Trang chủ

Montag, April 29, 2013


Cùng Mẹ Maria học biết Chúa Kitô, trở thành đồng hình   dạng với Chúa, khẩn nài Chúa và loan báo Chúa


                                                                                                                                           Khi suy tư về Kinh Mân Côi Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định rằng Chuỗi Mân Côi dậy cho tín hữu biết học hiểu Chúa Kitô từ Mẹ Maria. Chúa Kitô là Vị Thầy tuyệt hảo, là Đấng mạc khải và là sự mạc khải. Ở đây không phải là học hiểu những giáo huấn của Chúa, mà là ”học biết Người”.Trong lãnh vực này ai là Thầy dậy chuyên môn giỏi hơn Mẹ Maria? Nếu trên bình diện thiêng liêng Chúa Thánh Thần là Thầy dậy nội tâm dẫn đưa tín hữu tới sự thật toàn vẹn của Chúa Kitô (x. Ga 14,26; 15,26; 16,13), thì giữa loài người không có ai hiểu biết Chúa Kitô hơn Mẹ Maria, và vì thế không có ai có thể dẫn chúng ta bước vào trong sự hiểu biết sâu xa mầu nhiệm của Chúa bằng Mẹ.

Dấu chỉ đầu tiên Chúa Giêsu đã làm - việc biến nước thành rượu tại tiệc cưới làng Cana - cho thấy Mẹ Maria là Bà giáo, khi Mẹ khích lệ các gia nhân làm theo các chỉ dẫn của Chúa Kitô (x. Ga 2,5). Chúng ta có thể tưởng tượng được Mẹ cũng đã giữ nhiệm vụ này đối với các môn đệ sau khi Chúa Giêsu lên Trời, khi Mẹ cùng với các môn đệ chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống và củng cố các ông trong sứ mệnh đầu tiên. Cùng Mẹ Maria suy niệm các cảnh trong Phúc Âm cũng giống như theo học nơi trường của Mẹ để đọc Chúa Kitô, bước vào trong các bí mật của Người và hiểu sứ điệp của chúng.
Trường học của Mẹ Maria càng hữu hiệu hơn nữa vì Mẹ dậy chúng ta bằng cách chiếm được cho chúng ta dư tràn các ơn của Chúa Thánh Thần, và đề nghị với chúng ta gương của trường ”lữ hành đức tin”, mà Mẹ là Bà giáo không thể so sánh được. Trước mỗi mầu nhiệm của Con Mẹ, Mẹ mời gọi chúng ta, như trong biến cố Truyền Tin, khiêm tốn đặt ra các câu hỏi rộng mở cho ánh sáng, để luôn kết thúc với sự vâng lời của đức tin: ”Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin xảy ra cho tôi như lời sứ thần đã nói” (Lc 1,38) (s. 14)..
Thứ hai là cùng Mẹ Maria trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Nền tu đức kitô có đặc thái khiến cho tín hữu dấn thân để ngày càng trở nên đồng hình dạng với Thầy mình là Chúa Kitô hơn (x. Rm 8,29; Gl 3,10.21). Việc đổ tràn đầy Thánh Thần trong bí tích Rửa Tội tháp nhập tín hữu như cành nho được tháp vào thân nho là Chúa Kitô (x. ga 15,5) làm cho họ trở thành chi thể Mình mầu nhiệm Người (x. 1 Cr 12,12; Rm 12,5). Tuy nhiên, tương ứng với sự hiệp nhất khởi đầu này cần phải có một lộ trình đồng hóa gia tăng với Người, luôn ngày càng hướng dẫn thái độ sống môn đệ hơn theo cái ”luận lý” của Chúa Kitô: ”Anh em hãy có nơi mình các tâm tình của Chúa Kitô Giêsu” (Pl 2,5). Theo các lời của thánh Tông Đồ cần phải ”mặc lấy Chúa Kitô” (x. Rm 13,14; Gl 3,27).
Trong lộ trình thiêng liêng của Kinh Mân Côi, dựa trên việc chiêm ngắm không ngừng, cùng với Mẹ Maria, gương mặt của Chúa Kitô, lý tưởng đòi hỏi trở thành đồng hình dạng này với Người được tiếp tục qua con đường có thể định nghĩa là ”con đường tình bạn”. Nó đưa chúng ta một cách tự nhiên vào đời sống của Chúa Kitô, và khiến cho chúng ta như ”hít thở” được các tâm tình của Người. Về điều này Chân phước Bartolo Longo nói rằng: ”Như hai người bạn, khi thường xuyên gặp gỡ nhau, họ cũng muốn giống nhau trong các thói quen, cũng thế, khi chuyện vãn thân tình với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, trong việc suy niệm các Mầu Nhiệm Mân Côi, và làm thành cùng một cuộc sống với sự Hiệp thông, chúng ta có thể trở thành giống các mầu nhiệm ấy, trong mức độ có thể của sự thấp hèn của chúng ta, và học từ các gương cao cả này việc sống khiếm nhường, nghèo khó, ẩn dật, kiên nhẫn và toàn thiện”.
Để cho tiến trình trở thành đồng hình dạng với Chúa Kitô, trong Kinh Mân Côi, chúng ta hãy đặc biệt tín thác cho hoạt động hiền mẫu của Trinh Nữ Maria. Đấng là người sinh ra Chúa Kitô, trong khi Mẹ cũng chính là người thuộc Giáo Hội như ”chi thể tuyệt hảo và hoàn toàn đặc biệt”, đồng thời cũng là ”Mẹ của Giáo Hội”. Trong tư cách đó Mẹ tiếp tục ”sinh” con cho Thân Mình mầu nhiệm của Con Mẹ. Mẹ làm điều đó qua sự bầu cử, bằng cách khẩn nài cho họ được tràn đầy Thần Khí. Mẹ là hình ảnh toàn vẹn của chức làm mẹ của Giáo Hội.
Chuỗi Mân Côi đưa chúng ta một cách thần bí tới bên cạnh Mẹ Maria dấn thân theo dõi sự trưởng thành nhân bản của Chúa Kitô trong nhà Nagiarét. Điều này cho phép Mẹ giáo dục chúng ta và nhào nặn chúng ta với cùng một sự ân cần, cho tới khi Chúa Kitô ”được thành hình” một cách trọn vẹn trong chúng ta (x. Gl 4,19). Hoạt động này của Đức Maria hoàn toàn dựa trên hoạt động của Chúa Kitô và triệt để tùy thuộc nó, không mảy may ngăn cản sự kết hiệp tức thì của các tín hữu với Chúa Kitô, nhưng làm cho nó được dễ dàng hơn. Đó là nguyên tắc sáng láng được Công Đồng Chung Vaticăng II diễn tả, mà tôi đã kinh nghiệm một cách mạnh mẽ biết bao trong đời tôi, bắng cách lấy nó làm khẩu hiệu giám mục của tôi: ”Totus tuus - Tất cả là của Mẹ”. Một khẩu hiệu, như đã biết, lấy hứng từ giáo lý của thánh Maria Grignion de Montfort, là người đã giải thích vai trò của Mẹ Maria trong tiến trình đồng hình dạng với Chúa Kitô của mỗi người trong chúng ta, như sau: ”Tất cả sự toàn thiện của chúng ta là ở chỗ đồng hình dạng với Chúa Giêsu Kitô, hiệp nhất với Người và được thánh hiến cho Người. Vì thế sự sùng kính hoàn hảo nhất trong các việc sùng kính một cách không thể chối cãi được là lòng sùng kính khiến cho chúng ta được đồng hình dạng với Chúa Giêsu Kitô, hết hiệp chúng ta với Người và thánh hiến chúng ta nhất cho Người. Giờ đây, vì là thụ tạo đồng hình dạng với Chúa Giêsu Kitô nhất nên hậu qủa là trong tất cả mọi sự sùng mộ, lòng sùng mộ thánh hiến và làm cho một linh hồn đồng hình dạng với Chúa chúng ta nhất là lòng sùng mộ Đức Maria, Mẹ Người; và một linh hồn càng được thánh hiến cho Mẹ bao nhiêu, lại càng được thánh hiến cho Chúa Giêsu Kitô bấy nhiêu. Chưa bao giờ như trong Kinh Mân Côi cuộc sống của Chúa Kitô và của Mẹ Maria lại xuất hiện kết hiệp với nhau một cách sâu xa như vậy. Mẹ Maria chỉ sống trong Chúa Kitô và vì Chúa Kitô mà thôi! (s. 15).
Thứ ba, cùng Mẹ Maria khẩn nài Chúa Kitô. Chúa Kitô đã mời gọi chúng ta hướng tới Thiên Chúa với sự kiên trì và lòng tin tưởng được nhận lời: ”Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ thì được mở cho” (Mt 7,7). Nền tảng sự hữu hiệu này của lời cầu nguyện là lòng nhân lành của Thiên Chúa Cha, nhưng cũng là sự trung gian gần Người từ phía chính Chúa Kitô (x. Ga 2,1), và hoạt động của Chúa Thánh Thần, là Đấng ”bầu cử cho chúng ta” theo các chương trình của Thiên Chúa (x. Rm 8,26-27). Thật thế, chúng ta ”chẳng biết xin gì thích hợp với chúng ta” (Rm 8,26) và đôi khi chúng ta không được nhận lời vì ”chúng ta không biết xin” (x. Ga 4,2-3).
Để nâng đỡ lời cầu nguyện mà Chúa Kitô và Thần Khí làm vọt lên trong con tim chúng ta, Mẹ Maria can thiệp với sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ. Lơi cầu nguyện của Giáo Hội như được đỡ nâng bởi lời cầu nguyện của Mẹ Maria. Thật thế, nếu Chúa Giêsu, Đấng Trung Gian duy nhất, là Con Đường lời cầu nguyện của chúng ta, thì Mẹ Maria, là sự trong suốt tinh tuyền của Người, chỉ cho chúng ta Con Đường, và từ sự cộng tác đặc biệt ấy của Mẹ vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, mà các Giáo Hội đã phát triển lời cầu lên Mẹ Thánh của Thiên Chúa, bằng cách tập trung nó nơi con người của Chúa Kitô được tỏ hiện ra trong các mầu nhiệm. Tại tiệc cưới Cana Phúc Âm cho thấy sự hữu hiệu lời bầu cử của Mẹ Maria, là phát ngôn viên các nhu cầu của con người bên Chúa Giêsu: ”Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3).
Kinh Mân Côi vừa là việc suy niệm vừa là lời khẩn cầu. Lời khẩn nài kiên trì của Mẹ Thiên Chúa dựa trên lòng tin tưởng mà sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ, có thể làm tất cả đối với trái tim của Con Mẹ. Mẹ ”toàn năng vì ơn thánh”, như kiểu diễn tả táo bạo mà Chân phước Bartolo Longo nói trong Lời khẩn nài Đức Trinh Nữ. Đây là một sự chắc chắn rằng, từ Phúc Âm, nó được củng cố bởi con đường kinh nghiệm nơi dân kitô. Thi sĩ Dante giải thích nó một cách tuyệt diệu theo hướng của thánh Bernardo, khi hát: ”Hỡi Bà, Bà cao cả biết bao và có giá trị biết bao, ai muốn được ơn thánh mà lại không chạy đến cùng Bà, ước muốn của họ muốn bay cao mà không có cánh”. Trong Kinh Mân Côi Đức Maria là cung dền của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,35), trong khi được chúng ta khẩn nài, Mẹ đứng trước Thiên Chúa Cha, là Đấng đã ban cho Mẹ tràn đầy ơn phước, và trước Chúa Con sinh ra từ cung lòng Mẹ, để cầu nguyện với chúng ta và cho chúng ta.
Thứ năm cùng Mẹ Maria loan báo Chúa Kitô. Kinh Mân Côi cũng là một lộ trình loan báo và đào sâu, trong đó mầu nhiệm của Chúa Kitô được liên tục giới thiệu với các mức độ kinh nghiệm kitô khác nhau. Mô thức là một diễn tả cầu nguyện và chiêm niệm nhằm nhào nắn người mộn đệ theo trái tim Chúa Kitô. Thật thế, nếu trong việc lần hạt Mân Côi mọi yếu tố giúp suy niệm hữu hiệu được đánh giá một cách thích dáng, thì nảy sinh đặc biệt trong việc cử hành cộng đoàn trong các giáo xứ và các đền thánh, một cơ may dạy giáo lý có ý nghĩa, mà các Chủ Chăn phải biết tiếp nhận. Đức Trinh Nữ Mân Côi cũng tiếp tục công trình của Mẹ loan báo Chúa Kitô trong kiểu này. Lịch sử Kinh Mân Côi cho thấy lời kinh này đã được dùng như thế nào, đặc biệt bởi các tu sĩ Đa Minh, trong một thời điểm khó khăn đối với Giáo Hội vì lạc giáo lan tràn. Ngày nay, chúng ta đang đứng trước các thách đố mới. Tại sao lại không cầm lấy tràng hạt trên tay với đức tin của những người đã đi trước chúng ta? Kinh Mân Côi duy trì tất cả sức mạnh của nó và là một tài nguyên không được coi thường trong mục vụ của mọi người rao giảng tin mừng tốt.
(Thánh Mẫu Học bài 357)

Linh Tiến Khải

Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2013/04/29/c%C3%B9ng_m%E1%BA%B9_maria_h%E1%BB%8Dc_bi%E1%BA%BFt_ch%C3%BAa_kit%C3%B4,_tr%E1%BB%9F_th%C3%A0nh_%C4%91%E1%BB%93ng_h%C3%ACnh_d%E1%BA%A1ng_v%E1%BB%9Bi_ch%C3%BAa/vie-687491

Sonntag, April 28, 2013

Vai trò của Kinh Mân Côi trong các cuộc chiến chống lại             âm mưu xâm lăng Âu châu của đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ



Khi tìm hiểu lịch sử Kinh Mân Côi người ta không thể không chú ý tới tầm quan trọng của nó đối với lịch sử Giáo Hội nói riêng và lịch sử của toàn Âu châu nói chung. Đó là qua Kinh Mân Côi và nhờ lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, liên minh Kitô đã chiến thắng quân hồi của đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ trong vịnh Lepanto năm 1571, và chiến thắng của vua Ba Lan Jan Sobieski chống lại quân hồi tại Vienne bên Áo năm 1683.

Vào thế kỷ XVI đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ rất hùng mạnh. Các đạo binh Hồi đánh đâu thắng đó và người Hồi đã chiếm nhiều nơi như Constantinopoli, Belgrad và Rodi. Họ muốn đánh chiếm toàn Âu châu và tiến về Roma. Các đe dọa nghiêm trọng này khiến cho Đức Giáo Hoàng Pio V rất âu lo. Một đàng người cho xây các tháp canh dọc bờ biển để che chở Roma, đàng khác Đức Pio V huy động một liên minh Kitô quy tụ binh sĩ, thủy thủ và các chiến thuyền dưới cờ Thánh Giá. Liên Minh bao gồm Tây Ban Nha, Cộng hòa Venezia, nước Vaticăng, các Cộng Hòa Genova và Lucca, các Hiệp sĩ Nalta, gia đình Farnese Parma, gia đình Gonzaga Mantova, người Estensi Ferrara, gia đình Della Rovere thành Urbino, quận công Savoia và đại quận công Toscana.

Nhưng nhất là Đức Pio V tha thiết kêu gọi toàn thể Giáo Hội lần hạt Mân Côi, tham dự các cuộc rước kiệu công khai và hãm mình đền tội, khẩn nài sự trợ giúp của Mẹ Maria.

Các hạm đội Kitô bao gồm các chiến thuyền giáo hoàng, của Tây Ban Nha, Cộng hòa Venezia, Genova, Napoli, Toscana, Malta, trong khi người Pháp hiện diện với một số hiệp sĩ thiện nguyện. Vua Giovanni nước Áo chỉ huy các chiến thuyền Kitô. Tổng cộng có tất cả 210 chiến thuyền, 350 khẩu cà nông lớn và loại trung, và 2.750 khẩu loại nhỏ, 20.000 binh sĩ, 12.900 thủy thủ và 43.500 người chèo thuyền. Đa số lực lượng này do các nước độc lập và các nước bị thống trị của Italia cung cấp, bao gồm 178 chiến thuyền, 1.277 khẩu cà nông, 20.000 binh sĩ, 11.220 thủy thủ, và 37.300 người chèo thuyền. Tất cả số còn lại là của Tây Ban Nha.

Sau khi biết rõ các chiến thuyền của quân Hồi Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong vịnh Lepanto, sáng ngày mùng 7 tháng 10 năm 1571 các chiến thuyền Kitô tiến vào vịnh Lepanto. Phía đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ ra dàn trận chia làm ba cánh: chính giữa do đề đồc Alì Pascìa chỉ huy gồm 90 chiến thuyền; đàng sau là 10 chiến thuyền và 60 thuyền nhỏ do Dragut chỉ huy; cánh phải do Mehemet Sciaurak, Phó vương Ai Cập chỉ huy gồm 55 chiến thuyền; và cánh trái do Ulugh Alì nước Algeria chỉ huy gồm 90 chiến thuyền. Tổng cộng có khoảng 25.000 binh sĩ, 40.000 người chèo thuyền, 180 khẩu cà nông loại lớn và trung bình và 2.700 khẩu loại nhỏ.

Phía các chiến thuyền của liên minh Kitô dàn trận dài hơn ba hải lý. Chính giữa gồm 61 chiến thuyền do Giovanni nước Áo thống lĩnh; đàng sau là 38 chiến thuyền khác do Santa Cruz điều khiển. Cánh phải của liên minh Kitô gồm 53 chiến thuyền của hoàng gia Tây Ban Nha do Gian Andrea Doria thống lĩnh. Cánh trái cũng gồm 53 chiến thuyền Venezia do Agostino Barbarigo chỉ huy. Trong số các chiến thuyền tham gia trận đánh có các chiến thuyền giáo hoàng do Marcantonio Colonna chỉ huy; các chiến thuyền Savoia do Provana cầm đầu; các chiến thuyền của cộng hòa Venezia do Sebastiano Vernier chỉ huy; rồi các chiến thuyền của cộng hòa Genova dưới quyền chỉ huy của Ettore Spinola và Alessandro Farnese.

Trận chiến bắt đầu vào khoảng giữa trưa, sau khi binh sĩ qùy cầu nguyện lãnh phép lành và nghe loan báo ơn toàn xá do Đức Giáo Hoàng Pio V ban cho mọi người. Các chiến thuyền của quân hồi tiên lên thành hình vòng cung, cố ý bao vây các chiến thuyền Kitô. Lợi dụng có gió mạnh các chiến thuyền của Alì Pascìa nổi trống, não bạt và thổi sáo tấn công Giovanni nước Áo. Phía các thuyền liên minh Kitô hoàn toàn thinh lặng.

Khi các thuyền quân Thổ đến vừa tầm bắn, Giovanni mới ra lệnh kéo cờ dựng Thánh Giá và nhả đạn. Gió đổi chiều các chiến thuyến Kitô tiến mạnh. Và thế là trận chiến bùng nổ khắp nơi dọc chiến tuyến. Súng cà nông của cả hai bên nhắm vào nhau nhả đạn. Cánh trái của liên minh Kitô ban đầu bị yếu thế vì Bargarigo bị trúng đạn, tuy được Camillo da Correggio cứu viện.

Nhưng khi được quận công Santa Cruz tiếp cứu các chiến thuyền Kitô lại vùng lên tấn công. Chiến thuyền của Mehemet Sciaurak bị trúng đạn, ông ta bị bắt và bị chặt đầu. Chiến thuyền của Alí Pascià cũng bị trúng đạn khiến Ali Pascià cũng bị tử thương và bị chặt đầu. Các chiến thuyền Tây Ban Nha ở cánh phải do Gian Andrea Doria chỉ huy không muốn tấn công, vì lệnh của vua Philippo II muốn đánh Tunisia và dàn xếp ngầm với Ulugh Alì nhằm tách Ulugh khỏi Constantinopoli. Do đó Uglugh Alì cũng tránh giao tranh, vì muốn duy trì lực lượng toàn vẹn hầu bảo vệ bờ biển Algeria trong trường hợp bị Tây Ban Nha tấn công.

Tuy nhiên, một phần của cánh phải gồm các chiến thuyền của Cộng hòa Venezia, của Giáo Hoàng, của người Piemonte và Malta muốn tấn công Ulugh Alì, nên tách rời khỏi các chiến thuyền của Cộng hòa Genova và tấn cộng các chiến thuyền của quân hồi, nhưng họ lâm tình trạng yếu thế. Thấy vậy, các chiến thuyền Kitô cánh giữa do Giovanni nước Áo và Marcantohnio Colonna chỉ huy, liền cứu viện. Gioan Andrea Doria bị bó buộc phải quay lại đánh nhau với hạm đội Algeria. Ulugh Alì sợ bị bao vây nên bỏ trận chiến và các chiến thuyền Kitô bị bắt giữ, rồi cùng với các chiến thuyền của mình chạy trốn về Constantinopoli. Thế là chỉ sau 4 giờ giao tranh quân hồi đại bại, và Âu châu thoát hiểm họa bị đế quốc Ottoman thôn tính.

Nhưng cuộc chiến thảm khốc đã gây ra các tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Phía quân hồi đã có 30.000 người bị thương và bị chết cùng với đô đốc Alí Pascìa và phó vương Mehemet Sciaurak và nhiều thuyền trưởng; 8.000 binh sĩ bị bắt làm tù binh; 15.000 nô lệ Kitô được giải phóng. Bên cạnh đó là 53 chiến thuyền bị đắm, 50 chiến thuyền bị đụng đá ngầm, bị cưởp phá và đốt cháy, và 137 chiến thuyền lớn nhỏ bị bắt. Phía liên minh Kitô có 7.500 binh sĩ và thủy thủ tử trận, trong đó có 2.300 binh sĩ và thủy thủ Venezia, cùng với đô đốc Barbarigo và 26 nhà qúy tộc; 7.744 binh sĩ và thủy thủ bị thương, trong đó có ông Cevantes, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Don Chisciotte. Phía liên minh Kitô bị chìm mất 15 chiến thuyền.

Tuy tin thắng trận chưa về tới Roma vì các chiến thuyền Kitô phải trốn một trận bão, nhưng Đức Pio V đã được thị kiến nên cho đánh chuông mọi nhà thờ ở Roma và loan tin liên minh Kitô thắng trận.

Chiến thắng của liên minh Kitô chống lại quân Hồi thuộc đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ tại Lepanto ngày 7 tháng 10 năm 1571 đã khiến cho việc lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ lan tràn mạnh mẽ hơn nữa. Đức Giáo Hoàng Piô V đã thêm vào kinh cầu Đức Bà tước hiệu ”Đức Bà phù hộ các Kitô hữu” và thành lập lễ nhớ Đức Bà Chiến Thắng, vì tin rằng chính nhờ tín hữu sốt sắng lần hạt Mân Côi, đi kiệu và hãm mình đền tội, nên Đức Mẹ đã bầu cử và phù giúp liên minh Kitô chiến thắng tại Lepanto. Năm sau đó 1572 Đức Giáo Hoàng Gregorio XIII ký tự đắc ”Monet Apostolus” thành lập lễ trọng kính Đức Bà Mân Côi, đưa vào lịch phụng vụ và chỉ định mừng ngày mùng 7 tháng 10.

Chiến thắng cuối cùng chống lại quân Hồi cứu vãn Âu châu khỏi mưu toan xâm lăng xảy ra đúng 112 năm sau, tức năm 1683.

Hồi đó nước Áo bị xâm lăng bởi đạo binh Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ, do Kara Mustapha Pasha thống lĩnh. Đạo quân hồi hùng hậu gồm 140.000 người bắt đầu bao vây thủ đô Vienne ngày 14 tháng Bẩy năm 1683. Cũng như 112 năm trước, lần này đế quốc Ottoman muốn tiến chiếm Âu châu, nhưng bằng đường bộ, với dự định là sau khi hạ thành Vienne họ sẽ tiến chiếm Pháp rồi từ đó thanh toán toàn Âu châu.

Tin quân Hồi tiến đánh thành Vienne khiến cho triều đình hoảng sợ chạy trốn. Nhưng Quận công Ernst Ruediger von Starhemberg chỉ huy đạo quân 20.000 người của thành Vienne, nhất định tử thủ để bảo vệ thành. Trong khi Hoàng đế Leopoldo I (1640-1705) trốn đến Passavia và điều khiển sinh hoạt ngoại giao, được Đức Giáo Hoàng Innocenzo XI ủng hộ, nhằm cứu vãn tình hình, bằng cách xin các vua Kitô Âu châu gửi quân cứu viện.

Hoàng đế và giới lãnh đạo tôn giáo cũng phát động chiến dịch lần hạt cầu khẩn sự trợ giúp của Đức Bà Mân Côi. Các tướng lãnh quân liên minh Kitô chọn vua Jan Sobieski của Ba Lan để điều khiển đạo binh các nước Kitô gồm 30.000 người Ba Lan, 18.50 người Áo và Italia, 19.000 người Franchi, Thụy Sĩ và vùng Bavière, 9.000 người Sasson, tổng cộng tất cả khoảng 75-80 ngàn người.

Quận công Ernst Ruediger von Starhemberg ra lệnh phá hết mọi nhà chung quanh thành Vienne để không có chỗ trú ẩn cho những toán quân Hồi muốn tới gần tường thành. Vì tường thành Vienne rất chắc chắn nên các súng cà nông cũ kỹ của quân Thổ không có sức công phá, Kara Mustapha Pasha phải cho đào nhiều đường hầm tới gần tường để đặt mìn dưới chân tường. Cuộc bao vây đã rất cam go gây ra bệnh tật, đói khát cũng như dịch kiết lỵ cho dân thánh phố cũng như cho quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 11 tháng 9 các đạo quân thuộc liên minh Kitô tụ họp nhau tại núi Kahlenberg, tham dự thánh lễ rồi xuất quân. Mustapha Pasha hy vọng triệt hạ Vienne sớm, nên đặt các toán quân thiện chiến ở gần tường thành, trong khi các toán ô hợp ở lại vòng ngoài, và nhất là ông không muốn đối đầu với đạo quân liên minh đang ngày càng tiến tới gần thành Vienne. Đạo binh liên minh gặp khó khăn vì nói nhiều thứ tiếng khác nhau và không hiểu nhau. Nhưng khi vua Jan III Sobieski ra lệnh cho các đoàn kỵ binh Ba Lan đồng loạt tấn công đạo binh Thổ tan rã chạy tán loạn. Chính lúc đó các đạo quân trong thành tiến ra truy nã quân Thỗ. Đã có 15.000 binh sĩ thổ tử trận, trong khi phía liên minh Kitô có 2.000 người chết.

Một lần nữa việc lần hạt Mân Côi đã cứu Âu châu khỏi bị xâm lăng bởi đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ.

(Thánh Mẫu Học bài 348)

Linh Tiến Khải

Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2013/02/16/vai_tr%C3%B2_c%E1%BB%A7a_kinh_m%C3%A2n_c%C3%B4i_trong_c%C3%A1c_cu%E1%BB%99c_chi%E1%BA%BFn_ch%E1%BB%91ng_l%E1%BA%A1i_%C3%A2m_m%C6%B0u_x%C3%A2/vie-665644
ĐTC: Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và lòng can đảm đi ngược dòng đời

Linh Tiến Khải4/28/2013      

 Hãy mở toang cánh cửa cuộc sống cho Thần Khí của Thiên Chúa và hoạt động hướng dẫn biến đổi của Người. Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và lòng can đảm đi ngược dòng đời và làm chứng cho Người.


Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ như trên 44 bạn trẻ lãnh nhận Bí tích Thêm Sức và gần 200.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự thánh lễ tại quảng trường thánh Phêrô sáng Chúa Nhật Hộm qua. Đây cũng là buổi gặp gỡ của Đức Thánh Cha với 70.000 bạn trẻ đã hay đang chuẩn bị lãnh Bí tích Thêm Sức về Roma hành hương trong Năm Đức Tin.
Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có Đức Cha Salvatore Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, Đức Cha José Octavio Ruiz Arenas và 380 Linh Mục. Ban giúp lễ gồm 15 thầy dòng Rogazionisti. Ngoài ca đoàn Sistina còn có ca đoàn Mater Ecclesiae phụ trách phần thánh ca. Tham dự thánh lễ có gần 200.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu.
Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc phụng vụ, và đề nghị với các bạn trẻ ba tư tưởng ngắn gọn giúp suy tư về cuộc sống chứng nhân kitô và lòng can đảm mà Chúa Thánh Thần ban cho tín hữu trong bí tích Thêm Sức. Ngài nói: Bài đọc thứ hai trình bầy thị kiến rất đẹp của thánh Gioan: đó là cảnh trời mới đất mới và thành Thánh từ Thiên Chúa mà xuống. Tất cả đều mới mẻ, được biến đổi thành điều thiện, vẻ đẹp và chân lý; không còn than khóc và sầu thương nữa... Đó là hành động của Chúa Thánh Thần: Người đem chúng ta tới với sự mới mẻ của Thiên Chúa; Người đến với chúng ta và canh tân mọi sự, Người biến đổi chúng ta. Thần Khí biến đổi chúng ta. Và thị kiến của thánh Gioan nhắc cho chúng ta biết rằng tất cả chúng ta đều đang trên đường tiến về thành Giêrusalem trên trời, là sự mới mẻ vĩnh viễn đối với chúng ta; và đối với toàn thực tại nó là ngày hạnh phúc, trong đó chúng ta sẽ có thể trông thấy gương mặt của Chúa, gương mặt tuyệt vời xinh đẹp biết bao của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ có thể sống với Người luôn mãi trong tình yêu của Người. Đức Thánh Cha giải thích thêm về sự mới mẻ nói trên:
Các con thấy không, sự mới mẻ của Thiên Chúa không giống các sự mới mẻ của trần gian, là những điều tất cả đều tạm thời, qua đi và người ta luôn tìm kiếm thêm. Sự mới mẻ mà Thiên Chúa ban cho cuộc sống chúng ta vĩnh viễn, và nó không chỉ ở trong tương lai, khi chúng ta sẽ ở với Người, mà cả hiện nay nữa: Thiên Chúa đang đổi mới mọi sự, Chúa Thánh Thần thực sự biến đổi chúng ta và qua cả chúng ta Người muốn biến đổi thế giới trong đó chúng ta đang sống. Chúng ta hãy mở cửa ra cho Thần Khí, hãy để cho Người hướng dẫn, hãy để cho hoạt động liên lỉ của Thiên Chúa biến chúng ta thành những con người mới, được linh hoạt bởi tình yêu của Thiên Chúa, mà Thánh Linh ban cho chúng ta! Thật đẹp biết bao, nếu mỗi người trong chúng ta, vào ban chiều có thể nói rằng hôm nay tại trường học, ở nhà, trong nơi làm việc, được Thiên Chúa hướng dẫn tôi đã thực thi một cử chỉ yêu thương đối với bạn tôi, đối với cha mẹ tôi, đối với một cụ già! Đẹp biết bao, phải không!
Tư tưởng thứ hai Đức Thánh Cha đề nghị với các bạn trẻ là điều thánh Phaolô và thánh Barnaba khẳng trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Công Vụ: ”Chúng ta phải bước vào trong vương quốc của Thiên Chúa qua nhiều khổ đau” (Cv 14,22). Ngài nói:
Con đường của Giáo Hội và cả con đường cuộc sống cá nhân kitô của chúng ta nữa, không luôn luôn hạnh phúc, nhưng gặp các khó khăn và các khổ đau khốn khó. Theo Chúa, để cho Thánh Linh biến đổi các vùng đen tối của chúng ta, các thái độ hành xử không theo ý muốn của Thiên Chúa và gột rửa các tội lỗi của chúng ta, là một con đường gặp biết bao nhiêu chướng ngại, bên ngoài chúng ta, trong thế giới chúng ta sống, và cả ở bên trong chúng ta nữa, trong con tim, thường không hiểu chúng ta. Nhưng các khó khăn và các khổ đau ấy là phần của con đường giúp đạt tới vinh quang của Thiên Chúa, như đối với Chúa Giêsu, là Đấng đã được vinh hiển trên Thập Giá; chúng ta sẽ luôn luôn gặp chúng trong cuộc sống! Nhưng đừng nản lòng: chúng ta có sức mạnh của Thần Linh giúp chiến thắng các khổ đau khốn khó ấy.
Tư tưởng thứ ba là lời mời gọi Đức Thánh Cha hướng tới các bạn trẻ lãnh bí tích Thêm Sức và tất cả mọi người: hãy vững vàng trên con đường đức tín với niềm hy vọng vững chắc nơi Chúa. Đó là bí mật con đường của chúng ta. Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm đi ngược dòng đời. Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ:
Hỡi các bạn trẻ, các con hãy nghe rõ đây: hãy đi ngược dòng đời, điều này khiến cho con tim được mạnh mẽ, nhưng cần phải có can đảm đi ngược dòng đời và Chúa ban cho chúng ta sự can đảm ấy. Không có các khó khăn, khổ đau khốn khó, hiểu lầm nào phải khiến cho chúng ta sợ hãi, nếu chúng ta sống kết hiệp với Thiên Chúa như cành nho gắn chặt vào thân nho, nếu chúng ta không đánh mất đi tình bạn với Người, nếu chúng ta luôn ngày càng dành chỗ cho Người trong cuộc sống chúng ta. Cả khi và nhất là nếu chúng ta cảm thấy nghèo nàn, yếu đuối, tội lỗi, bởi vì Thiên Chúa ban sức mạnh cho sự yếu đuối của chúng ta, ban phong phú cho sự nghèo nàn của chúng ta, ban ơn hoán cải và ơn tha thứ cho tội lỗi chúng ta. Chúa thương xót biết bao, nếu chúng ta đến với Người, Người luôn luôn tha thứ cho chúng ta. Chúng ta hãy tin tưởng nơi hành động của Thiên Chúa! Với Chúa chúng ta có thể làm các điều trọng đại; Người sẽ làm cho chúng ta cảm thấy niềm vui là môn đệ người, chứng nhân của Người. Các con hãy đánh cuộc với các lý tưởng to lớn, với các điều trọng đại; là tín hữu kitô chúng ta không được Chúa tuyển chọn cho các điều bé nhỏ, các con hãy luôn luôn đi xa hơn nữa, hướng tới các điều cao cả; hỡi các bạn trẻ, các con hãy chơi cuộc sống cho các lý tưởng lớn lao!
Các bạn thân mến, chúng ta hãy mở tang cánh cửa cuộc sống cho sự mới mẻ của Thiên Chúa, là Đấng ban Thánh Thần cho chúng ta, để Người biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta trở thành mạnh mẽ trong các khốn khó, để Người củng cố sự hiệp nhất của chúng ta với Chúa, ở vững vàng trong Người: đó là một niềm vui đích thật. Ước gì được như vậy!
Tiếp đến là nghi thức lập lại các lời hứa rửa tội, và ban Bí tích Thêm Sức. Đức Thánh Cha mời toàn cộng đoàn cầu nguyện cho các bạn trẻ, rồi ngài đặt tay trên họ xin Thiên Chúa đổ tràn đầy bẩy ơn của Chúa Thánh Thần trên họ. Sau đó từng bạn trẻ một tiến lên với cha mẹ đỡ đầu để Đức Thánh Cha xức dầu thánh trên trán cho họ, trong khi cha hay mẹ đỡ đầu đặt tay phải trên vai người con thiêng liêng của mình.
Vào phần hiệp lễ Đức Thánh Cha đã cho 44 thanh thiếu niên và hàng trăm tín hữu rước lễ, trong khi các Phó tế trường Truyền Giáo và 200 Linh Mục đồng tế đã cho tín hữu chịu Mình Thánh Chúa.
Sau lời nguyện cuối lễ có hai bạn trẻ, một thanh niên đến từ Buenos Aires và một thiếu nữ Italia, đã lên cám ơn Đức Thánh Cha và nói lên niềm hãnh diện là tín hữu kitô được Chúa Kitô sai đi làm chứng nhân cho Người, và cùng các bạn trẻ thế giới được sống kinh nghiệm của Giáo Hội đại đồng.
Trước khi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha đã phó thác tất cả mọi người hiện diện và các bạn trẻ mới lãnh nhận bí tích Thêm Đức cho Đức Mẹ. Ngài nói: Đức Trinh Nữ Maria dậy cho chúng ta biết ý nghỉa
của cuộc sống trong Thánh Thần và việc tiếp nhận sự mới mẻ của Thiên Chúa vào trong cuộc sống. Mẹ đã thụ thai Chúa Giêsu bởi quyền năng Chúa Thánh Thần; mỗi một tín hữu kitô đều được mời gọi tiếp nhận Lời Chúa, tiếp nhận Chúa Giêsu vào trong lòng mình, và đem Chúa đến cho mọi người. Mẹ Maria đã cầu khấn Thánh Thần cùng với các Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly. Cả chúng ta nữa, mỗi khi chúng ta tụ họp nhau cầu nguyện, chúng ta được nâng đỡ bởi sự hiện diện của Mẹ Chúa Giêsu, để nhận ơn của Thần Linh và có sức mạnh làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh. Cha đặc biệt nói điều này với các con là các bạn trẻ vừa mới lãnh nhận Bí tích Thêm Sức. Xin Mẹ Maria giúp các con chú ý tới điều Chúa xin các con, luôn sống và bước đi theo Chúa Thánh Thần.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho các nạn nhân vụ sập nhà máy bên Bangladesh. Ngài bầy tỏ tình liên đới và gần gũi với gia đình các nạn nhân đang khóc thương người thân của họ. Ngài tha thiết kêu gọi các giới hữu trách bảo vệ phẩm giá và an ninh cho giới nhân công.
Sau cùng ca đoàn đã cất Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng và Đức Thánh Cha đã ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Sau khi thay áo lễ Đức Thánh Cha đã đi xe díp ra quảng trường chào các bạn trẻ và tín hữu giữa tiếng vỗ tay và hoan hô liên tục của các bạn trẻ réo gọi tên ”Phanxicô”. Nhiều bạn trẻ cầm các bàn tay có ngón cái giơ lên để nói rằng ”Đức Thánh Cha là số một.” Các bà mẹ thì đua nhau đưa con nhỏ của mình cho các vệ binh bế đến để cho Đức Thánh Cha hôn và vuốt đầu các em. Ngài cũng xã xuống xe đến chào thăm và hôn các người tàn tật ngồi trên xe lăn.

Freitag, April 26, 2013


SỐNG ĐỨC TIN BẰNG VIỆC THỰC THI ĐỨC CẬY ĐỨC MẾN—NOI GƯƠNG MẸ MA-RI-A (LINH ĐẠO HIỆP HỘI THÁNH MẪU)

1. LỜI CHÚA: Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà (Lc 1,56).
2. SUY NIỆM:
Trong Năm Đức Tin này, các hội viên HHTM cùng nhau học tập Mẹ Ma-ri-a về lối sống đức tin thể hiện qua đức Cậy và đức Mến như sau:
1) Sống Đức Tin noi gương Mẹ:
Giáo lý Giáo Hội Công giáo đã dạy về đức tin như sau: “Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa, tin tất cả những gì Ngài phán dạy… bởi vì Thiên Chúa là chân lý” (GLCG 1814).
Mẹ Ma-ri-a đã tin vào lời sứ thần Gáp-ri-en vì lời đó phát xuất từ Thiên Chúa. Sách Giáo lý (GLGHCG 148) đã gọi Đức Ma-ri-a là hiện thân hoàn hảo của Đức Tin ! Tuy không nhìn thấy trước tương lai, nhưng Mẹ đã đặt trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa quan phòng khi thưa với Sứ thần rằng: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời Sứ thần truyền” (Lc 1,38).
Sau khi sinh Đức Giê-su, đức tin của Mẹ Ma-ri-a đã bị thử thách: Hài Nhi đã bị vua Hê-rô-đê truy tìm giết hại, Mẹ đã cùng với thánh Giu-se vâng lời Sứ thần Chúa đem con trẻ chạy trốn sang bên Ai cập ngay lúc đêm khuya và sau đó mang con trẻ trở về Na-da-rét nước Do thái.
Trong thời thơ ấu của Đức Giê-su, khi dạy con học ăn học nói, học cách đi đứng, đọc viết, chơi đùa và lao động kiếm sống… chắc hẳn đức Tin của Mẹ Ma-ri-a phải thật mạnh mẽ mới có thể tin được con trẻ Giê-su yếu đuối kia lại là Đấng Thiên Sai và là Con Thiên Chúa hằng sống.
Rồi khi Đức Giê-su bắt đầu thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời, Mẹ Ma-ri-a đã tin vào quyền năng của Con khi nói với gia nhân giúp việc trong tiệc cưới thành Ca-na: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Mẹ vui khi nghe những lời bàn tán khen ngợi về các phép lạ của Con thực hiện và lo âu trước những tin dữ cho thấy các đầu mục dân Do thái và chính quyền đang tìm cách bắt bớ Con... Dù vậy, Mẹ vẫn vững lòng tin vào sứ vụ Cứu Thế của Con.
Trong cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, Mẹ luôn theo dõi với nỗi lo âu vô hạn. Mẹ cảm thông với sự đau khổ của Người và vững tin Người là Đấng Thiên Sai sẵn sàng chịu chết để đền tội thay và phục sinh để mở ra một con đường sống cho nhân lọai. Vì thế, Giáo hội luôn tôn kính “Đức Ma-ri-a như một tín hữu đã sống một đức Tin tinh tuyền nhất” (x GLCG 149).
Với đức Tin, Mẹ Ma-ri-a đã trở thành con đường vững chắc nhất để dẫn các tín hữu đến với Chúa Giê-su như câu châm ngôn: “Ad Jesum per Mariam”- Đến với Chúa Giê-su nhờ Mẹ Ma-ri-a đã khẳng định. Mỗi khi gặp thử thách gian nan nghi ngờ, chúng ta hãy đến nép mình dưới tà áo Mẹ để xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa Giê-su đổ ơn Thánh Thần giúp chúng ta luôn tín thác vào quyền năng Thiên Chúa.
2) Sống Đức Cậy noi gương Mẹ: 
Giáo lý Giáo Hội Công giáo đã dạy về đức Cậy như sau: “Đức Cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời và sự sống vĩnh cửu như hạnh phúc đời mình, khi tin tưởng vào các lời hứa của Đức Ki-tô và phó thác vào ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần chứ không dựa vào sức riêng mình” (GLCG 1817).
Kinh Thánh mô tả Mẹ Ma-ri-a như một mẫu gương của lòng cậy trông. Mẹ đã ca tụng Thiên Chúa trong kinh Ngợi Khen như sau: “Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc” vì Mẹ luôn cậy trông vào quyền năng Thiên Chúa cứu độ (x Lc 1,47). Mẹ trở thành Mẹ Đồng Trinh của Thai Nhi Giê-su là Đầu Nhiệm Thể là Hội Thánh, nên cũng là Mẹ của các phần chi thể khác của Hội Thánh là các tín hữu chúng ta. Mẹ đã hiệp thông với các tông đồ và môn đệ Chúa tại nhà Tiệc Ly xin ơn Thánh Thần và cũng nhận được đầy tràn Thần Khí Thiên Chúa trong lễ Ngũ Tuần (x Cv 1,14).
Niềm cậy trông của Mẹ Ma-ri-a đã trở thành hiện thực khi Mẹ được rước về trời cả hồn lẫn xác. Việc Mẹ được Chúa ban thưởng hồn xác lên trời cho thấy Đức Ki-tô sẽ thông ban sự sống muôn đời cho những ai biết đặt trọn niềm tin cậy nơi Người.
 3) Thực hành Đức Mến noi gương Mẹ:
 “Đức Mến là nhân đức đối thần, nhờ đó, chúng ta yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta cũng yêu người thân cận như yêu chính mình” (x GLCG 1822).
Mẹ Ma-ri-a đã hết lòng yêu mến Thiên Chúa, đáp lại tình thương của Người và Mẹ cũng yêu thương lòai người khi sẵn sàng thưa “xin vâng” để trở thành Mẹ của Chúa Giê-su (x Lc 1,38). Khi được Sứ thần cho biết bà chị họ Ê-li-sa-bét cũng đã có thai được sáu tháng, Mẹ lập tức lên đường thăm viếng bà. Tình yêu người nơi Mẹ Ma-ri-a biểu lộ qua lời chào hỏi của Mẹ làm cho thai nhi Gio-an nhảy mừng trong lòng bà mẹ (x Lc 1,41). Đáp lại lời ca tụng của bà Ê-li-sa-bét, Mẹ Ma-ri-a đã dâng lời ca ngợi tình thương của Thiên Chúa trong bài kinh Ma-nhi-phi-cát (x Lc 1,46) và đã ở lại với bà ba tháng để giúp đỡ cụ thể cho tới khi bà sinh con (x Lc 1,56). Qua đó, Mẹ dạy các tín hữu chúng ta phải sống Đức Mến bằng lối sống khiêm nhu và yêu thương phục vụ tha nhân vô vụ lợi.
Trong cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su trên đồi Can-vê, Mẹ còn thể hiện Đức Mến tuyệt với khi can đảm đứng dưới chân thập giá tham dự thánh lễ đầu tiên do Chúa thực hiện và nhận lời trăn trối của Chúa trở thành mẹ của Gio-an đại diện Hội Thánh nói chung và cá nhân mỗi tín hữu chúng ta.
3. THẢO LUẬN:
1)Nguyên việc đọc kinh Tin Kính tuyên xưng đức tin đã đủ để được hưởng ơn cứu độ chưa? Tại sao?
2)Noi gương Mẹ Ma-ri-a, ngòai việc siêng năng cầu nguyện dự lễ, các tín hữu chúng ta còn phải biểu lộ đức Tin thế nào qua cách giao tiếp và lối ứng xử đối với tha nhân ?
4. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Cha tứ bi nhân ái. Xin cho các tín hữu chúng con biết noi gương Mẹ Ma-ri-a sống đức Tin bằng việc thực hành đức Cậy và đức Mến trong cụộc sống hằng ngày. Xin cho chúng con trở thành khí cụ bình an của Chúa để xây dựng Nước Trời như lời kinh Hòa Bình do thánh Phan-xi-cô đã tóm lược tòan bộ Tin Mừng:.Hát bài kinh Hòa Bình để thể hiện đức Tin bằng đức Cậy và đức Mến noi gương Mẹ Ma-ri-a.
  LM ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com

Donnerstag, April 25, 2013


Ðức Maria,
Linh Hồn và Xác Lên Trời

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

"Bởi quyền năng của Chúa Giêsu Chúa chúng ta, của Hai Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô và của chính ta, ta tuyên bố, bày tỏ và xác định như một tín điều được Thiên Chúa mạc khải rằng Ðức Maria, Mẹ vô nhiễm của Thiên Chúa sau khi đã mãn cuộc đời ở trần thế đã được linh hồn và xác lên trời vinh hiển".
Bằng những lời long trọng ấy, Ðức Giáo Hoàng Piô XII, xử dụng quyền vô ngộ, đã tuyên bố ngày mồng 1 tháng 11 năm 1950, tín điều Ðức Mẹ hồn xác lên trời như một giáo điều phải tin.
1. Lịch Sử, Thánh Lễ
Cũng như tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm, Tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời được quảng nghĩa bởi Thánh Lễ kính mầu nhiệm ấy. Thánh lễ mừng ngày sinh nhật của Mẹ trên trời - Dies natalis - đã được mừng bên Ðông Phương từ thế kỷ thứ V và mang nhiều tên gọi như Mông Triệu (Assomption), Yên Nghỉ (Dormition) hay về trời (Transitus).
Thánh Lễ được gia nhập Tây Phương giữa thế kỷ thứ VII. Tuy nhiên, có nhiều sự do dự vì ảnh hưởng của các sách ngụy thư gây nên. Dầu vậy, với thời gian, giáo huấn được khai triển, thấu triệt hơn và toàn thể dân Chúa đi đến một niềm tin phổ cập.
Và Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã công bố thành Tín điều tháng 11 năm 1950.
Nên biết rằng, dưới thời Ðức Piô XI, đã có phong trào xin công bố giáo thuyết Ðức Mẹ là Ðấng trung gian. Nhưng giáo thuyết đó không phù hợp với lời của Thánh Phaolô dạy rằng chỉ có một Ðấng trung gian (1Tm 2,5), cũng như gặp phải một số vấn nạn khác.
Ðức Piô XII liền chọn giáo thuyết Mông Triệu vì không đặt ra nhiều vấn đề. Và ngài đã công bố bằng những danh từ cố ý không giải quyết một số vấn đề tranh chấp.
Ngài chỉ công bố ngắn ngủi như sau: "Khi đã mãn cuộc sống ở thế trần, Ðức Trinh Nữ, Vô Nhiễm, Mẹ Thiên Chúa được triệu hồi về Thiên Ðàng cả Hồn lẫn Xác".
Ðức Piô XII chỉ minh xác rằng hiện nay Ðức Mẹ hiện diện trong vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh. Chỉ có thế.
Vấn đề: ở đâu, khi nào, cách nào, không được giải quyết. Cả vấn đề Ðức Mẹ có phải trải qua sự chết hay không cũng không được đề cập đến. Thường người ta tin rằng Ðức Mẹ cũng đã chết như Chúa Giêsu Con Ngài đã lãnh nhận sự chết, nhưng cũng có người như Thánh Epiphane và một số người khác cho rằng Ðức Mẹ không phải chết, chỉ được trực tiếp triệu hồi về Thiên Ðàng.
Như vậy, tín điều được công bố bãi bỏ những hình ảnh do các sách ngụy thơ nói vẻ vời như một cuộc thăng thiên trực chỉ có các Thiên Thần theo hầu... Danh từ triệu hồi (assumpta) là một danh từ Thánh Kinh hay dùng để nói lên cuộc gặp gỡ Chúa sau khi chết như trường hợp ông Hénoch (Sáng thế 5,24) tiên tri Elia (II Vua 2,3-10) được Chúa cất về. Và đó cũng là ân huệ Chúa dành cho mọi người công chính.
2. Tình thương sung mãn của Thiên Chúa dành cho Ðức Mẹ
Hai Tín điều: Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Ðức Mẹ Linh Hồn và Xác lên trời, mới được công bố trong khoảng cách một thế kỷ là những tín điều liên kết bổ sung cho nhau, nói lên tình thương sung mãn của Thiên Chúa dành cho Ðức Mẹ. Ðồng thời Ðức Mẹ là tiền ảnh của Giáo Hội và của mỗi tâm hồn tín hữu lúc khởi thủy và lúc tận cùng cuộc đời.
Công cuộc Chúa làm thật lớn lao cao cả. Ngài đã chọn Ðức Mẹ để Mẹ thông phần vào việc Cứu Chuộc nhân loại và từ khởi thủy đã đưa Mẹ lên một bức trọn lành vượt mức báo hiệu một ngày tận cùng trọn hảo, do tình thương bao la của Chúa. Giáo Hội và mỗi người chúng ta cũng được tham gia vào cuộc vinh thăng ấy, như Ðức Mẹ là Mẹ và là mẫu gương cho chúng ta.
Chúng ta cũng được thông chia sự sống của Thiên Chúa qua ơn sủng của phép Thánh Tẩy, trở nên con của Chúa thì chúng ta hy vọng một ngày kia cũng được thông phần vinh quang bên cạnh Mẹ.

Linh Mục Hồng Phúc, CSsR

(Trích dẫn từ Tác Phẩm "Mẹ Maria" của Lm Hồng Phúc, CSsR,
Nhà Sách Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp tái bản năm 1992)

Mittwoch, April 24, 2013


Ðức Thánh Cha mừng lễ
thánh Giorgio bổn mạng

Ðức Thánh Cha mừng lễ thánh Giorgio bổn mạng.
Vatican (SD 23-4-2013) - Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi toàn thể Giáo Hội can đảm loan báo Tin Mừng, dù gặp phải những bách hại và khó khăn.
Trên đây là ý chính bài giảng ứng khẩu của Ðức Thánh Cha trong thánh lễ lúc 10 giờ sáng 23 tháng 4 năm 2013, nhân lễ thánh Giorgio bổn mạng của ngài.
Ðồng tế thánh lễ với Ðức Thánh Cha tại Nhà nguyện Paolina trong dinh Tông Tòa có hơn 45 Hồng Y cư ngụ tại Roma, và một số chức sắc thuộc Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh.
Ðầu thánh lễ, Ðức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn, đã đại diện các Hồng Y chúc mừng lễ bổn mạng Ðức Thánh Cha và nhắc lại vài nét nổi bật trong cuộc đời của thánh Giorgio: Người đã từ bỏ chức vụ sĩ quan cấp cao trong quân đội của hoàng đế Roma, để trở thành chiến binh của Chúa Kitô. Thánh nhân cởi bỏ binh giáp để mặc lấy áo giáp đức tin và đức ái. Ðức Hồng Y Sodano cầu chúc Ðức Thánh Cha được hồng ân sức mạnh Kitô mà Chúa Thánh Linh phú cho các vị tử đạo trong mọi thời đại. Chính hồng ân sức mạnh Thánh Linh đổ tràn tâm hồn viên sĩ quan trẻ Giorgio của quân đội Roma, đã giúp thánh nhân đương đầu với mọi khó khăn trong việc từ bỏ binh nghiệp để trở nên môn đệ Chúa Kitô, phân phát tài sản của mình cho người nghèo. Ðức Hồng Y niên trưởng nói thêm rằng: "Cùng với Ðức Thánh Cha, chúng con cũng cầu xin ơn sức mạnh Kitô cho những người đang còn chịu đau khổ vì đức tin, như thời thánh Giorgio. Như cách đây mấy ngày, Ðức Thánh Cha đã nhắc nhở chúng con rằng thời kỳ của các vị tử đạo vẫn chưa chấm dứt!".
Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc, Ðức Thánh Cha ghi nhận một số điểm: trước tiên là chính lúc Giáo Hội bị bách hại, thì cũng là lúc bùng lên công trình truyền giáo của Giáo Hội: các tín hữu Kitô bị bách hại như thế đã đi tới tận miền Fenicia, đảo Cipro, và Antiokia, để công bố Lời Chúa. Họ mang trong mình lòng nhiệt thành tông đồ và nhờ đó đức tin được phổ biến. Và khi đến Antiokia, các tín hữu ấy đã bắt đầu nói với cả những người Hy Lạp. Chính Thánh Linh đã giúp họ có sáng kiến nói với cả những người Hy Lạp, đã thúc đẩy họ đi xa hơn nữa!
Ðức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: Tại Jerusalem bấy giờ, có những người nghe tin về điều ấy, thì cảm thấy căng thẳng, và họ đã gửi Barnaba đến "thanh tra tông tòa"; với một chút tinh thần khôi hài, chúng ta có thể nói cuộc thanh tra tông tòa của Barnaba ấy là khởi điểm thần học của Bộ giáo lý đức tin! Nhưng thánh Barnaba đến nơi đã thấy mọi sự tốt đẹp. Giáo Hội trở thành một người Mẹ có nhiều người con, người Mẹ cho chúng ta đức tin, mang cho chúng ta căn tính. Căn tính Kitô chính là sự thuộc về Giáo Hội.
Về điểm này, Ðức Thánh Cha Phanxicô phê bình lập luận của những người cho rằng mình muốn sống với Chúa Giêsu chứ không muốn sống với Giáo Hội; thật là một điều tách biệt vô lý khi muốn theo Chúa Giêsu ngoài Giáo Hội, yêu Chúa Giêsu mà không có Giáo Hội". Chính Giáo Hội là Mẹ ban Chúa Giêsu cho chúng ta, trao tặng chúng ta căn tính: căn tính này không phải chỉ là một ấn tích, nhưng là sự thuộc về Giáo Hội".
Ðức Thánh Cha cảnh giác thái độ chiều theo hoặc thỏa hiệp với thế gian, tìm an ủi nơi trần thế mà không ý thức về những bách hại và khó khăn. Ngài nói: "Nếu chúng ta muốn tiến bước một chút trên con đường trần thế, thương thảo với thế gian - như những người Macabêu xưa kia bị cám dỗ muốn thực hiện, thì chúng ta sẽ không bao giờ được sự an ủi của Chúa. Và nếu chúng ta chỉ tìm an ủi, thì đó chỉ là một sự an ủi hời hợt, chứ không phải là ơn an ủi của Chúa, chỉ là một sự an ủi của phàm nhân. Giáo Hội luôn tiến bước giữa Thập Giá và sự Phục Sinh, giữa bách hại và sự an ủi của Chúa. Ðó chính là hành trình của Giáo Hội: ai tiến trên con đường này thì không ai lầm".
Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta được lòng nhiệt thành tông đồ, thúc đẩy chúng ta tiến bước, như anh em với nhau! Hãy tiến bước, mang theo danh Chúa Giêsu giữa lòng Hội Thánh là Mẹ chúng ta, và như thánh Ignatio đã nói, Giáo Hội "có phẩm trật và Công Giáo". (SD 23-4-2013)
 G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Freitag, April 19, 2013

Đần độn, người không tin thách thức Kitô hữu

Vũ Văn An4/19/2013 

Các Thánh Vịnh 114 và 53 cùng mở đầu với câu: “Kẻ đần độn tự nhủ ở trong lòng: làm gì có Thiên Chúa”. Bất kể câu này muốn nói với ta điều gì về việc không tin trong xã hội Do Thái cổ thời, ngày nay, không phải chỉ có kẻ đần độn mới nói thế. Vả lại, họ cũng chẳng chịu chỉ tự nhủ ở trong lòng mà thôi đâu. Riêng tại Mỹ và Âu Châu, nơi vốn được coi như trái tim lịch sử của “Thế Giới Kitô Giáo”, hiện có cả một đoàn lũ mỗi ngày một đông thêm những người thông minh, có giáo dục, có suy nghĩ lên tiếng bác bỏ Kitô Giáo và vị Thiên Chúa mà tôn giáo này tuyên xưng. Nhiều người trong số này cho rằng niềm tin Kitô Giáo đơn thuần chỉ là bất khả tín, không phải chỉ sai lầm, mà là sai lầm một cách thô thiển, tức cười. Nhiều người trong số họ là những khuôn mặt công sáng giá: khoa học gia, triết gia, nhà báo, tiểu thuyết gia, chính trị gia, “bloggers” và tấu hề duyên dáng. Nhưng phần đông họ là những con người rất bình thường. Họ là đồng nghiệp, bạn bè, thân nhân của ta, và thậm chí còn là chính ta nữa. Điều chủ yếu không nên quên là những người không đần độn ấy rất có thể đã được đóng ấn rửa tội, nhất là tại Hoa Kỳ; trong số này, người Công Giáo chắc chắn đã được dạy giáo lý, đã chịu phép thêm sức và đã được rước lễ lần đầu thành “chứng nhân đích thực của Chúa Kitô”, như Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội từng mô tả họ. 

Những sự kiện khó nghe trên, cùng với con số gia tăng những người “không xếp hàng” với các tôn giáo (không nhất thiết là người vô thần), đang đặt ra cho Giáo Hội thật nhiều vấn đề hóc búa. Và mặc dù đã có những nhận định sáng suốt của Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay rằng: “ta có thể kể chủ nghĩa vô thần là một trong các nan đề trầm trọng nhất của thời ta và đáng được ta lưu tâm nhiều hơn nữa”, đây là các vấn đề chưa được ta thực sự bắt đầu khuôn định, chứ đừng nói tới việc giải đáp. Không cần nói cũng thấy việc giải đáp này là một trong những trách vụ khẩn cấp nhất đang đặt ra cho diễn trình “tân phúc âm hóa những người từng đã được nghe công bố về Chúa Kitô rồi” như lời Chân Phúc GH Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp “Redemptoris Missio” của ngài. 

Dĩ nhiên, có cả ngàn vạn lý do (triết học, tâm lý học, xã hội, văn hóa, luân lý) khiến người ta hoài nghi hay trở nên hoài nghi đối với các chân lý của Kitô Giáo. Ở đây, chúng tôi chỉ tập chú vào một lý do duy nhất. Một cách nghịch thường, đây là đặc điểm nền tảng trong sứ điệp Kitô Giáo, nhưng là một đặc điểm mà người vô thần nắm được một cách trực giác hơn chính chúng ta. Xét trong căn bản, những người không đần độn kia đã hiểu được một điều chủ yếu mà chính chúng ta đang cố quên đi.

Những chủ trương quái dị

Ta hãy nhìn thẳng vào vấn đề: Thiên Chúa của Kitô Giáo là một loại hữu thể hết sức kỳ lạ, nếu người ta có thể gọi Người là một loại hữu thể. Và những người tin nhận vị Thiên Chúa này đã ủng hộ, hay cho rằng mình đã ủng hộ, khá nhiều chủ trương lố bịch. 

Quả quyết một Thiên Chúa toàn năng, toàn trí và toàn ái, tạo dựng và duy trì “mọi vật hữu hình và vô hình” là một chuyện. Xét ngay trong nó, đây là một chủ trương khá nổi bật và cấp tiến, mà vào lúc mới ra đời, nó vốn là một chủ trương có tính cách mạng trong lịch sử con người và là một chủ trương được Kitô Giáo tiếp thu từ sữa bú của Do Thái Giáo. Ấy thế nhưng cho rằng vị Thiên Chúa này, tệ hơn nữa, một trong Ba Ngôi Vị của cùng một Thiên Chúa này, đã mang lấy xác phàm, trở thành một ai đó vừa thực sự là Thiên Chúa vừa thực sự là con người, lại là một chuyện khác hẳn. 

Thí dụ, hãy xem hai biểu tượng dễ nhận ra ngay tức khắc của Kitô Giáo là hài nhi Giêsu và tượng chịu nạn. Biểu tượng đầu muốn công bố rằng vị Thiên Chúa làm người này đã dành rất nhiều thời gian để làm những việc như đau bụng và cứt trâu da đầu, khóc nhè trong đêm chẳng biết vì lý do gì và không ngừng đái dầm khiến cha mẹ mất ngủ liên miên. Như thế, nước mắt, cáu kỉnh, và mọc răng cũng là công việc của vị Thiên Chúa duy nhất chân thực này, y hệt “trời, đất, biển khơi và mọi vật trong đó” (Cv 4:24). Biểu tượng sau quả quyết rằng vị Thiên Chúa làm người này bị tra tấn và sát hại, chịu một hình thái đau đớn và một cái chết không xứng hợp với một vị vua, nhưng một hình thức xử tử hết sức nhục nhã được Đế Quốc Rôma dành cho nô lệ, tướng cướp và kẻ thù của nhà nước. 

Có thể nói được rằng phần lớn tín hữu không nhận rõ cái đặc tính quái dị trong các biểu tượng nền tảng vốn được coi như đương nhiên của Kitô Giáo. Há không phải là điều lạ lẫm khi đeo quanh ngực một cái xác nhỏ xíu bị đóng đinh vào thập giá đó sao? Bất chấp là thật hay không, những chủ trương này chắc chắn là những chủ trương hoang dại và quái dị nhất trong lịch sử con người. Nhưng nếu đúng sự thật, thì chắc chắn chúng phải là những sự kiện sâu sắc nhất và đảo ngược thế giới nhất liên quan đến cuộc đời và vũ trụ. Ây thế mà, trong suốt 2000 năm qua, những chủ trương này đã trở thành quen thuộc đến nỗi chẳng ai trong đại đa số những người tuyên xưng chúng thèm bình luận, chứ đừng nói tới việc ngạc nhiên hay ngưỡng mộ. 

Sự điên rồ đối với Dân Ngoại

Tuy nhiên, điều đó không đúng đối với những người đầu tiên được nghe tin mừng này của Chúa Giêsu Kitô. Như chính Thánh Phaolô đã ghi lại “Chúng tôi rao truyền Chúa Kitô và là người bị đóng đinh, một vấp ngã đối với người Do Thái và một sự điên rồ đối với dân ngoại” (1 Cor 1:23). Dĩ nhiên, đối với người Do Thái, chủ trương cho rằng Đấng Mêxia, bất chấp là Thiên Chúa hay không, đã đến và đã bị đóng đinh là một chuyện gây gương mù gương xấu (scandalon, gương mù, tiếng Hy Lạp có nghĩa vấp ngã) một cách đầy phạm thượng. Và ta phải nói ngay rằng quả chẳng điên rồ chút nào khi nghĩ như thế: vì có ai lại đi mong chờ một đấng Mêxia bị đóng đinh rồi trỗi dậy bao giờ? Chính vì vậy mà ông Phêrô “quỉ quái” (Satanic) đã trách cứ Chúa Giêsu ở Mt 16 và các môn đệ trên đường Emmau đã chán chường nói đến người mà “họ từng hy vọng… sẽ là đấng sẽ cứu cuộc Israel” ở Lc 24. 

Trong khi ấy, đối với dân ngoại, toàn bộ cuộc tuyên xưng là một sự điên rồ tỏ tường. Ngay cái ý niệm cho rằng vua dân Do Thái, đúng ra, vua toàn thế giới, xuất thân không những từ cái vùng lạc hậu Giuđêa của Đế Quốc mà còn từ cái miền lạc hậu Galilê của cái vùng lạc hậu Giuđêa ấy, rồi xuất hiện trên lưng lừa thu hút những đám dân tạp nham gồm nông dân và ngư phủ, rồi bị bắt và bị đóng đinh như một thường phạm trước khi trỗi dậy một cách lạ lùng từ cõi chết mấy ngày sau đó, được chào đón như là cứu chúa của vũ trụ, thì quả là những truyện mê xảng của “đàn bà, nô lệ và con nít” như kiểu nói của triết gia ngoại giáo Celsus. 

Nhưng đối với những ai từng được nuôi dưỡng trong trình thuật này và biết vị Thiên Chúa làm người thực sự này, dù biết một cách không hoàn toàn hay ít khi phát biểu hay suy niệm về nó, ít khi họ cảm thấy thực sự bị thách thức bởi toàn bộ sứ điệp Kitô Giáo trong cái chiều kích bề ngoài xem ra gây gương mù gương xấu này. Dù tin tất cả sứ điệp đó hay không, người ta cũng thấy dễ khi phải gật đầu nửa vời như thể đây là những sự kiện hiển nhiên đến phát chán mà ai cũng đã nghe rồi. Điều cũng cần nói là các nhà giảng thuyết và hộ giáo Kitô Giáo thường lại hay củng cố quan niệm này. 

Trình bày “Chúa Kitô và người bị đóng đinh” như một điều bình thường, không gây tranh cãi gì cả, một điều mà người có đầu óc lành mạnh, không trì độn đương nhiên sẽ đồng ý một cách không thắc mắc là liều mình điều kiện hóa không những người khác mà còn chính ta nữa, khiến họ không còn xem sét điều đó một cách thực sự nghiêm chỉnh nữa. Bởi vì thay đổi lối sống của mình chỉ vì một điều bình thường hay một điều thường thức, thì chỉ những người bất bình thường mới làm mà thôi. Nhưng chính sự thay đổi ấy, sự quay gót (metanoia) ấy, hay sự ăn năn thống hối ấy, là điều Chúa Giêsu cho là cần thiết để ta “tin vào tin mừng” (Mk 1:15).

Về Thiên Chúa Chịu Đóng Đinh, Jürgen Moltmann nhận xét rằng ý nghĩa đích thực của Thứ Sáu Tuần Thánh “thường được người vô thần và người ngoài Kitô Giáo nhìn nhận nhiều hơn là người Kitô Giáo ngoan đạo, bởi nó làm họ ngỡ ngàng và như bị xúc phạm. Họ thấy nỗi khiếp đảm trần đời và sự vô thần của Thập Giá vì họ không tin các giải thích tôn giáo thường gán ý nghĩa cho tính vô nghĩa của cái chết này”. Dưới cái nhìn ấy, ta hãy xem hai nhận định sau đây trích dẫn từ hai nhà “tân vô thần” mà chúng tôi cho là phản ảnh được quan điểm rộng rãi hơn của những người không đần độn. 

Trong The God Delusion, Richard Dawkins viết rằng “Tôi từng mô tả việc xá tội (atonement)… là lẩn quẩn, là ác thống dâm (sado-machochistic) và kinh tởm. Ta cũng nên bác bỏ nó như một thứ điên loạn chói tai, vì sự thân quen áp đảo của nó từng làm cho tính khách quan của ta ra cùn nhụt”. Còn trong Letter to a Christian Nation, Sam Harris viết như sau: “Kitô Giáo đã tiến tới chỗ chủ trương rằng ta phải yêu và được yêu bởi một vị Thiên Chúa từng chấp nhận việc thế tội, việc tra tấn và việc sát hại một con người, mà tình cờ thay lại là chính Con của Người, để đền bù vì tác phong xấu xa và tội ác tưởng tượng của người khác”. 

Xét theo mô tả chân thực của thần học về thập giá, thì những phát biểu trên có phần chưa đầy đủ. Tuy nhiên, xét như những suy tư ấn tượng học về việc đóng đinh, nghĩa là như một sự lăng mạ quái dị, một thứ gián đoạn, đối với các vận hành bình thường của thế giới, một thứ điên dại của Thiên Chúa, như lời Thánh Phaolô nói, thì chúng quả đề cập tới một điều gì đó rất chủ yếu mà các Kitô hữu đã quá quen thuộc đến nhàm chán. Dù việc ngạc nhiên và việc bất khả tín không hẳn là đồng nghĩa, nhưng người không tin vẫn có thể nghe thấy những căng thẳng hiện đang bị những người với lỗ tai đã trở nên “nặng không còn nghe nổi” (Mt 13:15) làm ngơ.

Tái ngộ Tin Mừng 

Dawkins chính xác khi cho rằng vấn đề nằm ở sự “thân quen áp đảo”, không hẳn vì nó xâm hại khách quan tính của ta, mà đúng hơn vì nó hạn chế khả năng có thể ngỡ ngàng và ngạc nhiên, và do đó, có thể phấn khích và được thách thức của ta. Tin Kitô Giáo chân thực là một chuyện. Nhưng cảm thấy bỡ ngỡ trước việc không những nó chân thực, nhưng nếu nó chỉ có thể chân thực mà thôi, ta vẫn dựa vào nó để xây dựng cuộc đời ta, lại là một chuyện khác. Tuy nhiên, các cố gắng phúc âm hóa và giảng dạy giáo lý của ta xem ra chỉ tập chú vào việc thuyết phục người ta tin điều trước. Có lẽ đó là một lý do khiến quá nhiều người Công Giáo, dù đã được nuôi dưỡng và giáo dục trong đức tin xưa nay, đã dễ dàng lạc dần xa đức tin ấy, mà đôi khi chẳng nhận ra. 

Nhưng đối với con số càng ngày càng đông những người được dưỡng dục bên ngoài Kitô Giáo, hay đã trôi dạt khá xa khỏi tôn giáo này, thì các khả thể gặp gỡ Tin Mừng trong mọi vẻ sáng chói của nó đối với tâm trí họ sẽ hứa hẹn hơn nhiều. Như Giáo Hội tiên khởi đã chứng tỏ một cách sâu rộng, một bối cảnh trong đó tin mừng có thể được tiếp nhận như là một sự rồ dại gây gương mù cũng chính là bối cảnh trong đó nó được chào đón một cách đầy ngạc nhiên như là “tất cả những gì tốt lành, đúng đắn và chân thật” (Eph 5:9). Nhìn dưới ánh sáng này, việc người ta thích Thánh Kinh lạnh hay nóng, ngược với hâm hấp, dù kỳ lạ, vẫn có nghĩa nhiều hơn (Rv 3:15-16).

Dĩ nhiên, khi nhấn mạnh tới bản chất triệt để, nghịch thường của sứ điệp Kitô Giáo, ta luôn gặp nguy cơ rơi vào sự tối tăm của chủ nghĩa duy tín (fideistic). Điều này cũng cần phải nghiêm chỉnh xa lánh: Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinô đều đã cảnh giác việc không cần thiết phải tạo ra irrisio infidelium, hay “sự châm chọc của người không tin”. Chúng tôi muốn nói không phải Kitô Giáo điên dại thực sự hoặc lầm lạc hay tức cười. Nhưng đúng hơn, chúng tôi muốn nói rằng giống mọi điều chân thực một cách sâu sắc khác, Kitô Giáo nên làm người ta bỡ ngỡ ngay ở lần nghe đầu tiên và sơ sài. Hãy so sánh với các điều kỳ diệu của vũ trụ được khoa vật lý hiện đại phát hiện, đó là: mọi sự trong vũ trụ có lần đã được gói gọn trong một không gian cực kỳ nhỏ mọn; tuyệt đại đa số các vật ở thể rắn thực sự chỉ là những khoảng không trống rỗng; có cả hàng trăm tỉ ngân hà trong vũ trụ, mỗi dải với hàng trăm tỉ thái dương hệ… Các nhà văn khoa học nổi tiếng đã rất thành thạo giải thích cho ta cách nào và tại sao những sự vật kia có thật và các lý do vững chắc để ta tin những điều ấy. Nhưng họ cũng vẫn tỏ ra ngưỡng phục trước cái vẻ bề ngoài đầy quái dị của những khám phá ấy, vì biết rất rõ đó là điều khiến độc giả của họ phấn khích và say mê. 

Dĩ nhiên, các giáo phụ không xa lạ gì đối với các chiến thuật ấy, cho nên các nhà tân phúc hóa tương lai cũng cần phải cố gắng khắc ghi lấy nó. Nhà biện giáo thế kỷ thứ hai là Thánh Melito thành Sardis mô tả Chúa Kitô “nện chân trên đất, mà vẫn phủ đầy bầu trời… đứng trước Philatô mà đồng thời vẫn ngự trị với Cha của Người; bị đóng đinh trên thập tự giá, nhưng vẫn là chúa tể muôn vật”. Còn Thánh Augustinô thì viết như sau trong một bài giảng Lễ Giáng Sinh thời danh: “Đấng tạo ra con người nay trở thành con người, đến nỗi vua các vì sao phải bú vú mẹ; suối nguồn trở thành khát nước… sức mạnh trở thành yếu ớt; lành mạnh, trở thành thương tích; sự sống, trở thành chết chóc”. 

“Một vấp ngã đối với người Do Thái và một điên dại đối với người dân ngoại”, rất có thể như thế, nhưng dù cho là như thế, vẫn còn hơn cái thứ bình thường đối với người bên ngoài và chán ngán đối với người đã rửa tội. 

Trích dịch bài “Foolishness!” của Stephen Bullivant, giảng sư thần học và đạo đức học tại Đại Học St Mary, Luân Đôn, Anh Quốc. America 11 tháng 2, 2013.

Dienstag, April 16, 2013

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU CHO ƠN GỌI 2013

Nguyễn Minh Triệu sj chuyển ngữ4/15/2013                                                                                   










Anh chị em thân mến,
Nhân dịp lần thứ 50 ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi, được tổ chức vào ngày 21 tháng 4 năm 2013, Ngày Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh, tôi muốn mời gọi các bạn phản tỉnh về chủ đề: “Ơn gọi, dấu chỉ hy vọng đặt nền tảng trên đức tin”, được diễn ra trong năm Đức Tin cùng với dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc công Đồng Vaticano II. Trong khi Công Đồng đang họp, Tôi tớ Chúa, Đức Phaolô VI, đã thiết lập ngày toàn thể Giáo hội cầu nguyện cho ơn gọi. Vào ngày này, mọi người được mời gọi để cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha, xin Ngài tiếp tục sai các thợ gặt đến với Giáo Hội (x. Mt 9,38). Tại thời điểm đó, Ngài nói rằng: “Vấn đề có đủ số lượng các linh mục có một ảnh hưởng trực tiếp đến mọi tín hữu, không chỉ vì linh mục là nền tảng của xã hội Kitô giáo trong tương lai, nhưng hơn thế, việc có đủ số linh mục là một dấu chỉ rõ ràng của sức sống đức tin và là dấu chỉ tình yêu thương của mỗi giáo xứ cũng như các cộng đoàn giáo phận, đồng thời nó cũng là dấu chỉ rõ ràng về một đời sống luân lý lành mạnh nơi các gia đình Kitô hữu. Nơi đâu ta càng thấy có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ, nơi đó người ta đang sống Tin Mừng với sự quảng đại lớn lao” (Đức Phaolô VI, Sứ Điệp truyền thanh, 11 tháng 4 năm 1964).

Trong suốt nhiều thế kỷ qua, các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau từ khắp nơi trên thế giới quây quần bên nhau vào ngày Chúa Nhật Thứ Tư Phục Sinh và cùng nhau cầu nguyện để xin Thiên Chúa những món quà ơn gọi linh thánh, đồng thời gợi ý cho mọi người tiếp tục phản tỉnh về nhu cần khẩn thiết trong việc đáp trả lời mời gọi linh thánh. Thực vậy, hàng năm sự kiện quan trọng này đã giúp các Kitô hữu thấy được tầm quan trọng của ơn gọi linh mục và tu sĩ, và nhờ đó giúp họ ý thức về điều này trong đời sống thiêng liêng, cầu nguyện và tông đồ của mình.
Hy vọng là một sự trông mong về một điều gì đó tích cực trong tương lai, nhưng mặt khác nó cũng nuôi dưỡng hiện tại thường bị ghi dấu bởi những bất mãn và thất bại. Vậy, đâu là nền tảng niềm hy vọng của chúng ta? Nhìn vào lịch sử của dân tộc Do thái, được tường thuật lại trong Cựu Ước, chúng ta thấy một yếu tố luôn xuất hiện, đặc biệt là trong những thời điểm khó nhăn như thời Lưu Đày, một yếu tố được tìm thấy đặc biệt nơi các bài viết của các Ngôn Sứ, đó là việc Thiên Chúa luôn luôn trung thành với lời Ngài đã hứa với các Tổ Phụ: Một sự ghi nhớ mời gọi chúng ta bắt chước mẫu gương sáng chói của Tổ Phụ Abraham, ngài “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: "Dòng dõi người sẽ đông đảo như thế" (Rm 4,18). Một chân lý đầy an ủi và có tính soi sáng luôn hiển lộ trong toàn bộ lịch sử cứu độ, đó chính là sự trung tín của Thiên Chúa đối với Giao Ước. Ngài luôn đi vào Giao Ước và đổi mới nó, bất chấp con người đã phá vỡ nó khi bất trung và phạm tội, từ thời lụt hồng thủy (St 8,21-22) đến lúc xuất hành và ngang qua cuộc hành trình qua sa mạc (x. Dt 9,7).
Sự trung tín đó khiến cho Thiên Chúa tiếp tục ký kết một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu với con người, nhờ vào máu của Người Con, Đấng đã chết và sống lại để cứu độ chúng ta. Trong mỗi giây phút, đặc biệt là trong những lúc khó khăn, sự trung tín của Thiên Chúa luôn là nguồn sức mạnh đích thực của lịch sử cứu độ. Sức mạnh này khơi nên trong trái tim của những người nam và người nữ một niềm xác tín vững chắc vào niềm hy vọng rằng một ngày họ sẽ đạt đến “Đất Hứa”. Đây chính là nơi chúng ta tìm thấy nền tảng chắc chắn của mọi hy vọng: Thiên Chúa chưa bao giờ từ bỏ chúng ta và Ngài vẫn luôn trung tín với Lời của mình. Vì lý do đó, trong mọi hoàn cảnh, thuận lợi hay khó khăn, chúng ta vẫn có thể nuôi dưỡng một niềm hy vọng chắc chắn và cầu nguyện với Thánh Vịnh: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến (Tv 62, 6). Như thế, để có hy vọng, chúng ta cần tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng tín trung, Ngài luôn giữ lời hứa đã giao ước. Vì thế, đức tin và hy vọng có mối liên hệ mật thiết với nhau. “Thực ra, ‘hy vọng’ là một từ chủ yếu trong Thánh Kinh – đến mức trong nhiều đoạn những từ ‘đức tin’ và ‘hy vọng’ dường như có thể hoán chuyển cho nhau. Vì thế Thư Do Thái liên kết chặt chẽ “sự viên mãn của đức tin” (10,22) với “sự tuyên xưng cách quả quyết niềm hy vọng của chúng ta” (10,23). Cũng thế, trong thư Thứ Nhất, khi Thánh Phêrô khích lệ các Kitô hữu hãy luôn luôn sẵn sàng đưa ra câu trả lời liên quan đến logos – ý nghĩa và lý do – cho niềm hy vọng của họ (x. 3,15), thì từ ‘hy vọng’ là tương đương với từ ‘đức tin’” (Spe Salvi, 2). 

Anh chị em thân mến,
Chính xác thì sự trung tín của Thiên Chúa là gì mà chúng ta có thể đặt để niềm hy vọng của mình? Thưa, đó chính là tình yêu của Ngài. Ngang qua Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa là Đấng đã đổ tràn tình yêu vào nơi sâu thẳm nhất trong mỗi chúng ta (xem Rm 5,5). Và tình yêu này, được biểu lộ trọn vẹn nơi Đức Kitô, đã thấm sâu vào tâm khảm mỗi chúng ta và đòi hỏi một lời đáp trả ngang qua cách thức mà mỗi cá nhân muốn chọn lựa cách sống cho riêng mình. Tình yêu Thiên Chúa đôi lúc dẫn người ta tới nơi mà mình chưa bao giờ tưởng tượng, nhưng tình yêu này cũng luôn dẫn ta đến với những con người mà ta muốn tìm gặp. Như thế, hy vọng được dưỡng nuôi bởi sự xác tín này: “Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó” (1 Ga 4,16). 
Tình yêu sâu xa và mang tính đòi hỏi này đã thấm sâu vào chúng ta và trao ban cho chúng ta một niềm can đảm. Tình yêu này cũng trao cho ta niềm hy vọng vào cuộc hành trình của mình, vào lịch sử và tương lai. Cách riêng, cha muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ, cha muốn nhắc lại rằng: “Sự sống của các con sẽ là gì nếu thiếu tình yêu này? Thiên Chúa chăm sóc mọi người nam và người nữ từ khi tạo dựng đến khi thời gian tới hồi viên mãn, khi Ngài hoàn tất kế hoạch cứu độ của mình. Nơi Thiên Chúa Phục Sinh, chúng ta có một niềm hy vọng chắc chắn” (Bài Huấn dụ dành cho Các Bạn Trẻ Giáo phận San Marino – Montefeltro, 19 tháng 6 năm 2011).
Như xưa Đức Giêsu đã sống cuộc đời dương thế như thế nào, thì hôm nay Đức Giêsu Phục sinh cũng đồng hành trong cuộc sống của chúng ta như vậy. Ngài dìm mình vào hành động của chúng ta, với tất cả khao khát và nhu cầu của ta. Giữa mọi hoàn cảnh, Đức Giêsu tiếp tục nói với chúng ta; Ngài mời gọi chúng ta sống với Ngài, vì chỉ duy Ngài là Đấng có thể thỏa đáp được mọi khát vọng nơi ta. Giờ đây, Đức Giêsu hiện diện giữa cộng đoàn các môn đệ chính là Giáo Hội, và Ngài vẫn mời gọi mọi người bước theo mình. Lời mời gọi này có thể đến bất kỳ lúc nào. Hôm nay, Đức Giêsu tiếp tục cất lời: “Hãy đến và theo tôi” (Mc 10,21). Chấp nhận lời mời gọi này nghĩa là không còn chọn lựa con đường của riêng mình nữa. Theo Ngài nghĩa là đặt để ý muốn của chúng ta nơi Ý muốn của Đức Giêsu, trao ban cho Ngài chính mình, đặt Ngài vào vị trí trổi vượt trong mọi lĩnh vực của đời sống: gia đình, công việc, sở thích riêng và chính bản thân mình. Theo Đức Giêsu cũng có nghĩa là giao nộp chính chúng ta cho Ngài, sống trong tình thân mật với Ngài, và nhờ Ngài đi vào sự hiệp thông với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, và cũng là với anh chị em chúng ta. Sự hiệp thông đời sống với Đức Giêsu là một “tình trạng” đặc ân, nơi đó chúng ta có thể kinh nghiệm được niềm hy vọng và nơi đó đời sống chúng ta trở nên tròn đầy và tự do.
Ơn gọi linh mục và tu sĩ được nảy sinh từ kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Đức Kitô, từ một cuộc đối thoại chân thành và đầy tin tưởng với Ngài, nhờ đó đi vào trong ý muốn của Ngài. Do đó, điều cần thiết là phải lớn lên trong kinh nghiệm về đức tin, được hiểu như là một mối liên hệ sâu xa với Đức Giêsu, như là một sự lắng nghe nội tâm đối với tiếng nói của Ngài vốn âm vang trong sâu thẳm cõi lòng chúng ta. Tiến trình này, một tiến trình mà ngang qua đó chúng ta đáp trả một cách tích cực đối với lời mời gọi của Thiên Chúa, chỉ khả thi nơi những cộng đoàn Kitô hữu sống đức tin một cách mạnh mẽ và quảng đại làm chứng cho Tin Mừng, nơi có một cảm thức truyền giáo mạnh mẽ đến nỗi thúc đẩy người ta hiến mình cho Nước Thiên Chúa. Tiến trình này được nuôi dưỡng bởi các bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và ngang qua một đời sống cầu nguyện liên lỉ. Đời sống cầu nguyện, “một đàng là cái gì đó rất riêng tư, là một cuộc gặp gỡ giữa thâm sâu của chính tôi với Chúa, Thiên Chúa hằng sống. Đàng khác, lời cầu ấy phải luôn được hướng dẫn và soi sáng bởi những kinh nguyện quý giá của Giáo Hội và của các thánh, và bởi lời cầu phụng vụ, trong đó Chúa dạy đi dạy lại chúng ta làm thế nào cầu nguyện cho xứng hợp” (Spe Salvi, 34).
Đời sống cầu nguyện sâu xa và bền bỉ giúp tăng trưởng đức tin nơi cộng đoàn Kitô hữu. Đồng thời đời sống cầu nguyện cũng giúp đổi mới không ngừng niềm xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ dân Ngài và luôn nuôi dưỡng họ bằng cách trao ban những ơn gọi đặc biệt – ơn gọi linh mục và tu sĩ – để họ có thể là dấu chỉ hy vọng cho thế giới. Thực vậy, linh mục và tu sĩ được mời gọi để trao ban chính mình một cách vô điều kiện cho Dân Thiên Chúa, trong một sự phục vụ yêu thương cho Tin Mừng và Giáo hội, với niềm xác tín vào niềm hy vọng vốn chỉ có thể đến từ một sự mở ra đối với Thiên Chúa. Do đó, ngang qua những chứng tá về đức tin và lòng nhiệt thành tông đồ, họ có thể thông truyền, đặc biệt với các thế hệ trẻ, một khao khát mạnh mẽ để quảng đại và mau mắn đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô, Đấng mời gọi họ bước theo Ngài một cách gần gũi hơn. Khi một người môn đệ của Đức Giêsu chấp nhận lời mời gọi thần linh để dâng hiến chính mình trong đời sống linh mục hay tu trì, chúng ta chứng kiến một hoa trái chín mùi nhất của cộng đoàn Kitô hữu, giúp chúng ta nhìn vào tương lai của Giáo Hội và sứ mạng rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội trong niềm tin tưởng và hy vọng. Điều này đòi hỏi cần có những người thợ gặt mới để công bố Tin Mừng, để cử hành Thánh Lễ và bí Tích Hòa Giải. Vì thế, không thể thiếu những linh mục nhiệt thành, những người luôn ở bên người trẻ với tư cách là “những người bạn đồng hành”, giúp đỡ họ, trong bước đường đời đầy khó khăn và cam go, nhận ra Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (xem Ga 14,6). Các linh mục cũng là người nói cho người trẻ về lòng can đảm của Tin Mừng, về vẻ đẹp của việc phục vụ Thiên Chúa, cộng đoàn Kitô hữu và anh chị em của mình! Các linh mục là hiện thân của hoa trái phát sinh từ một sự dấn thân nhiệt thành vốn trao ban ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của họ, vì đời sống này được đặt nền tảng trên niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước (x. Ga 4,19).
Các bạn trẻ thân mến, dẫu các con đang phải đối diện với biết bao nhiêu lựa chọn hời hợt và chóng qua, cha hy vọng các con vẫn có thể nuôi dưỡng khao khát về điều gì có giá trị đích thực với những mục đích cao cả, những lựa chọn triệt để trong việc phục vụ tha nhân và bắt chước Đức Kitô. Các con đừng sợ bước theo Đức Giêsu và bước đi trên những con đường có tính đòi hỏi, can đảm sống đức ái và quảng đại dấn thân. Trên hành trình này, các con sẽ hạnh phúc để phục vụ và làm chứng về một niềm vui mà thế giới không thể trao ban, các con sẽ là những ngọn lửa sống động về một tình yêu vô hạn và vĩnh cửu, và các con sẽ học để “sẵn sàng đưa ra câu trả lời cho niềm hy vọng nơi các con” (1Pr 3,15).Vatican, ngày 6 tháng 10 năm 2012+ Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/106175.htm