Trang chủ

Mittwoch, Juni 15, 2016

Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (15)

Vũ Văn An6/13/2016
V. Các Suy Nghĩ Của Hệ Thống (tiếp theo)

3. Lòng thương xót của Thiên Chúa: Nguồn và là mục tiêu của hành động Thiên Chúa

Nếu lòng thương xót là thuộc tính hữu hiệu, nền tảng tỏ ra bên ngoài của Thiên Chúa, thì, có thể nói, nó là điềm báo ngay ở khởi đầu mọi lịch sử cứu độ. Theo chứng từ của Tân Ước, sáng thế đã được lên kế sách trong viễn ảnh Chúa Giêsu Kitô. Nơi Người, Thiên Chúa, Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã chọn chúng ta ngay trước cả việc tạo ra thế giới và, vì yêu thương, đã dự định từ trước để chúng ta trở nên con cái Người (Ep 1:3-5). Là Chiên Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, mà nhờ máu của Người, chúng ta được cứu chuộc, đã được dự tính và được chọn trước cả việc tạo dựng thế giới (1Pr 1:19f.). Mọi sự đã được tạo dựng nơi Người, nhờ Người và vì Người. Trước bất cứ việc sáng tạo nào, Người vốn đã có; trong Người, mọi sự đều hiện hữu (Cl 1:16f.). Mọi sự được tạo dựng trong và nhờ Ngôi Lời hằng hữu, Đấng đã trở nên người phàm trong thời gian. Ngay từ nguyên thủy, Người đã là ánh sáng và sự sống của thế giới (Ga 1:1-4, 14). Như thế, từ thuở đời đời, toàn bộ thế giới và trọn lịch sử cứu độ đều đã đứng dưới biểu hiệu của Chúa Giêsu Kitô. Lòng thương xót được mặc khải dứt khoát nơi Chúa Giêsu Kitô hiện diện như một biểu hiệu trước và trên mọi thực tại (59). Nó là thủy ấn (watermark) của mọi thực tại. Lòng thương xót của Thiên Chúa là giả thuyết nguyên khởi và là cơ sở của sáng thế và của trọn lịch sử cứu độ.


Đó không hề là lý thuyết trừu tượng; nó có những hậu quả cụ thể đối với vấn đề liên quan tới khả thể được cứu độ của mọi người (một điều, phải nói ngay, không cùng nghĩa với việc thể hiện ơn cứu độ). Các giáo phụ biết rằng lòng thương xót và ơn thánh của Thiên Chúa, những điều đã xuất hiện cụ thể và dứt khoát nơi Chúa Giêsu Kitô, đã được tỏ bầy từ thuở nguyên khởi trở đi và, như Thánh Augustinô thường nói, nó hữu hiệu “từ thời Abel công chính” (60). Theo Thánh Tôma Aquinô, Chúa Giêsu Kitô không những là đầu của Giáo Hội, mà còn là đầu của nhân loại nữa (61). 

Thánh Tôma chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng lòng thương xót đã hoạt động ngay trong lúc tạo thế. Theo ngài, lòng thương xót là tiền giả định của công lý. Vì công lý luôn giả thiết phải có người để người khác nợ công lý. Tuy nhiên, hiện hữu của thụ tạo không phải là khoản nợ, mà phát sinh duy nhất từ lòng tốt của Thiên Chúa (62). Công lý của Thiên Chúa không thiết lập ra lòng thương xót; đúng hơn, lòng thương xót là cội rễ nguyên khởi (prima radix) và là thực tại có trước, mà mọi thực tại đều qui chiếu vào (63). Sau cùng, mọi sự đều lệ thuộc lòng tốt của Thiên Chúa. Như Thánh Tôma vốn nhấn mạnh khi nại tới Sách Thánh và thánh Augustinô và chống lại các lối giải thích khác (64), cả quyết định đời đời và có tính cứu độ của Thiên Chúa trong việc Người nhập thể trong Chúa Giêsu Kitô cũng phát xuất từ lòng thương xót của Người đối với nhân loại, một nhân loại đã sa vào tội lỗi và do đó xa cách Thiên Chúa (65). Lòng thương xót là nguồn gốc đời đời của lịch sử thế giới cũng như lịch sử cứu độ. Mọi sự đều ở trong và ở dưới dấu hiệu của nó. Lòng thương xót là ánh sáng chiếu soi mọi thụ tạo trong cảnh tối tăm của họ (Ga 1:5).

Bất hạnh thay, quan điểm tích cực trên về mọi thực tại trong ánh sáng chói ngời của lòng thương xót Chúa đã bị làm ra lu mờ trong nền thần học Tây Phương. Nguyên nhân của việc làm lu mờ này phải được tìm thấy trong học lý tiền định, như đã được Thánh Augustinô khai triển, nhất là trong giai đoạn về sau của ngài (66). Vị giáo phụ vĩ đại và quan trọng này ngợi ca lòng thương xót của Thiên Chúa trong nhiều đoạn văn thuộc công trình vĩ đại của ngài, cũng như trong việc trình bầy các Thánh Vịnh. Theo chính các chứng từ của ngài, Ngài từng cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa một cách phong phú và đầy biết ơn trong đời sống ngài (67). Nhưng trong thời kỳ sau cùng của ngài, Thánh Augustinô cảm thấy bị phái Pêlagiô thách thức (68). Họ là các nhà luân lý học, được linh đạo đơn tu lên khuôn dứt khoát; họ trình bầy một quan niệm có tính đạo đức hết sức về Kitô Giáo; và họ nhấn mạnh tới sự nhất thiết của việc làm tốt để con người được cứu rỗi. Vì lý do này, họ chống lại lời dạy về bản chất không cần công trạng của ơn thánh. Lời dạy này khiến Thánh Augustinô chống lại họ. Theo ngài, ơn thánh của Thiên Chúa sẽ chỉ là và thực sự là ơn thánh nhưng không nếu nó không tùy thuộc việc làm tốt của người ta và không bị việc làm này điều kiện hóa. Điều này dẫn Thánh Augustinô tới việc giảng dạy sự tiền định vô điều kiện nghĩa là sự tiền định không tùy thuộc việc làm tốt hay việc làm xấu của con người.

Trong công trình ở giai đoạn sau của Thánh Augustinô, tư tưởng trên đã được tiến dẫn qua lời dạy của ngài về tội nguyên tổ. Theo lối phiên dịch đoạn thư Rôma 5:12 của Ambrosiaster, được Thánh Augustinô tiếp nhận, vì, trong Ađam, mọi người đã phạm tội, nên, theo đức công lý, Thiên Chúa phải kết án mọi người. Thành thử, toàn bộ nhân loại bị massa damnata (kết án tập thể) (69). Tuy nhiên, để phù hợp với lòng thương xót của Người, Thiên Chúa đã đưa ra một số ngoại lệ và tiền định cho một số ít người được chọn để hưởng phước hạnh đời đời. Điều này dẫn Thánh Augustinô tới học lý tiền định kép, nghĩa là, một tiền định không tùy thuộc việc làm tốt hay việc làm xấu của cá nhân và là một tiền định xác định một số ít được cứu độ còn những người khác, thuộc khối đại đa số, phải trầm luân đời đời.

Chủ trương trên có những hậu quả nghiêm trọng trong việc dọn đường cho một khai triển hoàn toàn xa hơn ở Tây Phương. Đã đành, Giáo Hội không hoàn toàn ủng hộ lời dạy của Thánh Augustinô về sự tiền định, nhưng trong yếu tính, đã làm cho lời dạy này nhẹ bớt đi bằng cách kết án học lý tiền định tuyệt đối, nghĩa là tiền định không kể gì tới tự do của con người (70). Tuy thế, lời dạy của Thánh Augustinô về massa condemnata (kết án tập thể) đã làm lu mờ đoạn văn Thánh Kinh về lòng thương xót của Thiên Chúa và, thay cho cái hiểu Thánh Kinh về công lý cứu rỗi giúp ta trở nên công chính (Rm 1:17; 3:21-22, 26), nó đã đưa ra cái hiểu luật pháp về công lý trừng phạt. Trong lời chú giải của ngài về Tin Mừng Luca, Thánh Ambrôsiô đã từng đặt câu hỏi: Quae est justitia nisi misericordia? “Công lý là chi nếu không phải là lòng thương xót?” (71). Đối với Thánh Ambrôsiô, Chúa Kitô không phải chỉ là quan toà công chính; mà hơn thế, ngài còn là quan toà tốt lành nữa (72). Làm thế nào, trong tư cách quan toà của thế giới, Chúa Kitô lại bị coi là người lên án hầu hết những kẻ Người đã hiến mạng sống trên thập giá hòng cứu độ họ?

Thánh Augustinô để lại cho truyền thống Tây Phương một di sản nặng nề và một “thế chấp” (mortgage) khổng lồ. Vì lời dạy của ngài khiến nhiều người lo âu xao xuyến đối với ơn cứu rỗi, lương tâm và hỏa ngục. Điển hình nổi bật nhất chính là đan sĩ trẻ dòng Augustinô, tên Martin Luther, người, trong cơn xao xuyến khôn nguôi, đã đặt câu hỏi: “Làm thế nào tôi có được vị Thiên Chúa nhân hậu?”. Đối với Luther, đột phá của Phong Trào Cải Cách hệ ở việc khám phá ra ý nghĩa nguyên thủy của công lý Thiên Chúa, một công lý không có tính trừng phạt, mà là một công lý giải thoát và công chính hóa, một công lý cứu chuộc (73). 

Tuy nhiên, ngay trong nền thần học Trung Cổ, việc từ từ thắng vượt quan điểm quá hẹp hòi của Thánh Augustinô cũng đã được chuẩn bị. Vì một đàng, người ta đã bắt đầu nhấn mạnh tới sự quan trọng của quyết định tự do nơi con người và, đàng khác, họ cũng bắt đầu có được cái hiểu sâu xa hơn về công lý Thiên Chúa.

Người cha của Thuyết Kinh Viện thời Trung Cổ, Thánh Anselmô thành Canterbury, được kích thích bởi vấn đề này: Làm thế nào, cùng một lúc Thiên Chúa có thể vừa thương xót vừa công chính được. Vì, theo ngài, công lý đòi Thiên Chúa phải thưởng công người tốt và trừng phạt người xấu. Như thế, làm thế nào Người có thể tha thứ cho kẻ có tội, vì lòng thương xót được? Thánh Anselmô đưa ra câu trả lời: Khi thương xót, Thiên Chúa không làm theo các việc làm của ta, nhưng làm theo chính Người và sự tốt lành của Người. Thiên Chúa công chính, không phải vì ta và các việc làm của ta, mà đúng hơn, là để phù hợp với chính Người và lòng tốt của Người. Thánh Anselmô còn đi xa hơn thế mà quả quyết, trong một công thức đã trở nên quen thuộc với ngài, rằng: Thiên Chúa rất công chính đến nỗi không thể được quan niệm là công chính hơn nữa. Lòng thương xót của Người là công lý rất khác biệt của riêng Người (74). 

Bậc thầy thần học của khoảng giữa thời Trung Cổ, Thánh Tôma Aquinô, tiếp nhận ý nghĩ của Thánh Anselmô. Ngài cũng nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không bị trói buộc bởi lề luật xa lạ, mà chính Người là lề luật và, do đó, Người hành động theo sự tốt lành của Người. Lòng thương xót của Người phù hợp với lòng tốt của Người (75). Lòng thương xót là cội rễ nguyên khởi và là yếu tố có trước mà mọi sự khác đều phải quy chiếu vào (76). Vì lý do này, Thánh Tôma xác quyết chủ đề quán xuyến của Thánh Kinh về tính ưu tiên của lòng thương xót chống lại các lối suy nghĩ chỉ nghiêng một chiều về phía công lý trừng phạt. Bất hạnh một điều, người ta đã không mấy lưu ý tới sự thật này.

Tuy nhiên, một thay đổi có tính dứt khoát đã diễn ra lần đầu tiên trong thế kỷ 20. Chủ yếu nhờ công trình của Karl Barth. Theo ông, sự chọn lựa do ơn thánh không phải là một sắc chỉ trừu tượng, từ thuở đời đời của Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là Đấng chọn lựa và là Đấng được chọn lựa; còn chúng ta, chúng ta được chọn lựa trong Chúa Giêsu Kitô. Từ thuở đời đời và trước khi tạo lập thế giới, Thiên Chúa đã chọn lựa chúng ta và tiền định để chúng ta trở nên con cái Người trong Chúa Giêsu Kitô (Ep 1:4-6). Như thế, chọn lựa “là việc khởi đầu từ thuở đời đời của mọi đường lối và công trình của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô” (77). Theo cách này, tiền định không còn là sắc chỉ tối tăm của Thiên Chúa khiến ta sợ hãi khủng khiếp, mà đúng hơn là tin mừng của Chúa Giêsu Kitô, một tin mừng làm chúng ta hạnh phúc trong đức tin và tin tưởng vào ơn thánh Thiên Chúa.

Karl Barth cũng thấy nhiều vang dội có ý nghĩa và liên tục trong thần học Công Giáo (78). Dựa vào Karl Barth, các thần học gia Thệ Phản cũng như Công Giáo ngày nay không còn diễn tiến từ các quan niệm trừu tượng về công lý và thương xót để sau đó, đem chúng tới chỗ căn bằng với nhau nữa. Đúng hơn, họ diễn tiến từ mạc khải cụ thể có tính lịch sử về việc Thiên Chúa chọn lựa từ thuở đời đời trong Chúa Giêsu Kitô. Theo cách này, lòng thương xót của Thiên Chúa, trong tư cách là tiền giả thuyết nguyên khởi và là điềm báo trước toàn bộ lịch sử thế giới và lịch sử cứu độ, đã bước vào sân khấu. 

Nhưng, chủ trương của Karl Barth không tránh khỏi đôi chút phiến diện. Hans Urs von Balthasar vốn đã nhận ra tính giới hạn (constriction) Kitô học và kiểu suy nghĩ duy tâm (idealistic) nơi Karl Barth (79). Karl-Heinz Menke tương phản lối hiểu bao gồm (inclusive) với lối hiểu độc chiếm (exclusive) của Karl Barth về tính đại diện [Stellvertretung]của Chúa Giêsu Kitô (80). Điều các nhà phê bình này muốn nói là: thực tại tạo thế, trong tính độc lập tương đối của nó, và hữu thể nhân bản, trong sự tự do của họ, phải được lưu ý. Ngay từ nguyên thủy, chúng đã nằm dưới dấu hiệu của lòng thương xót của Thiên Chúa rồi, một lòng thương xót đã được mạc khải dứt khoát nơi Chúa Giêsu Kitô. Nhưng cũng như nhân tính đích thực không bị tan hòa (absorbed) vào thần tính của Chúa Giêsu Kitô, mà vẫn duy trì được sự hiện hữu không pha trộn và không thay đổi thế nào (81), thì việc cộng tác tự do của con người nhân bản cũng có chỗ đứng của nó trong lịch sử nhân loại và trong lịch sử cứu độ như vậy. Việc cộng tác tự do của con người không bị hủy tiêu vì Chúa Giêsu Kitô là nguyên mẫu (archetype), tiêu điểm, và mục đích của toàn bộ lịch sử nhân loại. Đúng hơn, nhờ hành vi cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, con người nhân bản được đổi mới trong phẩm giá tạo vật của họ như một tạo thế mới và được nâng lên một cách nhân hậu (82). 

Theo chiều hướng trên, Công Đồng Vatican II nhiều lần làm nổi bật nền Kitô học phổ quát một cách minh nhiên và dứt khoát. Hiến Chế mục vụ Gaudium et Spes đặc biệt được nền Kitô học này lên khuôn. Hiến chế mô tả Chúa Giêsu Kitô như chìa khóa, tiêu điểm và là mục đích của toàn bộ lịch sử nhân loại (83). Người là “mục đích của lịch sử con người, là tiêu điểm các hoài bão của lịch sử và văn minh, là trung tâm của chủng người, là niềm vui của mọi con tim và là đáp ứng đối với mọi hoài mong của nó”. Người là “Alfa và Omega, là thứ nhất và sau cùng, là khởi đầu và kết thúc” (Kh 22:12f.) (84).

Vì thế, lòng thương xót hiện diện như một dấu hiệu bao trùm thế giới, bao trùm lịch sử và bao trùm mọi cuộc sống con người. Trong lòng thương xót của Người, được hiện thân nơi Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa, từ thuở đời đời, đã muốn mọi người được cứu độ. Nhưng, ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa đối với mỗi cá nhân con người có nghĩa gì? Cuối cùng, thực sự có phải mọi người đều được cứu độ cả không?

Kỳ sau: 4. Ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa 
__________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
(59) Xem Kasper, Jesus the Christ, bản dịch của V. Green (New York: Paulist Press, 1977), 252-68.
(60) Kasper, Katholische Kirche, 173-77.
(61) Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, pt. III, q.8, a.3.
(62) Ibid. pt. I, q.21 a.3
(63) Ibid. pt.I, q.21, a.4
(64) Thánh Tôma nghĩ tới Thánh Albertô Cả và Alexander thành Hales. Xem ibid.,pt. III, q.1, a.3. Từ thời sau Thánh Tôma, đặc biệt nên nhắc tới John Duns Scotus.
(65) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt. III, q.1, a.1-6.
(66) Về học lý tiền định, xem Georg Kraus, Vorherbestimmung: Traditionelle Pradestination im Licht gegenwartiger Theologie (Freiburg i. Br.: Herder, 1977); “Pradestination”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, 8:467-73.
(67) Thánh Augustinô, Tự Thú, IV, 4, 7; V, 2,2; VI, 7,12; 16, 26.
(68) Gisbert Greshake, Gnade als konkrete Freiheit: Eine Untersuchung zur Gnadenlehre des Pelagius (Mainz: Matthias-Grunewald, 1972), 47-157; Ansorge, Gerechtigkeit und Barmherzigkeit Gottes, 232-56. Hans von Balthasar, Dare We Hope “That All Men Be Saved?” With a Short Discourse on Hell, bản dịch của David Kipp và Lothar Krauth (San Francisco: Ignatius, 1988), 65-69.
(69) Thánh Augustinô, Handbook on Faith, Hope, and Love, 8, 27; “On the Gift of Perseverance”, 35; City of God, XXI, 12.Muốn có một cuộc thảo luận có phê phán về học lý tội nguyên tổ của Thánh Augustinô, xem Thomas Propper, Theologische Anthropologie, Bd. 2 (Freiburg i. Br.: Herder, 2011), 981-1025. Về mối tương quan giữa tự do của Thiên Chúa và tự do của con người, xem 1351-401.
(70) Công đồng tỉnh Orange lần thứ hai (529 CN) đã bác bỏ sự tiền định khiến các cá nhân phạm điều ác. Xem Heinrich Denzinger, Enchiridion Symbolorum: Definitionum et declarationum de rebus Fidei et morum (Freiburg i.Br.: Herder, 1963), 397. Thượng Hội Đồng Quierzy (853 CN) kết án giáo huấn của đan sĩ Gottschalk về tiền định (xem Denzinger, 621-24), nhưng Thượng Hội Đồng Valence (855 CN) đã làm khác (xem Denzinger, 625-33). Năm 1547, Công Đồng Trent lên án giáo huấn tiền định kép của các Nhà Cải Cách. Xem Denziger, 1567.
(71) Thánh Ambrôsiô, Expositio evangelii secundum Lucam, 2, 90.
(72) Thánh Ambrôsiô, Về Đức Tin Kitô Giáo, II, 2, 28.
(73) Hans von Balthasar, A Short Discourse on Hell, trong Dare We Hope, 193-95.
(74) Thánh Anselmô thành Canyerbury, Proslogion, 8-12. Xem H.-J.Verweyen, “Die Einheit von Gerechtigkeit und Barmherzigkeit bei Anselm von Canterbury”, Internationale katholische Zeitschrift Communio 14 (1985): 52-55; Ansorge, Gerechtigkeit und Barmherzigkeit Gottes, 256-80, đề tựa cho chương nói về Thánh Anselmô là “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong Tương Quan với Tự Do Tạo Vật”.
(75) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt. I, q.21, a.1 ad 2 và 3. Xem IV Sent d.46, q.2, a.2 qla. 2.
(76) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt. I, q.21, a.4
(77) Karl Barth, Church Dogmatics, II/2, §33.
(78) B. Dahlke, Die katholische Rezeption Karl Barths: TheologischeErneuerung im Vorfeld des Zweiten Vatikanischen Konzils (Tubingen: Mohr Siebeck, 2010). Hai công trình đã trở nên quan trọng là: Hans Kung, Justification: The Doctrine of Karl Barth and a Catholic Reflection, bản dịch của David Granskou (Philadelphia: Westminster, 1964) và Hans von Balthasar, The Theology of Karl Barth: Exposition and Interpretation, bản dịch của Edward T.(San Francisco: Ignatius, 1992).
(79) Balthasar, The Theology of Karl Barth, 228-48; nhất là 247-48.
(80) Karl-Heinz Menke, Jesus ist Gott der Sohn: Denkformen und Brennpunkte der Christologie (Regensburg: Friedrich Pustet, 2008), 378-85.
(81) Thí dụ, công thức nổi tiếng của Công Đồng Canxêđônia (451): Denzinger, Enchiridion, 302.
(82) Thí dụ, nhiều công thức trong truyền thống cầu nguyện của phụng vụ Giáo Hội. Xem Kasper, Katholische Kirche, 123tt.
(83) Gaudium et Spes, số 10.
(84) Gaudium et Spes, số 45. Xem Ad Gentes, 3:8.
Nguồn:http://www.vietcatholic.net/News/Html/186469.htm