nó là việc của Thiên Chúa, và là việc chúng ta tiếp nhận chính Người. Chính vì thế, ta chọn nói về tương lai của đại kết trong tương quan với vai trò của Đức Maria trong gia đình Thiên Chúa, tức Giáo Hội của Người. Đối với ta, dường như việc canh tân phong trào đại kết trong ngôi trường Maria sẽ có sức mở ra nhiều chân trời mới cho cuộc hoà giải giữa các giáo hội. Do đó, ta sẽ bàn tới 3 điều: trước hết, Đức Maria và cuộc canh tân đại kết do Công Đồng Vatican II cổ vũ; thứ hai, Đức Maria và nền “linh đạo hiệp thông” do Đức Gioan Phaolô II đề ra trong Tông Huấn Novo Millenio Ineunte; thứ ba, “hình bóng Maria” của Giáo Hội và các vang dội đại kết của nó theo quan điểm của Hans Urs von Balthasar.

Một số người có thể cho đây là một đề nghị lạ lẫm, và điều này quả có rủi ro. Người ta sợ rằng vì thế mà có sự nghiêng về một Thánh Mẫu Học quá ư biệt lập của thời tiền Công Đồng. Nhưng trong hành động táo bạo này, ta có tiền lệ là nhóm đại kết Dombes. Trong hai năm 1997 và 1998, Nhóm này cho công bố một tài liệu tuyệt vời về Đức Maria Trong Kế Hoạch Thiên Chúa Và Trong Hiệp Thông Các Thánh. Nhóm gồm khoảng 40 nhà thần học Công Giáo và Cải Cách này đã đưa ra một tổng hợp tuyệt diệu qua kết luận sau đây: “Trọn công trình của chúng tôi cho thấy Đức Maria tuyệt đối không tạo nên bất cứ lý do gì khiến người ta biến ngài thành biểu tượng cho điều hiện đang phân rẽ chúng ta” (3). Một suy tư tương tự cũng đang diễn ra trong cuộc đối thoại chính thức giữa Giáo Hội Công Giáo và Hiệp Thông Anh Giáo. Há chúng ta lại không hân hoan trước sự sáp lại gần nhau quan trọng này và niềm hy vọng một ngày gần đây một Công Đồng chung về việc hợp nhất các Kitô hữu, với ơn Chúa, sẽ cử hành việc tái hiệp thông trọn vẹn giữa các giáo hội? Ta hoàn toàn xác tín rằng cuộc đối thoại về Đức Maria sẽ đẩy nhanh cuộc hòa giải này, vì không còn chính nghĩa nào thân thiết hơn đối với Mẹ Thiên Chúa cho bằng sự hợp nhất của gia đình Thiên Chúa.

1. Tiến tới việc canh tân đại kết trong ngôi trường Maria

Nhiều tiến bộ lớn lao đã điễn ra kể từ ngày Giáo Hội Công Giáo long trọng và nhất quyết tham dự phong trào Đại Kết tại Công Đồng Vatican II. Tuy nhiên, thời điểm quan trọng nhất tại Công Đồng không phải là lúc bỏ phiếu cho văn kiện Unitatis Redintegratio thiết lập ra các nguyên tắc Công Giáo cho đại kết, mà là lúc bỏ phiếu khác đáng chú ý hơn vì phiên họp gồm hai phe có số phiếu gần như ngang nhau, chỉ khác nhau 50 phiếu, sau một cuộc tranh luận nẩy lửa, cuối cùng đã quyết định lồng bản văn về Đức Trinh Nữ Maria, một bản văn lúc đầu được quan niệm là riêng rẽ, vào Hiến Chế về Giáo Hội, tức Hiến Chế Lumen Gentium. Quyết định hết sức quan trọng này đánh dấu bước ngoặt trong phương thế xử lý Đức Maria và Thánh Mẫu Học, không còn là một khoa riêng biệt nữa, nhưng đã trở thành một phần của giáo hội học và Kitô học. Được coi như một tấn công chống lại phong trào Thánh Mẫu, quyết định này đã khuyến khích rất nhiều việc sáp lại gần nhau giữa Giáo Hội Công Giáo và các giáo hội Kitô Giáo anh em vốn chống đối những quá lạm của lòng sùng kính Đức Maria trong Giáo Hội Công Giáo.

Trong số các giờ phút quan trọng của đại kết, ta phải kể đến việc ngày 7 tháng 12 năm 1964, Rôma và Constantinốp qua đại diện là Đức Phaolô VI và Thượng Phụ Athenagoras, cùng nhau bãi bỏ án tuyệt thông lẫn nhau vào năm 1054. Cử chỉ có ý nghĩa biểu tượng vĩ đại này đã nâng cao niềm hy vọng vào một sự hợp nhất nay mai giữa hai giáo hội anh em, là hai giáo hội hiện đã hòa giải nhưng chưa hiệp thông trọn vẹn với nhau như hồi thiên niên kỷ thứ nhất. Đàng khác, ta cũng lưu tâm tới các thoả thuận Kitô học được ký kết giữa Giáo Hội Công Giáo và một số Giáo Hội Đông Phương cổ xưa, trong đó, có các Giáo Hội Acmêni, Coptíc và Atsiri. Rồi còn tuyên ngôn rất quan trọng nữa là “Tuyên Ngôn Chung Về Công Chính Hoá” ký ngày 31 tháng 10 năm 1999 giữa Giáo Hội Công Giáo và Liên Minh Luthêrô Thế Giới. Gần đây hơn, việc cử hành Năm Thánh 2000 càng đẩy mạnh hơn nữa các hoài mong ngày càng lớn mạnh về một sự tái lập hiệp thông trọn vẹn giữa các môn đệ của cùng một Chúa, vốn tuyên xưng cùng một Tin Mừng trên khắp thế giới.

Làm thế nào vượt thắng được các trở ngại vẫn còn hiện diện trên đường tiến tới chứng tá chung mà mọi Kitô hữu phải cung hiến trước mặt thế giới? Ngày nay, ta hiểu biết nhiều hơn các giới hạn nhân bản từng làm chậm bước chân ta hướng tới hiệp thông trọn vẹn; chính vì vậy, ta phải phục hưng tinh thần đại kết thiêng liêng, một tinh thần luôn đặt các cố gắng nhân bản dưới ánh sáng thích ứng của chúng và luôn được coi là linh hồn của phong trào đại kết (4). Điều này buộc ta phải làm sống lại việc tha thiết cầu nguyện cho hợp nhất, noi gương Chúa Kitô, Đấng vốn tha thiết cầu xin Cha Người cho cùng một mục đích. Ta nhớ rằng lời khẩn cầu của Người xin sự hợp nhất cho các môn đệ “để thế gian tin”. Tuy nhiên, ta không nên quên rằng lời cầu xin ấy, trước hết, quan tâm tới vinh quang Chúa Cha: “Lạy Cha, xin vinh danh Con Cha, để Con vinh danh Cha” (Ga 17:1). Chúa Giêsu không tìm vinh danh cho riêng Người; nếu Người cầu xin cho Người được vinh danh thì chính là vì để Chúa Cha được vinh danh mà thôi. Thái độ của Người hoàn toàn đặt trọng tâm vào Chúa Cha, Đấng mà Người muốn vinh danh trong sứ mạng của Người như Người vẫn hằng vinh danh từ thuở đời đời. Ước nguyện sâu xa nhất của Chúa Giêsu không phải là sự thành công trong sứ mệnh của mình, mà là Chúa Cha được nhìn nhận, được yêu mến và được vinh danh trên thế giới, qua sự hợp nhất của con cái mình, những kẻ mà Người sẵn sàng tự hiến cho.

Thái độ con thảo này của Chúa Giêsu được truyền qua Đức Maria vào lúc Nhập Thể. Chúa Thánh Thần, Đấng phủ bóng lên ngài, trước nhất đã qui hướng tâm hồn và đức tin của ngài vào thái độ này, để ngài xứng đáng đón chào vị khách thần thiêng, là chính Con Đấng Tối Cao, đến đổ tràn ơn thánh trên ngài, biến ngài thành nơi cư trú của mình. Chính vì thế, Đức Maria phải trong trắng với một lòng trong trắng không ai sánh bằng, vì trong việc vâng nghe Ngôi Lời, ngài đã mặc lấy chính thái độ của Ngôi Lời vĩnh cửu, hoàn toàn hướng về Chúa Cha từ trước cả khi có tạo thành trời đất (Ga 1:18). Do đó, mà có sự hợp nhất hoàn toàn giữa Mẹ và Con, trong cùng một Thần Trí ca ngợi, vâng lời và phụng sự Vinh Quang Chúa Cha. Giáo Hội đã được sinh ra từ sự hợp nhất ấy; vì Giáo Hội vốn “là” sự hợp nhất không tì vết và không thể hủy tiêu của tình yêu Ba Ngôi tràn đổ trên và được tiếp nhận bởi Nữ Tỳ Thiên Chúa.

Há đức tin sống động của Đức Maria vào Ngôi Lời hằng sống của Thiên Chúa đang ngụ cư nơi ngài này không luôn luôn là qui phạm cho đức tin của Giáo Hội vào Thánh Kinh đó sao? Làm thế nào ta có thể lập lại được sự hợp nhất các giáo hội nếu không phải là nhờ thái độ đón chào và vâng nghe Ngôi Lời Thiên Chúa? Đức Maria là nhắc nhở sống động khiến ta hướng lên Chúa Giêsu, phó thác mọi nhu cầu của ta cho Người, và làm theo lời Người dạy. Tại sao ta không xin Chúa Thánh Thần phủ bóng trên phong trào đại kết để, cùng với Đức Maria, ta tìm được thái độ đúng đắn trước Ngôi Lời? Phong trào đại kết thiêng liêng sẽ không thể thực hiện được tiến bộ nào thêm nếu không có sự canh tân và phát triển nào mới trong phạm vi này. Tuần lễ cầu nguyện cho hợp nhất Kitô Giáo phải mỗi lúc một chứng tỏ rõ ràng hơn về tình yêu của ta đối với Ngôi Lời. Các cử hành trong Đại Năm Thánh có mục đích khơi dậy niềm hy vọng ấy. Ước gì Năm Thánh này đừng bị thất vọng vì sự quên lãng phong trào đại kết thiêng liêng của ta!

2. “Biến Giáo Hội thành nhà và trường dạy hiệp thông”

Dưới tiêu đề trên, Tông Thư Novo Millennio Ineunte đề nghị rằng “về phía Giáo Hội hoàn vũ và các giáo hội đặc thù, cần đưa ra cam kết và kế hoạch” cho một nền linh đạo hiệp thông có khả năng “mặc lấy và biểu lộ chính yếu tính của mầu nhiệm Giáo Hội” (số 42). “Biến Giáo Hội thành nhà và trường dạy hiệp thông: đây là thách thức lớn lao đang đặt ra cho ta trong thiên niên kỷ đang bắt đầu” (số 43).

Thách thức lớn lao ấy đòi ta phải có một chương trình cụ thể và tiến hành được, nhưng trước hết, nó giả thiết phải có một “tinh thần” mà nếu thiếu nó “các cơ cấu bên ngoài của hiệp thông sẽ chẳng ích lợi chi” (số 43). Trong thời đại hoàn cầu hóa và khát vọng nóng bỏng của nhân loại muốn có “căn nhà chung” không những cho Âu Châu mà cho cả thế giới này, Giáo Hội của thiên niên kỷ mới cảm thấy từ mọi phía một nỗi khẩn trương muốn được tái lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng đang nói với các giáo hội Á Châu, Phi Châu, Mỹ Châu và nhiều nơi khác, để có thể nghe được tiếng kêu của người nghèo và đem lại cho họ tin vui của Nước Chúa đang tới. “Biến Giáo Hội thành nhà và trường hiệp thông” là một lý tưởng luôn bắt đầu với việc cùng người nghèo gặp gỡ Chúa Kitô, với việc gặp gỡ người nghèo tên Kitô, một cuộc gặp gỡ làm nền móng cho việc tuyệt đối tôn trọng con người, bất kể các giới hạn và thiếu sót của họ. Ta thường nghĩ tới chứng từ cảm động của Jean Vanier trong Lễ Hiện Xuống năm 1998 khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu gọi mọi phong trào và cộng đồng mới của Giáo Hội tới Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Trước mặt Đức Thánh Cha, ông nói tới phẩm giá không ai được vi phạm của những người bé nhỏ nhất và yếu kém nhất. Giáo Hội là ngôi trường đó của yêu thương, một ngôi trường luôn dành ưu tiên cho những người yếu đuối nhất, bị đe doạ nhiều nhất, vì chính nơi họ, Giáo Hội nhận ra Chúa Kitô đang xin ta tình yêu và cảm thương. Mẹ Têrêxa chỉ dạy có thế khi bà ôm lấy Chúa Kitô nơi bất cứ ai nghèo khổ vì Người là người Nghèo Nhất trong số các người nghèo. Đó chính là nguồn tạo ra tác động có tính cùng khắp thế giới của lời chứng nơi bà, một lời chứng minh họa rõ nét phong trào đại kết bằng thánh thiện.

Như thế, như ta đã nhắc trên đây, nền “linh đạo hiệp thông” giả thiết “ trái tim phải chiêm niệm mầu nhiệm Ba Ngôi ngự trong ta, và ta cũng phải có khả năng nhận ra ánh sáng của Người chiếu rọi trên khuôn mặt anh chị em quanh ta” (NMI số 43). Cái nhìn thấy được ánh sáng Thiên Chúa vừa ở bên trong lòng vừa ở bên ngoài ấy chính là cái nhìn của Đức Maria, Đấng đầy ơn phúc. Đó là cái nhìn của đức tin qui hướng vào vị Khách bên trong, nhưng lại trực tiếp dẫn tới hành động tức khắc và đầy chăm chú. “Ngài vội vàng đi thăm người chị em họ Êlisabét”. Sau này, tại tiệc cưới Cana, ngài sẽ thấy niềm vui tiệc tùng bị đe dọa nên đã đơn thành can thiệp: “Các anh hãy làm mọi điều Người truyền cho các anh”. Dưới chân Thánh Giá, Người Mẹ thấy cạnh sườn Con bị thâm thủng nhưng vẫn đứng thẳng, bằng đức tin, trong cơn đau khôn xiết, lòng cùng thống khổ (com-passion). Từ đầu tới cuối, cuộc chào đón ngài dành cho Ngôi Lời nhập thể hết sức đơn sơ, chăm chú, hân hoan, kín đáo, và được diễn dịch hoàn toàn thành phục vụ. “Phúc cho bà, người đã tin!” Giáo Hội ngợi ca như thế khi cố gắng chia sẻ cùng một tinh thần.

Sự đơm bông của hiệp thông này trong Giáo Hội đòi các thái độ chào đón, trao đổi, hòa giải và liên đới giữa mọi người. Do đó, “giới răn mới” (Ga 13:34) và “con đường cao hơn” của đức ái như mô tả của Tông Đồ Dân Ngoại (1 Cor 13) thực là quan trọng. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, vị tiến sĩ của tình yêu, coi sứ mệnh của mình trong Giáo Hội như một chứng nhân cho Tình Yêu siêu việt và sinh động mọi đặc sủng. Sứ mệnh hiện sinh và thần học của bà là sống thứ tình yêu bao gồm mọi người và ôm lấy mọi người ấy, một tình yêu khiến bà đại đồng đến thế, và nhờ đó hết sức gần gũi với Mẹ Thiên Chúa. Di hài của vị nữ bổn mạng các xứ truyền giáo này hiện đang du hành khắp thế giới, từ Bắc xuống Nam và từ Đông qua Tây chính là một bí tích của Tình Yêu không biên giới. Xin Thánh Nữ gợi hứng cho Phong Trào Đại Kết và cổ vũ nơi các giáo hội và cộng đồng giáo hội một sự cởi mở hơn đối với Thánh Thần Tình Yêu, Đấng đã tạo nên sự hợp nhất trong đa dạng.

Tính tối thượng của Tình Yêu cũng đem lại cho ta một cái hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của định chế giáo hội, với những cơ chế quản trị, tham khảo và tham dự. Nền linh đạo hiệp thông “cung cấp linh hồn cho thực tại định chế” bằng cách “thúc đẩy sự tin tưởng và cởi mở” giúp mọi thành viên dân Chúa thi hành trách nhiệm riêng của họ. Tông Huấn Novo Millennio Ineunte kịp thời nhắc nhở ta nghĩ tới nhu cầu phải chứng thực và khai triển “thừa tác vụ Phêrô và tính hiệp đoàn giám mục” thành “các phục vụ chuyên biệt cho hiệp thông” (số 44). Tuy nhiên, vì phương pháp thượng hội đồng không phải là phương pháp dân chủ đại nghị, nên mọi biến đổi chính đáng mà ta có thể mong ước trong việc phân chia trách nhiệm cách tốt hơn giữa trung tâm và ngoại vi phải được đặt trong luận lý học hiệp thông, do cảm thức mầu nhiệm Giáo Hội điều hướng. Sự hợp nhất của Giáo Hội và của các giáo hội chắc chắn sẽ tùy thuộc ở việc cải thiện các cơ cấu tham gia, nhưng phải có điều kiện này là không được đánh giá thấp sức mạnh của tình yêu và tha thứ, là sức mạnh luôn giải phóng nhiều năng lực sâu xa hơn là các cuộc thương thảo hay hành động ngọai giao.

Về phương diện này, kinh nghiệm của Phong Trào Focolare rất có tính biểu tượng và đầy hứa hẹn cho tương lai đại kết. Nền linh đạo hợp nhất của phong trào không là gì khác hơn “Via Mariae”, Con Đường Thánh Mẫu, Đấng đã tiếp nhận Chúa Giêsu trong tâm hồn và trong lòng mình, và hiến Người cho thế giới (5). “Công trình của Đức Maria” (tên chính thức của phong trào) không chuyên biệt cổ vũ dung mạo Đức Maria; đúng hơn, nó tiếp nhận sự quyết đoán và hiệp thông của ngài với Chúa Giêsu bị bỏ rơi, Đấng đã phát sinh ra sự hợp nhất yêu thương mạnh hơn sự chết. Các kinh nghiệm vô kể của Chiara Lubich về đại kết và cả liên tôn nữa đều qui về một đại kết sống và đại chúng (de popolo) mà hiện Giáo Hội đang hết sức cần đến, ngõ hầu trở nên khả tín hơn đối với con mắt thế giới.

Trên bình diện các liên hệ đại kết, nền linh đạo hiệp thông ghi nhận các thành quả đã được mô tả trong Thông Điệp Ut Unum Sint, đặc biệt là tình huynh đệ mới mẻ vừa tìm lại được giữa các giáo hội và cộng đồng giáo hội. Tình huynh đệ vừa tìm lại được này, một tình huynh đệ thay thế cho thái độ chống đối nhau trong quá khứ, đã phản ảnh một cách tích cực hơn cách xưng hô đối với các giáo hội anh em: trước đây bị coi là “phân rẽ” nay là anh em chưa hiệp thông trọn vẹn với chúng ta. Các cuộc gặp gỡ của ta với các anh em này trong các dịp cử hành, đối thoại và cùng dấn thân chung càng ngày càng chứng tỏ một cách rõ hơn rằng tình huynh đệ và “đối thoại không phải chỉ đơn thuần là những trao đổi ý nghĩ. Xét theo một phương diện, chúng luôn là việc “trao đổi quà phúc” (UUS số 28; LG số 13). Các trao đổi này càng ngày càng đòi một cách tha thiết hơn phải có một cuộc “đối thoại bằng hồi tâm” không phải chỉ của cá nhân, mà còn của các giáo hội nữa.

3. “Hình bóng Maria” của Giáo Hội và cuộc đối thoại đại kết

Duyệt lại các cuộc đối thoại đại kết của 20 năm vừa qua cho ta thấy ý niệm koinonia, hiệp thông, đã trở thành quan niệm chủ yếu cả đối với nền giáo hội Công Giáo lẫn các đối tác đối thoại đa dạng của ta nữa. Có một sự đồng qui đáng chú ý chung quanh quan niệm Thánh Kinh này. Nó vốn nằm ở tâm điểm khoa giải thích giáo hội học của Công Đồng Vatican II. Các tranh luận chung quanh việc giải thích thích đáng thuật ngữ hiện tồn trong (subsistit in) đã cho thấy điều đó một cách rõ ràng, nhất là sau tuyên bố Dominus Jesus của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Ta phải hiểu ra sao việc Giáo Hội công giáo hiện tồn trong Giáo Hội Rôma mà vẫn không đồng nhất với giáo hội này đến độ loại bỏ mọi thực tại giáo hội khác, là các thực tại xem ra đã phân ly khỏi sự hiệp thông của giáo hội này?

Việc giải thích sự hiện tồn của Giáo Hội như “chủ thể” hiệp thông khiến người ta thắc mắc về bản chất của Giáo Hội, về mối liên hệ giữa các chiều kích phổ quát và đặc thù hay địa phương của Giáo Hội cũng như về mối liên hệ giữa tính tối thượng của giáo hoàng và tính hiệp đoàn của hàng giám mục. Các thắc mắc này hiển nhiên có ảnh hưởng tới cách ta quan niệm việc phục hồi sự hiệp thông trọn vẹn giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và các giáo hội cùng cộng đồng giáo hội khác. Cuộc tranh luận này đang được khai triển trong chính Giáo Triều Rôma. Tại nơi này, cuộc tranh luận mới đây giữa các vị hồng y Joseph Ratzinger (Đức đương kim Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI) và Walter Kasper đã làm nổi bật các tiêu chí của nền giáo hội học hiệp thông. Thiển nghĩ cuộc tranh luận ấy sẽ có thêm sinh khí nếu hoà nhập được nền giáo hội học Thánh Mẫu của Hans Urs von Balthasar, người đã dùng nền thần học biểu tượng để giải quyết vấn đề hợp nhất trong Giáo Hội (6).

Theo Balthasar, tính ưu tiên của Giáo Hội phổ quát đối với Giáo Hội địa phương phải được đặt cơ sở, không phải nơi Giêrusalem, Antokia hay Rôma, mà đúng hơn nơi Đức Maria, Đấng đã dùng đức tin tiếp nhận và bước vào hiệp thông với Ngôi Lời nhập thể. Nhà thần học này cho rằng Giáo Hội Công Giáo bắt đầu không phải ở lễ Ngũ Tuần, mà ở trong căn phòng tại Nadarét, nơi việc hiệp thông giữa Mẹ và Con trong Chúa Thánh Thần đã chứa đủ các đặc điểm của Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Giáo Hội, từng tiền hữu trong tâm trí Thiên Chúa, vốn là người con gái Sion, mà theo lịch sử, đã được bản vị hóa nơi Đức Maria; xét về phẩm tính, Giáo Hội hiện tồn trong con người “đặc thù” và “công giáo” này, người đã kết hợp Giáo Hội phổ quát với từng giáo hội địa phương. Từ con người Đức Maria, tức Giáo Hội đầu tiên, sự hợp nhất của Giáo Hội đã diễn ra trong tính đa phức của nhiều cộng đoàn, mà không có cả việc hủy tiêu phổ quát trong đặc thù lẫn sự hoà tan của đặc thù trong phổ quát. Ở bất cứ đâu, sự hợp nhất thiêng liêng và bản vị nơi Maria-Giáo Hội này đều phát sinh từ hiệp thông Thánh Thể được mỗi cộng đoàn môn đệ chia sẻ khi cùng với ngài, họ tiếp nhận Thánh Thần của lễ Ngũ Tuần.

Chúa Thánh Thần, Hồng Phúc của Chúa Cha qua Chúa Con, đem tình thân mật của Ba Ngôi vào mối liên hệ Kitô-Maria-Giáo Hội. Không quan niệm phàm nhân nào có thể hoàn toàn mô tả được thực tại này, nó vốn là một mầu nhiệm của đức tin. Hình ảnh vĩ đại về hôn lễ mà Thánh Phaolô áp dụng vào Chúa Kitô và Giáo Hội đã lắp bắp nói được đôi điều về sự hiệp thông vô cùng thân mật này. Các hệ luận của nền giáo hội học hôn lễ này cần được nghiên cứu thêm, nhờ tác động qua lại (perichoresis) giữa Đức Maria và Giáo Hội từng được mô tả trong nền thần học giáo phụ, ngõ hầu soi rọi được một ánh sáng mới vào các vấn nạn đầy tranh cãi liên quan tới các thừa tác vụ tông đồ và Phêrô.

Đức Gioan Phaolô từng hàm nghĩa điều đó khi ngài mô tả “hình bóng Maria” (Marian profile) của Giáo Hội, coi nó như điều nền tảng đối với sự hợp nhất của Giáo Hội hơn là “nguyên lý Phêrô” (7). Trong số 27 của văn kiện Mulieris Dignitatem, vượt ra ngoài sự dè dặt thường lệ vốn dành cho các văn kiện huấn quyền, Đức Thánh Cha đã trích dẫn nhà thần học, lúc đó, vẫn còn sống, là Hans Urs von Balthasar, như sau: “Hình bóng Maria này cũng có tính nền tảng và đầy đặc điểm đối với Giáo Hội như hình bóng tông đồ và Phêrô, có khi còn hơn thế nữa, dù hai hình bóng này liên kết chặt chẽ với nhau… Chiều kích Maria của Giáo Hội đi trước hình bóng Phêrô, tuy không hề phân rẽ khỏi hình bóng này hoặc kém tính bổ túc. Đấng Vô Nhiễm Maria đến trước mọi người khác, kể cả Phêrô và các Tông Đồ… những kẻ vốn sinh ra từ nhân loại bị nặng trĩu bởi tội lỗi… Một nhà thần học đương thời đã có lý khi tuyên bố rằng Đức Maria là ‘Nữ Vương Các Tông Đồ’ nhưng không có cao vọng nắm quyền tông đồ” (8). Điều mà ngài có còn lớn hơn thế nhiều.

Maria là lời đáp trả của tình yêu đối với Tình Yêu. Ngài là nữ tỳ của Chúa, người đã tiếp nhận trọn vẹn Tình Yêu của Chúa, một điều vốn cần thiết cho cõi vĩnh cửu. “Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu từng viết rằng: “thưa mẹ, trong lòng Giáo Hội, con sẽ là tình yêu, và do đó, con sẽ là tất cả!”. Đức Maria không thèm muốn quyền lực của các Tông Đồ để được đại diện cho Chúa Kitô, vì ngài đã nhập thể căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội một cách đơn giản nhưng lại hoàn toàn độc đáo và có tính bản vị. Các chiều kích cơ cấu, quyền lực, định chế trong Giáo Hội chỉ có nghĩa trong tương quan với Tình Yêu. Đức Maria không đại diện cho điều gì cả; ngài chỉ đơn giản là Giáo Hội của Tình Yêu trong chi thể nổi bật nhất của nó, mà sự ưu việt của chi thể này hệ ở mối liên hệ hiệp thông thâm sâu với mọi chi thể khác của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Một suy niệm có tính Thánh Kinh và đại kết về mối liên hệ này sẽ giúp ta làm sáng tỏ hơn nữa “phẩm trật các chân lý” rất cần thiết cho việc hợp nhất của Giáo Hội, cũng như thâm hậu hóa thái độ đại kết, một thái độ giúp ta biết tôn trọng và hội nhập các tính đa dạng nào đi đôi được với sự hợp nhất mà Chúa Kitô hằng mong muốn.

Ta xác tín rằng một cuộc đối thoại rộng rãi hơn theo các đường hướng trong cuốn “Đức Maria trong Kế Hoạch Thiên Chúa và trong Hiệp Thông các thánh” của Nhóm Des Dombes sẽ là bước hết sức quan trọng hướng tới chính nghĩa hợp nhất. Một hiểu biết rộng hơn và sâu hơn đối với sự hợp nhất phát sinh từ “nguyên lý Maria” sẽ giúp ta xác định được tốt hơn các chiều hướng tông đồ và Phêrô hiện đang là tâm điểm của cuộc tranh luận của chúng ta, cuộc tranh luận mà ta không thể nào nhất trí được cho tới khi chịu hội nhập trọn vẹn hơn chiều kích Maria và chiều kích nữ tính của Giáo Hội. Bao lâu các Giáo Hội Chính Thống và Đông Phương chưa cảm nhận được chiều sâu của việc hiệp thông hỗ tương đối với Mẹ Thiên Chúa, họ vẫn còn e ngại đối với phong trào đại kết của ta và nhất định sẽ cưỡng lại điều bị họ coi là sự xâm lấn của Tây Phương. Về phía Thệ Phản, việc định lại trung tâm do Công Đồng thực hiện và được tài liệu của Nhóm Des Dombes củng cố cho phép ta dự kiến nhiều tiến bộ có ý nghĩa trong tương lai. Thiển nghĩ, một thỏa thuận đa phương về khuôn mặt của Đức Maria theo Thánh Kinh trong tương quan của ngài với Chúa Kitô và Giáo Hội sẽ gây được một tác động có tính biểu tượng chưa từng có. Há việc ấy không thúc đẩy mọi chi thể của các giáo hội, bắt đầu là Giáo Hội Công Giáo, bước vào một cuộc hồi tâm sâu xa đối với chính nghĩa hợp nhất hay sao?
Phóng dịch bài “Mary and the Future of Ecumenism” của Đức Hồng Y Marc Ouellet, S.S., cựu Tổng Giám Mục Québec, Canada, và hiện đứng đầu Thánh Bộ Giám Mục và là chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Châu Mỹ La Tinh. (Communio 30, Xuân 2003 . © 2003 by Communio: International Catholic Review)

Chú thích
(1) Xem Klaus Scholtissek, In Ihm sein und bleiben. Die Sprache der Immanenz in den Johanneischen Schriften (Freiburg i. Breis.: Herders Biblische Studien, Herder, 2000).
(2) Xem John Paul II, Apostolic Exhortation Ecclesia in Africa (Ed. Vaticana, 1995), 63, 80–85, 92.
(3) Tài liệu của Nhóm des Dombes, Marie dans le dessein de Dieu et la communion des saints. I. Dans l’histoire et l’Ecriture; II. Controverse et conversion (La Documentation catholique, 3 và 17 Tháng 8, 1997, số 2165, 721–749; 2 và 16 Tháng 8, 1998, 719–745).
(4) Xem Walter Kasper, “Ein Herr, ein Glaube, eine Taufe. Ökumenische perspektiven für die Zukunft,” in Stimmen der Zeit, vol. 220, no. 2 (February 2002), 75–89.
(5) Chiara Lubich, La dottrina spirituale (Mondadori, 2001), 80ff.
(6) Xem Hans Urs von Balthasar, “Who Is the Church?”, trong Explorations in Theology II: Spouse of the Word (San Francisco: Ignatius, 1991); Theo-Drama III. Dramatis Personae: Persons in Christ (San Francisco: Ignatius, 1992), 263–360.
(7) John Paul II, Apostolic Letter Mulieris Dignitatem, 27, chú thích 55.
(8) Ibid., chú thích 55; H.U. von Balthasar, Neue Klarstellungen. “Address to the Cardinals and Prelates of the Roman Curia” (22 December 1987) in L’Osservatore Romano, 23 December 1987.
Nguồn:  http://www.vietcatholic.net/News/Html/97152.htm

Sonntag, April 08, 2012

Thông điệp Phục Sinh Urbi et Orbi
J.B. Đặng Minh An dịch4/8/2012

Anh chị em tại Rôma và trên toàn khắp thế giới thân mến

"Christus Surrexit, spes mea" - "Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã sống lại" (Lời Ca Tiếp Liên trong Phụng Vụ Lễ Phục Sinh).

Cầu xin cho tiếng reo vui hân hoan của Giáo Hội đến được tất cả anh chị em với những lời mà bài thánh ca cổ kính đã đặt trên môi của Maria Mađalêna, là người đầu tiên đã gặp Chúa Giêsu Sống Lại vào sáng Phục Sinh. Cô chạy đi loan báo không kịp thở cho các môn đệ khác: "Tôi đã thấy Chúa" (Ga 20:18). Chúng ta cũng đã trải qua cuộc hành trình sa mạc Mùa Chay và những ngày đau thương của cuộc Thương Khó, hôm nay chúng ta cũng cất cao tiếng reo vui mừng chiến thắng: "Ngài đã sống lại! Ngài đã sống lại thật! "

Mỗi Kitô hữu sống lại kinh nghiệm của Maria Mađalêna. Một kinh nghiệm liên quan đến một cuộc gặp gỡ thay đổi hẳn cuộc đời của chúng ta, đó là cuộc gặp gỡ với một Con Người duy nhất đã cho chúng ta cảm nghiệm được tất cả sự tốt lành của Thiên Chúa và sự thật, Người giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi không phải một cách hời hợt, thoáng qua, nhưng giải phóng triệt để chúng ta, chữa lành chúng ta hoàn toàn và khôi phục phẩm giá của chúng ta. Đó là lý do tại sao Maria Mađalêna gọi Chúa Giêsu là "hy vọng của tôi": Ngài là Đấng làm cho cô được tái sinh, là Đấng ban cho cô một tương lai mới, một cuộc sống tốt lành và tự do khỏi mọi xiềng xích tội lỗi. "Chúa Kitô, hy vọng của tôi" có nghĩa là tất cả khao khát của tôi cho điều thiện hảo tìm thấy ở nơi Ngài một khả năng đạt đến viên mãn thực sự, với Ngài tôi có thể hy vọng cho một cuộc sống tốt đẹp, viên mãn và vĩnh cửu, vì Thiên Chúa đã xích lại gần chúng ta, thậm chí chia sẻ thân phận con người của chúng ta.

Tuy nhiên, Maria Mađalêna cũng như các môn đệ khác, phải nhìn thấy Chúa Giêsu bị khước từ bởi các nhà lãnh đạo dân chúng, bị bắt, đánh đòn, bị kết án tử và đóng đinh. Thật là không thể chịu đựng được khi phải chứng kiến sự tốt lành nơi một con người bị đưa ra làm trò lăng mạ, phải nhìn thấy sự thật bị chế nhạo bởi sự dối trá, và lòng thương xót bị lạm dụng bởi sự trả thù. Với cái chết của Chúa Giêsu, niềm hy vọng của tất cả những ai đã đặt niềm tin nơi Ngài dường như bị tan biến. Nhưng đức tin ấy không bao giờ thất bại hoàn toàn: đặc biệt là ở trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, ánh lửa đức tin của Mẹ bừng lên ngay cả trong thâm u của đêm đen. Trong thế giới này, không có niềm hy vọng nào có thể tránh không phải đối diện với sự khắc nghiệt của cái ác. Hy vọng không chỉ bị lung lạc bởi bức tường của cái chết mà thôi, nhưng còn bị dằn vặt tàn bạo hơn nhiều bởi những lời nhạo báng do ghen tị và kiêu ngạo, dối trá và bạo lực. Chúa Giêsu đi ngang qua cuộc đời trần thế muôn mặt này để mở một con đường dẫn đến vương quốc của sự sống. Ở một thời điểm nào đó, Chúa Giêsu dường như kẻ chiến bại: bóng tối xâm chiếm mặt đất, Thiên Chúa hoàn toàn im lặng, và hy vọng dường như chỉ còn là một từ ngữ trống rỗng.

Và đây, vào buổi bình minh của ngày thứ nhất sau ngày Sa-bát, ngôi mộ được tìm thấy trống rỗng. Sau đó, chính Chúa Giêsu tỏ mình ra cho Maria Mađalêna, và những người phụ nữ khác, rồi tới các môn đệ của Ngài. Đức tin lại được tái sinh, sống động và mạnh mẽ hơn bao giờ hết, bây giờ đức tin ấy là bất khả chiến bại vì đức tin ấy được thui rèn bởi một kinh nghiệm đảo lộn hồn xác: "Cái chết tương tranh với cuộc sống: cuộc chiến kết thúc lạ kỳ! Nhà vô địch của cuộc sống đã bị giết chết, giờ đây sống lại để trị vì hiển vinh". Những dấu hiệu của sự phục sinh làm chứng cho sự chiến thắng của cuộc sống trên sự chết, tình yêu trên hận thù, lòng thương xót trên sự trả thù trả oán: "Tôi đã thấy vinh quang của Chúa Kitô khi Ngài sống lại ra khỏi ngôi mồ mà người sống đã lấp lại. Các thiên thần xác nhận cùng với tấm vải liệm và những băng vải".

Anh chị em thân mến!

Chỉ khi Chúa Giêsu sống lại, chỉ khi đó mới có một cái gì đó thật sự là mới mẻ đã xảy ra, một cái gì đó thay đổi tình trạng của nhân loại và thế giới. Khi đó, Chúa Giêsu là Đấng mà chúng ta có thể đặt niềm tin tuyệt đối. Chúng ta không những có thể đặt niềm tin của chúng ta nơi thông điệp của Ngài, nhưng cả chính nơi Chúa Giêsu, vì Đấng Phục Sinh không thuộc về quá khứ, nhưng hiện diện sống động ngày hôm nay. Chúa Kitô là niềm hy vọng và niềm an ủi một cách đặc biệt cho những cộng đồng Kitô hữu đau khổ tột cùng vì đức tin khi đứng trước những phân biệt đối xử và ngược đãi. Người hiện diện như là một lực hy vọng thông qua Giáo Hội của Người, một Giáo Hội gần gũi với tất cả các tình huống đau khổ và bất công của con người.

Xin Chúa Kitô Phục sinh ban hy vọng cho Trung Đông và cho tất cả các dân tộc, xin cho các nhóm văn hóa và tôn giáo trong khu vực đó biết làm việc cùng nhau để thúc đẩy thiện ích chung và tôn trọng nhân quyền. Đặc biệt là ở Syria, cầu xin cho sớm có một kết thúc cho tình trạng đổ máu và có được một dấn thân tức khắc trên con đường đối thoại, tôn trọng và hòa giải, như cộng đồng quốc tế đã kêu gọi. Xin cho nhiều người tị nạn từ quốc gia đó, là những người đang cần hỗ trợ nhân đạo có thể tìm thấy sự chấp nhận và tình liên đới có khả năng làm giảm nhẹ những đau khổ khủng khiếp của họ. Xin cho chiến thắng Phục sinh khích lệ người dân Iraq không bỏ qua bất kỳ nỗ lực nào trong việc theo đuổi con đường hướng đến sự ổn định và phát triển. Tại Thánh Địa, xin cho người Israel và Palestine can đảm tái khởi động một tiến trình hòa bình mới mẻ.

Xin Chúa, Đấng chiến thắng sự dữ và cái chết, duy trì các cộng đồng Kitô hữu của lục địa châu Phi, xin Ngài ban cho họ hy vọng trước những khó khăn mà họ đang phải đương đầu, và làm cho họ trở nên những người kiến tạo hòa bình và là các tác nhân phát triển trong xã hội của mình.

Xin Chúa Giêsu Phục sinh an ủi những người đang đau khổ trong vùng Sừng Phi châu và tạo điều kiện cho hòa giải. Xin Ngài phù giúp khu vực Đại Hồ, Sudan và Nam Sudan, và ban cho người dân trong vùng sức mạnh tha thứ. Tại Mali, nơi giờ đây đang đối diện với những diễn biến triển chính trị tế nhị, xin Đức Kitô vinh quang ban cho họ hòa bình và ổn định. Với Nigeria, nơi trong thời gian gần đây đã trải qua các cuộc tấn công khủng bố dã man, xin niềm vui Lễ Phục Sinh ban sức mạnh cần thiết để tái khởi động việc xây dựng một xã hội hòa bình và tôn trọng tự do tôn giáo của công dân.

Chúc Mừng Phục Sinh cho tất cả!

+ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI

Samstag, April 07, 2012

ĐỨC ĐỒNG TRINH CỦA ĐỨC MẸ VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ VỚI THỜI ĐẠI TA


Tác giả: Vũ Văn An
nguồn:  http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=396&ia=12104
Trong một thế giới đầy rẫy dối trá, tham lam, bạo loạn và phóng túng, người có lòng trong sạch, trung thực, khiêm tốn quả là một sức mạnh lớn lao. Thế giới chúng ta đang cần sự trong sạch. Người Kitô hữu chúng ta có sứ mệnh mở tung tâm trí cho sự thật, trung thực trong mọi sự, để các đam mê của ta được Thánh Thần sự thật và tình yêu điều hướng. Về phương diện này, Đức Mẹ Đồng Trinh là mẫu mực của ta.
Trong Giáo Hội, một số chi thể được Chúa chọn để thực hành đức trong sạch trong bậc độc thân để phục vụ Nước Trời. Thiên Chúa ban cho họ sức mạnh để họ khước từ hôn nhân và hiến trọn tình yêu của họ cho Chúa Kitô cũng như hiến trọn cuộc sống họ cho Nước Trời giữa lòng thế gian. Tuy nhiên, mọi Kitô hữu đều được mời gọi sống đức khiết trinh trong đức tin, trong tâm, trong trí và sống đức trong sạch phù hợp với bậc sống của mình. Điều này có nghĩa gì? Ơn gọi như thế có nghĩa gì trong thế giới của ta ngày nay? Nhìn lên Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng trọn đời Đồng Trinh, chúng ta hy vọng tìm được câu trả lời.
Khiết trinh trong đức tin
Thánh sử Luca kể cho ta nghe chuyện một phụ nữ kia, cảm kích vì lời Chúa Giêsu giảng, và say sưa vì các phép lạ Người làm, bỗng nghĩ tới mẹ của Người mà thốt lên: “Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú” (Lc 11:27). Nàng ca tụng mẹ của Người đã sinh hạ một người con qúy như thế, đã dưỡng nuôi và dưỡng dục Người. Tuy nhiên, Chúa lại cho nàng hay đâu mới là sự vĩ đại chân thực của mẹ Người, khi Người đáp lại rằng: “Đúng hơn, phúc thay những ai nghe lời Thiên Chúa và vâng theo nó” (Lc 11:28). Chắc chắn việc Con Thiên Chúa tiếp nhận xác thịt trong lòng Đức Mẹ là một vinh dự lớn lao cho Đức Mẹ. Ấy thế nhưng sự vĩ đại chân thực của Đức Mẹ lại hệ ở việc ngài mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Thiên Chúa. Đức Maria là người đầu tiên được áp dụng mối phúc đó. Hơn bất cứ ai, Đức Mẹ lắng nghe lời Chúa, đem lời ấy sinh hoa kết trái trong cuộc sống của mình. Chính vì thế, Thánh Augustinô nói về Ngài rằng: “Đức Maria có phúc vì Ngài tin vào Chúa Kitô hơn là vì Ngài tượng thai Chúa Kitô trong xác thịt mình” (De virg. 3). Đức tin của Đức Mẹ “không bị pha tạp bởi bất cứ sự hoài nghi nào” (LG 63). Trong tâm hồn Ngài, không hề có một dè dặt tri thức, một sợ sệt, hay một điều kiện nội tâm nào đối với Thiên Chúa.
Tất cả chúng ta nên mở rộng lòng ra với Chúa như Đức Mẹ. Có đức khiết trinh trong đức tin là biết tiếp nhận một cách vô điều kiện sứ điệp của Phúc Âm như đã được Giáo Hội công bố và đem ra thực hành trong cuộc sống ta. Sẽ có những lúc ở trong đời, ta muốn thốt lên: “tôi không hiểu điều đó. Giáo Hội đòi hỏi quá đáng. Về việc ấy, tôi có ý nghĩ khác hẳn!”. Nhưng nếu trong những thời điểm như thế, ta biết để lương tâm ta rộng mở đón nhận sự thật, ta sẽ tới gần với Chúa hơn và tìm được an bình cho tâm hồn mình. Sự thật giải phóng ta và là bảo kê để ta được hạnh phúc đích thực. Ngày nay, nhiều người xem ra muốn nghĩ rằng bạn vẫn là người Công Giáo tốt, dù không chấp nhận một số tín điều về đức tin và luân lý. Họ cho rằng cái hiểu và lương tâm riêng của họ đã đủ để đưa ra các quyết định luân lý. Tuy nhiên, đức tin trinh khiết lúc nào cũng biết lắng nghe Thiên Chúa. Đức tin ấy đã biến thành niềm tín thác đầy yêu thương vào Thiên Chúa, vì biết rằng Người không thể lừa dối ta.
Sẽ luôn luôn có những sự thật của đức tin và những sự thật này không thể hòa hợp với tinh thần thời đại. Trong xã hội duy đa nguyên ngày nay, nhiều tín hữu thấy khó nhìn nhận việc Chúa Giêsu Kitô rất khác với các vị sáng lập ra các tôn giáo khác. Họ cũng khó chấp nhận việc đức tin của ta không phải chỉ là một trong nhiều con đường dẫn ta tới Thiên Chúa, mà là con đường chân thực duy nhất. Nhiều người khác tấn công giáo huấn của Giáo Hội, không coi thụ thai nhân tạo và thụ thai ngoài dạ mẹ là điều sai trái về phương diện luân lý, là điều không phù hợp với lệnh truyền yêu thương và sinh sản của Chúa và do đó là điều không được phép. Yêu Chúa là sẵn sàng chấp nhận một cách biết ơn giáo huấn của Giáo Hội trong toàn bộ tính không pha chế của nó. Đức tin khiết trinh là đức tin dám mạnh bạo nói với Thánh Phaolô rằng: “Chúng tôi không thể làm gì chống lại sự thật, nhưng chỉ hoạt động cho sự thật mà thôi” (2Cor 13:8).
Khiết trinh trong tâm tư
Cuộc đối thoại giữa tổng lãnh thiên thần Gabrien và Nữ Trinh Nadarét cho ta một thoáng nhìn về tâm tư Đức Mẹ. Ta nhận rõ, nơi Ngài, lý trí và đức tin đã cùng nhau hành động ra sao. Khi sứ thần Thiên Chúa đưa tin Ngài sẽ hạ sinh một con trai mà Ngài sẽ đặt tên cho là Giêsu (xem Lc 1:30-33), Ngài hỏi lại: “Việc đó xẩy ra thế nào được, vì tôi là trinh nữ?” (Lc 1:34). Câu hỏi của Ngài trước hết cho thấy Đức Maria không đơn thuần tiếp nhận sứ điệp của thiên thần một cách thụ động. Đức tin không thay thế suy tư của con người, nhưng thách thức nó, mở rộng phạm vi của nó, mở nó ra hướng về tâm trí và kế hoạch Thiên Chúa. Tín hữu Kitô Giáo sử dụng lý trí của mình để phục vụ công trình cứu rỗi. Khi Đức Maria nghe lời thiên thần, Ngài chạm trán với nỗi khó khăn xem ra mâu thuẫn trong ơn gọi hai mặt. Thẩm sâu trong tâm hồn, Ngài thấy mình được kêu gọi sống khiết trinh, nhưng thiên thần lại bảo Ngài sẽ sinh hạ một con trai. Tâm tư khiết trinh và đầy đức tin của Ngài hiện rõ trong phản ứng của Ngài. Ngài không bác bỏ lời truyền tin của tổng lãnh thiên thần, Ngài không nói thế, điều đó không thể nào, Ngài chỉ hỏi: “Việc đó xẩy ra thế nào được, vì tôi không có chồng?”. Chữ thế nào giúp ta thoáng nhìn ra tâm tư khiết trinh của Ngài. Ngài đã không phản ứng với chữ không vô tín, mà với lời thỉnh cầu của niềm tin: làm thế nào để mở cửa đón nhận công trình của Thiên Chúa nơi Ngài. Thiên thần giải quyết nỗi khó khăn của Ngài bằng cách cho Ngài hay: ngoài sự chờ mong của mọi người, Êlisabét đã thụ thai một con trẻ dù đã cao niên. Việc nhắc nhớ tới sự kiện Thiên Chúa có thể làm được điều con người không thể làm được này đã đủ đối với một thiếu nữ khiêm hạ của Nadarét. Ngài không dè dặt phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa và kế hoạch của Người dành cho nhân loại.
Suy nghĩ của Đức Maria rất đơn giản và sâu sắc. Tâm tư Ngài vừa không ngây thơ vừa không phức tạp. Ngài không bận bịu với việc suy nghĩ về chính mình, nhưng bản ngã Ngài hoàn toàn mở ra đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Ngài. Nơi Ngài, không hề có bóng dáng của sự tự phụ, tự cao tự đại, luôn chỉ biết tự phân tích mình đến độ thành tâm thần phân liệt (split personality), tâm tư rối loạn. Trái lại, trọn ơn gọi tuyệt diệu và hết sức vĩ đại làm Mẹ Thiên Chúa của Ngài cũng như sự hợp tác với tư cách nàng dâu và thân mẫu trong công trình Cứu Chuộc của Thiên Chúa của Ngài đều đặt căn bản trên lòng trung thành không tì vết và trinh khiết của trái tim thanh sạch và vô nhiễm của Ngài, trên thái độ suốt đời làm con cái Chúa một cách đơn sơ.
Ta học được từ Đức Mẹ cách lột mặt nạ “cha sự dối trá” (Ga 8:44). Ngài giúp ta tránh được những bào chữa, những kênh kiệu hay chân lý nửa vời đầy khập khiễng, không để kiêu căng hay ghen tị thống trị ta, không cho phéo suy nghĩ của ta trở thành ngựa hoang. Thánh Phaolô dạy ta “đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa, bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi đến chỗ vâng phục Đức Kitô” (2 Cor 10:4-5). Có những suy tư chân thực và tốt lành mở ra nhiều thế giới mới cho ta và luôn điều hướng ta về Thiên Chúa, vốn là sự thiện cao cả nhất của ta. Nhưng cũng có những suy tư nguy hiểm nhằm phá hoại đức tin và lòng trung thành của ta đối với Giáo Hội, hay tình yêu của ta với người bạn đời hay ơn gọi làm linh mục hay đời sống tận hiến. Như Thánh Phaolô từng sợ các suy tư của tín hữu Côrintô “dần dần đâm ra hư hỏng, mất sự đơn sơ đối với Đức Kitô” (2Cor 11:3).
Khiết trinh trong tâm tư đòi người ta phải khiêm hạ, không ngừng định hướng tâm tư họ vào Chúa và chân lý của Người. Người có tâm tư như thế luôn mở cửa đón nhận mọi linh hứng của chân lý đến đánh động họ. Họ trung thực và trong sạch trong ý định, trong lời nói và trong việc làm của mình. Nếu ta là những người như thế, ta sẽ nhận được sự khôn ngoan của Chúa và trông nhờ sự giúp đỡ và chúc phúc của Người
Khiết trinh trong tâm hồn
Từ ngày Evà và Adong phạm tội, trái tim con người đã bị phân chia. Tội lỗi phá tan sự hoà điệu nội tâm của ta, sự kết hợp giữa ta với Chúa, với chính mình và với người khác. Với Đức Maria, có khác, ngài không mắc tội nguyên tổ và tội bản thân. Trọn đời sống Ngài thuộc về Chúa. Khi Chúa gọi Ngài, Ngài vâng theo Chúa một cách vô điều kiện. Không một lúc nào trong đời Ngài, Ngài đã duyệt lại sự ưng thuận của mình, hay không sống trọn vẹn lời ưng thuận đó. Ngài giúp ta đạt được việc hoàn toàn trao phó đời mình trong trắng cho Thiên Chúa.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy ta: “Không nô lện nào làm tôi hai chủ; vì hoặc họ ghét chủ này và yêu chủ kia, hay tận tụy với chủ này và khinh ghét chủ kia. Các con không thể phục vụ cả Thiên Chúa lẫn của cải” (Lc 16:13). Như thế, Chúa cảnh giác ta đừng phạm bất cứ tội thờ ngẫu thần nào, tội thoả hiệp và bất lương nào. Thế giới cần những người đàn ông đàn bà chịu để ánh sáng Phúc Âm soi sáng và cai quản cuộc sống họ, chứ không cần những Kitô hữu chỉ có nửa trái tim. Thế giới ngày nay cần những chứng nhân chân thực và đáng tin tưởng. Ta sẽ bất lương, nếu ta chờ mong người khác sống một đời đạo hạnh, còn ta, ta lại không chịu cố gắng sống đạo hạnh; nếu ta chỉ trích lỗi lầm của người khác mà không liên tục cố gắng cải tiến chính tính khí của ta; nếu ta tố cáo người khác sai lầm nhưng lại bào chữa các tội lỗi của ta. Nếu cha mẹ cầu cho con cái được ơn có đức tin mạnh mẽ, thì họ đừng đặt cản trở trên đường đi của chúng, nếu Chúa kêu gọi chúng vào ơn gọi linh mục hay tu dòng. Để bảo toàn được sự khiết trinh trong tâm hồn, ta phải chiến đấu chống lại các thèm khát của xác thịt và ngũ quan. Ở đây, con mắt trong sáng và kỷ luật lành mạnh đối với các xúc cảm, tâm tình và trí tưởng tượng của ta sẽ giúp ích rất nhiều, cũng như việc khước từ bất cứ khoái cảm nào trong suy nghĩ khiến ta xa rời mệnh lệnh của Chúa (xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 2520). Điều cũng quan trọng là sự nết na (modesty) lành mạnh, là thứ luôn che chở thẩm cung con người và sự huyền nhiệm của họ. Nó khích lệ “sự kiên nhẫn và điều độ trong các liên hệ yêu thương” và mởi gọi ta chọn lựa lối ăn mặc đứng đắn, kín đáo và vừa phải (xem SGLCGHCG các số 2521-2522).
Khiết trinh trong thân xác
Từ buổi đầu, Giáo Hội đã tuyên xưng rằng Đức Maria chịu thai Con Thiên Chúa trong lòng mình do quyền năng Chúa Thánh Thần, không có sự can dự của bất cứ người đàn ông nào. Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo cũng khẳng định rằng: “sự khiết trinh của Đức Maria chứng tỏ sáng kiến tuyệt đối của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể” (SGLCGHCG số 503) và rằng: “Chúa Giêsu là Adong mới, người khai mở sự tạo dựng mới” (SGLCGHCG số 504). Con Trai của Đức Maria Khiết Trinh xuất thân từ Thiên Chúa và tất cả những ai muốn trở nên anh chị em của Người, đều phải tái sinh từ trên cao. “Việc tham dự vào sự sống Thiên Chúa phát sinh ‘không phải do máu huyết cũng không phải do ý muốn của xác thịt cũng như do ý muốn của người đàn ông, mà là do Thiên Chúa’ (Ga 1:13)” (SGLCGH số 505).
Trong xã hội ngày nay, ta chạm trán với hiện tượng quá nhấn mạnh tới tính dục một cách thiếu lành mạnh. Sự thù nghịch mà người ta cho là thời xưa vốn có cần được vượt qua và sự khoái ngất của yêu đương, nhất là trong chiều kích tính dục, cần phải được thử nghiệm và hưởng thụ trọn vẹn. Nhưng nếu như thế, thì thân xác con người đâu có được kính trọng trong phẩm giá mà Thiên Chúa vốn muốn nó có.. Trong thông điệp Deus caritas est, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI viết rằng: “cách thế hiện đại nhằm triển dương thân xác quả là lừa đảo. Ái tình, được giảm lược thành làm tình, đã trở thành một món hàng, một ‘sự vật’ đơn thuần có thể mua và bán được, hay đúng hơn, chính con người cũng trở thành một món hàng. Khó mà nói đó là lời chấp nhận vĩ đại của con người đối với thân xác”. Như thế, con người nhân bản, vốn là cả thân xác lẫn linh hồn, chỉ có thể đạt được hạnh phúc và tình yêu chân thực, nếu họ sẵn sàng tiến theo “nẻo đường đi lên, từ bỏ, thanh tẩy và chữa lành”. Nhân đức dẫn ta đi vào nẻo đường ấy chính là đức trong sạch. Nhân đức này sẽ giúp ta không để cho các đam mê tính dục điều khiển ta, nhưng tích hợp được tính dục vào chính cuộc sống ta một cách trưởng thành, như một ơn phúc của Đấng Hóa Công vốn thuộc chính hữu thể đàn ông và đàn bà của ta. Điều này có nghĩa gì trong cuộc sống thực tiễn của ta?
Mọi người rửa tội đều được kêu gọi sống trong sạch. Điều này có nghĩa: vợ chồng phải kết hợp với nhau trong một tình yêu chân thực và giữ lòng chung thủy với nhau, cho đến chết. Họ được mời gọi hiến thân cho nhau “trong thánh thiện và danh dự, chứ không trong đam mê thèm muốn, như dân ngoại vốn không nhận biết Thiên Chúa” (1Tx 4:4). Trong phạm vi này, với một tinh thần làm cha mẹ có trách nhiệm, họ có thể sử dụng hay không sử dụng các phương pháp kiểm soát sinh sản tự nhiên để có con, nếu họ có đủ lý do nghiêm chỉnh bên trong các giới răn của Chúa. Tuy nhiên, họ phải khước từ một cách có ý thức việc sử dụng thuốc ngừa thai, như thông điệp “Sự Sống Con Người” của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI từng đòi hỏi. Hành động như thế, họ sẽ thấy tình yêu đối với nhau của họ sẽ vững mạnh hơn và thành thực hơn. Các cặp vợ chồng này sẽ là một khích lệ lớn lao đối với người trẻ, người độc thân, bất luận là chưa lập gia đình hay ở góa, biết sống cuộc sống tiết dục của họ. Nhờ gương sáng và chứng tá của họ, có thể giúp các cặp đang chuẩn bị hôn nhân, nhờ ơn Chúa, tiếp tục duy trì được đức trong sạch cho tới ngày thành hôn.
Giới trẻ có thể tìm được trợ giúp trong các nhóm và các phong trào như Tình Yêu Chân Thực Biết Chờ Đợi (True Love Waits), là phong trào đang khuyến khích người trẻ biết phát triển một tình bạn ấm áp với Chúa Giêsu và cam kết sống khiết trinh trước hôn nhân. Tận hiến cho Đức Mẹ, một tập tục từng được duy trì hay mới được phục hưng tại một số nơi, cũng là một trợ giúp lớn lao cho người trẻ nào biết hân hoan sống trọn nhân đức khiết trinh của mình. Ngày nay, lúc truyển thông, nhà trường và cả nhà trẻ nữa đang tràn ngập những thông tin một chiều về tính dục, thì cha mẹ cần tỉnh táo trong việc đào luyện con cái mình bằng cách trợ giúp chúng đúng lúc.
Ngày nay, chứng tá của các Kitô hữu trong việc sống cuộc sống độc thân và khiết trinh được coi là cần thiết hơn bao giờ hết. Ở mỗi thời đại, “vì nước trời” (Mt 19:12), Chúa đều chọn những người đàn ông và đàn bà tự ý khước từ cuộc sống hôn nhân đầy tốt đẹp để dâng hiến trọn vẹn tình yêu của mình cho Chúa Kitô, cam kết chọn làm cha mẹ thiêng liêng vì lợi ích của anh chị em mình. Cuộc đời họ là một tặng phẩm Chúa dành cho Giáo Hội và là một dấu chỉ mạnh mẽ cho thế giới mà người ta không nên bỏ qua. Nếu các linh mục và tu sĩ sống ơn gọi của họ cách hân hoan, họ sẽ gây được ảnh hưởng lớn lao đối với người chung quanh và làm chứng được rằng trong Chúa Kitô, ta sẽ tìm được hạnh phúc đích thật và lâu bền.
Lớn lên trong Tình Yêu
Đức Mẹ khuyến khích ta trong bất cứ ơn gọi nào của ta. Mối phúc “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8) đã nên trọn trong Đức Nữ Trinh và là Mẹ Thiên Chúa. Trong Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, ta thấy có câu giải thích như sau: “‘Tâm hồn trong sạch’ chỉ những ai biết liệu cho trí tuệ và ý muốn của mình phù hợp với những đòi hỏi của sự thánh thiện của Thiên Chúa, nhất là trong ba lãnh vực: đức ái, đức trong sạch hay sự ngay thẳng về tính dục, lòng yêu mến sự thật và sự chính thống của đức tin. Có một sự nối kết giữa sự trong sạch của tâm hồn, sự trong sạch của thân xác và sự trong sạch của đức tin” (SGLCGHCG số 2518).
Đức Maria có thể và chắc chắn sẽ giúp ta cố gắng duy trì được sự trong sạch trong tâm hồn hay lấy lại được sự trong sạch ấy. Nhờ thế, ta sẽ có khả năng thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và trong chân lý ngõ hầu thấy được sự tốt lành của Người trên gương mặt Chúa Giêsu Kitô. Để thấy Chúa đời đời, ta cần có một tâm hồn trong sạch. Ngay bây giờ và ở đây, tâm hồn trong sạch đã giúp ta biết nhìn thế giới dưới ánh sáng của Chúa, biết nhận ra hình ảnh Đấng Tạo Dựng nơi người khác, và “biết nhìn thân xác con người, thân xác ta cũng như thân xác người lân cận, như là đền thờ của Chúa Thánh Thần, biểu hiệu cái đẹp thần thánh của Người” (SGLCGHCG số 2519).
Đức Maria muốn giúp biến ta thành những người biết yêu thương. Sự khiết trinh trong đức tin, trong tâm tư, trong tâm hồn và trong thân xác của Ngài mời gọi ta hoàn toàn phó thác cho tình yêu Thiên Chúa như Ngài đã làm, bằng cách luôn lớn lên trong tình yêu cho tới hơi thở cuối cùng của đời ta. Cuộc đời Đức Maria là hồng phúc của tình Chúa xót thương nhân loại. Ta hãy cầu xin Ngài làm cho linh hồn ta mãi mãi khát khao tình yêu Chúa. Trong thông điệp về Đức Ái Kitô Giáo, Đức Thánh Cha từng khuyên ta nên nhìn lên Đức Mẹ và cầu xin Ngài giúp ta: “Đức Maria đã thực sự trở nên Mẹ mọi tín hữu. Đàn ông và đàn bà mọi thời và mọi nơi đều chạy đến với lòng nhân hậu từ mẫu và đức trong sạch trinh khiết cũng như ơn phúc của Ngài, trong mọi nhu cầu, mọi khát vọng, mọi niềm vui và nỗi buồn, mọi giây phút lẻ loi và mọi cố gắng chung của họ. Họ luôn cảm nhận được ơn phúc từ nhân và tình yêu không ngừng mà Ngài luôn tuôn đổ ra từ thẳm sâu tâm hồn Ngài… Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, Mẹ đã ban cho thế giới ánh sáng chân thực, là Chúa Giêsu Con Mẹ, và là Con Thiên Chúa. Mẹ đã phó thác hoàn toàn cho tiếng gọi của Chúa và do đó đã trở thành dòng suối tốt lành chẩy ra từ nơi Người. Xin Mẹ cho chúng con thấy Chúa Giêsu. Xin Mẹ dẫn chúng con tới với Người. Xin Mẹ dạy chúng con nhận biết và yêu mến Người, để chúng con có khả năng yêu thương chân thật và trở thành tiểu suối nước trường sinh giữa một thế giới đang khát nước” (Thiên Chúa là Tình Yêu, số 42).