Trang chủ

Montag, Mai 09, 2016

Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (3)

Vũ Văn An4/10/2016

2. Lòng thương xót: một vấn đề nền tảng đối với thế kỷ 21

Lòng thương xót: một vấn đề nền tảng đối với thế kỷ. Hai vị giáo hoàng của hậu bán thế kỷ 20 đã rõ ràng nhận ra các “dấu chỉ của thời đại” và đã khẩn khoản yêu cầu để vấn đề thương xót được đem vào tâm điểm của việc công bố lẫn việc thực hành của Giáo Hội một lần nữa. Đức Gioan XXIII, “vị giáo hoàng nhân từ”, như người Ý từng âu yếm gọi ngài, là vị giáo hoàng đầu tiên tiếp nhận thách đố này. Nhật ký thiêng liêng của ngài chứa nhiều suy niệm sâu sắc liên quan tới lòng thương xót của Thiên Chúa. Đối với ngài, lòng thương xót là tên đẹp nhất và là cách xưng hô đẹp nhất đối với Thiên Chúa. Sự thảm hại của ta chính là ngai của lòng Chúa thương xót (25). Đức Giáo Hoàng Gioan trích dẫn Thánh Vịnh 89:2: “Con tuyên xưng rằng tình yêu bền vững của Ngài được thiết lập thiên thu” (26).




Bởi thế, để phù hợp với các xác tín nội tâm của ngài, các xác tín vốn đã chín mùi từ lâu trước đó, và để phù hợp với quan tâm bản thân sâu sắc của ngài, trong bài diễn văn đầy cách mạng của ngài nhân dịp khai mạc Công Đồng Vatican II ngày 11 tháng Mười, năm 1962, Đức Gioan XXIII đã nói rằng trọng điểm của Công Đồng không phải chỉ nhắc lại giáo huấn truyền thống của Giáo Hội. Theo ngài, giáo huấn này ai cũng đã biết và luôn xác tín. Giáo Hội vốn chống lại “các lầm lỗi của mọi thời đại. Giáo Hội thường lên án chúng một cách nghiêm khắc nhất. Tuy nhiên, ngày nay, Hiền Thê của Giáo Hội thích dùng thuốc thương xót hơn là sự nghiêm khắc kia” (27).

Với câu tuyên bố trên, Đức Giáo Hoàng đã gióng lên một cung giọng mới, khiến mọi người ngồi dậy và chú ý. Hậu quả của nó rất nhiều, suốt trong diễn trình sau đó của Công Đồng. Vì, giống như Đức Giáo Hoàng, tất cả 16 văn kiện của Công Đồng đều chỉ nhằm hủy bỏ hay thay đổi rất ít giáo huấn truyền thống của Giáo Hội. Chúng không muốn đoạn tuyệt với truyền thống trước đó của Giáo Hội. Nhưng chúng gióng lên một cung giọng mới và bênh vực một phong thái mới cho việc công bố và cho đời sống Giáo Hội. Giống như Đức Giáo Hoàng, các văn kiện này nhìn nhận mối liên kết giữa lòng thương xót và sự thật (28). Đức Gioan XXIII lên đặc điểm cho phong thái mới này bằng cách nói tới mục tiêu mục vụ của Công Đồng. 

Trong thời gian Công Đồng cũng như trong thời gian sau đó, nhiều cuộc thảo luận và nhiều hiểu lầm đã xẩy ra liên quan tới ý niệm “mục vụ” (29). Không đi vào cuộc thảo luận có tính kỹ thuật ở đây, ta có thể nói: phong thái mục vụ mới, mà Đức Gioan XXIII muốn có, liên quan nhiều tới điều chính ngài nói trong bài diễn văn khai mạc, khi ngài đề cập tới thuốc thương xót. Từ lúc ấy, chủ đề thương xót đã trở nên chủ đề nền tảng không những cho Công Đồng mà còn cho cả nguyên lý hành động mục vụ của Giáo Hội hậu Công Đồng nữa.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp tục và đào sâu thêm điều Đức Gioan XXIII đã bắt đầu. Vấn đề thương xót không được đặt ra với ngài ở phòng làm việc. Giống một số vị khác, vị giáo hoàng này biết rõ lịch sử đau khổ của thời ngài và ngài trải nghiệm nó một cách cụ thể ngay trong con người của mình. Ngài lớn lên trong khu vực cận kề Auschwitz. Lúc còn trẻ, lúc đầu đời linh mục, và lúc là Giám Mục Cracow, ngài sống qua các kinh hoàng của hai thế chiến và hai chế độ toàn trị dã man. Ngài cũng trải nghiệm nhiều thống khổ của dân tộc ngài và của chính đời ngài. Triều giáo hoàng của ngài được ghi dấu bằng những hậu quả của cuộc mưu sát và, trong các năm tháng sau cùng, bằng chính đau khổ bản thân của ngài. Chứng tá đau khổ của ngài là một bài thuyết giảng mạnh mẽ hơn các bài giảng lễ và nhiều soạn tác khác của ngài. Nhờ cách này, ngài biến sứ điệp thương xót thành chủ đề dẫn đầu của triều giáo hoàng lâu dài của ngài. Ngài làm cho Giáo Hội của Thế Kỷ 21 lưu ý tới nó (30).

Chính thông điệp thứ hai trong triều giáo hoàng của ngài, Dives in Misericordia (1980), đã được dành cho vấn đề thương xót. Bản dịch tiếng Đức của thông điệp này mang tựa đề “Hữu Thể Nhân Bản Đang Lâm Nguy và Sức Mạnh của Lòng Thương Xót” (31). Trong thông điệp này, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở ta rằng một mình công lý không đủ, vì summa justitia (công lý tối cao) cũng có thể là summa injustitia (bất công tối cao). Cuộc phong hiển thánh đầu tiên trong thiên niên kỷ thứ ba, diễn ra ngày 30 tháng Tư năm 2000, cố ý và có bài bản đàng hoàng bàn tới vấn đề thương xót. Vì vào ngày ấy, ngài đã phong hiển thánh cho chị dòng và là nhà huyền nhiệm Ba Lan tên Faustina Kowalska (qua đời năm 1938), người mà cho tới lúc ấy, không được nổi tiếng bao nhiêu. Trong các ghi chép của chị, người nữ tu đơn sơ này đã vượt xa cả nền thần học tân kinh viện khoa bảng và lý thuyết siêu hình hoàn toàn trừu tượng của nó nói về các thuộc tính của Thiên Chúa. Chị mô tả lòng thương xót của Thiên Chúa, hoàn toàn theo cung giọng Thánh Kinh, như là thuộc tính lớn nhất và cao nhất trong các thuộc tính của Thiên Chúa và chị nhấn mạnh tới lòng thương xót, coi nó như sự hoàn thiện tinh ròng và đơn giản của Thiên Chúa (32). Do đó, Faustina đã đứng trong truyền thống vĩ đại của huyền nhiệm học nữ giới. Trong bối cảnh này, ta chỉ cần nhớ tới Thánh Nữ Catarina đệ Sienna và Thánh Nữ Têrêxa đệ Lisieux. 

Trong cuộc viếng thăm Lagiewniki, một khu ngoại ô của Cracow, nơi Chị Faustina từng sống, ngày 7 tháng Sáu năm1997, Đức Giáo Hoàng nói rằng nhờ trải nghiệm thảm hại của Thế Chiến II, lịch sử đã khắc ghi vấn đề thương xót như một cứu giúp đặc biệt và là nguồn hy vọng khôn cùng. Xét theo một phương diện, sứ điệp này đã vẽ lên toàn bộ bức tranh cho triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II. Trong bài giàng Thánh Lễ Phong Thánh cho Chị Faustina, ngài nói rằng sứ điệp này phải như một tia nắng, soi đường cho nhân loại trong thiên niên kỷ thứ ba. Trong chuyến viếng thăm quê hương Ba Lan của ngài lần cuối cùng, ngày 17 tháng Tám năm 2002, tại Lagiewniki, ngài long trọng dâng thế giới cho lòng Chúa thương xót. Dịp này, ngài trao cho Giáo Hội trách vụ loan truyền ngọn lửa thương xót cho thế giới. Đước Chị Faustina gợi hứng, ngài tuyên bố Chúa Nhật sau Lễ Phục Sinh, thường gọi là “Chúa Nhật Thấp”, là Chúa Nhật Thương Xót.

Nhiều người cho là một dấu chỉ Chúa Quan Phòng khi vị giáo hoàng này được gọi về Nhà Cha của ngài vào buổi tối trước Chúa Nhật Thương Xót, 2 tháng Tư năm 2005. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI ủng hộ lối giải thích này dịp phong chân phúc cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào Chúa Nhật Thương Xót, 1 tháng Năm năm 2011. Trước đó, trong Thánh Lễ An Táng tại Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, 8 tháng Tư năm 2005, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger lúc đó, trong tư cách Hồng Y phó tế, đã nhấn mạnh rằng lòng thương xót là quan tâm đặc biệt của vị tiền nhiệm và ngài tiếp nhận quan tâm này làm nghĩa vụ bản thân của mình. Ngài nói “Ngài [tức Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II] đã chỉ cho thấy bí quyết Phục Sinh chính là bí quyết của lòng Chúa thương xót. Trong cuốn sách cuối cùng của mình, ngài từng viết: ranh giới được thiết lập cho sự ác ‘cuối cùng chính là lòng Chúa thương xót’”. Đó chính là câu trích nguyên văn từ một tác phẩm được Đức Gioan Phaolô xuất bản chỉ mấy tháng trước khi ngài qua đời, tựa là Ký Ức và Bản Sắc. Nó nói lên một lần nữa quan tâm chính của ngài một cách tóm lược (33). 

Trong Thánh Lễ khai mạc mật nghị hội bầu giáo hoàng ngày 18 tháng Tư năm 2005, Đức Hồng Y Ratzinger nói: “Đầy hân hoan, chúng ta nghe công bố Năm Thương Xót: lòng Chúa thương xót lập ranh giới cho sự ác, Đức Thánh Cha dạy ta như thế. Chúa Giêsu Kitô đích thân là lòng Chúa thương xót: gặp gỡ Chúa Kitô là gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa. Ủy nhiệm thư của Chúa Kitô đã trở thành ủy nhiệm thư của ta qua việc xức dầu linh mục. Chúng ta được trao phó việc công bố ‘Năm Thương Xót của Chúa’ không chỉ bằng lời, mà còn bằng cả đời sống ta và bằng các dấu chỉ hữu hiệu của bí tích nữa”.

Do đó, ta không thể ngạc nhiên khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, ngay trong thông điệp đầu tiên của ngài năm 2006, tựa là Deus Caritas est(Thiên Chúa là Tình Yêu), đã tiếp nối đường lối suy nghĩ của vị tiền nhiệm và đào sâu nó hơn nữa về thần học. Trong thông điệp xã hội của mình, tựa là Caritas in Veritate (Đức Ái trong Chân Lý), ngài cụ thể hóa chủ đề này bằng cách lưu ý tới các thách đố mới. Khác với nhiều thông điệp xã hội trước đó, ngài không khởi diễn từ công lý, mà từ tình yêu, coi nó như nguyên lý căn bản của giáo huấn xã hội Kitô Giáo. Do đó, Đức Giáo Hoàng đã chọn một khởi điểm mới cho giáo huấn xã hội của Giáo Hội và đem lại một đà thúc đẩy mới để một lần nữa tiếp nối cách mới mẻ sự quan tâm đối với lòng thương xót trong một ngữ cảnh rộng lớn hơn. 

Như thế, ba vị giáo hoàng trong hậu bán thế kỷ 20 và khởi đầu thế kỷ 21, đã trao cho ta vấn đề thương xót. Đây thực sự không phải là chủ đề hạng nhì, mà đúng hơn là chủ đề căn bản của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước và là vấn đề nền tảng đối với thế kỷ 21 như là câu giải đáp cho “các dấu chỉ của thời đại”.

3. Lòng thương xót: đã bị lãng quên một cách đáng kết tội

Việc nhấn mạnh tới lòng thương xót như là chủ đề chính cho thần học thế kỷ 21, cho một ngôn từ về Thiên Chúa có thể đem lại một giải thích hợp lý cho đức tin vào Người của ta, có nghĩa là ta phải tìm hiểu cách mới mẻ ý nghĩa chính của sứ điệp lòng Chúa thương xót trong chứng từ của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước (34). Ngay khi vừa làm việc này, ta đã hiểu một cách ngạc nhiên, thậm chí ngỡ ngàng nữa, rằng chủ đề này, một chủ đề có tính trung tâm đối với Thánh Kinh và hết sức có liên hệ đối với việc cảm nghiệm thực tại hiện nay, dường như chỉ đứng ở bên lề các từ vựng và các sách giáo khoa thần học tín lý. Trong các sách giáo khoa tín lý gần đây hơn, lòng thương xót của Thiên Chúa chỉ được coi như một trong các thuộc tính của Thiên Chúa mà thôi. Nó thường chỉ được bàn đến một cách vắn vỏi và chỉ sau các thuộc tính dẫn khởi từ yếu tính siêu hình của Thiên Chúa. Do đó, lòng thương xót không hề có tính quyết định xét về hệ thống (35). 

Trong các sách giáo khoa gần đây hơn, lòng thương xót thường vắng bóng hoàn toàn (36) và, nếu có xuất hiện đâu đó, thì chắc chắn cũng chỉ là tình cờ mà thôi. Chỉ là các ngoại lệ; tuy nhiên, các ngoại lệ này, về căn bản, không thể thay đổi được hiện tượng nói chung trên (37). 

Ta không thể coi các khám phá trên là gì khác ngoài việc làm ta ngã lòng, thậm chí là tai họa nữa. Điều cần hiện nay là suy nghĩ thấu đáo trở lại toàn bộ giáo huấn về các thuộc tính của Thiên Chúa và, trong diễn trình này, giúp lòng thương xót chiếm vị trí thích đáng của nó. Vì các khám phá trên không thể đánh giá đúng ý nghĩa trung tâm của lòng thương xót trong Thánh Kinh cũng như các trải nghiệm kinh hoàng của thế kỷ 20 và nỗi lo âu của chúng ta đối với tương lai ở buổi đầu thế kỷ 21 này. Trong một tình huống trong đó nhiều người cùng thời với ta đang ngã lòng, mất hết hy vọng và định hướng, thì sứ điệp của lòng Chúa thương xót phải đem theo sứ điệp trấn an và hy vọng. Như thế, việc nhấn mạnh tới ý nghĩa của lòng Chúa thương xót đối với tình thế hiện nay đem lại cho thần học một kích thích mạnh mẽ. 

Sự thất bại của suy tư thần học đối với sứ điệp thương xót, một sứ điệp vốn có tính trung tâm trong Thánh Kinh, đã khiến ý niệm này thường bị hạ giá, thoái hóa thành một thứ linh đạo “hạng nhẹ” (soft) hay một thứ quan tâm mục vụ mờ nhạt, thiếu hẳn định nghĩa rõ ràng và buộc phải uốn cong theo từng cá nhân. Ta có thể hiểu được thứ triết lý hành động hạng nhẹ này như một phản ứng chống lại thứ triết lý hành động cứng ngắc, vụ luật. Nhưng lòng thương xót sẽ trở thành ngụy thương xót khi nó không còn một chút run sợ nào trước nhan Thiên Chúa, Đấng vốn thánh thiện, và không còn chút run sợ nào trước công lý và phán xử của Người nữa. Nó sẽ trở thành ngụy thương xót khi “có” không còn là “có” nữa, và “không” không còn là “không” nữa; khi nó không vượt qúa, mà đúng hơn hạ giá việc đòi công lý. Tin Mừng dạy phải công chính hóa người tội lỗi, chứ không công chính hóa tội lỗi. Vì lý do này, ta phải yêu người tội lỗi nhưng phải ghét tội lỗi. 

Lý do khiến ta nói tới lòng thương xót một cách qua loa sẽ trở nên hiển nhiên khi ta cho rằng các thuộc tính nào của Thiên Chúa được rút ra từ yếu tính siêu hình của Thiên Chúa hiểu như Sự Hữu Tự Tồn (ipsum esse subsistens) phải là tập chú của các sách giáo khoa: tính đơn giản, tính vô hạn, tính vĩnh cửu, tính hiện diện ở khắp mọi nơi, tính toàn năng, tính toàn trí và các thuộc tính khác. Tính quyết định siêu hình của yếu tính Thiên Chúa, từng lên khuôn cho toàn bộ truyền thống thần học kể từ thời kỳ đầu tiên của Giáo Hội, là điều không thể nào nghi vấn từ trong nền tảng của nó được. Tính chính đáng cũng như các giới hạn của nó sẽ được nghiên cứu chi tiết sau này (38). Ở đây, ta chỉ nên nhấn mạnh rằng: trong các thông số (parameters) thuộc tính siêu hình của Thiên Chúa, ít có chỗ dành cho ý niệm thương xót, là ý niệm không phát xuất từ yếu tính siêu hình, mà đúng hơn từ việc tự mặc khải của Thiên Chúa trong lịch sử. Trong các thông số thuộc tính của Thiên Chúa, cũng có thật ít chỗ dành cho sự thánh thiện và cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nghĩa là dành cho việc Người chống lại sự ác. Do đó, lãng quên lòng thương xót không phải là một loại vấn đề thứ yếu nằm ở bên lề học lý về Thiên Chúa; mà đúng hơn, nó đối chất với ta bằng vần đề nền tảng phải xác định được yếu tính của Thiên Chúa và các thuộc tính của Người nói chung. Nó khiến cho việc suy nghĩ mới mẻ về học lý Thiên Chúa trở nên cần thiết.

Khởi điểm truyền thống về siêu hình trong học lý về Thiên Chúa đem theo nó một vấn đề nữa để nói về lòng Chúa thương xót. Tức là, nếu Thiên Chúa chính là sự hữu, thì sự hoàn hảo tuyệt đối trong sự hữu của Người là điều tất nhiên phải phát sinh từ sự viên mãn tuyệt đối của sự hữu này. Sự hoàn hảo như thế ngụ hàm Thiên Chúa không thể nào chịu khổ được (apatheia = ἀᴨάθεΙα) vì chịu khổ phải được hiểu như một thiếu sót. Dựa trên khởi điểm thần học của nó, thần học tín lý khó có thể nói tới một Thiên Chúa cảm thương (compassionate) (39). Nó buộc phải loại bỏ khả thể Thiên Chúa chịu đau khổ (pati) với các tạo vật của Người theo nghĩa thụ động; nó chỉ có thể nói tới lòng thương hại (mitleid) và thương xót mà thôi, theo nghĩa tác động là: Thiên Chúa chống lại sự đau khổ nơi các thụ tạo của Người và ban cho chúng ơn trợ giúp của Người (40). Câu hỏi còn lại là liệu điều này có tương hợp thỏa đáng với cái hiểu của Thánh Kinh về Thiên Chúa hay không; một cái hiểu vẫn cho rằng Người là Đấng chịu đau khổ [mitleidet] với các tạo vật của mình, Đấng vì misericors (thương xót) nên có một trái tim (cor) với người nghèo và vì người nghèo (miseri) (41). Có thể nào một Thiên Chúa vốn được quan niệm là vô cảm như thế lại thực sự là đồng cảm đến như vậy hay không?

Về phương diện mục vụ, quan niệm như thế về Thiên Chúa là một thảm họa. Vì, đối với đa số người ta, một Thiên Chúa bị quan niệm trừu tượng như thế xem ra quá xa cách đối với tình trạng bản thân của họ. Đối với họ, một Thiên Chúa như thế xem ra có rất ít hay không có liên hệ gì đối với hiện tình của thế giới, trong đó, hầu như mọi phúc trình tin tức hãi hùng hàng ngày vẫn được đem tới, hết tin này tới tin nọ, và nhiều người bị bối rối lo âu sâu xa đối với tương lai. Khoảng cách rộng lớn giữa trải nghiệm thực tại và việc công bố của đức tin có nhiều hậu quả thảm hại. Vì việc công bố một Thiên Chúa vô cảm trước đau khổ là nguyên nhân khiến Thiên Chúa ra xa lạ và cuối cùng không liên hệ gì tới những con người nhân bản nữa. 

Trong phạm vi cái hiểu siêu hình về Thiên Chúa, vấn đề thương xót trong các sách giáo khoa thần học cuối cùng chỉ có thể được xử lý trong việc nối kết nó với vấn đề công lý của Thiên Chúa, và là thứ công lý được nền triết học cổ thời hiểu như là trả cho ai phần họ đáng được (suum cuique). Công lý luật pháp (Justitia legalis), công lý phân phối (Justitia distributiva) và công lý thưởng phạt (Justitia vindicativa) cũng có liên hệ ở đây. Dựa trên công lý thưởng phạt, Thiên Chúa tưởng thưởng người tốt và trừng phạt người xấu. Cả điều này hẳn cũng sẽ đặt ra câu hỏi làm thế nào hòa giải được lòng Chúa thương xót với công lý thưởng phạt của Người? Nếu Thiên Chúa là Đấng thương xót và không trừng phạt người tội lỗi, thì việc này làm sao có thể tương hợp với công lý Thiên Chúa? Câu trả lời là: Thiên Chúa thương xót những người tội lỗi biết ăn năn, sẵn sàng thay đổi đường lối của mình, nhưng Người trừng phạt những người không thống hối việc làm xấu và không chịu thay đổi đường lối của mình. Câu trả lời này hữu lý nếu ta thừa nhận công lý thưởng phạt là quan điểm cao hơn mà ta đặt lòng thương xót phụ thuộc vào, có thể nói như thế, như là một dịp để thi hành công lý thưởng phạt. 

Hình ảnh một Thiên Chúa hay trừng phạt và ưa báo oán đã đẩy nhiều người vào một trạng thái lo âu xao xuyến đối với phần rỗi đời đời của họ. Điển hình nổi tiếng nhất và là điển hình gây những hậu quả lớn lao nhất trong lịch sử Giáo Hội là chàng tuổi trẻ Martin Luther; đối với chàng, câu hỏi “Làm thế nào tôi có được một Thiên Chúa từ nhân?” đã gây nên những náo động hãi hùng trong lương tâm một thời gian thật dài trước khi chàng tiến tới chỗ hiểu ra rằng theo Thánh Kinh, công lý của Thiên Chúa không phải là công lý trừng phạt, mà đúng hơn là công lý công chính hóa của Người, một công lý bao hàm lòng thương xót. Giáo Hội trở thành chia rẽ về vấn đề này trong thế kỷ 16. Như thế, mối liên hệ giữa công lý và lòng thương xót trở thành vấn đề định mệnh của thần học Phương Tây (42). 

Cho mãi tới thế kỷ 20, ta mới tìm được một đồng thuận căn bản giữa người Luthêrô và người Công Giáo liên quan tới vấn đề công chính hóa người tội lỗi (43). Việc này chỉ có thể có được vì chúng ta đã cùng nhau hiểu ra rằng công lý của Thiên Chúa chính là lòng thương xót của Người. Tuy thế, các hệ luận đối với học lý về Thiên Chúa và đối với phương cách mới để nói về một Thiên Chúa giải thoát và công chính hóa, vốn ngụ hàm trong thoả thuận chung liên quan tới học lý công chính hóa, thì cho tới nay vẫn chưa được rút tỉa bao nhiêu. Ở đây, ta đang đương đầu với một thách đố căn bản chung liên quan tới việc tân phúc âm hóa. 

Bởi thế, ta đang đứng trước bổn phận phải kéo lòng thương xót ra khỏi kiếp hiện sinh Cinderella mà nó từng rơi vào trong thần học truyền thống. Điều này phải diễn ra mà không trở thành nạn nhân của hình ảnh tầm thường và tầm thường hóa về một “Thiên Chúa thân mến” bọc đường, một hình ảnh biến Thiên Chúa thành một bằng hữu tốt bụng và không còn coi trọng chút nào sự thánh thiện của Người. Lòng thương xót phải được hiểu là công lý riêng của Thiên Chúa và là sự thánh thiện của Người. Chỉ với chiều hướng này, ta mới có thể làm cho hình ảnh người cha nhân hậu và hay thương xót, hình ảnh mà Chúa Giêsu từng công bố với ta, tỏa sáng một lần nữa. Ta cũng có thể nói: điều cần là phải vẽ ra hình ảnh một vị Thiên Chúa có thiện cảm. Điều này càng cần thiết gấp bội khi phải đối đầu với nhiều xuyên tạc ý thức hệ đối với hình ảnh Thiên Chúa. 

Kỳ sau: 4. Lòng thương xót dưới sự nghi ngại của ý thức hệ.


_____________________________________________________________________________________

(25) Đức Gioan XXIII, Il giornale dell’anima e altri scritti di pietà, a cura di L.F. Capovilla (Milan: Edizione paoline, 1989), 452

(26) Đức Gioan XXIII, Il giornale dell’anima, 149.

(27) Đức Gioan XXIII, “Opening Speech to the Council” trong The Documents of Vatican II, Walter M. Abbott hiệu đính (New York: Guild Press, 1966), 716.

(28) Đức Gioan XXIII, Il giornale dell’anima, 465.

(29) Xem Walter Kasper, Katholische Kirche: Wesen-Wirklichkeit-Sendung (Freiburg i. Br.: Herder 2011), 32, 39-41, 453 f.

(30) Muốn có một sưu tập các bản văn, xin xem Đức Gioan Phaolô II, Bamherzigkeit Gottes: Quelle der Hoffnung (Einsiedeln: Johannes, 2011). Có một số ấn phẩm nói về sự đóng góp của Đức Gioan Phaolô II vào chủ đề thương xót. Ở đây, chỉ xin nhắc tới 2 ấn phẩm sau: Christoph von Schonborn, We Have Found Mercy: The Mystery of Divine Mercy (San Francisco: Ignatius Polkress, 2012). Edith Olk, Die Barmherzigkeit Gottes als zentrale Quelle des chrislichenLebens (St. Ottilie: EOS, 2011). 

(31) Đức Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia (1980): Mit einemKommentar von K. Lehmann (Freiburg i. Br.: Herder, 1981).

(32) Tagebuch der Schwester Maria Faustina Kowalska (Hauteville: parvis-Verlag, 1996). Xem Hans Buob, Die Barmherzigkeit Gottes und der Menschen: Heilmittel fur Seele und Leib nach dem Tagebuch der Schwester Faustina (Fremdingen:UNIO-Verlag, 2007).

(33) Đức Gioan Phaolô II, Memory and Identity: Conversations at the Dawnof a Millennium (New York: Rizzoli, 2005), 55.

(34) Xem các chương III và IV.

(35) Franz Diekamp chỉ dành 11 dòng nói về lòng thương xót và nói về nó song song với các thuộc tính khác của Thiên Chúa. Đối với một nền thần học tín lý được cấu trúc theo các nguyên tắc của Thánh Tôma Aquinô, vị thánh từng phát biểu rất nhiều mệnh đề tuyệt vời về lòng thương xót, thì điều này quả là lạ lùng. Xem tác phẩm của ông Katholische Dogmatik nach den Grundsatzen des heiligen Thomas, Bd.1, (Munster: Aschendorff, 1957), 225. Joseph Pohle và Joseph Gummersbach nói về lòng thương xót gần như một phụ lục, bàn tới nó như thuộc tính cuối cùng của Thiên Chúa. Xem tác phẩm của họ Lehrbuch der Dogmatik, Bd.1, (Paderborn: Schoningh, 1952), 338-40. Trong tín lý học của Ludwig Ott, lòng thương xót chỉ chiếm một trang khi ông bàn tới các thuộc tính luân lý của Thiên Chúa: Grundriss katholischer Dogmatik (Freiburg i. Br.: Herder, 1970), 57f. Trong tín lý học của Michael Schmauss, lòng thương xót chiếm 2 trang rưỡi, nhưng cũng chỉ ở khoảng cuối của một cuốn sách 678 trang bàn tới học lý về Thiên Chúa và, do đó, ở một chỗ nó không thi thố được một ảnh hưởng có tính cách quyết định nào đối với hệ thống tín lý. Xem tác phẩm của ông Katholische Dogmatik, Bd. 1 (Munchen: Hueber, 1960). Chỉ có một tham chiếu ngắn ngủi trong cuốn Glaubenszugange: Lehrbuch der katholischen Dogmatik, Bd. 1 (Paderborn: Schoningh, 1995),392, của Wolfgang Beinert, về lòng thương xót khi nói về học lý tạo dựng. Đây mới chỉ là những điển hình, mà ta có thể nhân thừa lên.

(36) Trong Mysterium salutis: Grundriss heilgeschichtlicher Dogmatik, Bd. 2 (Einsiedeln: Benziger Verlag, 1967), lòng thương xót của Thiên Chúa chỉ được nhắc tới trong những đoạn xử lý nền thần học thánh kinh, chứ không được thảo luận một cách có hệ thống (264,268, 279,1113). Điều này cũng đúng đối với cuốn Initiation à la pratique de la théologie của Bernard Lauret và Francois Refoulé (Paris: Éditions du Cerf, 1983), vol. 3. Các cuốn Handbuch der Dogmatik của Theodor Schneider, Bd. 1 (Dusseldorf: Patmos Verlag, 1992, Katholische Dogmatik (Freiburg i. Bd.: Herder, 1995) và Dogmatik của Harald Wagner (Stuttgart: Kohlmammer, 2003) không có gì đáng nói về lòng thương xót. Nhưng ngạc nhiên là Otto Hermann Pesch, trong tín lý học của mình, một tín lý học được đưa ra trong viễn ảnh đại kết, đã không dành một chữ nào nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, dù bắt buộc phải có khi bàn tới kinh nghiệm của Luther: xem Katholische Dogmatik, Bd. I/2 (Ostfildern: Matthias-Grunewald, Verlag, 2008). Bất hạnh một điều, chính tôi cũng không thoát khỏi bị chỉ trích. Vì chính tôi cũng đã bỏ qua ý niệm này khi trình bầy học lý về Thiên Chúa trong cuốn The God of Jesus Christ. 

(37) Trường hợp ngoại lệ rất đáng khen, trước nhất và trên hết, là Matthias Joseph Scheeben, Handbuch der katholischen Dogmatik, Bd. 2 (Freiburg i. Br.: Herder, 1948), §101, 265-67. Một điển hình tích cực từ nền thần học gần đây hơn là Bertrand de Margerie, Les Perfections du Dieu de Jésus Christ (Paris: Cerf, 1981), 255-68.

(38) Xem ch. V,1.

(39) Xem ch.V, 6.

(40)Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt. I, q.21 a.3.

(41) Xem ch.III.

(42) Như Otto Pesch đã nhận xét đúng. Xem bài của ông, “Gerechtigkeit Gottes II”, Lexikon fur Yheologie und Kirche, 3d ed., Walter Kasper và những người khác hiệu đính (Freiburg: Herder, 1993-2001).

(43) Tuyên Bố Chung Chính Thức của Liên Minh Luthêrô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo và Tuyên Bố Chung về Học Lý Công Chính Hóa (31 tháng Mười, 1999). Cả hai tài liệu này có tại trang mạng chính thức của Vatican http://vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/christuni/sub-index/index_lutheran-fed.htm. Xem ch.V, 3.
Nguồn:http://www.vietcatholic.net/News/Html/182461.htm