Trang chủ

Donnerstag, Juni 28, 2012

Mẹ Maria, Đấng An Ủi

Lm. Nguyễn Hữu Thy      6/25/2012




Giáo Hội luôn hân hoan và đầy lòng cảm tạ xưng tụng Mẹ Maria là „solacium“ và „consolatrix afflictorum“, là niềm an ủi và là Đấng yên ủi các kẻ âu lo phiền muộn, vì Mẹ là niềm an ủi của Thiên Chúa, bởi Mẹ đã tự nguyện chấp hành mọi kế hoạch an bài của Người trong đời Mẹ, nhất là Mẹ đã chấp nhận cộng tác trực tiếp vào công cuộc cứu rỗi nhân loại của Người qua việc cưu mang Chúa Cứu Thế nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, tức thiên Chức làm Mẹ Thiên Chúa. Vì thế, người ta có thể khẳng định được rằng mọi tước hiệu cao quý của Mẹ Maria đều xuất phát từ thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa. Thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ Maria là nguồn cội thiêng liêng và là thực tại cao cả đảm bảo cho tất cả mọi chân lý về nhân thân và toàn diện cuộc sống Mẹ Maria.

1. Mẹ Maria, niềm an ủi của Thiên Chúa

Thánh Ireneus thành Lyon (+202) đã quả quyết: “Đức Trinh Nữ Maria đã hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa khi Mẹ thưa: ´Vâng, con là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho con như lời Sứ Thần vừa nói.`(Lc 1,38) Trong khi đó, E-và ngược lại đã không tuân phục Chúa: Bà đã không tuân phục, mặc dù lúc ấy bà hãy còn là trinh nữ. Bởi vậy, cũng như E-và do sự bất phục tùng của bà mà gây ra cái chết cho chính bà và cho toàn thể con cái loài người, thì Mẹ Maria do sự tuân phục của Mẹ đã mang lại cho chính Mẹ và toàn thể nhân loại ơn cứu độ. Do đó, điều đã bị trói buộc, thì chỉ được cởi ra, nếu người ta mở các nốt thắt theo chiều hướng ngược lại. Thật vậy, các nốt thắt do sự bất phục tùng của bà E-và gây ra, thì qua sự tuân phục của Mẹ Maria đã được tháo gỡ, vì trinh nữ E-và đã buộc chặt lại bằng sự ngờ vực của bà, thì đã được tháo gỡ ra nhờ đức tin của Đức Trinh Nữ Maria.”(1)

Khi các khách du lịch ghé tham quan viện bảo tàng hội họa tại Vatican họ sẽ không thể bỏ qua bức tranh tuyệt tác của danh họa Rafaello trình bày khung cảnh “Truyền Tin”: Thiên sứ Gabriel thừa lệnh Chúa Cha đến thỉnh ý Đức Trinh Nữ Maria về chương trình cứu độ nhân loại của Người. Trong khi đó tại một khung cửa vòm ở phía hậu bức họa, Chúa Cha đang “chờ đợi” câu trả lời tích cực hoàn toàn tự nguyện của Đức Trinh Nữ Maria. Chính Chúa Cha đã dựng nên Đức Trinh Nữ từ hư không, nhưng nay Người muốn có sự cộng tác của Đức Trinh Nữ để công cuộc cứu chuộc nhân loại của Người có thể hiện thực được, Người phải kiên nhẫn chờ đợi sự đồng ý tự nguyện của Đức Trinh Nữ, chứ Người không thể áp đặt hay ép buộc được; vì cũng như mọi người khác, Đức Trinh Nữ Maria có ý chí tự do mà chính Chúa đã ban cho Mẹ; nếu không, Thiên Chúa Cha sẽ tự mâu thuẫn với chính mình, một điều tuyệt đối không thể xảy ra.

Nhưng theo thánh Bernard thành Clairvaux, thì không chỉ Thiên Chúa Cha, mà cùng với Người toàn thể vũ trụ cũng đều nín thở chờ đợi câu trả lời của Đức Trinh Nữ Maria. Khi diễn giải quang cảnh Truyền Tin được thánh sử Luca tường thuật lại (Lc 35-38), thánh Bernard đã phát biểu: “Lạy Mẹ Maria, toàn thể vũ trụ đang kiên trì quỳ dưới chân Mẹ để khẩn cầu Mẹ chấp nhận nói lên hai tiếng “xin vâng” đối với thánh ý Chúa Cha. Điều ấy không phải là điều bất công, vì niềm an ủi của những người nghèo đói, sự cứu thoát của những người bị giam cầm, sự giải phóng của những người bị kết án, nói tắt, sự cứu rỗi của tất cả mọi con cái A-dong, của toàn thể con cái loài người của Mẹ. Tất cả đều tùy thuộc vào những lời ấy bởi môi miệng Mẹ nói ra,.”(2)

Thánh Tổng lãnh Thiên Thần cắt nghĩa cho Đức Trinh Nữ hiểu rõ hơn mầu nhiệm cứu thế của Ngôi Hai Thiên Chúa. Đó chính là cao điểm của lịch sử nhân loại. Tất cả đều tùy thuộc vào câu trả lời của Mẹ Maria, của người Trinh Nữ thành Na-da-rét. Nhưng trước khi nói lên hai tiếng „xin vâng“ của sự đồng ý tự nguyện, Mẹ Maria đã đặt một câu hỏi hết sức rõ ràng, cụ thể và hợp lý: „Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng“(Lc 1,34). Còn Chúa Cha chắc chắn vào câu trả lời của người nữ tỳ „gratia plena“, đầy ơn phúc của Người.

Tước hiệu „gratia plena“, đầy ơn phúc, là chính lời Sứ Thần Gabriel đã thừa lệnh Chúa Cha xưng hô với Đức Trinh Nữ Maria, tựa hồ như chính tên riêng của Đức Trinh Nữ vậy: „Ave Maria gratia plena!“ Người ta cũng có thể nói được rằng, tước hiệu ấy cũng chính là nội dung, nguồn gốc và mục đích của cả cuộc sống Đức Trinh Nữ Maria.

Với thái độ khiêm tốn và đầy tin tưởng, Đức Trinh Nữ Maria đã lắng nghe, thấu hiểu và đón nhận Lời Thiên Chúa vào trong tâm hồn và trong trí khôn mình; bấy giờ Mẹ mới bắt đầu mang thai Con Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Thánh tiến sĩ Giám Mục Augustinô đã diễn tả sự kiện vô cùng cao cả ấy như sau: „Trong đức tin, Đức Trinh Nữ Maria đã sinh hạ Đấng mà Mẹ đã đón nhận trong đức tin (…). Sau khi Thiên Sứ đã trình bày với Mẹ, thì Mẹ đã đầy tin tưởng đón nhận Đức Kitô ngay trong Trái Tim Mẹ rồi, trước khi Mẹ đón nhận Người trong cung lòng Mẹ (prius concepit mente quam corpore).“(3)

1.1. Các tín điều loan báo Mẹ Maria là niềm an ủi của Chúa Cha

Ở đây, có lẽ một câu hỏi lại được đặt ra là căn cứ vào tín điều và nhân đức nào mà người ta có thể gọi Mẹ Maria là niềm an ủi của Chúa Cha?

Thực tại vô nhiễm thai của Đức Trinh Nữ Maria hoàn toàn ăn khớp nhịp nhàng với chức vị làm cha của Thiên Chúa và sự trung kiên tuyệt đối của Đức Trinh Nữ Maria trong mọi kế hoạch của Thiên Chúa là nột nhân đức an ủi Chúa Cha nhiều nhất.

Ngày 8.12.1854, khi công bố tín điều về ơn Vô Nhiễm Thai của Mẹ Maria qua Tông Thư “Ineffabilis Deus” của ngài, Đức Thánh Cha Piô IX đã viết: “Giáo huấn dạy rằng, Đức Rất Thánh Trinh Nữ Maria từ giây phút đầu tiên khi được dựng thai trong lòng mẹ nhờ một đặc ơn riêng của Thiên Chúa Toàn Năng dựa vào công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc của toàn thể nhân loại, đã được gìn giữ nguyên tuyền trước mọi tổn hại do nguyên tội gây nên, đã được Thiên Chúa mặc khải, vì thế buộc tất cả mọi tín hữu phải tin một cách chắc chắn và bền vững.”

Vì do vị thế bất khả giải thích thuộc lãnh vực tín lý của nó, tín điều “Immaculata Conceptio”, tín điều “Vô Nhiễm Thai” của Mẹ Maria, đã trở thành đối tượng cho một cuộc tranh luận thần học lâu dài. Một vấn nạn đã từng nêu lên thắc mắc: Mẹ Maria đã tham phần vào công trình cứu độ nhân loại như thế nào, khi Mẹ đã sống dưới các điều kiện của nguyên tội cũng như tất cả mọi người khác? Để giải toả thắc mắc quan trọng đã được đặt ra, người ta có thể trả lời bằng hai cách: Hoặc chấp nhận rằng ơn Vô Nhiễm Thai của Đức Trinh Nữ Maria là một sự thanh tẩy hay một sự thánh hóa (Sanctificatio Mariae) mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Trinh Nữ, như các Tu sĩ Dòng Đa Minh đã từng chủ trương, hoặc người ta quả quyết rằng Đức Trinh Nữ Maria được cưu mang trong lòng mẹ hoàn toàn tinh tuyền, không hề vướng mắc tội nguyên tổ nên không cần phải được thanh tẩy, như các Tu sĩ Dòng Phanxicô vẫn luôn khẳng định.

Vấn nạn thần học được nêu lên trên đây đã được thánh Gioan Duns Scotus, “Doctor Subtilis”, vị Tiến sị tinh tế và tài tình, nghiên cứu và giải đáp. Theo suy tư thần học của ngài, thánh Duns Scotus quả quyết rằng, ngay từ giây phút đầu tiên khi được thụ thai trong lòng mẹ, Mẹ Maria đã hoàn toàn được gìn giữ khỏi vết nhơ tội nguyên tổ, do Mẹ được hưởng trước công nghiệp Đức Giêsu, Con Mẹ. Chúng ta cũng có thể chiêm niệm mầu nhiệm cao cả này của Mẹ Maria về phương diện Chúa Cha, Đấng đã hài long và được an ủi trước về sự trung tín và tuân phục tuyệt của Mẹ đối trước mọi sự an bài của Người.

Vâng, khi để cho tâm hồn mình lắng đọng trong kinh nguyện, chúng ta hãy chiêm niệm tất cả những gì chúng ta học được từ sự trung tín của Mẹ Maria. Và hoa quả đầu tiên của đức trung tín ấy trước hết phải kể đến sự tin tưởng của các Kitô hữu, kể cả nhiều tín đồ các tôn giáo khác cũng như nhiều người bên lương, khi gặp hoạn nạn thử thách đều chạy đến cùng Mẹ để xin Mẹ an ủi, cầu bầu chở che, vì họ luôn cảm nhận được rằng, Mẹ Maria chính là nơi nương tựa và ẩn náu chắc chắn cho đời mình.

Nhưng phải chăng lòng tin tưởng và hy vọng ấy của chúng ta đối với Mẹ Maria chỉ vì lợi ích riêng của chính mình?

Câu trả lời vừa có vừa không. “Có”, vì mỗi người mẹ đều biết điều đó, nhưng đối với các ngài thái độ ấy của các con cái không quan trọng, đúng như lời thánh Josefmaria Escrivá, Đấng sang lập phong trào “Opus Dei”, viết: “Vì Mẹ Maria chính là mẹ, và tình mẫu tử vô vị lợi của Mẹ có thể nhìn thấy được phía sau cái vỏ bên ngoài của sự ích kỷ của chúng ta còn có tình con thảo và lòng tin tưởng phó thác của chúng ta nơi Mẹ nữa.”(4) Và “không”, bao lâu chúng ta còn dấn thân phụng sự một cách vô vị lợi như Mẹ Maria, và mong ước thực hiện tất cả chỉ để làm vinh danh Chúa mà thôi.

1.2. Mẹ Maria, niềm an ủi của Đức Giêsu Kitô

Trong bài suy niệm về chặng thứ IV của Đường Thánh Giá, thánh Josefmaria Escrivá đã trình bày khi Mẹ Maria gặp lại Con Mẹ khắp cả thân mình đầy thương tích và đang lê từng bước nặng nề đi lên núi sọ với cây thập tự trên vai, thì đã an ủi Người như thế nào: “Khi ngã quỵ xuống đất lần thứ nhất và đang lấy hết chút sức lực còn lại để gượng đứng lên, thì Đức Giêsu đã gặp lại Mẹ già dấu yêu của Người đang đứng bên lề đường. Với hai dòng nước mắt dàn dụa đầy đau đớn và tình thương vô bờ bến, Mẹ Maria nhìn Đức Giêsu và Đức Giêsu nhìn Mẹ Maria. Hai Mẹ Con cùng nhìn nhau lòng đầy tan nát. Sự đau khổ đầy chua xót của Đức Kitô tràn ngập tâm hồn Mẹ Maria. (…) Trong giờ phút đen tối bị bỏ rơi một mình trong đau khổ tột độ như thế của Con, Đức Mẹ đã an ủi vổ về Con mình bằng sự dịu dàng, bằng sự liên kết gắn bó và bằng sự trung tín và hoàn toàn “xin vâng” đối với thánh ý Thiên Chúa. Trong vòng tay hiền mẫu Mẹ Maria, chúng ta – bạn và tôi – cũng muốn an ủi Đức Giêsu, khi chúng ta luôn sẵn sang chấp nhận thánh ý của Cha Người và cũng là Cha của chúng ta trong mọi sự.”(5)

Điều đó đã minh chứng cho chúng ta biết rằng, thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ Maria đã trở nên công nghiệp tràn đầy trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Đứng dưới chân thánh giá gồm có Mẹ Maria và một số các người phụ nữ khác. Cả thánh Gioan, người Môn Đệ yêu dấu của Chúa và là người duy nhất trong số những người từng theo Chúa, cũng có mặt tại đó. Mẹ Cực Thánh của Người đã phải một mình trải qua cái sa mạc mênh mông của sự lo lắng thương Con khôn kể xiết, của sự không thể hiểu hết những gì đang xảy ra cho Con, của sự đau đớn tột cùng. Nhưng giờ đây Mẹ đang đứng như chết dưới chân thập giá, phải tận mắt chứng kiến cảnh Con Yêu Dấu đang hấp hối từ từ, đang thì thào từng tiếng và trút hơi thở trong đau đớn. Trái tim Mẹ phải tan vỡ ra từng mảnh.

Nhưng khi Mẹ Maria can đảm đứng dưới chân thánh giá như thế, Mẹ đã thực sự trở nên “fortitude nostra”, trở nên sức mạnh của chúng ta trong mọi thử thách và trong mọi gian nguy của cuộc đời. Mẹ chỉ lặng yên đứng đó, và theo Kinh Thánh, Mẹ đã không nói gì với Đức Giêsu cả, hay nói đúng hơn: Mẹ không còn đủ sức lực để có thể nói được lời nào với Con Mẹ nữa, và chỉ đưa mắt đầy đau đớn chăm chăm nhìn lên Con mà thôi. Nhưng chính cái nhìn đầy yêu thương ấy, chính Trái Tim Vẹn Sạch bị bị đau khổ đâm nát của Mẹ (đúng như lời tiên tri Simeon đã báo trước: Còn chính Bà sẽ bị một lưỡi gươm đâm thấu linh hồn. Lc 2,35) là cả một niềm an ủi to lớn nhất cho Người Con đang trong cơn đau khổ tột cùng mà Trái Tim Cực Thánh của Người đã bị một lưỡi đòng của kẻ vô đạo đâm thủng, đến nỗi giọt máu cuối cùng trong tim Con Mẹ cũng không được đọng lại, mà phải tuôn chảy hết ra ngoài. Những điều đó đã nói hết tất cả rồi. Không cần phải nói gì nữa!

Tuy nhiên từ trên thánh giá, Đức Giêsu đã đưa mắt âu yếm nhìn về phía Mẹ. Người muốn nối lại sự liên lạc với Mẹ Người và chắc chắn đây sẽ là lần cuối. Hai cặp mắt của hai Mẹ Con lại nhìn nhau trong đau đớn nghẹn ngào, trong tủi buồn và trong yêu thương vô hạn. Vâng, trong không gian đau đớn Ngôi Lời đã thiết lập nên một sự khởi đầu mới cho một mối tương quan mới, mà chỉ những kẻ có con mắt đức tin sống động và tình yêu sâu xa như Mẹ Maria, thì mới biết đón nhận được, vì trong không gian của sự đau khổ thường nảy sinh không gian của tình yêu. Khởi đầu có lẽ không gian ấy chỉ nhỏ xíu thôi. Nhưng với thời gian, chính sự trung tín và sự nhẫn nhục sẽ làm cho không gian tình yêu ấy càng ngày càng trở nên bao la rộng lớn, và nhất là trở thành không gian sống cho nhiều người.

Ở đây, chúng ta lại chiêm ngắm tín điều thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ Maria, mà Công đồng Ephesus (431) đã công bố, và được các Công đồng tiếp sau đó nhắc lại và chứng thực: Đức Giêsu Kitô, (Emmanuel: Chúa-ở-cùng-chún-tôi), là Thiên Chúa, và vì thế, Đức Thánh Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos), vì theo phương diện xác thịt Mẹ đã sinh hạ Ngôi Lời nhập thể vốn phát xuất từ Thiên Chúa (Ngôi Lời Vĩnh Cửu và là Con Một của Thiên Chúa), tức Thiên-Chúa-Làm-Người: Đức Giêsu Kitô.

Nhưng tất cả những sự kiện trên đây muốn quả quyết sự thật này: Nhân đức nổi trội của Mẹ Maria là đức mạnh mẽ. Mẹ Maria quả thật là thầy dạy đức mạnh mẽ. Chúng ta hãy nhớ lại những gì đã xảy ra trong biến cố “Dâng Con Vào Đền Thánh” như chúng ta vừa nhắc trên, ông Simeon đã nói với Me: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en vấp ngã hay đứng dậy và cháu cũng là dấu hiệu cho thiên hạ chống đối; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươmg sẽ đâm thấu tâm hồn bà.”(Lc 2,34-35).

Nhưng lưỡi gươm ấy đã không chỉ đâm thấu tâm hồn Mẹ Maria trong cuộc khổ nạn của Con Mẹ mà thôi, nó đã đâm nát Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ ngay từ sau ngày “Truyền Tin”, lúc Mẹ phải chứng kiến sự đau khổ âm thầm đang dày xéo con tim Thánh Cả Giuse, một người công chính thánh thiện, vì ngài nhìn thấy Mẹ mang thai Đấng Cứu Thế mà không biết là bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, còn Mẹ chỉ biết âm thầm lau hai dòng nước mắt và hoàn toàn tín thác vào Chúa tất cả, chứ không thể tự giải thích được. Tiếp đến, Mẹ cùng Thánh Giuse phải lóc cóc vất vả cuốc bộ trên 170 cây số đường trường để về quê cũ Bethlehem khai sổ đinh và rồi phải sinh Con trong một hoàn cảnh vô cùng éo le, thương cảm: không có bất cứ phương diện tối thiểu nào; rồi lại phải vội vã tản cư sang Ai Cập để bảo toàn mạng sống cho Con trước lưỡi gươm hung dữ của bạo vương Hê-rô-đê; cảnh lạc mất Con trong ba ngày với bao ưu sầu lo lắng, v.v… mãi cho tới khi cùng theo con bước đi trên con đường dốc lên núi sọ: khi nhìn từng giọt máu con rơi rớt dọc đường là ruột Mẹ lại đứt ra từng khúc; khi những làn rót lý hình quật vào thân Con là ruột gan Mẹ lại nát vụn ra từng mảnh. Và sau cùng khi nhìn thấy lưỡi gươm tên lý hình đâm thủng Trái Tim Con, thì một lưỡi gươm vô hình khác cũng đã thực sự đâm thủng Trái Tim Mẹ.

Vâng, tình mẫu tử bao la và vô vị lợi của Mẹ Maria đối với Đức Giêsu, Con Mẹ, và đối với toàn thể nhân loại đã mang lại một tác động cụ thể là Lời Chúa đã thực sự trở thành thực tại trong Mẹ: Không một ai có tình yêu lớn hơn tình yêu người đã hiến mạng sống mình cho các bạn hữu.(x. Ga 15,13). Vì thế, người ta có lý khi nói rằng, Mẹ Maria đã cùng với Đức Kitô cứu rỗi cả nhân loại, vì Mẹ đã cùng với Con Mẹ chịu mọi khổ hình và khi Con Mẹ hấp hối trên thập giá, thì Trái Tim Mẹ cũng hấp hối theo Con; và vì phần rỗi con cái loài người Mẹ đã khước từ quyền lợi và bản năng của một người mẹ, là dùng hết mọi sức lực của mình để bênh vực và cứu Con Mẹ ra khỏi mọi nguy hiểm, như xưa kia Mẹ đã một lần từng làm khi đưa Con trốn sang Ai Cập.

Toàn diện kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa nói chung và cuộc khổ nạn của Đức Kitô nói riêng đều tùy thuộc vào Mẹ Maria, vào sự đồng ý tự nguyện của Mẹ, và, vì trước hết Mẹ muốn cho phép công bằng của Thiên Chúa được thể hiện và tiếp đến, là Mẹ muốn cho loài người được hòa giải lại với Thiên Chúa, và nhờ thế tránh cho họ khỏi bị tiêu diệt.(6) Vậy, chúng ta thực sự cảm nhận được đức mạnh mẽ của Mẹ Maria trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô một cách đầy đủ hơn, Đấng mà chúng ta hằng luôn đầy tâm tình yêu mến, biết ơn và hăng say chiêm ngắm, điều mà Mẹ Người đã làm xưa kia khi đứng dưới chân thập giá: “Stabat autem juxta crucem Jesu Mater ejus - Mẹ Đức Giêsu đứng dưới chân thập giá Con Mẹ.”(Ga 19,25)

Đúng vậy, khi giờ hy lễ thập giá đã điểm, Mẹ Maria vẫn đứng đó và lòng đầy đau đớn tủi nhục khi tai Mẹ phải nghe những lời thách thức, chửi bới và nhiếc mắng của thiên hạ, của kẻ đi người lại trước mặt Con Chí Thánh của Mẹ: “Mày đã từng muốn phá Đền Thờ Thiên Chúa và trong ba ngày mày sẽ xây lại. Giờ đây, mày hãy tự cứu mình đi! Nếu mày là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá đi xem nào!”(Mt 27,39-40) Thánh Josefmaria Escrivá đã cắt nghĩa sự kiện này bằng những lời tâm huyết này: “Nhờ có sự hiện diện âm thầm lặng lẽ nhưng đầy yêu thương của Mẹ Người, Đức Giêsu lại cảm thấy được củng cố và mạnh mẽ thêm. Mẹ Maria không thất vọng bỏ đi, không cán chường bỏ chạy. Stabat - Mẹ vẫn đứng yên, Mẹ đứng yên bên Con Mẹ. Từ trên thập giá, Đức Giêsu đưa mắt nhìn xuống Mẹ mình và lại nhìn sang môn đệ Gioan và nói: “Thưa Bà, kìa là con Bà”. Tiếp đến, Người lại nói với người Môn đệ: “Kìa là Mẹ con!”(Ga 19,26-27). Qua thánh Gioan, Đức Giêsu đã giao phó cho Mẹ Người coi sóc tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là các Môn đệ của Người, tức những kẻ tin kính Người.”(7)

1.3. Mẹ Maria, niềm an ủi của Chúa Thánh Thần

Trong Giáo Hội Mẹ Maria cũng được xưng tụng là “Hiền thê” của Chúa Thánh Thần, một kiểu nói mà không ít người cho là quá táo bạo, quá bạo miệng. Nhưng đây là tước hiệu đã được biện minh từ Công đồng chung Ephesus vào năm 431. Nhưng đồng thời tước hiệu “Hiền thê Chúa Thánh Thần” của Mẹ Maria không có nghĩa là người ta có quyền trình bày hay giới thiệu Chúa Thánh Thần như là cha của Đức Kitô, vì đó là một tư tưởng sai lầm mà Công nghị thứ XI ở Toledo đã kết án. Bởi vậy, tư tưởng sai lầm ấy chưa hề được xuất hiện trong các văn phẩm hay hội họa tôn giáo. Trong khi đó, người ta đã tìm gặp tước hiệu “Hiền thê Chúa Thánh Thần” rất phổ thông ngay từ thời hậu thượng cổ, và nhất là vào thời trung cổ. Trong các bản văn suy niệm về cuộc đời Đức Kitô mà thường được cho là của thánh Bonaventura, người ta đọc thấy rằng, ví dụ: Trong biến cố truyền tin, Mẹ Maria theo nghĩa thần bí học được coi như “Con gái của Chúa Cha, Mẹ của Chúa Con và hiền thê của Chúa Thánh Thần.” Sự suy niệm này được dựa trên nền tảng bản tường thuật của Tin Mừng theo thánh Luca: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà và quyền năng Đấng tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà.”(Lc 1,35).

Như vậy, vấn đề đã quá hiển nhiên, là Mẹ Thiên Chúa đã được vinh danh qua tước hiệu “Hiền thê của Chúa Thánh Thần”, một tước hiệu danh dự mà theo quan niệm thực tiễn ngày nay có thể gây nên những phản hồi tiêu cực, nhưng nếu dựa theo truyền thống lâu đời trong Giáo Hội, thì đó là một tước hiệu danh dự hợp lý.(8)

Hơn nữa, Mẹ Maria là sự an ủi của Chúa Thánh Thần, bởi vì Mẹ là “Virgo fidelis”, là Người Trinh Nữ trung tín. Mẹ là “Immaculata”, là Đấng Vẹn Sạch, là Mẹ của Tình Yêu tuyệt vời: “Trên trời xuất hiện một điềm lạ: một người Nữ, mình khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.”(Kh 12,1). Chính Thiên Chúa đã dựng nên nét kiều diễm ấy và rồi Người rất ngưỡng mộ nét kiềm diễm ấy, như lời Thánh Vịnh đã viết: “Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái, hãy vào phục lạy: Người là Chúa của Bà! (…) Đẹp lộng lẫy, này đây công chúa, mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng, phục sức huy hoàng, được dẫn tới Quân Vương.”(Tv 45, 12-15).

Mẹ Maria luôn mãi là đền thờ Chúa Thánh Thần. Mẹ được coi như là bồ câu Thánh Thể, là Nhà Tạm cất giữ “Sancta Sanctorum”, cất giữ Mầu Nhiệm Cực Thánh. Là bồ câu trắng, Mẹ Maria được biểu tượng cho uy quyền, sự tinh tuyền, sự bình an và niềm hoan lạc. Bồ câu trắng vốn là biểu tượng của sự bình an, của nền hòa bình! Nhưng khi bồ câu trắng mỏ gặm nhánh Ô-liu lại biểu tượng của niềm hy vọng, như trong câu chuyện ông Nô-e và trận lụt đại hồng thủy: một ngày kia, ông No-ê nhìn thấy con chim câu trắng bay trở lại với ông và mỏ nó gặm một nhánh Ô-liu, lập tức ông biết rằng đã có hy vọng, chiếc tàu của ông sắp có thể đậu vào một bến mới, vì đại họa đã qua. (x. St chương 6-8).

Là “Hiền thê” tinh tuyền của Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria dẫn đưa chúng ta đến với tín điều “Đồng trinh Vẹn Sạch” của Mẹ, đã được công bố trong Công Nghị Lateranô (Lateransynode) vào năm 649: Mẹ Maria, Đấng thánh thiện, luôn là trinh nữ và tinh tuyền. Chính thánh Giám Mục tiến sĩ Augustinô đã quả quyết: “Mẹ Maria luôn vẫn là trinh nữ khi Mẹ cưu mang Con Mẹ, là trinh nữ khi sinh hạ Con, là trinh nữ khi Mẹ bồng ẳm Con, là trinh nữ khi Mẹ ôm Con vào lòng để cho bú. Trọn đời Mẹ luôn mãi là trinh nữ.”(9)

Mẹ Maria là Đấng Vô Nhiễm Thai, vâng, Mẹ đã không hề bị vướng mắc vết nhơ tội nguyên tổ ngay từ giây phút đầu tiên khi được dựng thai trong lòng mẹ. Mẹ là “gratia plena”, Trinh Nữ đầy ơn phúc Chúa, vì Mẹ đầy tình yêu Chúa, vì Mẹ là Đấng kiều diễm, tinh tuyền và thánh thiện vô song trước mặt Thiên Chúa. Do đó, chỉ có Mẹ mới có thể chỉ cho chúng ta một cách cụ thể nét kiều diễm của sự tinh tuyền thánh thiện.

Thánh Tông đồ Phaolô đã từng nhắn nhủ các tín hữu Cô-rin-thô phải luôn ý thức mình đã thuộc về Đức Kitô và thân thể mình là đền thờ Chúa Thánh Thần, hầu lo sống đạo đức thánh thiện, hầu lo sống một cách xứng đáng là những người con Chúa: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Thế tôi lại được phép lấy phần thân thể của Đức Kitô làm phần thân thể một kỹ nữ sao? (…) Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần, Đấng đang ngự trong anh em sao? Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà mua chuộc lấy anh em. Vậy, anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.”(1Cr 6,15.19-20).

2. Mẹ Maria, niềm an ủi của toàn thể nhân loại

Nỗi vui mừng và niềm hy vọng! Mẹ Maria là niềm an ủi của Con Chí Thánh Mẹ và đồng thời cũng là “consolatrix afflictorum et causa nostrae laetitiae”, là Đấng yên ủi mọi kẻ âu lo khốn khó và là nguyên nhân niềm hoan lạc của chúng ta.

Là niềm vui, khi Mẹ Maria mang niềm vui tới cho bà Elisabeth: Đứa trẻ đã hân hoan nhảy mừng trong lòng mẹ!(x. Lc 1,41) Là niềm vui, sau khi Mẹ Maria đã mang đến cho chúng ta sự an ủi: “Này con cháu E-và, thân phận người lưu lạc, chúng con ngửa trông Bà, kêu Bà mà khóc lóc, than thở với rên la trong thung lủng đầy nước mắt… Xin Bà khấng tỏ ra cho đoàn con được thấy quả phúc bởi lòng Bà: Đức Giêsu khả ái!”(10) Và trong kinh Kính Mừng chúng ta cầu nguyện hằng ngày: Trước hết, chúng ta ca tụng Mẹ Maria với lời chào của Thiên sứ: „Ave Maria, gratia plena – kính mừng Maria, đầy ơn phúc“, và tiếp đến, chúng ta khẩn cầu sự bầu cử nguyện giúp của Mẹ trước tòa Đức Giêsu, Con Mẹ: „Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con.“

Niềm ủi an và nỗi vui mùng là hai chị em song sinh – tương tự như „auxilium christianorum“ và „causa nostra laetitiae“: sự cứu giúp các giáo hữu và nguyên nhân niềm vui mừng của chúng ta.

Mẹ Maria là niềm an ủi của chúng ta, vì Mẹ cứu giúp chúng ta trong khi phải chống trả ba thù và nhắc nhủ chúng ta luôn biết ăn năn cải thiện cuộc sống. Đồng thời, qua đó Mẹ đã mang lại cho chúng ta niềm vui mừng chân thật.

Và sau biến cố „truyền tin“, Mẹ Maria đã vội vã lên đường đi thăm bà Elisabeth, ngoài việc Mẹ đã thực hiện một cuộc hành trình dài đầy gian khổ và hiểm nguy, Mẹ còn mang gì thêm? Được đầy ơn Chúa Thánh Thần, Đấng rợp bóng trên Mẹ, Mẹ Maria muốn mau mang niềm vui cao cả và thánh thiện này cho hai mẹ con bà Elisabeth. Cũng chính Chúa Thánh Thần đã tuôn đổ tràn ân sủng xuống trên bà Elisabeth và tác động cho thai nhi nhảy mừng trong lòng bà, thoạt khi tai bà vừa nghe tiếng chào của Mẹ Maria. Nhưng đâu là hoa quả đầu tiên của ơn được „đầy tràn Chúa Thánh Thần“? Đức Thánh Cha Bêneđíctô XVI phát biểu về sự tương quan giữa niềm vui và chân lý là chính Đức Kitô: „Đức Kitô, Đấng là chính sự đầy tràn Chúa Thánh Thần, lôi kéo tâm hồn mỗi người đến với mình, mở rộng nó ra và tuôn đổ tràn đầy trên nó niềm hân hoan vui mừng. Bởi vì, chỉ có chân lý mới có thể thấu suốt được tinh thần con người và ban tặng cho nó niềm vui mừng trọn vẹn. Niềm vui mừng này mở rộng các chiều kích của tâm hồn con người, khi nó giải thoát tâm hồn khỏi sự chật hẹp của lòng ích kỷ và tạo điều kiện cho nó đạt tới tình yêu chân thật.“(11)

Trong suốt cả cuộc đời, Mẹ Maria luôn đồng hành cùng Con Mẹ trong từng bước đi, đó là: Khi Mẹ nói lên hai tiếng „vin vâng“ để Ngôi Lời Thiên Chúa toàn năng có thể mặc lấy xác phàm trong long Mẹ; trong sự khốn cùng của Bết-lê-hem; trong cuộc sống ẩn dật của Đức Giêsu với những công việc thường ngày ở Na-da-rét; khi Người bắt đầu cuộc đời công khai với quyền năng Thiên Chúa được tỏ hiện trong tiệc cuới Ca-na miền Ga-li-lê-a; trong suốt cuộc khổ nạn: khi Con Mẹ lần từng bước nặng nề tiến lên núi Sọ giữa những tiếng chửi bới, xỉ nhục và những cú gậy gộc của bọn lý hình phang tới tấp vào thân mình vốn đã bị đánh bầm dập của Con Mẹ không một chút thương tiếc, cho tới khi Người bị lột hết áo quần và bị đóng đinh trần truồng trên thập giá; rồi lúc Con Mẹ hấp hối trong đau thương tủi nhục và mệt nhọc thì thào từng tiếng cuối cùng để tạm biệt Mẹ, và khi xác Con đầy thương tích và bê bết máu vừa được tháo từ thập giá xuống Mẹ đã vội ôm chặt vào trong vòng tay gầy yếu, thân xác mà xưa kia Mẹ đã từng mang đầy bụng trong chín tháng mười ngày và yêu thương săn sóc từng miếng cơm manh áo; rồi khi Con được an táng trong mồ, và sau cùng khi Con Mẹ sống lại vinh quang và rước Mẹ về hưởng hạnh phúc bất diệt trên Nước Trời. Tất cả từng giờ từng phút trong suốt cả cuộc đời buồn vui của Đức Giêsu đều có bóng Mẹ Maria thấp thoáng hiện diện bên cạnh.

Trong mọi khoảnh khắc cuộc đời Mẹ, Mẹ Maria đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, Mẹ là chính „causa nostrae laetitiae“, là nguồn cội, là nguyên nhân niềm vui mừng của chúng ta. Sau biến cố truyền tin, lòng đầy vui mừng Mẹ đã vội vã lên đường đi thăm viếng và phục vụ bà Elisabeth trong khi sinh nở. Ở Bết-lê-hem Mẹ Maria là nguyên nhân niềm vui mừng của các các Thiên Thần – „Gloria in excelsis Deo“(Lc 2,14) – và của các mục đồng: „Các mục đồng ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như lời Thiên Thần đã nói với họ.“(Lc 2,20). Ở tiệc cưới Cana, Mẹ đã giúp cho bầu không khí vui mừng của cô dấu chú rể và các quan viên hai họ được tiếp tục: „Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: Họ hết rượu rồi.“(Ga 2,3). Vì thế, không phải là điều ngẫu nhiên khi thánh Ephraem đã gọi phép Thánh Thể là „Bánh làm từ bó lúa được chúc phúc (Mẹ Maria)“ và „Nho thơm do Mẹ Maria cung cấp“. Mẹ Maria hiện diện trong niềm vui của dân chúng khi Đức Kitô rao giảng: „Khi Người đang nói, một người phụ nữ trong đám đông nói đã thưa với Người: phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm“(Lc 11,27). Và dưới chân Thánh Giá, Mẹ là niềm an ủi và vui mừng cho thánh Gioan: „Kể từ giờ đó, người Môn đệ rước Bà về nhà mình.“(Ga 19,27).

Và sau khi Chúa đã sống lại, ánh sáng rực rỡ của Mẹ Maria càng chiếu tỏa trên các Tông đồ: „Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện (…) cùng với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu.“ (Cv 1,14).

Sau cùng, chúng ta cùng suy niệm tín điều về Mẹ Maria, Đấng là nơi ẩn náu chắc chắn nhất cho hết mọi người: Tín điều “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”. Đây là tín điều đã được Đức Thánh Cha Piô XII long trọng công bố vào ngày 1.11.1950 trong Tông hiến „Munificentissimus Deus“: „Với uy quyền của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, của hai thánh Phêrô và Phaolô và với quyền hành của chúng tôi, chúng tôi công bố, diễn giải và định nghĩa: Là một tín điều được Thiên Chúa mặc khải, đó là Mẹ Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa tinh tuyền, sau khi hoàn tất cuộc sống dương thế đã được đón rước vào vinh quang Nước Trời cả hồn lẫn xác.“

Đây là chân lý đã được chính danh họa Raffaello, tên đầy đủ là Raffaello da Urbino (1483-1520), đã từng trình bày vào thế kỷ XV trên một bức họa thời danh và hiện đang được trưng bày tại viện bảo tàng hội họa Vatican: phía dưới bức họa là một cái thạch mộ (Sarcophage) trống không và các Tông đồ đang đứng chung quanh. Từ trong thạch mộ mọc lên từng cụm hoa huệ và hoa hồng bốc hương thơm ngào ngạt. Còn các Tông đồ đứng nhìn lên trời thấy Đức Giêsu đang đội triều thiên lên đầu cho Mẹ dấu yêu của Người. Và muôn vàn Thiên Thần đang ca hát nhảy mừng với tiếng đàn vĩ cầm du dương thánh thót. Cũng như các vị Thiên Thần, chúng ta nhận chân được rằng: Đức Giêsu đã hoàn tất tuyệt tác của Người.

Nói tóm lại

Mẹ Maria đã bước đi theo Đức Kitô trước chúng ta trên mọi nẽo đường của cuộc đời Người: Mọi vui buồn, mọi sướng khổ của Con là của Mẹ. Vì thế, nay Mẹ được Con Mẹ rước về Thiên Đàng cả hồn lẫn xác giữa sự hoan ca nhảy mừng của cả triều thần Thiên Quốc.

Ôi đẹp thay! Ôi huy hoàng thay! Ôi vui mừng thay! Mẹ vất vả ra đi vào cuộc đời mang theo hạt giống đức tin, hạt giống yêu mến và hạt giống tín thác để gieo vãi vào lòng đời, nay Mẹ trở về Quê Trời hai tay mang nặng bó lúa của vinh quang và của hạnh phúc bất diệt giữa tiếng chào đón reo mừng của các đạo binh Thiên Thần và các vị Thánh nhân.

Nhưng sự vinh quang và hạnh phúc bất diệt của Mẹ Maria ngày nay trên Thiên Đàng là niềm hy vọng chắc chắn cho sự cứu rỗi của chúng ta mai ngày, nếu chúng ta cũng như Mẹ biết hoàn toàn tín thác vào sự an bài đầy yêu thương của Cha trên trời và trung tín bước theo Tin Mừng Đức Kitô trong mọi giây phút của cuộc sống. Vì thế, chúng ta gọi Mẹ là “spes nostra”, “solacium vitae nostrae” và “causa nostrae laetitiae” – là niềm hy vọng, là niềm an ủi và nguyên nhân niềm hoan lạc của chúng ta.

“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”
__________________

1. Hl. Irenäus, Gegen die Häresien, III,22,4.
2. Bernhard von Clairvaux, Lobpreis der jungfräulichen Gottesmutter, 4. Homilie.
3. Augustinus, Gespräche 215,4; PL 38,1074.
4. Josefmaria Escrivá, “Freunde Gottes”, số 280.
5. Josefmaria Escrivá, Der Kreuzweg, 4. Station.
6. x. Benedickt XV., Tông thư “Inter sodalicia”, 22.3.1918, ASS 10 (1919), 182.
7. Josefmaria Escrivá, Freunde Gottes, số 288.
8. xem http://www.legion.mariens.de/maria-braut-des-heiligen-geistes.html.
9. Hl. Augustinus, Serm. 186,1.
10. Kinh Salve Regina, Gotteslob der deutschen kath. Kirche,570.
11. Ansprache an die Glaubenskongregation, vào ngày 10.2.2006.


Lm Nguyễn Hữu Thy
Nguồn:  http://www.vietcatholic.net/News/Html/98721.htm

Dienstag, Juni 26, 2012

Một tầm nhìn đại kết về vai trò của Đức Maria trong kế hoạch Thiên Chúa và trong hiệp thông các thánh (16)
Vũ Văn An6/26/2012


Phụ lục I: Các tín điều Vô Nhiễm Thai và Mông Triệu

1. Vô Nhiễm Thai

Sau đây là lời công bố tín điều được Đức Giáo Hoàng Piô IX xác định vào ngày 8 tháng 12 năm 1854:

“Ta tuyên bố, công bố và xác định rằng: tín lý theo đó Đức Trinh Nữ rất thánh Maria, từ giây phút đầu tiên được tượng thai, nhờ ơn thánh đặc biệt và đặc ân của Thiên Chúa toàn năng và dự ứng công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của nhân loại, đã được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ, là tín lý được Thiên Chúa mạc khải và, do đó, phải được mọi tín hữu tin một cách chắc chắn và mãi mãi” (Sắc chỉ Ineffabilis Deus; Denzinger 2803).

Đọc công bố trên, ta cần lưu ý mấy điểm sau đây:

- ở đây, học lý Vô Nhiễm Thai là chủ đề của một định nghĩa long trọng và nhận được tư cách một học lý “được Thiên Chúa mạc khải”. Tuy nhiên, trong lời giải thích của mình, chính Đức Piô IX nhấn mạnh tới tính liên tục của nó với đức tin của Giáo Hội được phát biểu trong các ngày lễ phụng vụ và giáo huấn các giáo phụ và một số vị giáo hoàng. Hơn nữa, dù có nhắc tới một số đoạn văn Thánh Kinh (St 3:15; Lc 1:28 và 1:42), nhưng ngài không trực tiếp biện bác từ Thánh Kinh. Tuy nhiên, ngài nhìn nhận rằng học lý này “theo phán quyết của các giáo phụ, đã được ghi trong Sách Thánh”.

- chính công thức định nghĩa không sử dụng thuật ngữ “Vô Nhiễm Thai”. Công thức này cũng không xác định “giây phút đầu tiên” của việc tượng thai; chỉ xác định rằng từ “giây phút đầu tiên”, Đức Maria được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ.

- một thế kỷ sau định nghĩa của Đức Piô IX, Công Đồng Vatican II đã đề cập tới mầu nhiệm Vô Nhiễm Thai bằng những lời lẽ ít “Latinh” hơn và mang nhiều dấu ấn của ngôn ngữ truyền thống Phương Đông hơn:

“Không có gì lạ, nếu các Thánh Giáo Phụ đã thường xưng tụng Mẹ Thiên Chúa là Ðấng toàn thánh, không vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành. Tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc mới được thụ thai, Ðức Trinh Nữ thành Nazareth được Thiên Thần vâng lệnh Chúa đến truyền tin và kính chào là "Ðấng đầy ân phúc" (x. Lc 1:28)” (Lumen Gentium, số 56).

2. Mông Triệu

Trong Tông Hiến Munificentissimus Deus, ngày 1 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII, đã xác định tín điều Mông Triệu như sau:

“Do thẩm quyền của Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, do thẩm quyền của các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, và do thẩm quyền riêng của ta, ta công bố, tuyên bố và ấn định thành tín điều do Thiên Chúa mạc khải rằng: Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa, là Đức Maria trọn đời đồng trinh, khi chấm dứt cuộc sống trần gian, được triệu cả hồn và xác về hưởng vinh quang thiên đàng” (Denzinger 3903).

Ở đây, một lần nữa, ta nên lưu ý mấy điều sau đây:

- Đoạn đầu câu định nghĩa có ám chỉ tới tín điều vô ngộ của đức giáo hoàng được công bố năm 1870.

- Lời định nghĩa trên gợi ta nhớ tới mối liên kết giữa Mông Triệu và các mầu nhiệm Vô Nhiễm Thai, Mẹ Thiên Chúa, và Trọn Đời Đồng Trinh.

- Sự khác nhau giữa các hạn từ “được triệu” (động từ thể thụ động) và các hạn từ được dùng trong Kinh Tin Kính để nói về việc “lên trời” của Chúa Kitô cho ta thấy rằng không nên lẫn lộn việc mông triệu của Đức Trinh Nữ với việc thăng thiên của Chúa Kitô.

- Các lời sau cùng “được triệu cả hồn và xác về hưởng vinh quang thiên đàng” không có ý nói tới việc thay đổi nơi chốn, mà đúng hơn nói tới việc biến đổi thân xác Đức Maria và việc toàn diện hữu thể ngài bước vào tình trạng “vinh quang” trong đó, ngài được kết hợp với thân xác vinh hiển của Con mình.

- Khi trình bày tín điều này, Đức Piô XII không trực tiếp biện bác từ Thánh Kinh nhưng nại tới Thánh Kinh qua ngả Thánh Truyền và dưới ánh sáng mối dây liên kết Đức Maria với Con của ngài.

- Công Đồng Vatican II, khi nhắc lại tín diều của Đức Piô XII, đã càng nhấn mạnh hơn nữa tới sợi dây liên kết đời đời giữa Con Trai vinh hiển và mẹ Người là Đức Maria:

“Được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Ðức Nữ Trinh Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con ngài trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa (x. Kh 19,16), Ðấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết” (Lumen Gentium, số 59).

Phụ lục II: Các kinh có nhắc đến Đức Maria trong một số Giáo Hội Thệ Phản

1. Trong Hiệp Thông Anh Giáo

a. Trích từ Kinh Tiền Tụng các lễ kính Đức Maria:

“Và nay, chúng con tạ ơn Cha, vì khi chọn Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria làm mẹ Con của Cha, Cha đã hiển dương những người bé nhỏ và thấp hèn. Thiên thần của Cha đã chào kính ngài là người có phúc cao; cùng với mọi thế hệ, chúng con xưng tụng ngài là đấng diễm phúc và cùng với ngài, chúng con hân hoan và chúc tụng thánh danh Cha”

b. Lời cầu nguyện trong các lễ kính Đức Maria:

“Lạy Thiên Chúa, Đấng đã triệu về với Chúa Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, người mẹ của Con Chúa, xin cho chúng con được dự phần với ngài vào vinh quang trong vương quốc đời đời của Chúa, vì cả chúng con nữa cũng đã được máu Chúa Kitô cứu chuộc”.

2. Trong Các Giáo Hội Luthêrô tại Pháp (Phụng vụ Chúa Nhật và các ngày lễ, tháng 2 năm 1983)

a. Lời cầu nguyện trong các lễ kính Đức Trinh Nữ

(a) Lễ Truyền Tin (25 tháng 3 hay trong Mùa Vọng):

“Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, qua lời thiên thần Gabrien, Chúa đã cho chúng con hay sự nhập thể của Con Chúa. Xin đổ tràn ơn thánh Chúa xuống tâm hồn chúng con để, khi theo chân Người trong đau khổ và cái chết của Người, chúng con cũng được hưởng sự vinh quang của phục sinh nhờ Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con, Đấng hiện sống và trị vì mãi mãi cùng Chúa, là Cha, và Chúa Thánh Thần, một Thiên Chúa duy nhất”.

(b) Lễ Thăm Viếng (2 tháng 7 hay trong Mùa Vọng):

“Lạy Thiên Chúa, là Cha chúng con, qua Chúa Thánh Thần, Chúa đã dẫn dắt Trinh Nữ Maria tới với Bà Êlisabét để họ cùng nhau hân hoan chào đón việc xuống thế của Con Cha. Xin Cha cũng điều hướng bước chân của chúng con để chúng con đem đến cho thế gian niềm vui của Đấng đã trở nên khó nghèo vì chúng con, là Chúa Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con, Đấng hiện sống và trị vì mãi mãi cùng Chúa, là Cha, và Chúa Thánh Thần, một Thiên Chúa duy nhất”

b. Kinh tiền tụng Mùa Vọng

“Lạy Cha rất thánh, là Thiên Chúa vĩnh cửu và toàn năng, thật là phải đạo và tốt đẹp, được luôn luôn và từ khắp nơi vinh danh Cha và dâng lên Cha lời cảm tạ của chúng con, qua Chúa Kitô, Chúa chúng con. Chính Người là Đấng mọi tiên tri đã ca ngợi; Đức Trinh Nữ Maria đã yêu thương chờ đợi, và Thánh Gioan Tẩy Giả đã công bố sự xuất hiện và tỏ lộ sự hiện diện; chính Người đã ban cho chúng con niềm vui được bước vào mầu nhiệm Giáng Sinh để khi Người đến, Người có thể thấy chúng con đang chờ đợi trong cầu nguyện và tràn đầy niềm vui”.

c. Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng

“Chúc tụng Chúa nhờ đấng có phúc hơn mọi phụ nữ; chúc tụng Chúa vì ngài đã tin; chúc tụng Chúa đã để nữ tì Chúa mở lòng ra chào đón lời Chúa và cưu mang Đấng đã tạo dựng nên thế giới; chúc tụng Chúa vì nhờ ngài, Con Chúa đã có thể mặc lấy xác phàm của chúng con và dâng lên của lễ duy nhất hữu hiệu: ‘Này đây, Con đến để làm theo Ý Cha’” (Lời nguyện Phụng Vụ Chúa Nhật, Lutheran Domestic Mission, 1991).

d. Kinh tưởng niệm (anamnesis), Lễ Giáng Sinh

“Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con cử hành việc xuất hiện của Con Cha. Giống Đức Maria, chúng con tưởng niệm trong tâm hồn chúng con việc Người sinh ra. Chúng con tưởng nhớ các lời Người nói, các việc Người làm, cuộc thống khổ và thập giá của Người. Sự sống hiện nay của Người là niềm vui của chúng con và việc Người trở lại là niềm hy vọng của chúng con. Nhân danh Người, chúng con dám nguyện rằng: Lạy Cha chúng con ở trên trời…”

3. Các Kinh của Giáo Hội Cải Cách

a. Phụng vụ của Giáo Hội Cải Cách Pháp (1996)

“Lạy Cha, Cha là Đấng đã mặt đối mặt nói với Môsê,

Là đấng đã làm cho các tiên tri vui mừng và khóc lóc,

Là Đấng đã phát sinh ra các thánh vịnh nơi dân Cha và thỏ thẻ sự khôn ngoan của phương châm cho họ.

Cha, Thiên Chúa hằng sống, là Đấng đã đặt Kinh Magnificat vào môi miệng Đức Maria và lời tuyên xưng Chúa Kitô trên môi miệng Thánh Phêrô,

Cha là Đấng đã thốt Lời Cha thành lời nhân bản trong đời sống Con Cha: nhờ Chúa Thánh Thần, Cha đã làm các lời này thành sinh động vào lúc này; xin cho chúng trở thành Lời Cha cho chúng con. Amen”

b. Kinh Bữa Tiệc Ly

“Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con tạ ơn Cha: từ nguyên thủy, nhờ Lời của Cha và hơi thở của Thần Trí Cha, Cha đã làm cho thế giới và những huy hoàng của nó hiện hữu. Cha đã tạo nên con người giống hình ảnh Cha và ký giao ước với họ; Cha đã chọn một dân tộc cho riêng Cha để qua họ, mọi dân tộc trên thế giới được chúc phúc.

“Nhờ Chúa Thánh Thần, Cha đã làm cho Con Cha được Trinh Nữ Maria sinh hạ; Người đã trở nên người anh của chúng con và đã sống cuộc sống yêu thương Cha cho tới chết trên thập giá. Nhờ quyền lực của Thần Trí Cha, Cha đã làm Người trỗi dậy từ cõi chết; Cha đã đặt Người làm đầu Giáo Hội và là Cứu Chúa của thế gian…” (Phụng Vụ thực nghiệm “Cam” của Giáo Hội Cải Cách Pháp, 1982).

c. Các thánh ca của Giáo Hội Cải Cách Pháp: Số 171: Tôi Tán Tụng Thiên Chúa (Magnificat)

1. Tôi tán tụng Thiên Chúa và hân hoan ca hát,

Vì Cứu Chúa đã cúi xuống phận mỏng dòn tôi;

Người đã đoái xem để từ nay

mọi người sẽ mãi mãi khen nữ tì Người có phúc.

2. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều kỳ diệu.

Danh Người là thánh! Tình yêu Người thiên thu vạn đại.

Cánh tay quyền năng của Người luôn hành động

Cho những ai thực hiện thánh ý Người.

3. Người phá tan suy nghĩ của kẻ kiêu căng

Hạ những kẻ hợm hĩnh khỏi bệ vàng;

Người nâng người nghèo dậy và nuôi sống họ;

Kẻ giầu, Người đuổi khỏi tay không.

4. Đối với Israel, Thiên Chúa luôn yêu thương trìu mến;

Trung thành với lời hứa, Người luôn trợ giúp họ;

Với Ápraham và miêu duệ,

Thiên Chúa mãi mãi là Cứu Chúa đến tận cùng (Arc en Ciel Nos Coeurs te chantent, Tháng 7, 1994)

d. Trích Kinh Nguyện Thánh Thể, Tiệc Cưới Cana

Lạy Chúa, đơn thành và tín thác biết bao là lời Đức Maria biểu lộ!

- Chỉ một vài lời đủ cho Chúa thấy tình thế làm ngài lo âu: “họ hết rượu rồi”.

- Chỉ một vài lời đủ cho gia nhân hiểu sự tín thác của ngài: “hãy làm bất cứ điều gì Người bảo anh em”.

Ấy thế mà chúng con lại lải nhải trong lời cầu nguyện của chúng con, không nhìn thấy dấu chỉ Chúa hiện diện nào.

Này đây, chúng con đang được mời dự bữa ăn của Chúa, nhưng chúng con biết được gì về sự sống của Chúa trong mẩu bánh này và trong chén rượu này?

Chúng con biết được gì về ơn thánh Chúa dành cho chúng con ?

Xin sai Thần Khí Chúa xuống

- để chúng con nhìn thấy Chúa hiện diện tại tâm điểm bữa ăn này

- để chúng con nghe thấy lời Chúa vang vọng trong Tin Mừng

- để chúng con nhận ra mình và máu Chúa trong bánh và rượu này… (Mục sự Antoine Nouis, La Galette et le cruche, Nhà Xuất Bản Réveil, 1993).

Phụ Lục III: Danh sách các vị hợp soạn tác phẩm này trong các năm 1991-1997

Linh Mục Jean-Noel Aletti|Mục Sư Guy Lasserre

Mục Sư Francois Altermath|Linh Mục Pierre Lathuilière

Linh Mục René Beaupère|Linh Mục Marie Leblanc

Mục Sư André Benoit|Mục Sư Michel Leplay

Mục Sư Alain Blancy|Mục Sư Louis Lévrier

Mục Sư Daniel Bourguet|Linh Mục Robert Liotard

Mục Sư Marc Chambron|Linh Mục Guy Lourmande

Linh Mục Bruno Chenu|Mục Sư Alain Massini

Linh Mục Henri Denis|Mục Sư Alain Martin

Linh Mục Michel Fédou|Mục Sư Willy-René Nussbaume

Mục Sư Flemming Fleinert-Jensen|Mục Sư Jacques-Noel Pérès

Mục Sư Michel Freychet|Linh Mục René Remise

Mục Sư Daniel Fricker|Mục Sư Antoine Reymond

Linh Mục Paul Gay|Linh Mục Bernard Sesboué

Linh Mục Claude Gerest|Linh Mục Damien Sicard

Linh Mục Étienne Goutagny|Mục Sư Jean Tartier

Linh Mục Pierre Gressot|Mục Sư Danis Vatinel

Mục Sư Gottfried Hammann|Mục Sư Jean-Marc Viollet

Linh Mục Joseph Hoffmann|Linh Mục Pierre Vuichard

Linh Mục Maurice Jourjon|Mục Sư Gaston Westphal

Sonntag, Juni 24, 2012

ĐTC: Thánh Gioan Tẩy Giả cao trọng vì là ngôn sứ dọn đường cho Chúa Cứu Thế

Linh Tiến Khải    6/24/2012



Thánh Gioan Tẩy Giả cao trọng vì là ngôn sứ dọn đường cho Chúa Cứu Thế Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với hơn 40.000 tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 24-6-2012, lễ kính thánh Gioan Tẩy Giả.

Trong các đoàn hành hương có một ban nhạc và một nhóm dân ca vũ Bolivia mặc sắc phục rực rỡ nhiều mầu rất đẹp. Chúa Nhật hôm qua tại Italia cũng là Ngày Bác ái của Đức Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha đã cám ơn tín hữu nước này như sau:

Anh chị em thân mến, tại Italia hôm nay là Ngày Bác Aí của Giáo Hoàng. Tôi cám ơn tất cả các cộng đoàn giáo xứ, các gia đình và các tín hữu riệng biệt vì sự yểm trợ liên tục và quảng đại nhằm trợ giúp các anh chị em găp khó khăn. Nhân dịp này tôi cũng nhắc nhớ rằng ngày mốt, nếu đẹp lòng Chúa, tôi sẽ làm một cuộc viếng thăm ngắn trong các vùng bị động đất mới đây tại miền Bắc Italia. Tôi muốn rằng nó là một dấu chỉ tình liên đới của toàn thể Giáo Hội với các anh chị em nạn nhân, vì thế tôi mời gọi tất cả mọi người đồng hành với tôi trong lời cầu nguyện.

Trước đó, trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về lễ kính thánh Gioan Tiền Hô như sau:

Hôm nay 24 tháng 6 chúng ta cử hành lễ trọng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Trừ Đức Trinh Nữ Maria ra, Gioan Tẩy Giả là vị thánh duy nhất mà phụng vụ mừng ngày sinh và Giáo Hội mừng sinh nhật thánh nhân vì nó gắn liền với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Thật thế, từ trong lòng mẹ Gioan là tiền hô của Đức Giêsu: việc thụ thai ông cách lạ lùng đã được thiên thần báo cho Đức Maria biết như dấu chỉ ”không có gì là không thể được đối với Thiên Chúa” (Lc 1,37), sáu tháng trước khi xảy ra biến cố lạ lùng trao ban cho chúng ta sự cứu rỗi, sự kết hiệp của Thiên Chúa với con người bởi công trình của Chúa Thánh Thần. Bốn Phúc Âm nêu bật gương mặt của Gioan Tẩy Giả, là vị ngôn sứ kết thúc thời Cựu Ước và khai mào thời Tân ước, bằng cách cho chỉ cho thấy Đấng Cứu Thế nơi Đức Giêsu thành Nagiarét, Đấng Được Thánh Hiến của Chúa. Thật vậy, chính Đức Giêsu đẽ nói về Gioan như sau: ”Chính ông là người Thánh Kinh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến. Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11,10-11).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: cha của Gioan, ông Dakharia, chồng bà Elidabét, bà con của Đức Maria, đã là tư tế của phụng tự do thái. Ông đã không tin ngay lập tức vào lời loan báo chức làm cha đã không được chờ đợi nữa, vì thế ông bị câm cho tới ngày con trẻ được cắt bì, mà ông và vợ đặt tên cho như Thiên Chúa đã chỉ định, là Gioan, có nghĩa là ”Chúa thương xót”. Được linh hoạt bởi Chúa Thánh Thần, ông Dakharia đã nói về sứ mệnh của con minh: ”Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu của Đấng Tối Cao; con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết moi tội khiên” (Lc 1,76-77).

Đức Thánh cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Tất cả những điều này được tỏ lộ ba mươi năm sau đó, khi Gioan bắt đầu ban phép rửa trong sông Giọcđan, bằng cách kêu gọi người ta chuẩn bị, với cử chỉ sám hối, cho biến cố đến gần của Đấng Cứu Thế, mà Thiên Chúa đã mạc khải trong khi ông sống trong sa mạc Giuđêa. Vì thế ông được gọi là ”Tẩy Giả”, nghĩa là ”Người thanh tẩy” (x, Mt 3,1-6). Một ngày kia, khi từ Nagiarét, chính Đức Giêsu đến để được thanh tẩy; ban đầu Giaon từ chối, nhưng rồi ông đồng ý, và ông trông thấy Thánh Thần đậu xuống trên Đức Giêsu và nghe tiếng của Thiên Chúa Cha trên trời công bố Người là Con của Ngài (x. Mt 3,13-17). Nhưng sứ mệnh của ông Gioan đã chưa được thành toàn: ít lâu sau đó, ông được yêu cầu đi trước Đức Giêsu cả trong cái chết bạo lưc nữa; Gioan đã bị chém đầu trong ngục của vua Hếrôđê, và như hế ông đã làm chứng tá tràn đầy cho Chiên Con của Thiên Chúa, mà ông đã là người đầu tiên nhận biết và chỉ cho thấy một cách công khai.

Các bạn thân mếm, Đức Trinh Nữ Maria đã trợ giúp người bà con Elidabét cao niên kết thúc thời kỳ mang thai Gioan. Xin Mẹ giúp tất cả bước theo Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, mà ông Tẩy Giả đã loan báo với lòng khiêm tốn lớn lao và nhiệt huyết ngôn sứ.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan và Ý. Trong tiếng Pháp Đức Thánh Cha nói gương của thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi chúng ta hoán cải, làm chứng cho Chúa Kitô và loan báo Người trong lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện, là tiếng kêu trong sa mạc giống như thánh nhân cho đến chỗ hiến dâng mạng sống mình.

Chào các tín hữu Ba Lan Đức Thánh Cha nói ngài hiệp ý với tổng giáo phận Poznan, các cha dòng Oratoriani, và tín hữu hành hương Đền thánh Mẹ Thiên Chúa Gostyn, nhân dịp mừng kỷ niệm 500 năm thành lẠap đền thánh. Ngài cảm tạ Chúa vì các ơn Chúa đã rộng ban cho các thế hệ nhờ lời bầu cử của Mẹ và ngài xin sự chở che của Mẹ đồng hành với mọi người.

Trong tiếng Ý ngài chào các thành viên của Hiệp hội thiện nguyện Pro Loco Italia, chúc mừng 50 năm thành lập hội và cầu chúc mọi may lành cho công tác của hội phục vụ gia tài văn hóa của Italia.

Samstag, Juni 23, 2012

Một tầm nhìn đại kết về vai trò của Đức Maria trong kế hoạch Thiên Chúa và trong hiệp thông các thánh (15)
Vũ Văn An6/23/2012

 
II. Sự hồi tâm của Thệ Phản

1. Hồi tâm trong thái độ

Diễn trình hồi tâm của người Thệ Phản cần được diễn ra trên hai bình diện. Trước nhất, họ cần nhìn nhận rằng một người anh em hay một người chị em trong Chúa Giêsu Kitô vẫn có thể sùng kính Đức Maria mà không vì thế bẻ gẫy sự hiệp thông của đức tin. Thứ đến, vấn nạn không ở chỗ phải chăng một bên quá sùng kính, còn bên kia sùng kính không đủ (hàm ý một bất cân xứng), mà vấn đề là điều gì ở cả hai phía đang án ngữ giữa tín hữu và Chúa Giêsu Kitô. Người Thệ Phản cần tự hỏi liệu sự im lặng quá thường xuyên của họ đối với Đức Maria há không quá thiên kiến đối với mối liên hệ của họ với Chúa Giêsu Kitô đó hay sao (20).

Nếu ta nhìn vào hai truyền thống liên hệ và cùng nhau lục lọi Thánh Kinh để nhìn ra vị trí của Đức Maria trong lịch sử cứu rỗi, như ta đã làm ở phần đầu sách này, thì việc làm của ta sẽ đem lại các hậu quả cụ thể đối với ta. Đây không phải là vấn đề chỉ kìm hãm sự thổi phồng Đức Maria trong lòng sùng kính của Công Giáo và tái lập Đức Maria vào đúng vị trí của ngài trong lòng đạo của Thệ Phản (bớt chỗ kia một ít, thêm chỗ này một ít!). Phong trào đại kết cần nhiều hơn thế. Như cùng nhau có cái nhìn mới về các dị biệt vẫn tồn tại giữa chúng ta, nhất là thuộc lãnh vực tín điều hóa vị trí của Đức Maria trong công trình cứu rỗi.

Đó chính là hình thức hồi tâm mà người Thệ Phản cần phải có.

Khi bàn luận về Đức Maria, ta phải bước ra khỏi cái thế giới tranh cãi vô bổ và những biếm họa dễ dãi mà mỗi bên vốn sẵn sàng dành cho bên kia, để mong không dính dáng gì tới nhau. Để chống lại thái độ quá chú trọng tới Đức Maria trong lòng sùng kính Công Giáo, người Thệ Phản đã tự giam mình vào một im lặng đến độ không những không kính trọng đức tin của Công Giáo mà còn dẫn tới thái độ tự kiểm duyệt chính mình, không đếm xỉa gì tới chủ trương của các Nhà Cải Cách cũng như vị trí đích thực của Đức Maria trong lịch sử cứu rỗi.

Vì lý do đó, ta phải hoan hô chào đón một vài tiếng nói Thệ Phản, những tiếng nói không hẳn kém thế giá, từng kêu gọi ta “hướng tới một thái độ tích cực mà chúng ta, trong tư cách con cháu Phong Trào Thệ Phản, cần phải có đối với vị trí của Mẹ Chúa Cứu Thế trong các điều mà Kitô hữu chúng ta biết chắc chắn”. Tác giả này nói tiếp rằng: “một giáo huấn về Đức Maria không những là điều có thể có mà còn cần thiết nữa trong đức tin và nền thần học Thệ Phản. Không có giáo huấn này, việc phê phán Công Giáo Rôma sẽ bị bóp méo và chắc chắn vô hiệu. Dù sao, về phương diện này, ta chỉ cần hồi tưởng và khuyến cáo cuốn chú giải tinh tế của Luther về Kinh Magnificat” (21).

Như thế, bất chấp các lệch lạc có thể có trong lòng sùng kính Đức Maria, người Thệ Phản được thúc giục bước ra khỏi sự dè dặt thái quá hiện nay để tái lập vị trí chân thực của Đức Maria trong sự hiểu biết đức tin và trong lời cầu nguyện của giáo hội.

Việc tái đánh giá hay phục hồi Đức Maria và vị trí độc đáo mà ngài vốn chiếm giữ trong kế hoạch của Thiên Chúa này không phải là hoa trái của một “thỏa hiệp đại kết”, gom lại một chỗ các quan điểm hoàn toàn khác nhau, mà là một trở về với Đức Maria của Tin Mừng và là một dấu ấn của lòng trung thành lớn hơn đối với Thánh Kinh. Ngay Karl Barth, người vốn hết sức nghiêm khắc phê phán lòng sùng kính Đức Maria, cũng minh nhiên viết về ngài rằng: “Ở đây, có một người còn lớn hơn cả Ápraham, lớn hơn cả Đavít, và lớn hơn cả Gioan Tẩy Giả, lớn hơn cả Phaolô và lớn cả toàn bộ Giáo Hội Kitô Giáo; ở đây, ta đang xử lý với lịch sử Mẹ của Chúa, và là Mẹ của Thiên Chúa. Đây là một biến cố độc nhất và vô song” (22).

Sự tỉnh táo Thệ Phản này cũng nên dẫn ta tới chỗ đừng nói quá về tầm quan trọng của Đức Maria trong đời sống Giáo Hội Công Giáo. Vị trí của ngài trong lòng đạo của người Công Giáo rất khác nhau, và phụng vụ Chúa Nhật rất dè dặt về ngài. Các tín điều thánh mẫu và các tuyên bố khác về Đức Maria cần được đặt trong “phẩm trật các chân lý” và chúng không hề chiếm hàng đầu trong giáo huấn Công Giáo hiểu như một toàn bộ. Người Thệ Phản được khuyến khích có cái nhìn mới mẻ, một cái nhìn không cường điệu: khi nói về Giáo Hội Công Giáo, họ không nên lẫn lộn tâm điểm hay những điều cốt chính trong phát biểu đức tin với các điều ngoại vi.

2. Hồi tâm trong tín lý

Mọi sự đều được thâu tóm nơi Chúa Kitô, và không có một khoảng trống nào nữa cần được lấp đầy giữa Thiên Chúa và ta, giữa trời và đất, giữa hiện tại, quá khứ và tương lai. Hơn nữa, nhờ đức tin, ta được lồng vào chuỗi dài mọi tín hữu: các tông đồ, các tiên tri, các tử đạo, và các chứng tá mọi thời từng đi trước ta và nay tạo thành hiệp thông các thánh. Bất chấp vị trí đặc biệt làm mẹ Chúa Kitô, Đức Maria vẫn không thể bị tách biệt ra khỏi hiệp thông này, và điều đó phải là sự tôn kính trước nhất và chân thực nhất đối với ngài.

Vị trí thích đáng ta có thể phục hồi cho Đức Maria chỉ có thể có trong hiệp thông các thánh mà thôi. Các thánh là những người đi trước và là mẫu mực cho những ai, cùng với các ngài và theo sau các ngài, đứng trong hàng ngũ “đoàn tùy tùng” của Chúa Kitô chiến thắng (Eph 4:8; Cl 2:15). Bằng sự sống và chứng tá, Đức Maria và mọi vị khác chia sẻ cùng một hiệp thông các thánh như nhau trong Chúa Kitô.

A. “Sự cộng tác” hay đáp ứng tích cực của Đức Maria

Cẩn thận đọc Sách Thánh, ta sẽ được thúc đẩy một cách lành mạnh để hiểu rõ vai trò và vị trí của Đức Maria. Dù ơn thánh luôn luôn ở hàng đầu, nhưng lúc nào nó cũng đòi phải có một đáp ứng, một đáp ứng tình yêu bằng tình yêu. Từ cái nhìn này, Đức Maria đã được ban cho ta làm mẫu gương dứt khoát và toàn hảo của lời đáp xin vâng mà đức tin Kitô Giáo cần phải thốt ra. Trong viễn tượng này, Đức Maria có thể được coi như mẫu mực của tín hữu, những người nên công chính nhờ đức tin, chứ không nhờ việc làm. Trong tư cách ấy, Đức Maria, “đấng đầy ơn phúc”, nữ tì hèn mọn của Chúa, được Chúa đoái nhìn một cách trìu mến và do đó, có phúc hơn mọi phụ nữ, đấng được tuyên xưng là có phúc vì đã tin; Đức Maria này quả là “mẫu mực cho Giáo Hội” (23), cho dân Chúa đang sống trên trần gian và đang tiến về nước trời; ngài quả là chị ta:

“Maria, người em gái ta, “cô gái nhỏ”, và chính vì thế là chị của mọi con người nhân bản chúng ta.
“Maria, khuôn mặt đơn sơ, thường hay bị bóp méo và bôi lọ, hiển nhiên do cùng một hành động.
“Maria, “đấng có phúc lạ” với cái nhìn thấu suốt tâm hồn thiên thần và giọng nói đã cất cao bài Magnificat cho ta.
“Maria Thành Nadarét, đầy ơn phúc và hồng ân, mà đức tin vốn là công trình kỳ diệu.
Một câu truyện, một tập chú vào lịch sử riêng mình, đủ nói với ta về Thiên Chúa của tầng trời trở thành xác phàm nơi ngài.
“Maria, đấng, hơn bất cứ người nào khác, có khả năng hơn hết nói với ta về lịch sử ấy.
“Maria, còn hơn là mẹ ta; mãi mãi, ‘Maria là chị ta’” (24).

Khi đã loại bỏ mọi hàm hồ lưỡng nghĩa liên quan tới việc ơn cứu rỗi có hiệu lực là nhờ một mình ơn thánh của Chúa Kitô mà thôi, người Thệ phản sẽ tìm ra ý nghĩa của sự “cộng tác” nói ở đây. Theo chân các Nhà Cải Cách, họ sẽ tìm thấy nơi Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, một con người chỉ nhờ đáp ứng tích cực của mình mà “cộng tác” vào ơn cứu rỗi và nhờ đó cho ta thấy một cách điển hình mọi Kitô hữu đều được thánh hóa ra sao. Vì, nhờ là “mẫu mực của Giáo Hội” và ở giữa hiệp thông các thánh, Đức Maria đã trở thành “mẹ ta và ta trở thành con cái ngài. Chính do lòng tốt và ơn an ủi tràn trề, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một của châu báu như thế, bằng cách biến Đức Maria thành mẹ thật của họ, Chúa Kitô là anh của họ, và Thiên Chúa là Cha của họ” (25). Như thế, ta có thể hiểu “sự cộng tác” ấy là việc “mô phỏng Đức Maria” mà Calvin vốn mời gọi mọi Kitô hữu thể hiện (26).

a. Hai tín điều mới đây của Công Giáo

A. Piepkorn, một nhà thần học của Giáo Hội Luthêrô, từng viết như sau: “Liên quan tới sự chín chắn của một số cái nhìn thấu suốt về giáo hội học của Công Giáo Rôma lần đầu tiên được mô tả một cách xúc tích trong Lumen Gentium Unitatis Redintegratio: sẽ đến ngày người ta phải chấp nhận và nhìn nhận rằng trước 1854 và trước 1950, toàn thể Giáo Hội không được tham khảo, toàn thể Giáo Hội không nhất trí với các định nghĩa này hay đồng thuận với chúng, và bất chấp mức độ giá trị giáo luật (canonical) của chúng đối với những ai chấp nhận thẩm quyền của giám mục Rôma, chúng vẫn được để ngỏ cho Giáo Hội như một toàn bộ chất vấn” (27).

Vào thời kỳ ấy, quan điểm như trên vẫn còn bị tác giả của nó coi như không phải là giải pháp được người Công Giáo Rôma chấp nhận. Ba mươi năm đối thoại đại kết đã chứng minh rằng sự thông cảm nỗi khó khăn này càng ngày càng gia tăng như đã thấy ở phần nói tới sự hồi tâm về phía Công Giáo (28). Tình thế mới này mang theo lời kêu gọi phía người Thệ Phản và giúp nhóm Dombes đi đến chủ trương sau.

“Dù các nhà Thệ Phản của Nhóm Dombes không thể chấp nhận được việc Vô Nhiễm Thai cũng như Mông Triệu thuộc đức tin của giáo hội, đặc biệt vì các tín điều này không được Sách Thánh chứng thực, tuy nhiên họ khá nhậy cảm đối với giá trị tượng trưng của chúng và sẵn sàng để anh em Công Giáo coi chúng như các tín điều. Nếu xét tới những gì chúng tôi đã nói về sự cộng tác và công chính hóa nhờ đức tin mà thôi (29), chúng tôi có thể nói rằng việc giải thích các tín điều này không còn chứa bất cứ điều gì ngược lại với việc công bố Tin Mừng. Trong chiều hướng này, các tín điều ấy không tạo nên một sự dị biệt đến độ gây chia rẽ. Về phần mình, người Thệ Phản của Nhóm tin rằng rất có thể xem sét việc trở về hiệp thông trọn vẹn trong đó, mỗi bên được tự do trong việc tôn trọng các quan điểm của phe kia”.

b. Sự trọn đời đồng trinh của Đức Maria

Về tước hiệu “đồng trinh mãi mãi” của Đức Maria, người Thệ Phản tôn trọng điều này như là một công bố thuộc đức tin chung trước khi có sự phân rẽ và nay là thành phần đức tin của đa số anh chị em Kitô hữu của họ. Bất kể các khó khăn có như thế nào của tước hiệu này, họ cũng vẫn tôn kính Đức Maria như trinh nữ tuyệt hảo, một tước hiệu mãi mãi là của ngài chỉ vì ngài đã thụ thai Chúa Giêsu một cách đồng trinh.

2. Đức Maria trong kinh nguyện và ca ngợi của Kitô Giáo

Lòng tôn kính Đức Maria, một lòng tôn kính vốn có chỗ đứng trong truyền thống Thệ Phản, sẽ không bao giờ biến thành sự thờ phượng: vì “chỉ một mình Thiên Chúa được tôn vinh mà thôi!”.

Hiển nhiên, trong sự tôn kính Đức Maria, người ta thấy nhiều mức độ khác nhau. Với viễn tượng ấy, người Thệ Phản hẳn sẵn sàng hiểu rằng các truyền thống Kitô Giáo khác có thể tiến xa hơn họ trong cách nói lên lòng tôn kính này, tuy họ không chấp nhận sự khác nhau về chủng loại giữa việc tôn kính Đức Maria và tôn kính các thánh hay các chứng tá vĩ đại của đức tin. Nhưng thử hỏi: ở phía Thệ Phản, đặc tính của việc “tôn kính dành cho Trinh Nữ thánh thiện và đầy ơn phúc Maria” là thế nào? (30).

Vượt lên trên sự im lặng của họ, các tranh cãi thần học của họ, và sự thận trọng dè dặt của họ trước các lệch lạc mà họ cho là thờ ngẫu thần Maria, người Thệ Phản vẫn cần phải đặt Đức Maria trở lại vị trí chân chính của ngài trong mầu nhiệm cứu rỗi và trong hiệp thông các thánh, cả về tín lý lẫn phụng vụ. Làm như thế, họ sẽ đóng góp lớn lao vào ước nguyện hiệp thông của các giáo hội và sẽ đặt mình tốt hơn vào hàng ngũ các truyền thống lớn của toàn thể giáo hội.

Điều trên hàm nghĩa rằng các Giáo Hội Thệ Phản sẽ dành một chỗ thích đáng trong việc thờ phượng Chúa Nhật và Kinh Nguyện Thánh Thể cho các chứng tá nói trên, nhất là trong các mùa chính của năm phụng vụ, như Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, Mùa Thương Khó và Mùa Hiện Xuống, và sẽ phục hồi ý nghĩa cho lễ Các Thánh.

Nhờ cố gắng đọc lại Sách Thánh như thế và nhờ cái hiểu đổi mới này, các Giáo Hội Thệ Phản sẽ phục hưng việc tiếp xúc với chính các truyền thống của họ, và, giống một số nhà Cải Cách, biết khám phá ra niềm vui vốn được liên kết với các ngày Lễ Đức Mẹ, như Lễ Truyền Tin, Lễ Thăm Viếng, và Lễ Dâng Con Vào Đền Thờ. Tất cả các lễ này đều được nối kết với mầu nhiệm Chúa Kitô.

Sau cùng, việc chú ý tới các thái quá có thể có trong lòng sùng kính Đức Maria buộc người Thệ Phản chất vấn chính cách thức cầu nguyện của họ, các giới hạn và thiếu sót của nó. Liệu những hạn chế đôi khi quá đáng trong nền phụng vụ của họ có chừa chỗ nào cho một lòng đạo đức không rơi vào cảm tính hay hứng khởi vô độ không? Chú ý tới sự thật trong lối cầu nguyện của ta là một thao tác hồi tâm mà ai trong chúng ta cũng cần phải thực hiện.

“Điều gì cản trở” (xem Lc 18:16; Cv 8:36) không cho người Thệ Phản:

- hân hoan dùng đức tin ca hát vị trí mà Kinh Tin Kính vốn dành cho Đức Maria?
- nhấn mạnh tới định mệnh đặc biệt của người con gái đất Israel, từng trở thành mẹ Chúa Kitô và là chi thể của giáo hội?
- làm chứng cho việc hồi tâm của Đức Maria, đấng từng thêm vào tư cách làm mẹ của mình, tư cách khiêm nhường hơn làm hiền tỉ và nữ tì?
- nhất trí rằng kinh Magnificat ca ngợi một cách điển hình chính đức tin và đức cậy của họ?
- có khả năng ca ngợi Thiên Chúa vì những gì Người cho phép Đức Maria trở thành và thực hiện, và không khinh mạng những ai vì tình yêu đối với Chúa Giêsu đã đem danh mẹ của Người vào việc tạ ơn của họ, bằng cách sử dụng chính lời lẽ của thiên thần lúc Truyền Tin và lời chúc phúc của người chị em họ Êlisabét, và ngay cả lời của ông già Simêong lúc Dâng Con Vào Đền Thờ?
- nhìn nhận rằng lời tán tụng của Tin Mừng trên luôn luôn là lời tuyên xưng mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc; không gì gán cho “mẹ” Maria mà lại không thuộc Con Trai của ngài; và trong hiệp thông các thánh, không nên từ chối điều gì với Đức Maria?
- nhớ rằng Đức Maria là khởi đầu và là kết thúc thừa tác vụ trên gian của Chúa Giêsu, một chứng tá cho việc bắt đầu thừa tác vụ này tại Cana và lúc hoàn tất nó trên thánh giá?

Kết luận và tóm lược

Ở cuối hành trình của ta, liệu ta có cần phải tiếp tục nói tới “sự bất đồng” giữa người Thệ Phản và người Công Giáo về chủ đề Maria hay không? Thiển nghĩ cần trả lời câu hỏi này một cách dè dặt.

Nhiều điểm bất đồng vẫn còn đó, và vì ta đã nghiên cứu chúng một cách tường tận đến nỗi không thể không nhớ đến chúng khi viết mấy giòng kết luận này. Nhưng quan tâm của ta đúng ra là cố gắng cởi bỏ khỏi chúng các hiểu lầm khác nhau vẫn còn đang đè nặng lên chúng tận cho đến nay và giảm nhẹ ảnh hưởng của chúng bằng cách luôn cố gắng làm cho việc tương hợp giữa các quan điểm được rõ ràng hết sức. Chúng ta đã tìm hiểu tường tận liệu và đến mức độ nào các bất đồng kia nghiêm trọng đến có thể đụng tới “nền tảng” của đức tin ta.

Nhờ đó, Nhóm Dombes đã đưa ra kết luận sau đây:

“Là thành viên của Nhóm Dombes, và dưới ánh sáng các đề nghị hồi tâm trình bày ở cuối hành trình của mình, chúng tôi không còn coi các dị biệt mô tả trên có tính phân rẽ chúng tôi nữa. Ở cuối cuộc nghiên cứu lịch sử, Thánh Kinh và tín lý của mình, chúng tôi không còn thấy sự bất tương hợp nào có tính bất giản lược nữa, bất kể một vài phân rẽ thực sự về thần học và thực tiễn.

“Chúng tôi đồng thanh chấp nhận những gì kinh tin kính truyền lại cho chúng tôi. Kinh này dạy chúng tôi rằng Chúa Giêsu ‘được tượng thai bởi Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria’. Chúng tôi cũng chấp nhận chứng cớ của Thánh Kinh. Chúng tôi vốn coi Đức Maria giữ vị trí tâm điểm trong việc khai triển sự sống của Chúa Kitô trong nhiệm thể của Người là Giáo Hội. Quan điểm này chính đáng vì dựa vào điều khoản đức tin vốn là thành phần trong Kinh Tin Kính Các Tông Đồ qua các hạn từ ‘hiệp thông các thánh’”.

Nếu thế thì đâu là nỗi khó khăn vẫn còn đang tiếp diễn? Đối với người Thệ Phản, nỗi khó khăn đó hiển nhiên nằm ở một số chủ đề được người Công Giáo sử dụng để nói về Đức Maria. Nhưng hơn thế nữa, nó còn nằm ở việc nại tới thánh truyền, tới việc khai triển học lý, và tới vai trò của huấn quyền, ở đây cũng như ở các phạm vi khác.

Đối với người Công Giáo, nỗi khó khăn ấy rõ ràng nằm ở lối đọc chứng tá Thánh Kinh có tính hết sức giới hạn của người Thệ Phản, và có lẽ nghiêm trọng nhất, chính là sự đối kháng của họ đối với cảm tình tính, một đối kháng được duy trì trong nhiều thế kỷ qua những tranh cãi khôn nguôi về Trinh Nữ Maria.

Tuy thế, toàn bộ công trình nghiên cứu này cho thấy không có điều gì về Đức Maria khiến ta biến ngài thành biểu tượng của những điều chia rẽ chúng ta.

Vậy thì mọi sự đều đã đâu vào đó cả hay sao? Chắc chắn không! Nhưng thiển nghĩ ta nên chấp nhận một tiêu chuẩn chung như sau: Đức Maria không bao giờ tách biệt khỏi Người Con của ngài và “nữ tì của Chúa”, người mà “Đấng Toàn Năng đã làm cho nhiều điều trọng đại”, luôn tôn vinh Con của mình là Cứu Chúa của mình và của tất cả chúng ta. Ta chiêm ngưỡng Chúa Kitô trong chính mầu nhiệm thập giá. Theo Thánh Gioan, mọi sự đã “hoàn tất” sau khi Chúa Giêsu ủy thác mẹ và môn đệ của Người cho nhau. Vì Đức Maria hiện diện như thế trong kế hoạch Thiên Chúa và ở ngay khởi đầu hiệp thông các thánh, thiển nghĩ cả hai bên, Thệ Phản lẫn Công Giáo, cùng với muôn triệu chứng tá trong lịch sử cứu rỗi, đều được mời gọi liên tục quay về với Chúa Giêsu Kitô, Đấng “được tượng thai bởi Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria”.

Ghi chú
(20) Xem chương 1, phần nói về Đức Maria trong các giáo hội thoát thai từ Cải Cách trong thế kỷ 19.
(21) P. Maury, “La Vierge Marie dans le catholicisme contemporain”, Bulletin Fac. Théol. Prot. (Paris: 1946) 6.
(22) K. Barth, “Quatre études bibliques”, Foi et Vie, số 85-86 (1936) 487.
(23) S. De Diétrich, “Rôle de Vierge Marie” Cahiers d’Orgemont, số 58 (1966) 27.
(24) A. và F. Dumas, Marie de Nazareth (Geneva: Labor et Fides, 1989) 98-99.
(25) Luther, Bài Giảng Năm 1522; xem Kirchenpostille (WA 10/1/1).
(26) Tuy Calvin từ khước việc gọi Đức Maria là “người giữ kho ơn thánh” theo nghĩa của truyền thống Trung Cổ, nhưng ông đã tái giải thích ý nghĩa của tước hiệu này theo quan điểm Cải Cách: “Theo một nghĩa khác, Trinh Nữ quả là người giữ kho ơn thánh. Vì ngài gìn giữ học lý có sức mở cửa nước trời cho ta ngày nay và dẫn ta tới Chúa Giêsu, Chúa chúng ta; ngài gìn giữ học lý ấy như một kho tàng, và rồi nhờ ngài, ta lãnh nhận được học lý ấy và ngày nay, ta được bồi đắp nhờ học lý này. Như vậy, bạn hãy chiêm ngắm vinh dự Chúa ban cho ngài; hãy xem xem ta nên nghĩ ra sao về ngài: không ngưng lại nơi ngài cũng như không biến ngài thành ngẫu tượng, nhưng để, nhờ ngài, ta được dẫn tới Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì đó chính là nơi ngài sẽ sai ta đến” (Bài Giảng thứ 25 về Sự Hoà Hợp của Tin Mừng, trích dẫn trong La Revue réformée, số 31 [1957/4] 37).
(27) A. Piepkorn, “Mary’s Place Within the People of God” Marian Studies 18 (1967) 82.
(28) Xem Chương 4, phần nói về Sự Hồi Tâm Tín Lý của Công Giáo (nhận định của Nhóm Dombes).
(29) Xem Chương 3, phần nói về Sự Cộng Tác của Đức Maria (hướng tới một hoà giải)
(30) Xem Ch.Drelincourts, The Honor Due to the Holy and Blessed Virgin Mary.

Freitag, Juni 22, 2012

Một tầm nhìn đại kết về vai trò của Đức Maria trong kế hoạch Thiên Chúa và trong hiệp thông các thánh (14)

Vũ Văn An  6/21/2012

Chương bốn: Hướng tới việc hồi tâm của các giáo hội

Việc cùng nhau duyệt lại lịch sử của chúng ta cho thấy: sự chia rẽ giữa chúng ta đã xuất hiện vào lúc Đức Maria bị cô lập đối với cả Chúa Kitô lẫn hiệp thông các thánh, và lúc lòng sùng kính ngài mặc lấy những hình thức thái quá. Về phía Công Giáo lúc ấy, “thánh mẫu học” bị tách rời một cách bất chính đáng khỏi Kitô học và giáo hội học. Chính vì thế, quyết định của Công Đồng Vatican II trong việc biến bản văn về Đức Maria thành một phần của Hiến Chế về Giáo Hội là một hành động có tầm quan trọng cao đối với sự hoà giải đại kết. Nền giáo hội học này giúp đưa Đức Maria trở thành thành phần của Dân Chúa một lần nữa. Phía Thệ Phản cho rằng việc tuyên xưng Chúa Kitô đòi phải nói một điều gì đó về Đức Maria, và phải nói điều này nhân danh chính sự nhập thể.

Các đề nghị được Nhóm Dombes đưa ra ở đây cho các giáo hội liên hệ nhằm đem họ lại gần nhau hơn qua việc cùng đặt Đức Maria vào đúng vị trí vốn thuộc về ngài trong đức tin Kitô Giáo, dĩ nhiên đây là vị trí trọn vẹn của ngài và là vị trí thích đáng.

I. Sự hồi tâm của Công Giáo

1. Hồi tâm trong thái độ

Người Công Giáo không thể không ý thức được sự phê phán hết sức nghiêm nghị, từng được các thần học gia Thệ Phản trong phong trào đại kết nêu ra về vị trí của Đức Maria trong Giáo Hội. Một thần học gia Thệ Phản, J. Moltmann, từng viết rằng: “Sự cách biệt giữa giáo huấn của giáo hội và Tân Ước không ở đâu lớn bằng trong thánh mẫu học” (1). Và trong một bài về Đức Maria trong bộ Bách Khoa về Phong Trào Thệ Phản (Encyclopédie du protestantisme) gần đây, A. Birmelé đã viết như sau: “Các tín điều của Rôma khiến người ta nêu lên vấn đề chỉ nên tham chiếu một mình Thánh Kinh, một mình Chúa Kitô, và một mình ơn thánh mà thôi. Sở dĩ người ta phải nhắc lại xác tín ấy, là do việc phát triển của lòng sùng kính bình dân và của việc trăm hoa đua nở các cuộc hành hương thánh mẫu” (2). Nói chung, tâm trí Thệ Phản vẫn tiếp tục xa lạ với lòng sùng kính của người Công Giáo dành cho Đức Maria. Cho dù không thể đòi hỏi việc mọi mẫn cảm linh đạo phải có cùng một biểu thức như nhau, nhưng quan điểm của người Thệ Phản buộc người Công Giáo phải biện minh và nghiên cứu sâu sắc hơn các thực hành của họ.

Sự thực lịch sử là con người Đức Maria đóng một vai trò chủ yếu trong tôn giáo đại chúng do việc phúc âm hóa của Kitô Giáo mang lại. Vai trò này có ba chiều kích:

- Sự gần gũi: ngài là người mẹ hết lòng chăm sóc mọi đứa con của mình;
- Bảo vệ bản sắc văn hóa: ngài được mừng kính như là người chiếm hữu các đặc điểm của mỗi dân tộc;
- Che chở và chữa lành: ngài được coi là người giải thoát con người khỏi mọi áp bức và bệnh tật.

Sự biện phân của thần học và mục vụ cần phải thận trọng, đừng coi thường đức tin của người khiêm hạ, cho dù việc phúc âm hóa đức tin ấy luôn nhằm loại bỏ khuôn mạo mẫu thần khỏi lòng sùng kính Đức Maria và giúp các tín hữu đừng nghĩ rằng liên hệ xúc cảm đối với Đức Maria chứa đựng trọn bộ Kitô Giáo và trọn bộ giáo hội. Cũng thế, phải thật thận trọng khi nại tới cảm thức đức tin tín hữu (sensus fidelium), vì điều được coi như thế rất có thể chỉ phát sinh từ cảm xúc tôn giáo hơn là từ đức tin Kitô Giáo.

Về chủ đề “Đức Maria và hiệp thông các thánh”, ta phải chú ý tới “truyền thống đại kết” đang trong diễn trình hình thành. Tại các đại hội do Hàn Lâm Viện Quốc Tế Giáo Hoàng về Thánh Mẫu tổ chức từ sau Công Đồng, chiều kích đại kết luôn luôn hiện hữu (3). Một điểm nữa cần được nhấn mạnh là: tuy hiếm, nhưng vẫn có những cuộc đối thoại về Đức Maria giữa người Công Giáo và người Luthêrô tại Hoa Kỳ (4). Ta cũng ghi nhận nhiều cuộc đối thoại song phương, như cuộc đối thoại giữa người Công Giáo và người Chính Thống Giáo...

Các nhà thần học Công Giáo dĩ nhiên có trách nhiệm lớn đối với cung cách giải thích vai trò của Đức Maria trong đức tin Công Giáo. Điều hết sức ước ao là họ bỏ đi bất cứ thứ thánh mẫu học nào được hiểu như một khoa biệt lập trong thần học và thay vào đó, nên hoàn toàn tập chú vào con người của Đức Maria và quay trở lại với nền “thần học chân chính về Đức Maria”, một nền thần học được sáp nhập vào “mầu nhiệm Chúa Kitô và giáo hội”. Sau Công Đồng Vatican II, dù đa số các nhà thần học đã chịu tiếp nhận phương thức thứ hai vừa nói, nhưng nhiều sách vở vẫn được ấn hành với nội dung khó chấp nhận được về phương diện khách quan. Xin đơn cử một thí dụ: mặc dù được phép nghiên cứu thêm mối liên kết giữa Đức Maria và Chúa Thánh Thần, nhưng ta không thể thiết lập một mối tương quan giữa ngài và Chúa Thánh Thần và so sánh nó với sự kết hợp giữa nhân tính và thiên tính nơi Chúa Giêsu (5). Để chứng tỏ cùng một sự thay đổi về phương thức như thế, nhiều tập san thánh mẫu hiện nay cũng nên cố gắng tự thanh tẩy mình trong việc trình bày giáo huấn của họ về Đức Maria và lòng sùng kính ngài.

2. Cuộc hồi tâm về tín lý: “Cộng tác” hay sự đáp ứng tích cực của Đức Maria

Nhận định đầu tiên của Nhóm Dombes về vấn đề này là: “Đối với chúng tôi, xem ra sự minh xác tín lý do hai phía cùng đưa ra về chủ đề “sự công tác” của Đức Maria đã đưa lại một kết quả thoả đáng trong việc nói lên đức tin chung, dù sự minh xác ấy không giải quyết trọn vẹn vấn đề trong các áp dụng khác nhau của nó”.

a. Hai tín điều mới đây của Công Giáo

Trong lãnh vực tín lý, việc công bố tín điều Vô Nhiễm Thai và tín điều Mông Triệu là vấn đề chỉ liên quan đến Giáo Hội Công Giáo, là định chế đã đưa ra hai tín điều ấy. Vì giáo hội này tự coi mình bị trói buộc bởi chính lời tuyên bố của mình về nguyên tắc “phẩm trật các chân lý”, nên người ta phải nhìn nhận rằng hai tín điều này không thể trở thành bắt buộc đối với các Kitô hữu khác, vì chúng vốn không phải là thành phần của tuyên xưng đức tin chung vào lúc phân rẽ (6).

Nói cho ngay, việc khẳng định nguyên tắc “phẩm trật các chân lý” tại Công Đồng Vatican II đã làm người ta không thể duy trì một số chủ trương trước đó một cách cứng đơ được (7). Dĩ nhiên, đức tin luôn là một bao lâu nó đáp ứng lại thẩm quyền của Thiên Chúa như Người đã tự mặc khải. Nhưng, có những chủ trương chủ yếu đến nỗi được gắn liền với chính tuyên tín, dù khi chuyển giao, chúng chịu nhiều ảnh hưởng của lịch sử và con người. Các chủ trương khác phải phụ thuộc các chủ trương này. Các phát biểu đức tin tạo nên một toàn bộ phức tạp trong đó quả có một phẩm trật và người ta có thể nhận ra trong đó nhiều khai triển thực sự.

Giáo Hội Công Giáo ngày nay không thể coi người Chính Thống và người Thệ Phản như những người Công Giáo chống lại việc công bố các tín điều này, nên cần phải đưa ra những lời cảnh cáo nghiêm khắc (8). Trái lại, đối với các anh chị em Kitô hữu này, giáo hội ấy nên vun xới cùng một thái độ khôn ngoan và bác ái mà suốt trong 19 thế kỷ qua họ vốn biểu lộ đối với các cuộc tranh biện thần học về chủ đề này. Điều vốn không phải là vấn đề đức tin mà chỉ là ý kiến thần học trong giáo hội suốt 19 thế kỷ qua không thể bị coi là nguyên nhân gây chia rẽ trong thế kỷ 20. Ta đừng quên rằng các bậc thầy vĩ đại về linh đạo như Thánh Bernađô và Thánh Tôma Aquinô vẫn giữ trọn được thế giá của các vị trong Giáo Hội Công Giáo và luôn được coi là các chứng tá của đức tin trọn vẹn ngay cả sau định nghĩa năm 1854, dù các vị lên tiếng chống đối Vô Nhiễm Thai. Và ta đừng quên rằng năm 1661, trong đoản sắc Sollicitudo, Đức Giáo Hoàng Alexăng VIII cấm các phe phái ủng hộ và chống đối Vô Nhiễm Thai không được tấn công và tuyệt thông lẫn nhau. Há thái độ đó không nên là thái độ của người Công Giáo ngày nay đối với người Chính Thống và Thệ Phản hay sao? Nếu sự hiệp thông trọn vẹn được tái lập giữa các giáo hội, thì ta cần một cuộc đối thoại mới về chủ đề này.

Theo Nhóm Dombes, điều khôn ngoan nhất là nhất trí với nhau rằng: “Giáo Hội Công Giáo sẽ không đòi phải chấp nhận hai tín điều này làm điều kiện cho việc hiệp thông trọn vẹn giữa các giáo hội. Giáo hội này chỉ nên yêu cầu các đối tác mình muốn tái lập sự hiệp thông tôn trọng nội dung của các tín điều này và đừng phê phán chúng là trái với Tin Mừng hay trái với đức tin, trái lại phải coi chúng như các kết luận tự do và chính đáng phát sinh từ suy tư có ý thức của Công Giáo về đức tin và sự gắn bó nội tại của đức tin này”.

Một điển hình gần đây về các tuyên tín Kitô học, được Đức Giáo Hoàng và các thượng phụ của các giáo hội cổ xưa vốn từ lâu được gọi dưới tên “không phải là Canxêđoan” ký nhận, cho thấy: các phát biểu có thẩm quyền nhất do các công đồng đề xướng có thể phát sinh ra sự nhất trí chân thực về đức tin miễn là người ta chịu đi quá bên kia ngôn ngữ lỗi thời vốn là chủ đề của nhiều tranh cãi vô bổ (9). Một lần nữa, vì mục tiêu phục hồi sự hợp nhất, ta nên có khả năng thực hiện được cùng một việc ấy với các quyết định của đức giáo hoàng về Vô Nhiễm Thai và Mông Triệu.

Để chuẩn bị cho một hòa giải như thế, há Giáo Hội Công Giáo lại không nên chú ý tới các dè dặt của các giáo hội và các tín phái Kitô Giáo khác và cố gắng đưa ra một nền giáo lý biết chú trọng hơn tới các chứng tá của Thánh Kinh hay sao? Phải sử dụng nền giáo lý này như một huấn giáo về đức tin đối với lòng sùng kính bình dân (10).

b. Sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria

Liệu ta có thể nại cùng một nguyên tắc “phẩm trật các chân lý” cho sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria không? Có thể lắm, chỉ cần ta xem sét sự đồng trinh này trong tương quan của nó với “nền tảng đức tin Kitô Giáo” và với một sự chứng thực rõ ràng và chắc chắn nơi Thánh Kinh. Đức tin của các anh chị em Thệ Phản vào thần tính của Chúa Giêsu Kitô “Đấng được tượng thai bởi Chúa Thánh Thần và được Đức Nữ Trinh Maria sinh ra” luôn là điểm cốt chính. Tuy thế, ở đây ta đang sử lý với niềm xác tín của giáo hội sơ khai, một xác tín vốn được phát biểu trong mọi nền phụng vụ của giáo hội này; tất cả các nền phụng vụ ấy đều dành cho Đức Maria tước hiệu “đồng trinh mãi mãi”, một tước hiệu được nhất tề chấp nhận bởi mọi giáo hội địa phương trước khi có cuộc ly khai trong thế kỷ 16, và chính các nhà Cải Cách nguyên thủy cũng chấp nhận (11). Truyền thống này, vì thế, ngăn ta không được đơn giản áp dụng cùng các nguyên tắc như đã được dùng để giải quyết hai tín điều Công Giáo mới đây.

Thành thử câu hỏi nêu ra là: nên hay không nên để sự kiện nhiều người Thệ Phản không chấp nhận sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria tiếp tục là trở ngại để ta không trở thành chi thể của cùng một giáo hội rửa tội và thánh thể hay không. Dù Nhóm Dombes rất muốn nói không, nhưng họ cho rằng cần phải có một cuộc đối thoại liên phái sâu sắc và toàn diện hơn về chủ đề này.

3. Cuộc hồi tâm về lòng sùng kính thánh mẫu

Trong phạm vi này, người Công Giáo khó hồi tâm là do sự kiện này: giáo huấn chính thức đáng lý ra nên tránh các thái quá của lòng sùng kính thánh mẫu, nhưng thực tế, họ đã không làm như thế. Công Đồng Vatican II trình bày lòng sùng kính này như là hoa trái của đức tin, chứ không ngược lại: “Các tín hữu hãy nhớ rằng… lòng sùng kính đích thực không hệ ở cảm tình vô bổ và mau qua, cũng không hệ ở một tâm tính dễ tin phù phiếm, mà phát xuất từ đức tin chân thực, qua đó, ta được hướng dẫn tới chỗ biết nhìn nhận sự trổi vượt của Mẹ Thiên Chúa, và được đánh động hướng tới một tình yêu con thảo với mẹ chúng ta và bắt chước các nhân đức của ngài” (Lumen Gentium 67).

a. Các hướng dẫn cần được tiếp nhận

Ít năm sau Công Đồng, trong một tông huấn, Đức Phaolô VI quyết định suy tư sâu xa hơn về vị trí của Đức Maria trong lòng sùng kính công cộng của giáo hội và trong lòng sùng kính tư riêng của các tín hữu (12). Trong bối cảnh vạch ra một đường hướng hồi tâm cho người Công Giáo này, ngài thúc giục họ hãy biện phân hơn nữa trong việc thực hành lòng sùng kính thánh mẫu.

Yếu tố Kitô học trong lòng sùng kính thánh mẫu phải giữ vị trí trước nhất: “Chỉ có … một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, là Chúa Giêsu Kitô, Đấng làm người” (1Tm 2:5). “Nơi Trinh Nữ Maria, mọi sự đều liên quan với Chúa Giêsu và tùy thuộc Người” (số 24). Mối tương quan của Đức Maria với ngôi vị và công việc của Chúa Thánh Thần làm nổi bật chiều kích giáo hội cần phải có trong lòng sùng kính Đức Maria, vì Đức Trinh Nữ là người đầu tiên được cứu chuộc, là Kitô hữu trước nhất. Mối liên kết của Đức Maria với Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần, và vị trí của ngài trong Giáo Hội, do đó, được đặt ngay bên trong nhiệm cục cứu chuộc.

Sau đây là 4 chiều kích cần phải có, theo Đức Phaolô VI, đối với lòng sùng kính Đức Maria:

- Chiều kích Thánh Kinh: Lòng sùng kính Đức Maria phải tập chú vào các chủ đề căn bản của sứ điệp Kitô Giáo;
- Chiều kích phụng vụ: Các thực hành sùng kính phải hoà hợp với phụng vụ trong khi không được lẫn lộn với nó;
- Chiều kích đại kết: Lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa phải có “khía cạnh đại kết… được tỏ rõ trong việc người Công Giáo mong muốn rằng tuy không hề sao lãng đặc tính chuyên biệt của lòng sùng kính này, nhưng cần phải thận trọng hết sức để tránh bất cứ thái quá nào khiến các anh em Kitô hữu khác hiểu sai về tín lý đích thực của Giáo Hội Công Giáo. Cũng thế, Giáo Hội mong ước rằng bất cứ sự biểu lộ lòng sùng kính nào đi ngược lại thực hành đúng đắn của Công Giáo cũng cần được loại bỏ” (Số 32);
- Chiều kích nhân học: Đức Maria là mẫu mực không chỉ trong cách sống mà ngày nay đã lỗi thời của ngài, nhưng còn trong đức tin can trường của ngài và trong đức mến hết sức tích cực của ngài: “Đức Maria thành Nadarét, tuy hoàn toàn tuân phục thánh ý Thiên Chúa, nhưng không hề là một người đàn bà tùng phục một cách nhát đảm hay có lòng đạo đức khiến người khác khó chịu; ngược lại, ngài là người đàn bà không do dự tuyên xưng rằng Thiên Chúa xác minh cho người khiêm nhường và bị áp bức, và loại bỏ người quyền thế khỏi các địa vị ưu tuyển của họ (xem Lc 1:51-53)” (số 37).

b. Lời cầu nguyện

Việc đọc kinh Truyền Tin và mân côi nên tuân theo các qui định sau đây:

Kinh Truyền Tin (13) có giá trị ở kết cấu đơn giản, tính chất Thánh Kinh, nguồn gốc lịch sử vốn liên kết với lời kêu gọi duy trì hòa bình của nó, nhịp điệu gần như phụng vụ của nó, và tính cởi mở của nó giúp ta bước vào mầu nhiệm vượt qua.

Kinh mân côi hay chuỗi mân côi là hình thức ca ngợi và kêu cầu theo lối lặp đi lặp lại (litanic) tập chú vào việc nhập thể đầy tính cứu chuộc của Chúa Kitô. Đây là cách suy niệm cuộc đời Chúa Cứu Thế (14). Trước đây, có 150 kinh Kính Mừng, giống như con số 150 Thánh Vịnh vậy. Nhưng con số ấy đã được tăng lên 200 từ đời Đức Gioan Phaolô II. Kinh này có nguồn gốc từ phụng vụ, nên cần trở về với nguồn gốc ấy. Tuy nhiên, có một “khác biệt về bản thể” (số 48) giữa phụng vụ và việc đọc kinh mân côi.

c. Các cuộc hiện ra

Ta phải nói gì về các cuộc Đức Maria hiện ra, như tại Lộ Đức và Fatima? Điều đáng lưu ý là tông huấn của Đức Phaolô VI không hề nói một lời nào về các cuộc hiện ra này. Các nhà tâm lý vốn mô tả chúng như các cảm nghiệm cá thể, không bệnh lý, được con mắt đức tin giải thích như các cảm nghiệm về một sự hiện diện. Giáo Hội Công Giáo coi chúng như “các mạc khải tư” (15), không thể so sánh với mạc khải trong Thánh Kinh. Chúng không phải là thành phần của đức tin; nghĩa là, mỗi người Công Giáo được tự do thẩm định chúng cho riêng mình.

Thái độ chính thức của Giáo Hội Công Giáo đối với chúng là thái độ hết sức thận trọng. Thánh Gioan Thánh Giá yêu cầu ta “chống lại” các mặc khải đặc biệt, coi chúng như những cám dỗ nguy hiểm (16). Trong thế kỷ 18, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV đã ấn định một đường hướng hành động mà các vị kế nhiệm ngài chưa hề đi trệch ra ngoài: “Việc Giáo Hội chuẩn nhận một cuộc mạc khải đặc biệt, sau khi điều tra kỹ lưỡng, chỉ có nghĩa là cho phép công bố cuộc mạc khải này để giáo huấn và xây dựng tín hữu. Người ta có quyền không đồng thuận với… cuộc mặc khải ấy, dù nó được Giáo Hội chuẩn nhận… miễn là họ làm thế vì những lý do tốt, không có bất cứ tinh thần khinh mạn nào” (17).

Huấn quyền giáo hội chỉ chuẩn nhận rất ít việc thờ phượng tại các nơi hiện ra ấy, sau một thời gian dài điều tra về tính trong sáng của các hiện tượng này. Giáo Hội đưa ra hai tiêu chuẩn để biện phân chúng: sứ điệp của chúng phải phù hợp với sứ điệp của Thánh Kinh và với đức tin của Giáo Hội; trong các dịp hành hương tại đó, phải có các hoa trái thiêng liêng giúp người ta hồi tâm.

Mục đích của các cuộc hiện ra không phải là đặt cơ sở cho đức tin mà chỉ để phục vụ đức tin. Chúng không thêm được gì cho mạc khải duy nhất, nhưng có thể là một nhắc nhớ khiêm nhường đối với mạc khải duy nhất này. Chúng là những dấu chỉ khả giác trong đó, Thiên Chúa tự tỏ mình ra tùy theo khả năng những người tiếp nhận các dấu chỉ này. Có thể ví chúng như một thứ ảnh tượng mà theo thần học Phương Đông, chính là việc “đối tượng hóa thực sự, do Chúa Thánh Thần linh hứng… phát sinh ra và chính là phương tiện của một hiện diện” (18). Chúng thuộc lãnh vực đặc sủng, nghĩa là, các ơn lành Chúa ban cho một chi thể của nhiệm thể để mưu ích cho toàn thể nhiệm thể. Giống mọi đặc sủng khác, ta không nên tìm kiếm chúng, nhưng tiếp nhận chúng với lòng cảm tạ, biện phân và khôn ngoan.

Tuy nhiên, lòng sùng kính bộc phát của tín hữu thường hay đi quá sự khôn ngoan nói trên và đôi khi dẫn tới những tò mò không lành mạnh liên quan tới các địa điểm hiện ra mới đây nhất và nhiều biểu hiện khác thường xẩy ra tại các nơi ấy; như thể đức tin của họ cần một củng cố không thể không có. Cần phải đưa ra một diễn trình huấn giáo có tính mục vụ, như một vài địa điểm hành hương vốn đã áp dụng. Mục đích việc huấn giáo này là hướng dẫn người hành hương hướng tới một sự hồi tâm chân chính, giúp họ từ bỏ thái độ dễ tin để thành thực tin vào sứ điệp của Chúa Kitô.

d. Giảng thuyết và dạy giáo lý

Nhìn nhận các thái quá và lệch lạc của thời quá khứ gần đây chưa đủ. Ta cũng cần loại bỏ các lạm dụng về ngôn ngữ trong các trình bày thần học và mục vụ nữa. Thí dụ, trong các thánh ca về Đức Maria, điều đáng ước mong là các công thức “thổi phồng” (19) dùng để gán cho ngài điều thực sự chỉ thuộc thẩm quyền Thiên Chúa, như tha thứ chẳng hạn, nên được sửa lại. Há việc tạc tượng lại không nên được hạn chế ở chỗ chỉ mô tả Đức Trinh Nữ cùng với Con của ngài hay sao? Một số thực hành của địa phương cần được nghiêm chỉnh phê phán, thậm chí loại bỏ hẳn.

Việc giảng thuyết cũng thế, có nhiều điều khẩn trương không nên coi nhẹ. Việc này không nên tìm cách cường điệu hóa lòng sùng kính Đức Maria. Lòng sùng kính này phải luôn trung thành với nguyên tắc sau đây của Thánh Irênê: một cái hiểu thích đáng về Chúa Kitô nhất thiết sẽ đem Đức Maria vào bức chân dung. Nếu sự hồi tưởng (evocation) có trở thành sự kêu cầu (invocation), như trên thực tế đã xẩy ra, thì sự kêu cầu này không bao giờ được đi ra ngoài qui luật của đức tin (regula fidei). Như chỉ có một đức tin khiến cho việc rửa tội trở thành cần thiết thế nào, thì cũng chỉ có một Chúa mới đòi có thái độ sùng kính đối với mẹ của Người như thế.

Ghi chú
(1) Mary in the Churches, H. Kung và J. Moltmann chủ biên (Concilium 168; New York, 1983) xii.
(2) Encyclopédie du protestantisme (Paris: Cerf et Genève: Labor et Fides, 1995) 950.
(3) Xem Tuyên Ngôn Đại Kết Malta trong Unité des chrétiens, số 69 (Tháng 1, 1988) 18.
(4) Xem tài liệu đã tích dẫn nhiều lần: The One Mediator, and the Saints, and Mary. Lutherans and Catholics in Dialogue VIII.
(5) Nghĩa là, không thể chủ trương có một sự “thông truyền bản vị” (hypostatic communication) của Chúa Thánh Thần cho Đức Maria như L. Boff từng chủ trương trong cuốn Trinité et société (Paris: Cerf, 1990) 247.
(6) Đức Bênêđíctô XVI, lúc còn là Hồng Y Ratzinger nhiều lần áp dụng chính nguyên tắc này vào cuộc đối thoại với Phương Đông về quyền tối thượng của đức giáo hoàng: “Khi nói tới học thuyết tối thượng, Rôma không cần phải hỏi Phương Đông ngoài những điều đã được công bố và thực hành trong thiên niên kỷ thứ nhất” (Les principes de la théologie catholique[Paris: Téqui, 1985] 222). Ngài cho biết tiếp: do đó, một đồng thuận có thể đạt tới, trên căn bản hỗ tương nhìn nhận quan điểm liên hệ của nhau là “chính đáng và chính thống”
(7) Thí dụ, há đoạn sau đây của thông điệp Mortalium animos công bố năm 1928 không đúng hay sao? “Trong các vấn đề thuộc đức tin, người ta không được phép phân biệt một bên là các điều căn bản và bên kia là những điều được mệnh danh là không căn bản, như thể những điều đầu phải được mọi người tin, còn những điều sau thì tín hữu có tin hay không là tùy ở họ… Bởi thế, tất cả những ai thực sự thuộc về Chúa Kitô đều tin tín điều Vô Nhiễm Thai bằng cùng một đức tin như họ tin mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi” (Bản tiếng Anh của R.A. McGowan trong Sixteen Encyclicals of His Holiness Pius XI (1926-37) (Washington, D.C.: National Catholic Welfare Conference, không niên hiệu) 13.
(8) Xem tuyên bố của Đức GH Piô IX trong lời công bố tín điều Vô Nhiễm Thai năm 1854: “Bởi thế, nếu bất cứ ai dám nghĩ, xin Chúa đừng để họ nghĩ như thế, khác với điều được ta xác định, thì họ nên biết rõ rằng họ bị chính phán xét của họ lên án, họ đánh đắm đức tin của mình và tách mình ra khỏi sự hợp nhất của Giáo Hội” (DS 2804; ND 2804). Những tuyên bố như thế không thể ngỏ với các Kitô hữu Chính Thống hay Thệ Phản.
(9) Xem Nhóm Dombes, Pour la conversion des Églises (Paris: Centurion, 1991) số 59 và chu thích 1 (tr.41).
(10) Lòng sùng kính bình dân thường lẫn lộn việc tượng thai đồng trinh Chúa Giêsu và sự Vô Nhiễm Thai của Đức Maria.
(11) Xem Chương 1, phần về Cải Cách Thệ Phản Và Đức Maria (quan điểm Luther).
(12) Đức GH Phaolô VI, Tông Huấn Marialis Cultus về Lòng Sùng Kính Trinh Nữ Diễm Phúc Maria (2 tháng 2, 1974).
(13) Lời kinh như sau:
Đức Chúa Trời sai thánh thiên thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria.
Đáp: Và Rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.
Kính mừng Maria….

Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.
Đáp: Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền.
Kính mừng Maria…

Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.
Đáp: Và ở cùng chúng con.
Kính mừng Maria…

Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.
Đáp: Đáng chịu lấy những sự Chúa Giêsu đã hứa.

Lời nguyện: Lạy Chúa chúng con, xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con, là kẻ đã nhờ lời Thánh Thiên Thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con.
Đáp: Amen.

(14) Kinh Mân Côi gồm 5 chục kinh, mỗi chục gồm 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh. Vừa đọc mỗi chục, người ta vừa suy niệm một trong các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Các mầu nhiệm này được gom thành 4 loại: các mầu nhiệm vui (truyền tin, thăm viếng, sinh nhật, dâng Con vào Đền Thờ, tìm thấy Chúa Giêsu trong đền thờ); các mầu nhiệm sáng (chịu phép rửa, phép lạ Cana, công bố Nước Trời, biến hình, lập Thánh Thể); các mầu nhiệm buồn (thương) (hấp hối, bị đánh, đội mão gai, vác thập giá, chịu đóng đinh); các mầu nhiệm vui (sống lại, lên trời, Chúa Thánh Thần hiện xuông, Đức Maria lên trời, Đức Maria được thưởng)
(15) Xem Vatican II, Dei Verbum 4.
(16) Thánh Gioan Thánh Giá, Ascent of Mount Carmel II, 20: “Sau khi đã ban cho ta Con của Người, vốn là Lời của Người, Người không còn lời nào khác để ban cho ta nữa. Người đã nói hết mọi sự, một lần cho tất cả, trong chính một Lời này; như thế, Người đâu còn gì để nói với ta nữa… Điều chỉ nói một phần với các tiên tri, Người đã nói trọn vẹn trong Con của Người bằng cách ban cho ta trọn Con của Người. Đó chính là lý do tại sao lúc này đây, bất cứ ai muốn chất vấn Người hay muốn có một thị kiến hay mạc khải không những điên rồ mà còn xúc phạm đến Chúa nữa vì đã không chịu chăm nhìn vào một mình Chúa Kitô mà thôi, không cần tìm điều gì khác hay điều gì mới lạ ở nơi khác nữa” (trích trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh, vol.I, tr.212).
(17) Đức GH Bênêđíctô XIV, De servorum Dei beatificatione II, 32, 11.
(18) B. Bobrinskoy, trong tuyền tập Vraies et fausses apparitions dans l’Église (Paris: Lethielleux-Bellarmin, 1976) 109.
(19) Há Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã chẳng phản đối rằng: “Ta không được nói (về Đức Maria) những điều không chắc có thật (improbable) hoặc ta không biết… Một bài giảng muốn làm tôi vui và sinh ích cho tôi, thì phải cho tôi thấy đời sống đích thực của ngài, chứ không phải một đời sống giả tưởng; và tôi chắc chắn rằng đời sống đích thực của ngài hết sứ đơn giản. Các vị giảng thuyết trình bày ngài như đấng chót vót không ai tới gần được; các vị ấy nên nói về ngài như người dễ bắt chước, làm nổi bật các nhân đức của ngài, cho ta hay ngài sống bằng đức tin như chính chúng ta, và chứng minh điều đó bằng tin mừng, trong đó, ta đọc thấy ‘các ngài không hiểu điều Người nói với các ngài’… Ta thực sự biết rằng Trinh Nữ rất thánh là Nữ Vương trời và đất, nhưng ngài là mẹ hơn là nữ vương, và ta không nên nói rằng vì các đặc ân của mình, ngài che mất hết vinh quang của các thánh, như thể mặt trời mọc làm các ngôi sao phải biến đi. Lạy Chúa quí yêu! Con quả nói điều kỳ dị thay!” (J’entre dans la vie. Derniers entretiens [Paris: Cerf/Desclée De Brouwer, 1973) 140-41.
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/98645.htm

Mittwoch, Juni 20, 2012

Giáo hội học hiệp thông, 50 năm sau Vatican II (2)

Vũ Văn An       6/20/2012


2. Nền thần học khai tâm Kitô Giáo

Xét về căn bản, nền giáo hội học hiệp thông có tính Ba Ngôi. Đặc điểm này xuất hiện trong nhiều đoạn của Hiến Chế Lumen Gentium (2-4), cũng như trong lời nói đầu của nhiều bản văn khác như Ad Gentes, Unitatis Redintegratio, v.v… Điều này tương hợp với chính bản chất của đức tin Kitô Giáo, là đức tin vốn có yếu tính Ba Ngôi và cần được khai triển một cách cẩn trọng trong diễn trình giáo dục Kitô Giáo.

Về phương diện này, ta cần suy nghĩ sâu sắc hơn về nền thần học khai tâm Kitô Giáo và về mối tương quan giữa ba bí tích khai tâm này. Khai tâm Kitô Giáo có mục tiêu sáp nhập các chi thể mới vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, tức Giáo Hội. Dưới ánh sáng nền giáo hội học Ba Ngôi, ta phải chứng minh được rằng bản sắc Ba Ngôi nơi Kitô hữu buộc họ phải có mối tương quan bản thân với mỗi một Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa, khi họ được hiến mình cho Người trong các bí tích Khai Tâm Kitô Giáo. Ơn làm nghĩa tử nhận được lúc rửa tội được củng cố nhờ ơn Chúa Thánh Thần lúc thêm sức. Bí tích vừa kể dẫn tới Bí Tích Thánh Thể, nơi liên hệ của ta với Chúa Cha được hoàn hảo, Người tiếp nhận và đáp ứng hy lễ Vượt Qua của Con mình.

Vấn đề thần học cần nêu lên là: thêm sức có phải là bí tích khai tâm để hoàn tất diễn trình đồng hình đồng dạng nhằm làm cho tín hữu tham dự vào cộng đoàn Thánh Thể hay không; hay thêm sức là bí tích người Kitô hữu cam kết với quyền năng Chúa Thánh Thần, một cam kết đòi phải có một mức trưởng thành nào đó. Các giải pháp đưa ra trên bình diện mục vụ cho thấy ẩn phía sau là mô hình Giáo Hội, một mô hình nhấn mạnh hoặc ơn thánh tiếp nhận lúc thêm sức hoặc cam kết của người Kitô hữu.

Ánh sáng do phong trào đại kết cũng như truyền thống Công Giáo tiền Công Đồng chiếu rõi lên vấn đề này hướng ta về phía khai tâm Kitô Giáo. Khi trình tự trong các bí tích khai tâm thay đổi vào thập niên 1970 do các lý do mục vụ, ít người trong chúng ta hiểu được rằng mối liên kết với Thánh Thể sẽ bị yếu đi. Nền giáo hội học Thánh Thể mời gọi ta hiểu chứng tá của người chịu thêm sức theo nghĩa giáo hội chứ không hẳn theo nghĩa xã hội. Chứng tá thứ nhất của người chịu thêm sức, trên thực tế, là để tham dự cộng đoàn Thánh Thể và trung thành với cộng đoàn đó vì cộng đoàn này là một phần tạo ra bản sắc của họ.

Như thế, ta cần phải khảo sát thực hành mục vụ của việc khai tâm Kitô Giáo và tái khẳng nhận sợi dây nối kết giữa thêm sức và Thánh Thể, theo tinh thần của tông huấn Sacramentum Caritatis [18]— không những vì các hạn chế mục vụ hiện nay, nhưng còn vì lòng tôn trọng đối với ý nghĩa sâu xa trong trình tự các bí tích khai tâm. Các bí tích này định hình bản sắc Ba Ngôi của người Kitô hữu; họ trở nên chứng nhân đích thực của Chúa Kitô bao lâu họ sống thực bí tích Thánh Thể, bí tích tuyệt điệu giúp Kitô hữu cam kết dấn thân.

3. Nền giáo hội học hiệp thông và lòng sùng kính Thánh Thể

Một trong các trách vụ quan trọng của thần học, và trên hết, của thực hành mục vụ ngày nay, là lồng lòng sùng kính Thánh Thể, vốn xuất hiện từ thời Trung Cổ, vào quan điểm có tính giáo hội về hiệp thông Thánh Thể. Một số người chủ trương lối giải thích gián đoạn đôi khi cho rằng các thực hành như thờ lạy Thánh Thể, rước kiệu Thánh Thể, và thánh lễ tư riêng không giúp tín hữu hiểu mối liên kết chặt chẽ giữa cử hành Thánh Thể và hiệp thông giáo hội. Việc đơn giản thái quá trong lãnh vực này quả không có lợi cho hiệp thông giáo hội, vì làm thế là thúc đẩy việc phân cực có hại và không biết thừa nhận các giá trị hiện có trong lòng sùng kính Thánh Thể hiện nay.

Thí dụ ta không nên hạ giá việc thờ lạy Thánh Thể xuống hàng một tập quán đạo đức nhưng nay đã lỗi thời. Thực ra, nó là một phát triển từ truyền thống sống động, do nhu cầu muốn phát biểu đức tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích này. Nhưng ta cũng cần ý thức rằng nhấn mạnh một chiều tới khía cạnh mà ta vốn nhận diện như có tính cộng đoàn này có thể có nguy cơ giảm thiểu việc cử hành Thánh Thể xuống chỉ còn là một cử hành đạo đức hay có tính xã hội mà thôi.

Vì thế, ta cần tìm sự quân bình trong việc lồng trở lại các biểu hiện của lòng sùng kính Thánh Thể ở bên ngoài Thánh Lễ vào cái nhìn toàn diện của hiệp thông Thánh Thể và hiệp thông giáo hội. Việc thờ lạy Thánh Thể chẳng hạn là một hình thức rước lễ thiêng liêng, nhằm kéo dài việc rước lễ theo bí tích hay thay thế nó khi ta gặp trở ngại không thể rước lễ được. Ta phải luôn cố gắng biểu lộ ý nghĩa giáo hội nơi các biểu hiện khác của lòng sùng kính Thánh Thể bằng cách tái nối kết chúng với việc cử hành Thánh Thể. Truyền thống Thánh Thể của Giáo Hội phong phú đến độ ta không thể giản lược nó vào việc cử hành Thánh Thể mà thôi. Ta cần trọn cả nền văn hóa Thánh Thể của Giáo Hội để giữ cho mọi khía cạnh của nó luôn được quân bình. Như thế, cuộc đối thoại giữa các nhà thần học, các mục tử và tín hữu (17) cần được diễn tiến trong một bầu khí cởi mở và biết kính trọng các truyền thống thiêng liêng.

II. Các viễn ảnh tương lai

A. Để có được một nền giáo hội học hiệp thông trong viễn ảnh hôn lễ

Trên đây, ta có nhắc tới mối tương quan giữa phép rửa và Thánh Thể, một mối tương quan định hình cho nền giáo hội học hiệp thông. Phép rửa làm nổi bật việc ta thuộc về Giáo Hội phổ quát, vì nó sáp nhập ta vào Chúa Kitô, Đấng vốn duy nhất và phổ quát. Thánh Thể làm nổi bật việc ta thuộc về giáo hội đặc thù, vì nó luôn được cử hành tại một cộng đoàn cụ thể… Sự dị biệt này không làm cho hai nền giáo hội học trở thành đối nghịch, vì hai bí tích của Tân Ước có tính bổ túc cho nhau.

Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo cho ta một viễn ảnh đúng đắn đối với nền giáo hội học hiệp thông khi nó đề nghị dùng biểu tượng hôn lễ để diễn tả việc triển khai các bí tích: trọn cuộc sống Kitô hữu mang dấu ấn tình yêu phu phụ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Phép rửa, cửa ngõ dẫn vào Dân Chúa, vốn đã là một mầu nhiệm hôn lễ; ta cũng nghe nói tới việc tắm gội hôn lễ (xem Eph 5:26-27) trước khi dự tiệc cưới là Thánh Thể. Hôn nhân Kitô Giáo cũng trở thành dấu chỉ hữu hiệu, bí tích của giao ước giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Vì nó biểu hiệu và thông truyền ơn thánh, nên hôn nhân giữa những người đã rửa tội quả là bí tích thực sự của Giao Ước Mới (18). Dù không thể chứng minh ở đây, nhưng viễn ảnh hôn lễ đối với cuộc sống Kitô hữu nói chung và đối với Thánh Thể nói riêng có gốc rễ trong ý niệm mysterion của Thánh Kinh (19). Hạn từ này có nhiều âm hưởng ngữ nghĩa khác nhau, nhưng nghĩa bí tích của nó dần dà lộ rõ trong ý hướng “mầu nhiệm cao cả” của Thánh Phaolô trong Thư Êphêsô 5:32, tức ám chỉ tình yêu phu phụ của Chúa Kitô và Giáo Hội. Mầu nhiệm (Ba Ngôi), vốn dấu ẩn trong Thiên Chúa, đã tự vén mở tính nội tâm của nó qua mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời, một mầu nhiệm đạt tới cao điểm trong tương quan phu phụ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (20). Khi Thiên Chúa từ từ mạc khải mầu nhiệm của Người trong lịch sử cứu rỗi, Người thích dùng biểu tượng hôn lễ, đặc biệt trong Sáng Thế, trong các tiên tri, trong Diễm Ca, trong các Tin Mừng, các thư Thánh Phaolô, và trong Khải Huyền. Ý niệm Mysterion trong Thánh Kinh này đã được các giáo phụ tiếp nhận; các ngài hiểu nó một cách rộng rãi như nền tảng cho nhiệm cục bí tích và là chủ điểm của mối tương quan giữa Thánh Thể và Giáo Hội. Đức HY Henri de Lubac làm ta chú ý một lần nữa tới mối tương quan này nơi các giáo phụ bằng cách truyền bá thuật ngữ giáo phụ lừng danh từng được Đức Gioan Phaolô sử dụng để đặt tựa đề cho thông điệp của ngài “Thánh Thể làm nên Giáo Hội” (21).

Việc khai triển có hệ thống trên quan trọng hơn ta tưởng, vì nó đem lại cho ta một mô hình mới để suy nghĩ về sự hiệp lực (synergy) giữa Chúa Kitô và Giáo Hội trong nhiệm cục ơn thánh bí tích. Bí tích là các dấu chỉ hữu hiệu của Giao Ước Mới; chúng là các hành động của Chúa Kitô và Giáo Hội được thi hành trong một hiệp lực gắn bó, trong một Thần Khí duy nhất.

Trên bình diện thần học, tông huấn Sacramentum Caritatis còn làm sáng tỏ hơn nữa mối tương quan giữa Giáo Hội và các bí tích khác, khi nó quả quyết rằng “Giáo Hội tiếp nhận và đồng thời nói lên bản chất của chính mình trong 7 bí tích” (SC 16). Sự minh xác này rất quan trọng, vì Giáo Hội vừa hoạt động vừa thụ động trong mối tương quan với Chúa Kitô qua đức tin và các bí tích. Giáo Hội không phải là một chủ thể tự lập muốn chiếm lãnh và quản lý các cử chỉ nền tảng của Chúa Kitô ra sao tùy ý. Giáo Hội luôn luôn là Nhiệm Thể tùy thuộc ở Đầu, và là Nàng Dâu luôn chú tâm tới ý muốn của Chàng Rể.

Có người sẽ phản bác cho rằng viễn ảnh hôn lễ trước hết có giá trị thẩm mỹ, và do đó, nó không liên hệ đủ tới sự hiệp thông trên bình diện kịch tính và đối kháng của đời người. Câu trả lời cho phản bác này sẽ tùy ở việc ta khai triển thêm nền giáo hội học hiệp thông dưới dấu chỉ Maria.

B. Đức Maria, Thánh Thể, và Giáo Hội

Mối liên hệ thân thiết giữa Thánh Thể và Giáo Hội, như đã được đề cập trong Thư Thứ Nhất gửi Tín Hữu Côrintô và trong truyền thống phụng vụ của thiên niên kỷ thứ nhất, mời gọi ta tái khẳng định sự hợp nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô trong thực hành bí tích. Người là Đấng đã trỗi dậy bằng Thân Xác Thánh Thể và Thân Xác Giáo Hội của Người. Sự hợp nhất đúng nghĩa nhưng được dị biệt hóa này nội hàm việc tham dự của nhiều tác nhân khác nhau trên bình diện nghi lễ, nhưng cũng trên cả bình diện mầu nhiệm nữa, bình diện mà bí tích vốn là một lễ tưởng niệm. Thông điệp Ecclesia de Eucharistia tái khẳng định tính tông truyền của Thánh Thể, chống lại khuynh hướng khá phổ biến muốn tương đối hóa vai trò của thừa tác viên thụ phong nhằm khẳng định sự tham dự hữu thức và tích cực của cộng đoàn vào lễ hy sinh của Chúa Kitô.

Sự căng thẳng trên bình diện phụng vụ này khiến ta đặt câu hỏi về sự tham dự của Giáo Hội vào hy lễ của Đấng Cứu Chuộc, trên bình diện thần học. “Thánh Lễ có phải là hy lễ của Giáo Hội hay không?” Sau Công Đồng không bao lâu, Hans Urs von Balthasar đã đặt câu hỏi như thế. Quan niệm Công Giáo về Thánh Thể giả thiết sự tham dự ấy nhưng không luôn luôn minh nhiên nói tới nền tảng của nó. Nền giáo hội học hiệp thông sẽ hưởng lợi nếu biết lắng nghe nhà thần học miền Basel, người đã nhắc lại câu hỏi trên một lần nữa trong khuôn khổ Thần Kịch (Theo-Drama) của mình: “Vậy thì câu hỏi là thế này, Giáo Hội có phải đã là Nhiệm Thể Chúa Kitô khi dâng lễ hy sinh của mình hay chỉ nhờ hành động ấy, Giáo Hội mới trở nên như thế?” (22).

Balthasar thêm: “Việc cử hành Thánh Thể của cộng đoàn dẫn tới cái nhìn thấu suốt mỗi ngày một ý thức rõ ràng hơn rằng đức tin vào lễ hy sinh của Người, một lễ hy sinh vốn bao gồm cả chúng ta, một cách thụ động nhờ việc tham dự, cũng đòi hòi sự cộng tác tích cực của ta” (23). Câu hỏi có vẻ bí ẩn này thực ra rất quan trọng đối với phong trào đại kết, vì người Thệ Phản thường chỉ trích người Công Giáo đã hạ giá công trình của Chúa Kitô bằng cách luôn cho là mình có thêm thắt điều gì đó vào lễ hy sinh cứu chuộc của Người. Balthasar biết rất rõ phản bác này; nên ngài cố gắng tiếp nhận nó và trả lời nó một cách đầy đủ.

Trong trình thuật về thần kịch Thánh Thể của mình, Balthasar trình bày vị trí và vai trò điển hình của lời Đức Maria thưa xin vâng, vốn là lời đi trước và bao hàm mọi lời xin vâng khác trong Giáo Hội những kẻ tội lỗi đối với lễ hy sinh của Chúa Kitô: “Bao lâu lời xin vâng của Đức Maria được coi là tiền giả thiết cho việc nhập thể của Con Trai ngài, thì ở dưới chân Thánh Giá, lời xin vâng ấy cũng trở thành yếu tố cấu thành hy lễ của Người” (24).

Ngài còn thâm hậu hóa cái hiểu của ta về vấn đề liên quan tới vai trò các thừa tác viên Thánh Thể. Theo ngài, “Chúa Kitô được trao phó vào tay Đức Maria lúc mới sinh và lúc qua đời: điều này quan trọng hơn việc Người được trao phó vào tay Giáo Hội theo khía cạnh chính thức và công khai. Sự trao phó trước là điều kiện có trước của sự trao phó sau” (25). Viễn kiến sâu sắc này giúp ta sáp nhập vai trò chủ chốt của thừa tác viên thụ phong vào việc dâng hy lễ Thánh Thể theo bí tích mà không tách biệt nó khỏi cộng đoàn. Vai trò của thừa tác viên này chủ yếu vẫn tùy thuộc đức tin của Đức Maria, mà trong đó và từ đó, thừa tác viên này thi hành chức năng phụng vụ của mình. Trong Giáo Hội, có một chức năng đại diện cho Chúa Kitô vì Giáo Hội vốn do đức tin của Đức Maria tạo lập nên, một đức tin được thông truyền cho ta lúc ta chịu phép rửa.

Nhờ Thánh Thể, Giáo Hội được củng cố và tăng cường trong bản sắc Nhiệm Thể và Nàng Dâu của Chúa Kitô. Trong tư cách Nàng Dâu của Con Chiên, Giáo Hội dự phần vào việc dâng hiến đã được ủy thác trong tay các thừa tác viên thụ phong của mình; nhưng việc dâng hiến này trước nhất đã được Thần Trí Chúa Cứu Chuộc đặt vào trái tim và bàn tay Đức Maria ở dưới chân Thánh Giá.

Một viễn kiến như thế giúp ta hiểu được tính tối thượng của chức linh mục do phép rửa, tính tối thượng này đạt tới đỉnh điểm của nó trong hành vi đức tin của Đức Maria qua đó, ngài dâng Chúa Giêsu cho Chúa Cha và tự dâng mình cùng với Người. Do đó, ta có thể nói rằng: nhờ Đức Maria, toàn bộ cộng đoàn những kẻ đã rửa tội đều được dự phần vào việc dâng hy lễ Thánh Thể, cho dù, giống Đức Maria dưới chân Thánh Giá, vai trò của cộng đoàn là tiếp nhận hồng phúc bí tích được thừa tác viên thực hiện nhân danh Chúa Kitô.

Sau cùng, Balthasar trình bày tiền giả thiết tiềm ẩn từng làm cho việc tham dự của Đức Maria vào hy lễ cứu chuộc trở thành khả hữu: đó là ơn vô nhiễm thai, một ơn giúp ngài hoàn toàn liên đới với Con Trai mình trong việc dâng hy lễ. Ngài không thêm phần thặng dư nào như một “việc làm” nào đó của riêng ngài, mà chỉ là sự ưng thuận để ý Thiên Chúa được hoàn tất trong hy lễ cứu chuộc độc nhất. Sự ưng thuận khiêm tốn và đầy đau đớn này mãi mãi là nền tảng vĩnh viễn cho việc Giáo Hội dự phần vào lễ tế Thánh Thể của Chúa Kitô.

Balthasar ghi nhận sự nghịch lý này: chính qua trung gian mầu nhiệm Maria, trong đó, mọi sự đều là ơn thánh, ta vượt qua được phản bác của người Thệ Phản, là những người vốn chỉ trích người Công Giáo hay thêm việc làm hay công phúc riêng của họ vào hy lễ độc nhất của Chúa Kitô.

C. Giáo hội học hiệp thông và các đặc sủng

Công Đồng Vatican II chắc chắn là hơi thở của Chúa Thánh Thần nhằm giải phóng Giáo Hội khỏi cảnh cô lập đối với thế giới hiện đại và các giới hạn giáo hội học của mình. Không những tái lập được sự quân bình giữa tính tối thượng Phêrô và tính hiệp đoàn giám mục, hay đơn thuần chi tiết hóa chức linh mục vương giả của người rửa tội trong tương quan với thừa tác vụ phẩm trật, Vatican II còn mở ra cả một kho tàng đặc sủng mà Chúa Thánh Thần rộng tay ban phát để canh tân và phát triển Giáo Hội: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, vì ích chung” (1Cor 12:7). Theo lời hiến chế Lumen Gentium, “các đặc sủng này, bất kể là ngoại thường hay đơn giản và tản mạn hơn, phải được tiếp nhận với lòng tạ ơn và an ủi vì chúng đều hoàn toàn thích hợp và có ích cho các nhu cầu của Giáo Hội” (LG 12).

Chúng ta xác tín rằng Công Đồng quả đã đóng góp rất lớn vào việc ra đời của vô số các đặc sủng, mà ngày nay đã chính thức được nhìn nhận trong Giáo Hội. Các cộng đồng cũ và mới trong lối sống tận hiến, nhiều phong trào giáo hội, nhiều hình thức tông đồ giáo dân và tất cả các hình thức đặc sủng khác từng được Thánh Phaolô nhắc tới trong bảng liệt kê của ngài, tất cả đều thuộc về Giáo Hội của Chúa Kitô, do Chúa Thánh Thần rộng tay ban phát để biến Giáo Hội thành Nàng Dâu xinh đẹp và lộng lẫy theo lòng Chúa muốn. Tất cả các động lực ấy buộc thần học phải tái suy nghĩ về nền giáo hội học hiệp thông, để tổng hợp một cách có hệ thống các thực tại mới này với các thực tại của ngày qua. Vì cả hai đều là các thực tại nhằm xây dựng Giáo Hội.

Dựa vào lời Zizioulas đã trích dẫn trên đây, thiển nghĩ: các đặc sủng thường được xem như có ích đối với phúc thể (beneesse) của Giáo Hội, chứ không cần thiết cho hữu thể (esse) đúng nghĩa của Giáo Hội. Tuy thế, để hỗ trợ cho việc tái phúc âm hóa, ta cần nhấn mạnh rằng chính nhờ nền giáo hội học hiệp thông, mà mọi ơn phúc của Chúa Thánh Thần, kể cả phẩm trật lẫn đặc sủng (LG 4), đều đã được tổng nhập vào nhau trong một cái nhìn có tính toàn bộ về Giáo Hội, hiểu như bí tích cứu rỗi (26).

Kết luận

Năm mươi năm sau ngày khai mở Công Đồng Vatican II, ta thấy rõ: linh hứng chủ yếu của nó là nền giáo hội học hiệp thông. Đây là lối giải thích đúng đắn về Công Đồng mà với thời gian ta đã dần dần nhận diện và nhấn mạnh được. Nền giáo hội học này vẫn còn đang trong diễn trình khai triển. Diễn trình này từng được phong phú hóa nhờ cuộc đối thoại đại kết với anh em Chính Thống Giáo và nền giáo hội học Thánh Thể của họ cũng như cuộc đối thoại với các cộng đồng giáo hội phát sinh từ Phong Trào Cải Cách với việc nhấn mạnh tới nền giáo hội học rửa tội của họ.

Bên trong Giáo Hội Công Giáo, nền giáo hội học hiệp thông nêu cao giá trị của thừa tác vụ giám mục, của các hội đồng giám mục cũng như của các công nghị giám mục, trong khi vẫn thúc đẩy các suy tư thâm hậu hơn về tính tối thượng Phêrô; nền giáo hội học này cổ vũ việc tìm kiếm thế quân bình mới giữa tính tối thượng và tính hiệp đoàn trong tương quan giữa Giáo Hội phổ quát và các giáo hội đặc thù. Trên bình diện các giáo hội đặc thù, chiều kích bí tích trong nền giáo hội học hiệp thông khiến Giáo Hội tìm hiểu nhiều hơn về gia đình, tức giáo hội tại gia. Nó đòi hỏi sự đổi mới các thực hành mục vụ liên quan tới việc khai tâm Kitô Giáo, cũng như tổng hợp hài hòa các đặc sủng để phục vụ hữu hiệu các cố gắng tân phúc âm hóa.

Như thế, nền giáo hội học hiệp thông đang tái sinh lực Giáo Hội theo hướng bên trong (ad intra) và đang nhân thừa các cửa ngõ đại kết và truyền giáo theo hướng bên ngoài (ad extra). Ta nên hân hoan trước thành quả của Công Đồng, vốn lớn lao hơn hiện tượng thoái hóa hay tiếp nhận có tính ý thức hệ. Trong số các hệ quả của Công Đồng, ta ghi nhận cam kết mới của Giáo Hội đối với hoà bình và công lý trên thế giới, việc Giáo Hội cổ vũ đối thoại liên tôn, và việc phát triển liên đới trên phạm vi hoàn cầu, trong tinh thần của thông điệp Caritas in Veritate.

Tuy nhiên, nền giáo hội học hiệp thông vẫn cần nhiều suy tư thần học và thực hành mục vụ sâu sắc hơn nữa. Sau năm mươi năm qua, nền giáo hội học này càng ngày càng được ta hiểu một cách cụ thể hơn liên quan tới bản chất Giáo Hội trong tư cách bí tích của sự cứu rỗi. Khi áp dụng vào Giáo Hội, ý niệm bí tích phải được hiểu không những chỉ như sự hữu hiệu của bẩy bí tích, mà còn như sự tham dự của hiệp thông giáo hội vào hiệp thông Ba Ngôi nữa, một sự hiệp thông đã được ban cho thế giới nơi Chúa Giêsu Kitô. “Thiên Chúa là tình yêu, và bất cứ ai ở trong tình yêu đều ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong họ” (1Ga 4:16).

Do đó, tính bí tích của Giáo Hội có nghĩa là sự hiệp thông trong Giáo Hội như một sức mạnh lôi cuốn và phúc âm hóa. Ta đừng nên quên rằng sức mạnh phúc âm hóa của các Kitô hữu tiên khởi phát sinh từ chứng tá yêu thương nhau của họ; chính tình yêu này đã lôi cuốn dân ngoại và làm họ trở lại: “Xem kìa họ yêu thương nhau xiết bao!” (27). Nhờ thế, Giáo Hội đã trở thành một bí tích, hay “dấu chỉ và là dụng cụ của cả sự hợp nhất hết sức khắng khít với Thiên Chúa lẫn sự hợp nhất của toàn bộ nhân loại” (LG 1), theo định nghĩa tổng quát về bí tích. Là “dấu chỉ”, Giáo Hội làm việc hữu hiệu cho việc cứu rỗi thế giới nhờ sự kết hợp với Chúa Kitô, Đấng vốn liên kết Giáo Hội vào chức linh mục độc nhất của mình trong tư cách Nhiệm Thể và Nàng Dâu. Như thế, sứ mệnh của Giáo Hội trùng hợp với hình thức bí tích của tình yêu từng mạc khải hành động của Thiên Chúa trong thế giới, hiệp lực với các chứng tá của Tân Ước.

Tương lai sứ mệnh Giáo Hội tùy thuộc chứng tá hợp nhất và cuộc đối thoại của Giáo Hội với toàn thể nhân loại nhân danh sự hiệp thông Ba Ngôi. Sự hiệp thông này dành cho mọi người, và Giáo Hội chính là bí tích của nó. Sứ mệnh có tính bí tích của Giáo Hội không phải chỉ là qui chiếu vào Ba Ngôi như một lý tưởng hay một mô thức; mà đúng hơn là tham dự chân thực vào việc làm chứng cho Ba Ngôi trong lịch sử. “Có ba chứng tá: Thần Khí, nước và máu, cả ba cùng làm chứng một điều. Nếu ta nhận chứng từ của con người, thì chứng từ của Thiên Chúa phải cao trọng hơn… Và chứng từ của Người là Thiên Chúa đã ban cho ta sự sống đời đời, và sự sống này ở nơi Chúa Con. Ai có Chúa Con là có sự sống; ai không có Chúa Con là không có sự sống” (1Ga 5:7-9, 11-12).

Ghi chú
(17) Xem L’adoration eucharistique: “Ponenza dell’Em.mo Card. Marc Ouellet, Arcivescovo di Québec,” Notitiae 46, 3-4, 2009), 130-49.
(18) Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 1617. Xem Bộ Giáo Luật, điều 1055, §2; DS 1800 (Phiên 24, Công Đồng Trent):“Bởi thế, hôn phối trong luật phúc âm trổi vượt hơn hôn phối cũ về ân thánh, nhờ Chúa Kitô; các giáo phụ của ta, các công đồng và truyền thống của Giáo Hội phổ quát có lý khi luôn dạy rằng nó phải được kể trong số các bí tích của luật mới”.
(19) Xem G. Bornkam, “Mysterion,” trong Grande Lessico del Nuovo Testamento, vol. VII, 645-716; C. Rocchetta, Sacramentaria fondamentale (Bologna: EDB, 1989), 191-242.
(20) Xem ghi chú của Đức Gioan Phaolô II về chữ mysterion trong bài giáo lý của ngài về tình yêu nhân bản John Paul II, Man and Woman He Created Them: A Theology of the Body, bản tiếng Anh của Michael Waldstein (Boston: Pauline Books & Media, 2006), 489-90.
(21) Henri de Lubac, Corpus mysticum. L’Eucharistie et l’Église au Moyen Âge (Paris: Aubier, 1939). Bản tiếng Anh Corpus Mysticum: The Eucharist and the Church in the Middle Ages, của Gemma Simmonds (Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 2007)]; Xem Paul McPartlan, The Eucharist makes the Church: Henri de Lubac and John Zizioulas in Dialogue (Edinburgh: T&T Clark, 1993)
(22) Hans Urs von Balthasar, Theo-Drama: Theological Dramatic Theory IV: The Action, bản tiếng Anh của Graham Harrison (San Francisco: Ignatius, 1994), 394. 23[1] Ibid., 395.
(24) Vừa dẫn.
(25) Vừa dẫn, 397.
(26) Xem Marc Ouellet, L’apport des mouvements ecclésiaux. Unité et diversité dans l’Esprit (Bruyères-le-Châtel: Nouvelle Cité, 2011).
(27) Tertullian, Apology 39, 7.
Nguồn:  http://www.vietcatholic.net/News/Html/98592.htm