Trang chủ

Freitag, August 26, 2016

Chúa Nhật XXII thường niên  - Năm C

ĐỨC GIÊSU ĐÃ ĐẢO LỘN TẤT CẢ

Chú giải của Fiches Dominicales
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. Từ chuyện ăn uống
“Trên đường lên Giêrusalem” (l3,22), nơi Người sẽ bị “hạ xuống chỗ thấp nhất”, trên thập giá, “giữa hai tên gian phi” (23,33), Đức Giêsu được mời dùng bữa, “vào một ngày Sabát”, “nơi nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu”. Một bữa ăn như thế cũng thường là dịp nổ ra những tranh luận tôn giáo.
Chuyện mời Chúa dùng bữa này chức không phải là không có dụng ý, bởi Luca ghi nhận: “họ cố ý dò xét Người” (14,1).
Vừa vào bàn, Đức Giêsu đã gặp ngay “một người mắc bệnh phù thũng”, và Người không ngần ngại chữa lành nạn nhân, dù hôm đó là “ngày Sabát”, vậy mà các nhà thông luật và những người Pharisêu có mặt “không thể đáp lại lời nào” (14,6).
2. Mọi quy tắc về ngôi thứ bị đảo lộn:

Đến lúc vào bàn ăn, Người lại bỡ ngỡ trước cảnh những khách mời cứ lo tranh dành nhau “cỗ nhất mà ngồi”. Thực ra phải nói là gối nhất mà nằm, bởi vào thời đó, trong các bữa tiệc, người ta nằm mà ăn trên những bộ ghế dài. Nhưng chỗ nhất đó, theo lời giải thích của A. Stoger, là những chỗ gần chủ nhà nhất. Các gối nằm được xếp theo ba nhóm. Ví trí danh dự ở vào phía trước hay ở chính giữa. Vào thời Đức Giêsu, ngôi thứ trong bàn tiệc được ấn định tuỳ tầm cỡ danh giá của thực khách, tức là phụ thuộc vào chức vị và tài sản của người đó.
Sử dụng lời nói dạy khôn ở đời, nói mà không gây tổn thương hay xúc phạm đến ai, Đức Giêsu ngỏ lời trước hết với những khách được mời: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất”.
Chúng ta đừng vội lầm! Ở đây Đức Giêsu không có ý dạy một bài học về nghệ thuật ứng xử ở đời để nhằm thành đạt nhờ những thủ đoạn khéo léo. Đàng khác, để loại bỏ mọi hàm hồ, Luca xác định rõ Đức Giêsu diễn tả bằng “dụ ngôn” (c.7) và Người đề cập đến “những bữa tiệc cưới “ (c.8), một đề tài lớn trong truyền thống Kinh Thánh, gợi lên bữa tiệc cưới giữa Thiên Chúa và loài người. Thực thế, dựa vào một câu trong sách Châm Ngôn (“Chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo: “Xin mời ông lên trên!” còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng”) (Cn 25,6), Người cho thấy việc hình thành Nước Thiên Chúa gây nên một sự đảo lộn như thế nào trong thái độ sống của con người – ngược lại với thói thích ăn trên ngồi trước trong xã hội Do Thái: “Trái lại, khi anh được mời, thì hãy ngồi vào chỗi cuối...”
Trong suốt lịch sử dân Do Thái, sự thực cho thấy Thiên Chúa luôn đứng về phía những thành phần bé nhỏ và khiêm tốn: “Người thấp hèn sẽ được Chúa nâng lên, kẻ quyền thế sẽ bị Người hạ xuống”, ngôn sứ Êdêkien xưa đã loan báo như thế. Hôm nay, đến lượt Đức Giêsu cũng công bố: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Và con đường mà chính Người đường bước đi để tiến về Giêrusalem không gsì khác hơn là con đường của sự khiêm nhường và hạ mình.
N. Quesson đưa ra nhận xét: “Chúng ta thấy, đây chẳng đơn giản chỉ là những lời dạy về phép lịch sự ở bàn ăn. Chúng ta đang được mời gọi đến với Nước Thiên Chúa bằng cách noi gương Chúa là Đấng âm thầm, ẩn mình; khiêm tốn. Người đã tự nguyện làm kẻ cuối hết, làm đầy tớ phục vụ mọi người! Sự cao cả của Chúa là ở chỗ đó”
3. Thành phần được mời cũng bị xáo trộn.
Sau khi ngỏ lời với những khách được mời, giờ đây, câu chuyện của Đức Giêsu quay sang nói với những người đứng ra đãi tiệc. Cũng vẫn với kiểu nói dạy lẽ khôn ngoan: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối...”. Và nhân danh tính chất mới mẻ của Nước Trời, luôn luôn nhằm mời gọi phải có một cách sống ngược lại với lề lối thông thường của loài người chúng ta.
Theo lẽ thường, ai trong chúng ta cũng chỉ mời những người có liên hệ với mình cách nào đó: bà con họ hàng, thân hữu, những người gần gũi do yếu tố tinh thần, tư tưởng, hay một cái gì đó; và những người này đến lượt họ lại phải mời lại chúng ta để “đáp lễ”. Trái lại, theo lời kêu gọi của Đức Giêsu, chúng ta hãy mở rộng bàn tiệc cho tất cả những ai không có khả năng đáp lễ: người nghèo, kẻ bị loại trừ, thành phần bị con như đồ bỏ. Tại sao? Bởi vì đó chính là cách xử sự của chính Thiên Chúa. Người tỏ lòng thương yêu đặc biệt đối với những người phận nhỏ, thấp hèn, và sẵn sàng mời vào bàn tiệc của Người những kẻ “tàn tật, đui mù, què quặt” (Lc 14,15-24). Những người này từng thuộc diện bị Lề Luật khai trừ khỏi sinh hoạt tế tự ở Đền Thờ (2 Sm 5,8 và Lv 21,l8)
Khi thuật lại những lời này của Chúa, Luca có ý nhắc nhở cho mọi anh chị em Kitô hữu xưa cũng như nay – phải cử hành nghi lễ Bẻ Bánh trong Ngày của Chúa với tinh thần nào. Với cung cách của chính Đức tin, Đấng đã muốn sống giữa anh em như “một người phục vụ” (Lc 22,24-27). Bữa Tiệc của Chúa dứt khoát không chấp nhận những tranh dành ngôi thứ, nhưng ngược lại đòi hỏi thái độ phục vụ lẫn nhau vô vị lợi (x. 1Cr 11,17-22. 33-34).
BÀI ĐỌC THÊM
1. Một lô-gic mới không ai ngờ.
“Những ai mong sẽ tìm thấy nơi giáo huấn của Đức Giêsu một nền đạo lý bay bổng, sẽ phải thất vọng thôi. Điều Người dạy xem ra rất thường. Nó còn có vẻ như phát xuất từ một sự tính toán hơi vị kỷ: giả bộ ngồi vào chỗ cuối để cho thiên hạ chú ý, mà trong bụng thì nhắm chỗ khác ngon hơn”.
Lời Đức Giêsu dạy, bao giờ cũng vậy. rất tinh tế. Nó mang nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nhau. Có thể hiểu như là một lời khuyên về cách xử thế, theo kinh nghiệm khôn ngoan về mối giao tiếp giữa người với người. Có thể hiểu như là lời mời gọi phải tránh thói thổi phồng chính mình, phải tập luôn luôn ăn ở khiêm tốn. Nhưng coi chừng! Ở đây đang nói về những bữa tiệc cho những đầu óc thấm nhuần Kinh Thánh và quen với tính chất ẩn dụ trong ngôn ngữ của Đức Giêsu. Đây cũng chính là bữa tiệc cưới của Thiên Chúa với loài người, “Bữa Tiệc Nước Trời”, biến cố Thiên Chúa can thiệp để đổi mới địa cầu như hằng được mong đợi.
Một cách kín đáo, Đức Giêsu xác nhận lại điều Người đã từng nói: đối với Thiên Chúa, kẻ cuối hết là người trước hết. Bài Magnificat đã hát lên rằng: “ Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”. Qua toàn bộ cách sống của mình, Người Thợ Mộc làng Nadarét kia đã chứng tỏ một sự quan tâm đặc biệt tới những người bệnh hoạn, tật nguyền, những người “nghèo” nhất trong số những người nghèo.
Theo cái logic đó, Đức Giêsu bồi thêm một câu kết luận bất ngờ và khiến ai nấy kinh ngạc. Người quay sang phía chủ nhà và trách ông ta chỉ biết mời có bạn bè, bà con và láng giềng giàu có. Người ta có thể tưởng tượng những khách được mời sẽ phản ứng thế nào! Không lẽ phải rút lui hết để nhường chỗ cho hạng “tàn tật, què quặt, đui mù?”. Tiệc tùng như thế còn ra cái gì nữa?
Vẫn cứ mãi “hôm nay”, lời của Đức Giêsu tiếp tục giải phóng, mở rộng, mời gọi con người đi tới. Lời đó được gởi đến mỗi người, được gởi đến mọi người. Ai sẽ là người biết mời những kẻ không thể có khả năng đáp lễ lại? Cho đến bao giờ các dân tộc giàu có cứ ăn uống dư thừa trong lúc những dân tộc khác đang chết đói? Biết lúc nào chúng ta mới bắt đầu cử hành ‘tiệc cưới’, ‘bữa tiệc của Thiên Chúa’, ‘bữa tiệc của mọi người’? và ‘sống ngay từ trần thế này cuộc phục sinh của các kẻ lành?’.
2. Thiên Chúa tự tỏ ra trong sự ẩn mình
(“Missel Emmaus des dimanches”, trg l091).
“Không gì ngăn cách con người khỏi Thiên Chúa cho bằng sự kiêu căng tự phụ, khi con người chỉ biết tìm kiếm vinh dự cho chính mình. Thói kiêu căng chỉ giam hãm con người trong những giới hạn của riêng mình, đồng thời chỉ mưu vùi dập người khác xuống. Nó ngược hẳn với cung cách của Thiên Chúa: Người biểu dương vinh quang của Người, tức là chính tình yêu, bằng cách tự xoá mình đi. Chính trong sự ẩn mình của Thiên Chúa, chúng ta lại càng khám phá ra được vẻ cao cả đích thực của Người. Đó là điều Đức Giêsu muốn tỏ cho chúng ta thấy khi Người hạ mình làm đầy tớ phục vụ loài người, khi Người vui lòng chịu đóng đinh vào thập giá. Đó cũng là điều Người mời gọi chúng ta nhận ra qua Bữa Tiệc Thánh Thể. Tuy nhiên, khiêm nhường thật không phải là chuyện dễ. Đôi khi chúng ta làm ta vẻ khiêm tốn chẳng qua để được thêm vinh quang danh dự mà thôi. Chỉ mình Thiên Chúa có thể giải gỡ chúng ta khỏi vòng vây của thói kiêu căng tự mãn”
Nguồn:http://www.tinmung.net/SUYNIEM_HANGTUAN/suyniemINDEX1.htm