Trang chủ

Donnerstag, Februar 28, 2013

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI hứa sự ''vâng phục vô điều kiện'' với Đấng kế vị
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn   2/28/2013
 
Vatican, 28.02.2013 - Trong ngày cuối cùng trên ngôi Giáo Hoàng và vài tiếng trước khi rời khỏi Tòa Thánh Vatican, các Hồng Y đã họp mặt chia tay với vị Cha chung tại Điện Tông Tòa Sala Clementina (nơi vẫn quàn xác các vị Giáo Hoàng qua đời). Trong bài diễn văn ngắn với những lời cuối cùng quan trọng được ĐTC Bênêđictô XVI bày tỏ rõ ràng trước Hồng Y Đoàn: "Trong anh em sẽ là vị Giáo Hoàng kế vị có thể trông cậy vào sự hỗ trợ
của người tiền nhiệm". Điều quan trọng hơn nữa dành cho người kế vị từ nơi ĐTC Bênêđictô XVI là "Tôi sẽ chứng minh sự tôn kính và vâng phục vô điều kiện với Tân Giáo Hoàng".

"Tôi sẽ tiếp tục để được gần gũi với Anh Em trong lời cầu nguyện, đặc biệt là trong những ngày tới", ĐTC Bênêđictô XVI nói thêm.

Ngài nhắc nhở các Hồng Y hãy làm việc làm việc trong sự hiệp nhất. Hồng Y Đoàn được ví "giống như một dàn nhạc giao hưởng" có thể đạt được đỉnh điểm trong sự hài hòa và phù hợp. Như thế, ngài nhắc lại tầm quan trọng của Mật Viện Hồng Y sẽ sắp gặp nhau để bầu Giáo Hoàng trong những ngày tới.

Trước đó ĐHY Niên Trưởng Angelo Sodano đại diện Hồng Y Đoàn nói lên những lời cảm tạ ngắn và chia tay với ĐTC Bênêđictô XVI: "Đấng kế vị Thánh Phêrô tôn kính và thương mến! Chúng con phải cảm ơn Cha đã ở với chúng con trong tám năm nay. Chúng con đã cố gắng đồng hành với Cha với tình thương sâu đậm. Hôm nay chúng tôi muốn bày tỏ một lần nữa tất cả lòng biết ơn của chúng con đến với Cha. Chúng con dùng từ ngữ từ quê hương (nước Đức) của Cha là "Vergelt's Gott" – "Thiên Chúa sẽ thưởng cho ngươi".

Sau đó từng Hồng Y tiến lên, từng người một chia tay riêng với ĐTC Bênêđictô XVI.

Như ĐTC Bênêđictô XVI đã thông báo không tham dự vào việc bầu Giáo Hoàng và bác bỏ tất cả những tin đồn có thể ảnh hưởng đến việc này kể cả lúc nghỉ hưu. Hôm nay qua lời hứa "vâng phục vô điều kiện" đối Đấng kế vị của ngài muốn xác nhận rõ ràng sự tôn kính và vâng phục hoàn toàn trong những ngày hưu trí của ngài.

Mittwoch, Februar 27, 2013

Thư của Hiệp hội Bề Trên thượng cấp các Dòng Tu cám ơn Đức Thánh Cha Benêđictô XVI
José Rodríguez Carballo, ofm    2/27/2013

Kính thưa Đức Thánh Cha,

Mới chỉ cách đây vài ngày, trong một bài giảng cho chúng con, những người sống đời thánh hiến, trong ngày lễ Dâng Chúa trong đền thánh, ngài đã khuyến khích chúng con sống một đức tin biết nhận ra sự khôn ngoan của sự yếu đuối. Quả thế, ngài đã an ủi chúng con khi khẳng định rằng “khi sự khắc nghiệt và gánh nặng của thập giá
được cảm nhận, chắc chắn kenosis (sự tự hạ) của Đức Kitô đã là một chiến thắng phục sinh.” Một vài ngày sau, sức mạnh có thẩm quyền của những lời này đã trở thành một hình tượng cho chúng con, biểu lộ cử chỉ yêu thương khi ngài muốn dấn thân trọn vẹn cho một cuộc sống cầu nguyện vì thiện hảo của Hội Thánh, khi rời bỏ chức vụ Giáo hoàng. Vâng, trong sự tự hạ của ngài, thưa Đức Thánh Cha, chúng con chiêm ngưỡng sự chiến thắng phục sinh của Đức Kitô! Ngay trên khuôn mặt ngài, chúng con thấy ánh sáng vinh quang của Đấng đã chịu chết trên thập giá, bao phủ chúng con trong vinh quang!

Trong giây phút hệ trọng này, đối với ngài và đối với chúng con, con muốn ngài cảm nhận biết bao sự gần gũi của mọi người sống đời thánh hiến, mà con có vinh dự đại diện, và một cách nào đó, con đem đến trước mặt ngài. Ngài thân thiết với chúng con, thưa Đức Thánh Cha yêu dấu! Xin cảm nhận sự hoà điệu của con tim chúng con là những người con hết lòng nói lên tình yêu và lời cảm tạ! Vâng, chúng con yêu mến ngài và muốn nói với ngài rằng tình con thảo của chúng con sẽ đồng hành với ngài ngày qua ngày trong sứ vụ cầu nguyện tương lai của ngài vì lợi ích của mọi người.

Chúng con, những người sống đời thánh hiến, chính vào giây phút này, muốn chuyển đạt tới ngài, trong những từ mô tả sự phong phú của lời cảm tạ, đó là, Cám ơn ngài, thưa Đức Thánh Cha! Cám ơn vì ngài đã muốn kết thúc triều đại Giáo hoàng bằng một cử chỉ tiên tri và can đảm, vốn là kết quả của cầu nguyện, sự trong sáng lớn lao, khiêm hạ thẳm sâu và tình yêu đối với Hội Thánh.

Cám ơn vì tình yêu vô biên đối với Hội Thánh và tính ngay thật của Tin mừng, qua đó ngài đã vạch ra lộ trình thanh luyện, như thể để xin tha thứ vì tội lỗi của các thành viên trong Giáo hội. Cám ơn vì đã canh phòng cẩn mật chống lại sự phức tạp của thế gian, những yếu kém, những lôi cuốn rỗng tuếch của cái gì ở gần cuối; vì đã canh gác chống lại những cạm bẫy lôi cuốn của chủ nghĩa tiêu thụ, và hơn thế nữa, nguy hiểm của chủ nghĩa tương đối. Quả thế, các thông điệp và nhiều diễn văn của ngài, thật đúng lúc và soi sáng, đã luôn chỉ cho chúng con con đường của Đức Kitô với sự trong sáng và quyết đoán. Chúng cũng nuôi dưỡng chúng con cái khát vọng chung ghi tạc trong tâm hồn của mỗi người, đó là khát khao tìm kiếm Thiên Chúa. Vâng, cám ơn vì đã củng cố chúng con trong đức tin bằng lời giảng dạy khôn ngoan rất phong phú và sự vững chắc của Tin mừng. Cám ơn vì quà tặng là những lời của ngài thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu sắc. Một lần nữa, cám ơn vì quà tặng là Năm Đức Tin.

Đặc biệt, cám ơn vì lòng yêu thương của ngài đối với đời sống thánh hiến, mà ngài đã biểu lộ trong nhiều trường hợp; vì đã lay động chúng con nhiều lần, khi liên tục nhắc nhở chúng con đến “tình yêu ban đầu” mà Chúa đã gọi chúng con và biến chúng con nên sở hữu của Ngài; vì đã nhắc nhở đến địa vị đứng đầu của việc “ở lại với Chúa”, để loan báo Người và sau đó làm việc cho Người; vì đã tỏ cho chúng con tính cấp bách của sứ vụ tân phúc âm hoá, khi hành động qua những biểu lộ đa dạng của các ân huệ chúng con, vì căn tính đích thực của Giáo hội và nhiệm vụ hàng đầu, đó là loan báo Tin mừng; vì đã đem chúng con trở về tinh thần kiếp lữ hành, vốn ban cho chúng con sức mạnh để hy sinh mọi sự vì tình yêu đối với Thiên Chúa và người lân cận; vì đã nói với chúng con rằng niềm vui của chúng con nhất thiết phải đi qua thập giá của Đức Kitô. Giáo huấn thật dồi dào! Chúng con sẽ quý trọng Quyền giáo huấn cao cả của ngài, bằng việc học hỏi và suy niệm trong cầu nguyện. Vâng, lạy Đức Thánh Cha, ngài quả đã yêu mến đời sống thánh hiến! Chúng con đã cảm nhận tình yêu ấy, vì chúng con nhận thấy trong chúng con ngài đã tác động trên chúng con như thế nào.

Vào lúc khởi đầu triều đại giáo hoàng, ngài đã nói với chúng con rằng ngài xem mình là một người thợ làm vườn nho đơn sơ và khiêm hạ của Chúa. Nếu khiêm hạ là thước đo sự cao cả của một con người, lời tuyên xưng đức tin công khai của ngài ngày 11 tháng Hai khẳng định chân lý của những lời này và sự vĩ đại cùng thánh thiện của ngài. Cám ơn vì đã dạy chúng con từ Toà (cathedra) của cuộc sống là quyền bính trong Giáo hội là phục vụ. Cám ơn vì quà tặng đẹp đẽ ngài để lại cho chúng con trong năm đức tin. Tất cả chúng con, những người sống đời thánh hiến xin cám ơn ngài, lạy Đức Thánh Cha.

Cuối cùng, cho phép con thêm một lời cảm tạ đặc biệt trong tư cách Tổng Phục vụ và Tôi tớ của toàn thể huynh đệ đoàn Dòng Anh Em Hèn Mọn. Con cảm thấy có bổn phận phải cám ơn những giáo huấn cao quý về tinh thần phan sinh, mà chúng con lấy làm suy niệm và quyết tâm tháp nhập chúng vào trong đời sống chúng con. Tình yêu của ngài đối với thánh Phanxicô và linh đạo phan sinh đều được mọi người biết rõ cũng như vô vàn quy chiếu liên quan đến lối sống của chúng con, khi nói các bài giáo lý về thánh Phanxicô, thánh Clara, thánh Antôn, thánh Bonaventura, á thánh Gioan Duns Scotus và các tác giả khác của trường phái phan sinh chiếu sáng về sau. Theo cách thức ấy, không những ngài tỏ lộ cho chúng con sự hiểu biết sâu xa về đoàn sủng và những viên đá góc của linh đạo phan sinh, mà còn trao ban một sự giải thích độc đáo và đem lại nhiều hoa trái cho thời đại chúng con. Biết bao giáo huấn của ngài đã phối hợp với sự phức tạp của thế giới hôm nay. Cuộc hành hương của ngài đến miền đất của thánh Phanxicô cũng như cuộc viếng thăm đáng nhớ của ngài đên Đất Thánh, “viên ngọc của các công cuộc truyền giáo phan sinh”, cùng với những lời khích lệ quý giá của ngài đã là một biểu hiện mãnh liệt về tình yêu lớn lao của ngài đối với vị Thánh thành Assisi và những con cái của ngài hôm nay. Và cũng như nhiều năm trước đây, người nghèo thành Assisi đã hứa “làm tôi tớ và tùng phục dưới chân” Mẹ Hội Thánh và Đức Giáo hoàng, thì hôm nay cũng vậy con sốt sáng nói lại lời hứa tùng phục và tôn trọng của con, khi nhìn thấy trên khuôn mặt ngài vẻ đẹp của Hội Thánh, Hiền thê Đức Kitô.

Rôma, 13 tháng 2 năm 2013 –ngày Lễ Tro.
José Rodríguez Carballo, ofm
Tổng Phục vụ, OFM
Chủ tịch Liên hiệp Bề trên Thượng cấp
ĐTC: Con thuyền Giáo Hội là của Chúa, Người luôn điều khiển và không để nó chìm.

Linh Tiến Khải   2/27/2013

Con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm. Chính Chúa điều khiển nó, chắc chắn cả qua các người mà Người đã chọn, bởi vì Người đã muốn như thế. Thiên Chúa hướng dẫn giáo Hội, Người luôn đỡ nâng Giáo Hội nhất là trong những lúc khó khăn. Người luôn ở gần chúng ta, Người không bỏ rơi chúng ta, Người ở gần chúng ta và bao bọc chúng ta với tình yêu của Người. Chúng ta đừng bao giờ mất đi quan niệm đức tin này, là quan niệm duy nhất đích thật của con đường của Giáo Hội và của thế giới.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với 170.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung cuối cùng của ngài tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 27-2-2013. Thật thế, buổi tiếp kiến sáng 27-2-2013 đã là buổi gặp gỡ cuối cùng với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong triều đại của ngài, vì vào lúc 20 giờ tối thứ năm 28-2-2013 giờ Roma, Đức Thánh Cha kết thúc nhiệm vụ giáo hoàng. Tông Tòa sẽ trống ngôi, và trong vài ngày nữa, có thể là thứ hai tuần tới đây Đức Hồng Y Nhiếp Chính sẽ chủ sự buổi họp của Hồng Y Đoàn để quyết định ngày khai mạc Mật Nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng mới.

Đáng lý ra trong mùa này buổi tiếp kiến sáng thứ tư diễn ra trong đại thính đường Phaolô VI, nhưng để nhiều tín hữu có thể tham dự buổi gặp gỡ vị Cha chung lần cuối cùng, buổi tiếp kiến đã được tổ chức tại quảng trường thánh Phêrô. Trời Roma trong xanh có nắng ấm rất đẹp, như thể mùa xuân đã bắt đầu. Ngay từ 5 giờ sáng, hàng trăm xe buýt chở các đoàn hành hương từ các giáo phận Italia hay từ các nước khác đã đổ tìn hữu xuống quanh quảng trường thánh Phêrô, để mọi người xếp hàng đi qua các trạm kiểm soát điện tử vào quảng trường. Phủ giáo hoàng đã phân phát 50.000 vé, nhưng số tín hữu tham dự đã lên tới 170.000, đặc biệt có rất đông sinh viên học sinh và các bạn trẻ. Các Đại học giáo hoàng Roma đều cho sinh viên nghỉ để có thể tham dự buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha, và cùng với tín hữu khắp nơi bầy tỏ lòng yêu mến, tình liên đới, sự gắn bó gần gũi và biết ơn ngài, vì những gì Đức Thánh Cha đã cống hiến cho Giáo Hội và cho toàn thế giới trong các năm qua.

Nhiều đoàn tìn hữu mặc áo mầu đồng phục hay có mũ, khăn và cờ để dễ nhận ra nhau. Các đoàn tín hữu đã mang theo rất nhiều cờ, cờ Tòa Thánh cũng như cờ quốc gia, và nhiều biểu ngữ viết tên thành phố của họ và các câu như: ”Cám ơn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI”, ”Ngài luôn luôn là Phêrô và giới trẻ chúng con yêu mến ngài”, ”Thưa Đức Thánh Cha, chúng con yêu mến ngài”, ”Chúng con gần gũi ngài”, ”Luôn luôn với Đức Giáo Hoàng”, ”Can ơn Đức Thánh Cha nhiều lắm” vv...

Sau khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của mình Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã có buổi tiếp kiến chung lần đầu tiên ngày 27 tháng 4 năm 2005. Trong gần 8 năm làm Giáo Hoàng ngài đã có 348 buổi tiếp kiến chung với 5.116.600 tín hữu tham dự. Số tín hữu tham dự đông nhất là vào năm 2006 với 45 buổi tiếp kiến và 1.031.500 người. Trong năm đầu đã có 32 buổi tiếp kiến với 810.000 người tham dự. Các năm khác đã có từ 42 tới tới 45 buổi tiếp kiến với con số tham dự xê xích từ 447.000 tới 729.000 người.

Riêng cho buổi tiếp kiến lịch sử sáng thứ tư 27-2-2013, ban kỹ thuật Tòa Thánh đã dựng thêm 4 màn truyền hình khổng lồ khác để cho các tín hữu đứng ở đường Hòa Giải cũng có thể theo dõi. Hiên diện trong buổi tiếp kiến cuồi cùng sáng 27-2 ngoài khoảng 70 Hồng Y, hàng chục Tổng Giám Mục, Giám Mục, các Đức Ông thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh, hàng ngàn Linh Mục tu sĩ nam nữ các dòng tu và các trường quốc tế, ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, còn có Đại quận công thừa kế Guillaume nước Luxembourg, tổng thống Slovac Ivan Gasparovic và phái đoàn, ông Horst Seehofer, thống đốc bang Bavière Nam Đức và phái đoàn, ông Renato Balduzzi Bộ trưởng Y tế Italia, ông Jorge Fernandez Diaz, Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha, chị Maria Voce, lãnh đạo phong trào Tổ Ấm, Anh Kiko Argello, lãnh đạo phong trào Con đường tna dự tòng, thầy Alois Đan viên trưởng Đan viện đại kết Taizé vv...

Đã có hàng chục đoàn hành hương giáo phận Italia do chính các Tổng Giám Mục và Giám Mục hướng dẫn. Trong các phái đoàn hiện diện củng có một nhóm tín hữu Việt Nam từ Đức.

Trong buổi tiếp kiến hôm qua đã không có nghi thức hôn tay Đức Giáo Hoàng như thường lệ. Nhưng sau đó tại phòng Clemente một só nhân vật quan trọng có thể đến chào Đức Thánh Cha và hôn tay ngài.

Trong suốt mấy tiếng đồng hồ chờ đợi Đức Thánh Cha, các sinh viên học sinh và bạn trẻ đã liên tục gọi tên Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, hát xướng và vỗ tay, trong bầu khí của lễ hội, giống như trong các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Lúc 10 giờ các Đức Ông thuộc Phủ Quốc Vụ Khánh Tòa Thánh đã chào tín hữu và giới thiệu các nhóm tham dự. Khi nghe xướng tên nhóm mình tín hữu, đặc biệt là các bạn trẻ, đã hô to lên.

Lúc 10 giờ 40 xe díp trắng chở Đức Thánh Cha Biển Đức XVI xuất hiện từ phía trái Đền Thờ Thánh Phêrô giữa tiếng vỗ tay của tín hữu, những tràng pháo tay xem ra e dè hơn và đượm một nỗi buồn nào đó. Xe chở Đức Thánh Cha đi một vòng giữa các lối đi ở quảng trường để ngài chào tín hữu, trước khi lên khán đài chính giữa thềm đền thờ thánh Phêrô.

Sau khi Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá khai mạc buổi tiếp kiến, các Đức Ông thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã đọc bài Sách Thánh trích từ chương 1 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôxê, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Mở đầu bài huấn đụ Đức Thánh Cha cám ơn tín hữu đã đến đông đảo như vậy để tham dự buổi tiếp kiến cuối cùng trong triều đại giáo hoàng của ngài. Đức Thánh Cha nói: ”Như tông đồ Phaolô trong văn bản kinh thánh chúng ta vừa nghe, tôi cũng cảm thấy trong tim tôi nhất là phải cám ơn Thiên chúa, là Đấng dẫn dắt và làm cho Giáo Hội lớn lên, là Đấng gieo vãi Lời Người và như thế dưỡng nuôi đức tin Dân Người. Trong lúc này đây tâm hồn tôi nới rộng ra để ôm trong vòng tay toàn thể Giáo Hội rải rác trên thế giới; và tôi cảm tạ Thiên Chúa vì các ”tin tức”, mà trong các năm này của sứ vụ Phêrô tôi đã có thể nhận được liên quan tới niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, và về tình bác ái luân lưu trong Thân Mình của Giáo Hội và khiến cho nó sống trong tình yêu và niềm hy vọng, rộng mở chúng ta và hướng chúng ta tới cuộc sống tràn đầy, tới quê hương trên Trời. Tôi cảm thấy mình mang tất cả mọi người trong lời cầu nguyện, trong một hiện tại là hiện tại của Thiên Chúa, nơi tôi tiếp nhận mọi cuộc gặp gỡ, mọi chuyến du hành và mọi cuộc viếng thăm mục vụ. Tất cả và mọi người tôi đều đón nhận trong lời cầu nguyện để tín thác cho Chúa: để chúng ta am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết tinh thần, và để chúng ta có thể có cung cách hành xử xứng đáng với Người, với tình yêu thương của Người, bằng cách mang lại hoa trái trong mọi việc lành (Cl 1,9-10).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Trong lúc này đây, trong tôi có một sự tin tưởng lớn lao, bởi vì tôi biết chúng ta tất cả đều biết rằng Lời chân lý của Tin Mừng là sức mạnh của Giáo Hội, là sự sống của Giáo Hội. Tin Mừng thanh tẩy và canh tân, đem lại hoa trái, bất cứ nơi đâu cộng đoàn tín hữu biết lắng nghe và tiếp nhận ơn thánh Chúa trong chân lý và sống trong tình bác ái. Đó là sự tin tưởng của tôi, đó là niềm vui của tôi. Ngày 19 tháng Tư cách đây gần 8 năm, khi tôi đã chấp thuận lãnh nhận sứ vụ Phêrô, tôi đã có sự chắc chắn này và nó đã luôn đồng hành với tôi. Trong lúc này đây, cũng như tôi đã nói lên nhiều lần, các lời đã vang lên trong tim tôi: Lậy Chúa, Chúa xin con điều gì? Đây là một gánh nặng lớn mà Chúa đặt lên vai con, nhưng nếu Chúa xin con, thì dựa trên lời Chúa con sẽ thả lưới, chắc chắn rằng Chúa sẽ hướng dẫn con. Và Chúa đã thực sự hướng dẫn tôi, gần gũi tôi, tôi đã có thể nhận thấy hằng ngày sự hiện diện của Người.” Nhìn lại gần 8 năm triều đại giáo hoàng của người Đức Thánh Cha nói: ”Đó đã là một đoạn đường của Giáo Hội, có những lúc vui, có ánh sáng, nhưng cũng có những lúc không dễ dàng. Tôi đã cảm thấy như thánh Phêrô với các Tông Đồ trong con thuyền trên hồ Galilea: Chúa đã cho chúng ta biết bao nhiêu ngày có mặt trời và gió mát hiu hiu, những ngày trong đó đã đánh được đầy cá; nhưng cũng có những lúc trong đó nước động và gió ngược, như trong suốt lịch sử của Giáo Hội và xem ra Chúa ngủ. Nhưng tôi đã luôn luôn biết rằng trong con thuyền ấy có Chúa và tôi đã luôn luôn biết rằng con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm; chính Chúa điều khiển nó, chắc chắn qua cả các người mà Người đã chọn, bởi vì Người đã muốn như thế. Đây đã và hiện là một sự chắc chắn, mà không gì có thể làm lu mờ. Và chính vì thế mà hôm nay tim tôi tràn đầy sự cảm tạ Thiên Chúa, bởi vì Người đã không bao giờ để cho Giáo Hội, và cho cả tôi nữa, phải thiếu sự ủi an, ánh sáng và tình yêu của Người.”

Đề cập tới Năm Đức Tin đang tiến hành Đức Thánh Cha nói: ”Chúng ta đang ở trong Năm Đức Tin mà tôi đã muốn để củng cố đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa, trong một bối cảnh xem ra ngày càng đặt để lòng tin vào hàng thứ yếu. Tôi muốn mời gọi từng người cảm thấy được yêu thương bởi Thiên Chúa, là Đấng đã ban Con Người cho chúng ta và đã cho chúng ta thấy tình yêu vô biên của Người. Tôi muốn từng người cảm thấy niềm vui được là kitô hữu. Có một lời cầu đẹp cần đọc mỗi sáng nói rằng: ”Lậy Thiên Chúa của con, con thờ lậy Chúa, và con yêu mến Chúa với tất cả trái tim con. Con cảm tạ Chúa đã tạo dựng nên con, đã cho con là tín hữu kitô...”. Vâng, chúng ta hài lòng vì ơn đức tin; đó là thiện ích lớn lao nhất, mà không ai có thể lấy mất! Chúng ta cảm tạ Chúa về ơn đó mỗi ngày, với lời cầu nguyện và với một cuộc sống kitô trung thực. Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nhưng cũng chờ đợi chúng ta yêu thương Người!”

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cám ơn các cộng sự viên và mọi thành phần dân Chúa và nói: ”Nhưng trong lúc này tôi không chỉ muốn cảm tạ Thiên Chúa mà thôi. Một Giáo Hoàng không một mình hướng dẫn con thuyền của Phêrô, cả khi trách nhiệm đầu tiên là của người; và tôi đã không bao giờ cảm thấy cộ đơn trong việc mang niềm vui và gánh nặng của sứ vụ Phêrô. Chúa đã đặt bên canh tôi biết bao nhiêu người đã giúp đỡ và gần gũi tôi, với sự quảng đại và tình yêu thương đối với Thiên Chúa và Giáo Hội. Trước hết là anh em, các Hồng Y thân mến: sự khôn ngoan, các lời khuyên và tình bạn của anh em đã rất qúy báu đối với tôi; các cộng sự viện của tôi, bắt đầu là Quốc Vụ Khanh và tất cả các cơ quan trung ương Tòa Thánh, cũng như tất cả những người phục vụ Tòa Thánh trong các lãnh vực khác nhau,: có biết bao khuôm nặt không nổi bật, ở trong bóng tối, nhưng chính trong thinh lặng, trong sự tận tụy hằng ngày, với tinh thấn đức tin và lòng khiêm tốn, đã là một sự nâng đỡ chăc chắn và đáng tin cậy. Một tư tưởng đặc biệt tôi xin gửi tới Giáo Hội Roma, giáo phận của tôi. Tôi không thể quên các anh em trong Hội Đồng Giám Mục và Linh Mục, các người sống đời thánh hiến và toàn thể Dân Chúa: trong các chuyến viếng thăm mục vụ, trong các cuộc gặp gỡ, các buổi tiếp kiến, các chuyyến công du, tôi đã luôn luôn trực giác được sự chú ý lớn lao và lòng trìu mến sâu xa. Tôi cũng đã yêu thương tất cả và từng người một, mà không phân biệt, với tình bác ái mục tử là con tim của mọi Chủ Chăn, nhất là của Giám Mục Roma, của Người Kế Vị Tông Đồ Phêrô. Mỗi ngày tôi đã mang từng người trong anh chị em trong lời cầu nguyện của tôi, với con tim của một người cha.”

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: ”Tôi muốn rằng lời chào và cảm ơn của tôi tới được với tất cả mọi người: trái tim của một Giáo Hoàng mở rộng ra cho toàn thế giới. Và tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi với Ngoại Giao Đoàn cạnh Tòa Thánh, khiến cho đại gia đình của các quốc gia hiện diện. Ở đây tôi cũng nghĩ tới tất cả những ai làm việc cho một sự truyền thông tốt đẹp và tôi xin cám ơn công việc phục vụ của họ. Tới đây tôi muốn thật sự hết lòng cám ơn tất cả mọi người trên thế giới trong các tuần qua đã gửi tới tôi các dấu chỉ cảm động của sự chú ý, tình bạn và lời cầu nguyện. Phải, Giáo Hoàng không bao giờ cô đơn, giờ này tôi còn cảm nghiệm được điều đó một lần nữa đánh động con tim một cách lớn lao như vậy. Giáo Hoàng thuộc về tất cả mọi người, và biết bao nhiêu người cảm thấy họ gần gũi ngài. Có đúng thật là tôi đã nhận được rất nhiều thư của các nhân vật quan trọng trên thế giới - từ các quốc trưởng các nước, từ các vị lãnh đạo tôn giáo, từ các đại diện của thế giới văn hóa vv... Nhưng tôi cũng nhận được rất nhiều thư của những người đơn sơ viết cho tôi một cách dơn sơ từ trái tim của họ, và khiến cho tôi cảm thấy lòng thương mến của họ, nảy sinh từ việc cùng nhau ở với Chúa Giêsu Kitô, trong Giáo Hội. Các người này không viết cho tôi, ví dụ như viết cho một ông hoàng hay cho một người lớn mà họ không quen biết. Họ viết cho tôi như các anh chị em hay như con cái, với ý thức về một mối dây gia đình rất yêu mến. Ở đây người ta có thể sờ mó được bằng tay Giáo Hội là gì - không phải là một tổ chức, một hiệp hội, có các mục đích tôn giáo hay nhân đạo, nhưng là một thân thể sống động, một sự hiệp thông giữa các anh chị em với nhau trong Thân Mình của Chúa Giêsu Kitô, là Đấng hiệp nhất tất cả chúng ta. Sống kinh nghiệm Giáo Hội trong kiểu này, và hầu như có thể sờ mó được bằng tay sức mạnh chân lý và tình yêu của nó, là lý do vui sướng, trong một thời đại, trong đó biết bao nhiêu người đang nói về sự suy tàn của Giáo Hội.”
Đề cập tới quyết định từ nhiệm của ngài Đức Thánh Cha Biển Đức XVI giải thích như sau: ”Trong các tháng cuối cùng này, tôi đã cảm thấy sức lực của tôi giảm sút, và trong lời cầu nguyện tôi đã nài nỉ Thiên Chúa, soi dẫn cho tôi với một ánh sáng của Người để làm cho tôi lấy một quyết định đúng đắn hơn, không phải cho thiện ích của tôi, nhưng cho thiện ích của Giáo Hội. Tôi đã đi bước này trong ý thức tràn đầy về sự nghiêm trọng và cũng mới mẻ của nó, nhưng với một sự thanh thản sâu xa trong tâm hồn. Yêu thương Giáo Hội cũng có nghĩa là can đảm có những lựa chọn khó khăn, đau khổ, nhưng luôn luôn có trước mắt thiện ích của Giáo Hội, chứ không phải của chính mình.
Ở đây xin cho phép tôi trở lại ngày 19 tháng 4 năm 2005 một lần nữa. Sự nghiêm trọng của quyết định cũng đã là ở nơi sự kiện từ lúc đó trở đi tôi đã được luôn luôn và vĩnh viễn dấn thân bởi Chúa. Luôn luôn - ai lãnh sứ vụ Phêrô thì không còn có sự tư riêng nào nữa. Người ấy luôn luôn và hoàn toàn thuộc về tất cả mọi người, thuộc về toàn thể Giáo Hội. Như thể nói rằng chiều kích riêng tư bị lấy mất khỏi cuộc sống người ấy. Tôi đã kinh nghiệm và tôi đang trải nghiệm điều đó giờ đây, rằng một người nhận lấy cuộc sống chính khi cho nó đi. Trước đây tôi đã nói rằng nhiều người yêu mến Chúa thì cũng yêu mến Người Kề Vị Thánh Phêrô và cũng trở thành trìu mến đối với ngài; rằng Giáo Hoàng thật sự có các anh chị em, con cái nam nữ trên toàn thế giới, và rằng ngài cảm thấy an toàn trong vòng tay sự hiệp thông của họ; bởi vì ngài không thuộc về chính mình nữa, nhưng thuộc về tất cả mọi người và tất cả mọi người thuộc về ngài.”
Đức Thánh Cha giải thích thêm ý nghĩa sự kiện ”luôn luôn” như sau: ”Sự ”luôn luôn” cũng là một sự ”vĩnh viễn” - không còn có việc trở lại sự riêng tư nữa. Quyết định của tôi từ bỏ việc tích cực thi hành sứ vụ không thu hồi điều này. Tôi không trở lại đời sống tư, một đời sống gồm các cuộc du hành, các cuộc gặp gỡ, tiếp kiến, diễn thuyết vv... Tôi không từ bỏ thập giá, nhưng tôi ở lại trong một cach thức mới mẻ gần Chúa bị đóng đanh. Tôi không mang quyền bính của nhiệm vụ cai quản Giáo Hội nữa, nhưng như để nói rằng trong việc phục vụ cầu nguyện tôi ở bên trong ranh giới của thánh Phêrô. Thánh Biển Đức, mà tôi mang tên như Giáo Hoàng, sẽ là gương sáng vĩ đại cho tôi trong điều này. Người đã chỉ cho chúng ta thấy con đường cho một đời sống, mà tích cực hay thụ động, hoàn toàn tùy thuộc vào công trình của Thiên Chúa.
Tôi xin cám ơn tất cả và từng người một, cả về sự tôn trọng và cảm thông mà với chúng anh chị em đã tiếp nhận quyết định quan trọng này. Tôi sẽ tiếp tục đồng hành với con đường của Giáo Hội bằng lời cầu nguyện và suy tư, với sự tận tụy đối với Chúa và Hiền Thê của Người, mà tôi đã tìm cách sống cho tới giờ này mỗi ngày, và tôi muốn sống nó luôn mãi. Tôi xin anh chị em nhớ tới tôi trước mặt Thiên Chúa, và nhất là cầu nguyện cho các Hồng Y, được mời gọi cho một nhiệm vụ lớn lao như vậy, và cho Người Kế Vị mới của Tông Đồ Phêrô: xin Chúa đồng hành cùng ngài với ánh sáng và sức mạnh của Thần Khí Người.

Chúng ta hãy khẩn nài sự bầu cử hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, để Mẹ đồng hành với từng người trong chúng ta và toàn thể cộng đoàn giáo hội; Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ với lòng tin tưởng sâu xa. Các bạn thân mến! Thiên Chúa hướng dẫn giáo Hội, Người luôn đỡ nâng Giáo Hội, cả và nhất là trong những lúc khó khăn. Chúng ta đừng bao giờ mất đi quan niệm đức tin này, là quan niệm duy nhất đích thật của con đường của Giáo Hội và của thế giới. Ước chi trong con tim chúng ta, trong con tim của từng người trong chúng ta, luôn có sự chắc chắn tươi vui rằng Chúa ở gần chúng ta, Người không bỏ rơi chúng ta, Người ở gần chúng ta và bao bọc chúng ta với tình yêu của Người. Xin cám ơn anh chị em!” Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha đã bị cắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay của tín hữu.

Khi Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ, các Hồng Y và mọi người đã đứng lên vỗ tay rất lâu. Đức Thánh Cha cũng đứng lên đáp lễ. Tiếp đến Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Phàp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, A rập, Ba Lan, Croat, Tchèques, Slovac, Rumani và tiếng Ý.

Chào các tín hữu Italia Đức Thánh Cha nói: ”Các bạn thân mến, tôi xin cám ơn sự tham dự đông đảo của các bạn trong buổi gặp gỡ này, cũng như lòng thương mến của các bạn và niềm vui của đức tin. Đó là các tâm tình mà tôi xin hết lòng đổi lại bằng cách bảo đảm với các bạn lời cầu nguyện của tôi cho các bạn hiện diện nơi đây, cũng như cho thân bằng quyến thuộc và những người thân thiết của các bạn.

Ngỏ lời với người trẻ Đức Thánh Cha xin Chúa đổ tràn đầy tình yêu của Người trong tim họ để họ sẵn sàng hăng hái theo Chúa. Đức Thánh Cha xin Chúa nâng đỡ các người đau yếu để họ chấp nhận gánh nặng của khổ đau với sự thanh thản. Và ngài xin Chúa hướng dẫn các cặp vợ chồng mới cưới biết làm cho gia đình họ lớn lên trong sự thánh thiện.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Lúc 11 giờ sáng thứ năm 28-2-2013 Đức Thánh Cha gặp các Hồng Y hiện diện tại Roma trong phòng Clemente để chào từ biệt các vị. Vào lúc 5 giờ chiều ngài lấy trực thăng đi Castel Gandolfo. Vào lúc 5 giờ rưỡi chiều ngài ra bao lơn dinh nghỉ mát Castel Gandolfo đễ chào tín hữu thành phố. Đây cũng là lần xuất hiện cuối cùng trong tư cách là Giáo Hoàng Roma. Vì từ lúc 8 giờ tối sau đó ngài không còn giữ chức Chủ Chăn Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ nữa. Tuy vẫn tiếp tục được gọi là Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, hay Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI, hay Đức Nguyên Giáo Hoàng, nhưng Đức Ratzinger sẽ chỉ mặc áo chùng trắng, không có mảnh áo khoác ngắn trên vai, không có nhẫn Giáo Hoàng, vì nhẫn này sẽ bị phá hủy, và cũng không mang giầy mầu đỏ. Cũng từ lúc 8 giờ tối thứ năm 28-2-2013 đội cận vệ Thụy Sĩ tại Castel Gandolfo chấm dứt nhiệm vụ và giao quyền lại cho đội Hiến Binh Vaticăng. Đức Ratzinger sẽ cư ngũ tại Castel Gandolfo vài tháng trước khi về sống trong tu viện của các nữ tu dòng kín được tu sửa lại, tại nội thành Vaticăng trong thinh lặng và cầu nguyện. Cùng hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Biển Đức XVI, cho Giáo Hội, và cho Hồng Y Đoàn sắp nhóm Mật Nghị. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng để các vị bầu vị Tân Giáo Hoàng theo ý Chúa muốn.
Các giáo phụ
và những nhà Cải Cách của Tin lành
đã nói gì về Ðức Mẹ
 
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
 
A. Các giáo phụ và những nhà Cải Cách của Tin lành đã nói gì về Ðức Mẹ Ðồng Trinh:
1. Các Giáo Phụ đã bảo vệ Ðức Ðồng Trinh trọn đời của Ðức Mẹ:
a. Thánh Athanasiô: Ngài dẫn đầu cuộc chiến chống lại bè rối Ariô, Ngài rất được giáo phái Tin lành kính trọng. Trong cuốn những bài chống lạc thuyết Ariô, Ngài đã minh nhiên xưng tụng Ðức Mẹ trọn đời đồng trinh. Ngài lưu ý tước hiệu này là do tuyệt đại bộ phận các Kitô hữu dâng tặng cho Ðức Mẹ, đó không phải là sự việc mới lạ và chẳng cần biện hộ. Chúng ta có thể trích dẫn câu nói bất hủ trong tác phẩm của Thánh Athanasiô: "Những ai phủ nhận Chúa Con, vốn bản tính bởi Chúa Cha và đích thực mang bản thể Chúa Cha, thì người ấy cũng phủ nhận Chúa Con mang xác phàm nhục thể từ nơi Ðức Maria, vốn trọn đời đồng trinh." (Discourses against the Arians 2, 70).
b. Vào cuối thế kỷ thứ bốn: khi Helvidius đưa ra các chất vấn về Ðức đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ, các Giáo phụ đã phản ứng cực kỳ gắt gao. Thánh Giêrônimô đã mạnh mẽ trước tác để bênh vực với tác phẩm: "Ðức đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ chống lại Helvidius, lên án những lời giảng dạy theo trào lưu mới và khuynh hướng ủng hộ dị giáo của ông ta". Cả hai thánh Augustinô và Ambrôsiô cực lực bảo vệ đức đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ. Thánh Augustinô gọi Ðức Mẹ là: Trinh nữ thụ thai, Trinh nữ cưu mang, Trinh nữ chứa con trong dạ, Trinh nữ sinh con, Trinh nữ vĩnh viễn đồng trinh trọn đời!
Như vậy các giáo phụ đã minh nhiên khẳng định: Ðức Mẹ đồng trinh trước khi sinh con, đang khi sinh con và sau khi sinh con vẫn hằng mãi mãi đồng trinh.
2. Các nhà Cải cách của Tin lành bênh vực tước hiệu trọn đời đồng trinh của Ðức Mẹ:
Chúng ta có thể nói ngay rằng Giáo phái Tin lành, kể cả các người sáng lập cũng đã mạnh mẽ ủng hộ học thuyết này:
Luther: "Chủ đề của niềm tin rằng Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, vẫn còn đồng trinh... chúng tôi tin Ðức Kitô sinh bởi cung lòng còn vẹn tuyền không tỳ ố. (Works of Luther, vol. 11, pages 319-320; vol. 6, pages 510)
Calvin: " Có một số người nào đó đã muốn đề cập đến đoạn Tin mừng của Thánh Matthêu (Matthêu 1,25) rằng đức Nữ Trinh Maria, ngoài Ðức Giêsu Con Thiên Chúa, còn có những người con khác, và rằng Thánh Giuse sau đó đã ăn ở với bà, nhưng thật là ngu muội! Vì tác giả Phúc âm chẳng muốn ghi lại điều gì xảy ra sau đó. Tác giả chỉ đơn thuần muốn xác minh đức vâng lời của Thánh Giuse, và chỉ cho ta thấyThánh Giuse rất tỉnh táo, và để xác thực rằng chính Chúa đã sai sứ thần của Người đến với Ðức Maria. Vì thế, Thánh Giuse chẳng khi nào ăn ở với bà, và cũng chẳng chung sống cùng bà... Ngoài điều này ra, Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta được gọi là con đầu lòng. Ðó chẳng phải vì còn đứa con thứ hai, thứ ba; đó chẳng qua vì tác giả Tin mừng chú trọng đến quyền ưu tiên. Do Thánh kinh chỉ đếm xỉa đứa con đầu lòng, bất luận đứa thứ hai có hay không cũng chẳng hỏi tới." (Calvin: Sermon on Matthew 1: 22-25, published in 1562).
Zwingli: "Tôi vững tin rằng Ðức Maria, theo lời Phúc âm, với tư cách một trinh nữ, đã sinh hạ cho chúng ta người Con Của Thiên Chúa, và trong khi sinh con, sau khi sinh con vẫn còn đồng trinh không vương tì ố đến muôn đời." (Zwingli Opera, vol. 1, page 424).
Ðể kết luận, chúng ta hãy cầu xin Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Ðồng Trinh, xin Mẹ cho chúng ta mỗi ngày thâm cảm sâu xa hơn khi nhận biết tình yêu vô biên của Thiên Chúatrong chương trình cứu độ. Chính vì loài nguời mà Chúa đã làm những điều kỳ diệu nơi Ðức Mẹ. " Ôi! Mẹ Chúa Giêsu, cũng là Mẹ của con, Ðấng trọn đời Ðồng Trinh vinh hiển! Xin hãy nhớ đến con bây giờ và trong giờ sau hết. Amen".
 
B. Cầu xin với Ðức Mẹ hay là xin Ðức Mẹ cầu bầu:
Chúng ta cần giải toả cho nhau một vấn nạn trước, nhiên hậu mới có thể chia sẻ cảm thông dễ dàng được. Vấn nạn "tại sao người công giáo cầu xin với Ðức Mẹ trong khi Thánh kinh nói Chúa Giêsu là Ðấng "trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người" (Timotê 2: 5)?" Xin thưa: mọi lời cầu nguyện đều có một đối tượng để nhắm tới là Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện với Ðức Mẹ, thực sự là chúng ta cầu cùng Chúa qua Ðức Mẹ. Chúng ta xin Ðức Mẹ cầu thay nguyện giúp và trình bày những thỉnh nguyện của chúng ta lên Chúa. Chúng ta hãy nhớ vua Salomon đã hứa chẳng từ chối bất cứ yêu cầu nào của hoàng thái hậu Bethshêba, mẹ của vua. Cũng vậy, vua các vua chẳng từ chối bất cứ điều gì mà Ðức Maria, bà Chúa quyền thế tuyệt trần, Mẹ của Ngài thỉnh cầu, ngay cả trong tình huống khó khăn tế nhị nhất như tại tiệc cưới Cana. Như vậy, cầu nguyện với Ðức Mẹ thực ra là xin Ðức Mẹ chuyển cầu, điều này hoàn toàn chính đáng dựa vào những lý do sau đây:
1. Dựa vào ý nghĩa:
Lời chuyển cầu của Ðức Mẹ hoàn toàn phụ thuộc và tùy vào trung gian chuyển cầu của Chúa Giêsu. Chúng ta nên biết Thánh Phaolô, trong thư gửi cho Timothê (Tim 2: 1-8) lệnh cho các Kitô hữu cầu thay nguyện giúp cho nhau. Ðiều này không có nghĩa là chạy vòng ngoài nhưng là xuyên qua sự trung gian của Chúa Giêsu. Bởi vì Chúa Giêsu là trung gian giữa đất với trời, thì chúng ta, những phần tử của thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô, chúng ta cũng đủ năng lực liên kết với Ngài như là những trung gian cộng sự. Nhưng tại sao chúng ta lại đặt trọng tâm vào sự chuyển cầu của Ðức Mẹ? Vì chúng ta biết lời bầu cử của Ðấng thánh có trọng lượng thế giá vô song (Giacôbê 5:16). Ðức Mẹ là Ðấng Thánh siêu phàm nhất của Thiên Chúa: Mẹ là Ðấng đầy ân sủng, Mẹ giữ vị trí giữa Thiên Chúa và các thụ sinh của Ngài; Mẹ là Ðấng Ðồng công với Chúa Giêsu trong việc giao hoà giữa Thiên Chúa và nhân loại; nhờ Mẹ, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại kho tàng ơn cứu độ là Chúa Giêsu. Mẹ nắm giữ kho tàng ấy, nên Mẹ là Ðấng phân phát những ân sủng của Thiên Chúa ban xuống con cái của Ngài. Tất nhiên khi nói đến kho tàng ân sủng hay là máng thông ơn Thiên Chúa, chúng ta không hiểu "kho" hay "máng" theo nghĩa đen, vì Mẹ là Từ mẫu của chúng ta trên bình diện siêu nhiên. Mẹ biết rõ những nhu cầu và ước vọng của chúng ta, nên khi cầu xin, chúng ta không cần phải minh nhiên phân trần: "con cầu xin Mẹ đây là con có ý xin Mẹ bầu cử". Bởi vì, dù chúng ta có phân biệt như thế hay không, thì bất cứ ơn gì chúng ta nhận được cũng đều qua Mẹ, như chúng ta sẽ thấy sau đây.
2. Dựa vào huấn quyền của Giáo Hội:
Ðáng kể nhất là lời tuyên bố của Ðức Giáo Hoàng Leô XIII: "Có thể xác quyết một cách chân thực rằng, do Thánh ý Thiên Chúa, tuyệt đối không một phần nào trong kho tàng ân sủng mà Chúa Giêsu đã sắm, được ban cho chúng ta mà không qua Ðức Maria. (Tông thư Octobri mense ngày 22-9-1891). Tất cả các Ðức Giáo hoàng kế vị đều nhắc lại điệp khúc ấy bằng cách này hay cách khác. Trong công đồng Vaticanô II, vai trò trung gian của Ðức Mẹ đã trở thành một đề tài được thảo luận sôi nổi. Nhiều Giám Mục ủng hộ việc tuyên bố giáo lý này thành một tín điều đức tin. Ngược lại, một số vị không đồng ý. Các vị này trích dẫn lời Thánh Phaolô: "Chỉ có một Ðấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, đó là Ðức Giêsu Kitô". Nhưng các vị đã quên rằng cũng chính thánh Phaolô, trong một nơi khác đã gọi Môsê cũng là một người trung gian. (Gl 3:19). Cuối cùng, để dung hoà giữa phe bênh và phe chống, công đồng đã đưa ra những lời này: "Vì thế, trong Giáo Hội, Ðức Maria được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng sư, Vị bảo trợ, Ðấng phù hộ, và Ðấng Trung gian. (LG 62). Công đồng nhấn mạnh rằng: "Phải hiểu các tước hiệu ấy thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Ðấng trung gian duy nhất." Liền sau đó, chúng ta lại có lời tuyên bố rất ý nghĩa này: "Sự trung gian duy nhất của Ðấng Cứu Thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ sinh cộng tác, trong sự tuỳ thuộc vào nguồn mạch duy nhất." (LG 62). Thực sự, các thiên thần, các thánh và các tư tế thời Tân ước được coi như những vị trung gian theo ý nghĩa xác thực nhưng mang tính cách tuỳ tòng.
Kết luận:
Mỗi khi chạy đến cầu nguyện nấp bóng Ðức Mẹ, chúng ta có quyền hy vọng, cậy trông, vì Mẹ là Ðấng trung gian mọi ơn. Hơn nữa, Mẹ là Mẹ hay thương xót, chắc chắn Mẹ chẳng bỏ lời cầu xin của chúng ta. Thực ra, Mẹ chỉ thi hành nhiệm vụ của Mẹ, nói cho cụ thể, Mẹ sẽ cầu bầu cùng Chúa cho ta. Vì Mẹ là người bầu chủ hay là người đứng nhận trách nhiệm can thiệp, tức là bảo lãnh xin dùm. Vậy lạy Mẹ: "đến sau cõi đầy, xin Mẹ cho con được thấy Ðức Chúa Giêsu con lòng Mẹ gồm phúc lạ. Ôi nhân thay! khoan thay! dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen".
 
C. Phải hiểu cho đúng việc tôn sùng Ðức Mẹ và việc tạc vẽ ảnh tượng của người Công giáo như thế nào?
Một số đông anh em Tin Lành không hiểu rõ ý nghĩa việc người Công giáo tôn kính Ðức Mẹ Maria một cách đặc biệt, nên có một số người đã quá găy gắt bình phẩm rằng người Công giáo qùy xụp lạy trước tượng Ðức Mẹ có khác nào như thể đang thờ ngẫu tượng! Và họ còn lên án rằng người Công giáo không biết phân biệt giữa Thiên Chúa tối cao và ảnh tượng gỗ đá do con người tạo ra, vậy sự kiện này có thực sự đúng không?
Thưa không. Bởi vì, chẳng hạn người Tin lành cũng từng ôm hôn cây Thánh giá hoặc cuốn Kinh thánh, nhưng có ai dám nói họ đang hôn gỗ, hôn giấy không? Ðiều quan trọng chúng ta phải ghi nhớ là Sách thánh hay Thánh giá được ôm hôn kia là để tưởng niệm Ðức Giêsu và công trình cứu độ của Ngài. Cũng vậy, những hình ảnh của các vị thánh hiển vinh của Thiên Chúa được sùng kính là để nhắc nhớ chúng ta về gương mẫu của các vị thánh đã tận hiến đời mình để đáng được công nghiệp cứu chuộc của Ðức Giêsu.
1- Quỳ trước tượng Ðức Mẹ không phải là thờ lạy:
Người Công giáo không nghĩ rằng họ đang "thờ lạy" Ðức Mẹ khi họ quỳ trước các ảnh tượng của Ðức Mẹ. Họ chỉ tôn kính Ðức Mẹ và qua Ðức Mẹ, họ thờ phượng Thiên Chúa, và Chúa Giêsu. Ðể cứu rỗi nhân loại, Thiên Chúa đã muốn cho Con của Ngài sinh bởi Ðức Mẹ đồng trinh, vì thế, người công giáo biệt tôn Ðức Mẹ trên hết các thần thánh, nhưng không vì thế mà biến việc tôn kính thành tôn thờ. Có người hỏi: "Thế nhưng tại sao người công giáo lại mộ mến Ðức Mẹ một cách say sưa như thể Ðức Mẹ là ngôi vị "thứ tư" trong ba ngôi Thiên Chúa? Xin thưa: người Công giáo, nhất là công giáo Việt nam say sưa yêu mến Ðức Mẹ một cách rất đặc biệt. Thiên Chúa chọn Ðức Mẹ và ban cho Ðức Mẹ vinh dự vô cùng lớn lao được làm Mẹ Thiên Chúa; vì Ðức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu. Ðức Mẹ còn là Mẹ nhân loại. Chính Chúa Giêsu yêu kính Mẹ của Ngài một cách hoàn hảo. Chúng ta được kêu gọi để bắt chước những gì Chúa Giêsu đã làm khi thực thi giới răn thứ bốn là: "Các ngươi phải thảo kính cha mẹ". Lòng thảo kính đặc biệt ấy không phải là sự tâng bốc muốn đưa Ðức Mẹ lên ngang hàng với ngôi vị Thiên Chúa. Lòng thảo kính ấy đã được chính Chúa Giêsu cổ võ.
2- Phải hiểu cho đúng ý nghĩa việc tạc vẽ ảnh tượng:
Có người trưng đoạn sách Xuất hành (Xh 20:4-5) nói rằng Thiên Chúa đã cấm tạc tượng, vẽ hình, thế mà người công giáo còn tạc tượng Ðức Mẹ, như vậy là vi phạm luật Chúa?
Thưa: - Thiên Chúa cấm làm hình tượng với mục đích thờ lạy hình tượng thay vì thờ lạy Thiên Chúa. Vì dân chúng dưới thời Môsê thích tạc ngẫu tượng để thờ, nên Chúa đã truyền lệnh cấm ấy. Thế mà sau đó, chúng đã đúc bò vàng để thờ thay vì thờ Chúa khiến Chúa nổi giận (Xuất hành 32: 7-10). Nhưng Chúa đâu có cấm tạc vẽ ảnh tượng nói chung. Trong sách Xuất hành (Xh 25: 18-19). Chúa truyền cho Môsê làm các tượng thần Chêrubim. Trong sách Dân số, Chúa nói với Môsê đúc con rắn đồng. Người Do thái tạc rất nhiều hình tượng trong đền thờ của họ gồm thiên thần, bò lừa, sư tử, các cây cọ, chà là, hoa lá (Sách các Vua, quyển 1, đoạn 6 và 7). Có lẽ ở nhà, chúng ta để hình ảnh của người thân trong phòng khách; lúc đi đường còn mang theo trong ví, trong bóp, hình ảnh những người yêu dấu ấy. Ðấy là những hình tượng do con người làm nên. Có phải chúng ta thờ phượng các ảnh tượng đó khi chúng được dùng như biểu tượng nhắc nhở mối liên hệ thâm sâu giữa ta với người trong ảnh tượng? Không! Thế thì cũng một nguyên tắc ấy được ứng dụng trong việc tôn kính trước các ảnh tượng. Hình tượng Ðức Mẹ được trang trọng đặt trên bệ, trên đài là vì lòng mộ mến, tôn kính Ðức Mẹ một cách rất đặc biệt của người công giáo. Qua hình tượng Ðức Mẹ, người công giáo lúc nào cũng quy hướng tâm hồn về Thiên Chúa tối cao để thần phục, tôn thờ. Người công giáo chỉ dùng những hình tượng Ðức Mẹ, các Thánh và các Thiên thần của Thiên Chúa để nhắc nhở cho mình những nhân đức và hành vi thánh thiện của thánh nhân đáng tôn kính mà các ảnh tượng kia biểu hiện.
Lạy Mẹ Maria, con của Mẹ còn nơi dương gian, giữa chốn ba đào hiểm nguy, xin Ðức Mẹ thương con và cầu bầu cùng Chúa Giêsu cho con. Amen!
 
D. Thắc mắc về tước hiệu Mẹ Thiên Chúa trong các anh em Tin lành:
Lịch sử giáo Hội cho thấy tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Ðức Maria vẫn được mọi người chấp nhận. Tới năm 429, Giám mục Nestoriô dấy lên lạc thuyết nói rằng Chúa Giêsu có hai ngôi vị riêng biệt, và Ðức Maria chỉ là Mẹ của ngôi vị loài người mà thôi. Năm 431, lạc thuyết này bị công đồng Ephêsô lên án và không còn thấy tái hiện trong Kitô giáo cho tới sau thời kỳ giáo phái Tin Lành ra đời. Sự kiện có những anh em Tin lành không nhìn nhận Ðức Maria là Mẹ của Thiên Chúa là một sự xa rời căn bản của Kinh thánh và các Giáo phụ. Bởi vì điều ấy hàm ý rằng Chúa Giêsu chẳng phải là Thiên Chúa hoặc là nơi Ngài có hai ngôi vị riêng biệt.
1- Sự cần thiết nêu lên những lý chứng:
Anh em Tin lành viện lẽ rằng Ðức Maria chẳng có thể tạo ra Thiên tính của Chúa Giêsu, vậy Ðức Mẹ không thể được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Ðây là một sai lầm nghiêm trọng. Vì Chúa Giêsu là một ngôi vị duy nhất (Công đồng Ephêsô, x Denziger-Schonmetzer 250). Chúng ta nói một kẻ được sinh ra, mà không nói bản tính được sinh, hay thân xác được sinh. Chẳng hạn, cha mẹ không sinh ra linh hồn chúng ta, vì chúng ta lãnh nhận linh hồn trực tiếp từ Thiên Chúa, cha mẹ chỉ sinh chúng ta phần xác. Thế nhưng người ta không nói "mẹ tôi chỉ sinh ra thân xác tôi", mà nói "mẹ tôi sinh ra tôi".
2- Cần nêu chứng từ của Kinh thánh:
Có rất nhiều đoạn cho chúng ta biết Chúa Giêsu là Chúa. Phúc âm Matthew (Mat 1: 23) ( nhắc lời tiên tri Isaia) nói danh hiệu Ðấng Cứu thế là Emmanuel, nghĩa là "Chúa ở với chúng tôi". Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galata: "Ðến thời gian viên mãn, Chúa đã sai Con của Ngài, sinh bởi người nữ, sinh dưới chế độ lề luật" (Gal 4,4). Luca cũng cho biết: "Con trẻ được sinh ra, sẽ được gọi là Ðấng Thánh, là Con Thiên Chúa( Lc 1: 35). Bà Isave cũng nói: "Mẹ của Chúa tôi". Chữ "Chúa tôi" đối với dân Do thái chỉ để quy về Thiên Chúa (Luc 1: 43).
3- Anh em Tin lành đồng ý Ðức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu:
Mặc dù anh em Tin lành không nhìn nhận Ðưc Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng họ đồng ý Ðức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu: Chúng ta biết, Con Thiên Chúa nhập thể không có nghĩa một phần là Thiên Chúa, một phần là người. Nếu hiểu như vậy thì hoá ra một nửa Chúa Giêsu là Chúa, một nửa kia là người pha trộn với nhau. Thế nhưng Chúa Giêsu không phải là sự pha trộn giữa hai bản tính thần linh và nhân loại. (Sách GLCG số 464 a). Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật trong một ngôi duy nhất là ngôi thứ hai. Trong suốt những thế kỷ đầu tiên để chống lại các lạc thuyết, nhất là lạc thuyết Nestoriô, Hội Thánh đã phải bảo vệ và minh giải chân lý đức tin này: "Thiên Chúa làm người, đã làm người mà vẫn thật sự là Thiên Chúa" (Sách GLCG 464b và 468).
4- Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ:
Ðức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu là một ngôi vị duy nhất, bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại không thể tách rời nhau, như công đồng Êphêsô đã tuyên xưng: "Ngôi Lời đã làm người khi kết hợp trong ngôi vị mình một thân xác do một linh hồn làm cho sống động. Nhân tính của Chúa Giêsu không có một chủ thể nào khác ngoài ngôi vị thần linh của Con Thiên Chúa, Ðấng từ lúc tượng thai đã nhận lấy nhân tính ấy làm của mình... vì thế chúng ta nói: "Ngôi Lời đã sinh ra làm người". (Denzinger-Sconmetzer: Tuyển tập các tín biểu, các Ðịnh tín, Sách GLCG số 466 trích dẫn). Cuối cùng, công đồng Ephêsô năm 431 công bố rằng: "Ðức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ"
5- Học hỏi trong tương lai:
Chúng ta sẽ có dịp đề cập tới các Giáo phụ và các nhà Sáng lập của Tin lành đã xác lập quả quyết rằng: Ðức Maria là Mẹ của Thiên Chúa. Như vậy hy vọng chúng ta và anh em Tin lành càng có nhiều lý chứng rất đáng thuyết phục.
Ôi Mẹ Thiên Chúa, "Ðấng đầy ơn sủng, Ðức Chúa ở cùng Bà"(Lc 1: 28). Xin cho con được chia sẻ một phần phúc lộc của Mẹ, để con đáng được Chúa Giêsu thương đến! Amen.
 
E. Tin Lành Toàn Thống và sự khác biệt về Giáo lý liên quan đến Ðức Mẹ như thế nào?
Giáo lý đích thực đã được thánh Công đồng Vaticanô II đề cập trong Hiến chế Giáo Hội, (GH 67), những khác biệt về giáo lý với các anh em ly khai Tây Phương (Sắc lệnh HN 20), trong đó vấn đề tranh luận liên quan đến Ðức Maria ảnh hưởng sâu sắc đến phương diện tình cảm, là lý do của mối lo âu đại kết (Philibert Zobel, Dictionary of Mary, bản Việt ngữ của Ngọc Ðính C.M.C p140). Trươc hết, chúng ta cùng tìm hiểu một trong các điểm khác biệt quan trọng về Giáo lý giữa anh em Tin lành Toàn Thống (Fundamentalis) và Giáo Hội Công giáo:
- Phía anh em Tin lành:
Bắt đầu thời Cải cách, anh em Tin lành đã đưa ra lý thuyết duy Kinh thánh " Sola Scriptura" (Lat: by Scripture alone). Mỉa mai thay, định đề này lại chẳng có trong Kinh thánh. Ðể cho định đề duy Kinh thánh đứng vững, chúng ta đưa ra ví dụ nói rằng: "Ðức tin chỉ căn cứ vào Kinh thánh là đầy đủ", không cần dựa vào Huấn quyền của Giáo hội và không cần Thánh truyền. Thế nhưng thuyết Duy Kinh thánh đã không chứng minh được tìm thấy trong Kinh thánh. Kinh thánh không khẳng định chỉ Duy Kinh thánh là quy luật đầy đủ cho Ðức tin của các Kitô hữu. (Patrick Madrid: Where is that in the Bible: authority of the Church, page 39, Our Sunday Visitor Publishing)
- Phía Giáo Hội công giáo:
Ðưa ra những chứng cứ qủa quyết sự quan trọng gồm phẩm trật Giáo Hội, Thánh truyền và Huấn quyền của Giáo Hội: Matthêu 16: 18-19: "Trên đá này Thày sẽ xây Hội Thánh của Thày... Thày sẽ trao cho con chìa khoá nước Trời, sự gì con cầm buộc dưới đất, trên Trời cũng cầm buộc, sự gì con cởi mở dưới đất, trên Trời cũng cởi mở." Matthêu: 18: 17-18: "Nếu nó chẳng nghe lời Hội Thánh, hãy kể nó như một người ngoại và một người thu thuế, thật, Thày nói thật cho anh em, dưới đất, anh em cầm buộc điều gì, trên Trời cũng cầm buộc như vậy, dưới đất, anh em tháo cởi điều gì, trên Trời cũng tháo cởi như vậy". Luca: 10: 16: "Ai nghe anh em là nghe Thày, mà ai khước từ anh em là khước từ Thày, mà ai khước từ Thày là khước từ Ðấng đã sai Thày". Trong Cựu ước, chúng ta còn tìm thấy lời cảnh cáo cho những ai khước từ thẩm quyền giảng dạy của các tư tế là những người Chúa trao thẩm quyền cắt nghĩa lề luật và truyền đạt lời Chúa một cách chính thức. (x Lêvi 20: 1-27, 25: 1-55). Trong sách Ðệ nhị luật: 17: 11-13: "Căn cứ vào lời các tư tế chỉ giáo cho anh em, và vào bản án họ công bố cho anh em, anh em sẽ hành động đúng như lời họ thông báo cho anh em, không đi trệch bên phải bên trái. Người nào cả gan không nghe vị tư tế chầu chực ở đó để phụng sự Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hay không nghe vị Thẩm phán, thì sẽ phải chết."
Qua những đoạn Kinh thánh kể ra trên đây, Thiên Chúa thiết lập Huấn quyền của Giáo hội với thẩm quyền dạy dỗ (x Matt. 28: 20), cắt nghĩa Kinh thánh (x TDCV 2:14-36) cầm buộc và tháo cởi (Matt. 18; 18; TDCV 15: 28-29).
- Thuyết Duy Kinh thánh và những Tín điều về Ðức Maria:
Lập trường của hai phía Tin lành và Công Giáo trong Tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên trời và Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội khác biệt nhau: Anh em Tin lành chủ trương chỉ có những gì trong Thánh kinh mới trở thành niềm tin cho các Kitô hữu. Ðó là điểm gây bất đồng giữa anh em Tin lành và Giáo hội Công giáo. Anh em Tin lành nói hai Tín điều nêu trên không được mạc khải trong Kinh thánh, vì vậy không thể chấp nhận được. Nhưng Giáo hội Công giáo nại vào Thánh truyền như nguồn phù trợ cho Thánh kinh. Chỉ có Thánh kinh mà thôi thì chưa đủ (Vat. II, hiến chế MK 98). Thánh kinh và Thánh truyền do các Thánh Tông đồ được Giáo hội Công giáo coi như quy luật tối cao hướng dẫn đức tin (MK 21).
Sự khác biệt về Giáo lý kể trên đã làm nảy sinh các vấn nạn khác của anh em Tin lành về Ðức Maria. Những vấn nạn ấy sẽ được lần lượt đề cập trong những bài sau. Vì lòng yêu mến Ðức Mẹ, người Công giáo cố gắng tìm hiểu và học hỏi những giáo lý liên quan đến Mẹ, để củng cố niềm tin nơi Mẹ, như Hiến chế Giáo Hội dạy: "Công đồng muốn làm sáng tỏ vai trò của Ðức Trinh Nữ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và nhiệm vụ của nhân loại đối với Mẹ mình là Ðức Trinh Nữ Maria" (GH 54). Cũng trong Hiến chế ấy, Công đồng kêu gọi các nhà thần học tiếp tục tìm tòi để làm sáng tỏ các vấn đề thần học còn đang được nghiên cứu...
 
F. Làm thế nào để trình bày Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cho các anh em ly khai?
Chúng ta biết rằng thông thường người ta đặt thắc mắc: (1) Tín điều này phạm đến tính cách thánh thiện duy nhất của Thiên Chúa và công trình cứu độ toàn thể nhân loại của Ngài. (2) Giáo Hội khi giảng dạy đã không căn cứ vào nguồn Kinh thánh. (3) Tín điều nào không có trong Kinh thánh, thì không thể là niềm tin cho các Kitô hữu.
Chúng ta đã có lần đề cập thuyết Duy Kinh thánh của anh em Tin lành Toàn thống, thuyết này chủ trương chỉ có Kinh thánh mới là quy luật cho Ðức tin. Trong bài trước, chúng tôi có nói tới những sai lầm của thuyết này. Một trong những lý do khiến anh em ly khai khó chấp nhận một số Tín điều về Ðức Mẹ là vì các anh em ấy không hiểu vai trò của Thánh truyền và Huấn quyền của Giáo hội dựa theo Thánh kinh.
Giáo hội Công giáo đã được Chúa Kitô uỷ nhiệm rao giảng Tin mừng cho mọi dân tộc và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội được ơn rao giảng không sai lầm: "Nhưng Ðấng Bảo trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thày, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thày đã nói với anh em" (Ga:14, 26) "Khi nào Thần khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn... Người sẽ loan báo cho anh em biết tất cả những điều sẽ xảy đến" (Ga16: 13).
Bên cạnh những chứng cứ Kinh thánh về quyền giảng dạy của Giáo hội, còn có nhiều đoạn Kinh thánh có thể được viện dẫn. Trong sánh Sáng thế ký 3:15, Chúa nói rằng có mối thù giữa người phụ nữ và con rắn, và mối thù này lan sang miêu duệ người phụ nữ và miêu duệ con rắn. Miêu duệ của người Nữ là Ðấng Cứu thế, đối thủ của dòng dõi ma quỷ. Mẹ của Ðấng Cứu Thế cùng chung cuộc đối đầu với rắn, tức bè lũ Satan. Nếu Ðức Maria, người Nữ mang tì vết tội lỗi, thì Bà không thể đối đầu cách toàn diện với ma qủy được. Có kẻ nói rằng, người Nữ nêu trên là chính Evà. Nhưng ý nghĩa ấy không phù hợp với văn mạch đoạn này, bởi vì Evà cùng hợp tác chung với con rắn, chứ không phải là kẻ đối địch với rắn. Chỉ duy nhất có Ðức Maria, Evà mới, là người phụ nữ duy nhất phù hợp với đoạn mô tả trong Sáng thế ký 3:15 trên đây.
Mở Luca 1:28, chúng ta tìm thấy trong lời của sứ thần Gabriel chào kính Ðức Mẹ: "Kính chào Maria đầy ơn phúc Thiên Chúa ở cùng Bà". Câu "đầy ơn phúc" dịch bởi tiếng Hy lạp kecharitomene, ở thể qúa khứ hoàn toàn, có nghĩa đã được trọn vẹn tràn đầy ân phúc, hơn nữa, sứ thần Gabriel xưng hô tên Maria của Ðức Mẹ, điều đó nói lên tư cách đặc thù của Ðức Mẹ trong tình trạng hoàn toàn nhất, cả về phẩm lẫn lượng. Như vậy sự "đầy ân phúc" của Ðức Maria không phải là kết quả tiệm tiến theo thời gian, nhưng là sự tràn tràn đầy ơn thánh sủng ngay lúc bắt đầu từ khi Mẹ hiện hữu.
Qua các thế kỷ, các Giáo phụ và các Tiến sĩ của Giáo Hội đều đồng ý tán thành đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Mẹ. Tín Ðiều thật phù hợp khi người ta khảo sát Hòm bia thánh đã được vinh danh tột bực. Trong Sách Xuất Hành 25:11-21, Chúa truyền dạy các chi tiết thật tỉ mỉ cho công trình thiết kế. Ðể cho trang trọng và được lâu bền, Hòm bia phải làm bằng gỗ bá hương, trong ngoài phải dát vàng ròng, và phải đựơc giữ tinh tuyền không chút bợn nhơ và không được coi thường bất kính. Trong sách 2 Samuel 6:6-7, Chúa phạt Uzzah chết tươi vì dám cả gan đụng tới Hòm bia thánh.
Từ những thế kỷ đầu, Kitô hữu khắp nơi đã nhìn nhận Hòm bia thánh trong Cựu ước là điển hình (typology) của Ðức Maria. Sự so sánh thật là ăn khớp. Hòm bia thánh chứa đựng Lời Thiên Chúa, Ðức Maria chứa đựng ngôi Lời hằng sống. Ðức Maria là hòm bia sống động chứa Lời hằng sống. Nếu Hòm bia thánh mang phiến đá khắc ghi Lời của Thiên Chúa mà ý quyết của Chúa truyền dạy phải long trọng đến thế, thì Ðức Maria chứa đựng chính Chúa còn phải tô điểm lộng lẫy trang trọng biết bao! Ðức Maria quả thật là Hòm bia của Thiên Chúa bởi vì Mẹ chứa đựng Ngôi Lời của Thiên Chúa, thân thể Ðức Giêsu, là nguyên uỷ ơn cứu độ của toàn thể nhân loại.
Một số người còn luận bàn rằng Hòm bia thánh không phải là Ðức Maria, nhưng là Thân mình Chúa Giêsu. Ngay cả trong trường hợp này, chúng ta cũng có thể trưng dẫn một câu trong Sử biên niên để đáp lời. Trong Sử biên niên (Chronicles) có ghi rằng những người khiêng Hòm bia thánh phải thanh tẩy: "Vậy các tư tế và các thầy Lêvi thanh tẩy mình để kiệu Hòm bia của Ðức Chúa, Thiên Chúa It-ra-en" (1 Sb 15:14). Nếu người khiêng Hòm bia thánh mà còn phải thanh tẩy, thì Mẹ Maria, Ðấng mang chính Ðấng Thánh trong cung lòng, lại càng phải được thanh tẩy. Thật là vô nghĩa nếu nói rằng Ðức Mẹ không cần thánh hoá hoặc Mẹ đã không được gìn giữ tinh tuyền khỏi tội nhơ! Ðể hiểu rõ hơn, chúng ta hãy đọc: "Xác thịt đắm chìm trong tội lỗi, Ðức Khôn Ngoan không cư ngụ" (Kn 1: 4b).
Ôi Maria Trinh Vương, Mẹ Vô Nhiêm Nguyên Tội! Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa Giêsu cho thuyền đời con khỏi đắm chìm giữa đại dương nguy khốn. Amen!
 
LM Giuse Trần Xuân Lãm
(5/11/2005)

Dienstag, Februar 26, 2013

Mozetta- áo choàng vai
Chi tiết về ngày cuối cùng trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Bênêđíctô thứ 16

Đặng Tự Do   2/26/2013

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ được gọi là "Đức Giáo Hoàng danh dự" (Pope emeritus). Cha Federico Lombardi, SJ, Trưởng phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết như trên trong cuộc họp báo sáng Thứ Ba 26 tháng Hai. Ngài cũng được gọi là Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 như Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio, chủ tịch Ủy Ban Tòa Thánh Giải Thích Các Văn Bản Luật cho biết sáng thứ Sáu 22 tháng Hai vừa qua. Về y phục, ngài sẽ mặc y phục trắng như hiện nay nhưng không có mozzetta (áo choàng vai – xem hình)
Hơn 50,000 vé đã được phát ra cho buổi triều yết chung cuối cùng của Đức Giáo Hoàng vào ngày thứ Tư 27 tháng Hai, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều anh chị em tín hữu tham dự hơn. Sau khi kết thúc buổi triều yết chung, Đức Giáo Hoàng sẽ đến điện Clementine để gặp gỡ một số viên chức chính quyền dân sự trong đó có tổng thống Slovakia và chủ tịch vùng Bavaria của Đức.

Vào buổi sáng ngày 28 tháng Hai, ngày cuối cùng của triều đại giáo hoàng, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ một lần nữa tại điện Clementine, các vị Hồng Y đang có mặt tại Rome.

Lúc 4:55 chiều tại sân San Damaso của Điện Tông Tòa và trước đội vệ binh Thụy Sĩ, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, SDB, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và các thành viên khác trong giáo triều Rôma sẽ chia tay với Đức Thánh Cha.

Máy bay trực thăng chở Đức Giáo Hoàng sẽ hạ cánh tại Castel Gandolfo lúc 5:15 chiều. Đón Đức Thánh Cha tại đây có Đức Hồng Y Giuseppe Bertello và Đức Giám mục Giuseppe Sciacca, là thống đốc và tổng thư ký của thành Vatican cùng với Đức Giám mục Marcello Semeraro là Giám Mục Giáo phận Albano, chính quyền dân sự và các cơ quan có thẩm quyền của địa phương.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ xuất hiện trên ban công của biệt điện Castel Gandolfo để chào đón những người tập trung tại quảng trường này để chào ngài.

Vacante Sede, tức là thời gian trống ngôi Giáo Hoàng sẽ bắt đầu lúc 8:00 tối và đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ tại Castel Gandolfo được giải tán. Hiến binh Vatican sẽ thay thế các Ngự Lâm Quân để bảo vệ cho Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16.

Cha Lombardi cũng cho biết thêm là Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ không còn sử dụng "Chiếc Nhẫn Ngư Phủ", vì chiếc nhẫn này sẽ bị phá hủy cùng với dấu ấn của triều đại giáo hoàng.

Nhiệm vụ này sẽ do Đức Hồng Y Nhiếp Chính Tarcisio Bertone và các phụ tá của ngài thực hiện.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng sẽ không còn mang đôi giày đỏ Giáo Hoàng.

Sáng 01 tháng Ba, Đức Hồng Y Niên Trưởng sẽ gởi thư mời các Hồng Y về Rôma để tham dự Cơ Mật Viện. Cha Lombardi nói thêm: "Do đó, có khả năng, là Mật Nghị Hồng Y sẽ bắt đầu vào tuần tới,"
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/103039.htm
 
Chúa Thánh Thần
và Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
 
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
 
Chúa Thánh Thần và Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Nhân lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12), xin lược dịch để cống hiến bạn đọc bài viết của tác giả Dwight P. Campbell giới thiệu nền Thánh Mẫu Học độc đáo của Thánh Maximilianô Kolbe, nhấn mạnh đến mối tương quan giữa Chúa Thánh Thần và Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Bài đươc đăng trên catholicculture.org. vào tháng Năm 1993.
Sơ lược tiểu sử thánh Maximilianô Kolbe
Thánh nhân sinh tại Balan năm 1894 và khi rửa tội được đặt tên là Raymunđô. Khi gia nhập tập viện dòng Phanxicô năm 1910, ngài được gọi là Maximilianô. Ba năm sau khi khấn dòng vào năm 1914, cùng với sáu tu sĩ cùng dòng, ngài thành lập hội "Chiến Binh của Ðức Nữ Trinh Maria Vô Nhiễm" nhắc nhở mình đang sống trong Giáo Hội Chiến Ðấu ở trần gian. Ngài thụ phong Linh Mục tại Rôma năm 1918. Bốn năm sau, 1922, ngài xuất bản tạp chí "Hiệp sĩ của Mẹ Vô Nhiễm," thoạt đầu bằng tiếng Balan, sau đó thêm một vài ngôn ngữ khác nữa. Với tạp chí ấy, ngài dần trở thành một nhà truyền bá xuất chúng lòng sung kính Mẹ Maria qua phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, truyền thanh và truyền hình.
Năm 1927, nhờ sự dâng cúng của một mạnh thường quân giầu có, ngài xây dựng cả một khu vực rộng lớn nằm ở ngoại ô thủ đô Varsava, gọi là "Làng Vô Nhiễm," nhằm đào tạo giáo dân và tu sĩ cũng như linh mục trở thành tông đồ của Mẹ Maria. Nhóm truyền giáo đầu tiên được gửi sang Nhật Bản là thành quả đầu tiên của cuộc đào tạo này. Năm 1930, ngài thành lập nhà xuất bản Tông Ðồ Mẹ Maria tại Nagasaki, một trong hai thành phố sẽ bị bỏ bom nguyên tử trong cuộc Ðệ Nhị Thế Chiến.
Năm 1939, ngài bị Ðức Quốc Xã bắt tại Balan, và sau đó bị giam tại trại Auschwitz lừng danh. Hai năm sau, 1941, vì có một người tù vượt trại mà không bị bắt lại, chiếu theo nội quy trại, 10 người tù sẽ phải chết thay. Vì cảm thương một trong số mười người xấu số này với gia cảnh vợ con nheo nhóc, ngài đã tự nguyện thế chỗ cho người đó. Ðoàn 10 người lập tức đươc đưa vào ngục tối, bị bỏ đói cho đến chết. Mấy ngày sau, khi cai ngục vào kiểm tra, thấy ngài vẫn còn sống, liền chích cho ngài mũi thuốc độc ân huệ. Hôm đó là ngày 14 tháng 8 năm 1941, tức vọng lễ Ðức Mẹ Mông Triệu. Qua cái chết anh hùng này, ngài trở thành một "người tù kiệt xuất", bởi đã đem cuộc đời mình minh họa đúng từng nét từng lời của Thầy Chí Thánh: "Không ai có tình yêu lớn lao hơn kẻ hiến mạng sống vì bạn hữu mình". Ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Ðệ Nhị phong hiển thánh Tử Ðạo vào ngày 10 tháng 10 năm 1982.
Thánh Mẫu Học của Thánh Maximilianô Kolbe
Có ý kiến cho rằng các sách thiêng liêng ngày nay không phản ảnh đầy đủ giáo lý về Chúa Thánh Thần. Nhiệm vụ của các chuyên gia là suy niệm sâu xa hơn về những công trình của Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu độ, và làm sao để các tác phẩm thiêng liêng Kitô giáo nhấn mạnh đúng mức đến tác động ban sự sống của Ngài. Công trình nghiên cứu như thế tất sẽ làm nổi bật mối tương quan tiềm ẩn giữa Chúa Thánh Thần và Ðức Nữ Trinh thành Nazarét, cũng như cho thấy tầm ảnh hưởng của các Ngài trên Hội Thánh. Chính từ sự suy niệm sâu xa hơn về các chân lý đức tin này mà một nền đạo đức phong phú hơn nữa sẽ tuôn chảy ra. [1]
Ðó là đoạn trích dẫn từ Tông Huấn "Marialis Cultus" mà Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành năm 1974. Ðiều không ngờ là Thánh Maximilianô Kolbe đã hiến trọn đời mình để khai triển một nền Thánh Mẫu học khai mở "mối tương quan tiềm ẩn giữa Chúa Thánh Thần và Ðức Nữ Trinh thành Nazarét"; một nền thần học giầu trực quan, độc đáo trong lối tiếp cận, và góp phần làm phong phú nền đạo đức cho các chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Trung thành với truyền thống Công giáo, Thánh Maximilianô Kolbe nhìn thấy rõ vị trí cao trổi của Mẹ trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, và vai trò làm người mang đầy ý thức cộng tác với tất cả mọi ân sủng Thiên Chúa ban cho loài người. Nhưng trong khi Thánh Truyền - mà những tác giả tiêu biểu như Thánh Luy đệ Montfort - đều nhấn mạnh đến vai trò làm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ, thì Kolbe lại nhìn vai trò "thông ơn Thiên Chúa" của Mẹ như được gắn liền và xuất phát từ mối tương quan mật thiết và tiềm ẩn của Mẹ với Chúa Thánh Thần.
Vả lại, theo Kolbe, con đường ân sủng của Chúa đến với chúng ta là đi từ Chúa Cha, qua Chúa Con và bởi Chúa Thánh Thần, thì khi chúng ta đi trở ngược lại với Chúa Cha cũng phải đi qua thứ tự như thế. Nghĩa là, sự đáp trả yêu thương của ta đối với tình yêu và ân sủng của Chúa phải đi từ Chúa Thánh Thần (Ðấng làm việc qua Mẹ Maria), qua Chúa Con để trở về với Chúa Cha. [2]
Kolbe nhìn vai trò cao trổi của Mẹ Maria theo thứ tự (ordo) vừa nói như xuất phát đặc biệt từ sự kết hợp độc nhất và mật thiết với Chúa Thánh Thần. Ngài cho rằng Chúa Thánh Thần cư ngụ trong linh hồn Mẹ Maria theo một cách thức khôn tả đến độ vượt xa và mang nét đậm đà hơn là sự kết hợp giữa Chúa Thánh Thần và các linh hồn bằng ơn thánh hoá qua bí tích Rửa Tội. [3]
Ðể diễn tả mối kết hợp mật thiết sâu đậm này giữa Mẹ Maria và Ngôi Ba Thiên Chúa, trung thành với Thánh Truyền, [4] Kolbe bảo rằng Mẹ Maria chính là "hiền thê" của Chúa Thánh Thần. Thế nhưng ngay sau đó, ngài lại tỏ ra bất mãn với từ ngữ ấy, bởi vì từ "hiền thê" thực ra vẫn không đầy đủ để diễn tả mối tương quan mật thiết và nhiệm mầu này. Trong hôn nhân, người nam và người nữ kết hợp với nhau qua ân sủng bí tích để nên "một thịt một xương" một cách thần bí. Thế nhưng, Kolbe nhìn thấy sư kết hợp giữa Mẹ Maria và Chúa Thánh Thần còn mật thiết nhiều hơn cả sự kết hợp vợ chồng nữa. "Nếu trong loài thụ tạo được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, sự kết hợp vợ chồng là thân mật nhất, thì còn phân minh hơn nữa, nội tâm hơn nữa, cốt yếu hơn nữa, khi nói đến việc Chúa Thánh Thần cư ngụ trong linh hồn Ðức Nữ Trinh Vô Nhiễm, tận sâu thẳm hữu thể của Mẹ." [5]
Ðiều gì khiến cho Mẹ Maria có được mối tương quan đặc biệt với Chúa Thánh Thần như thế? Kolbe trả lời đó là nhờ đặc ân Ðầu Thai Vô Nhiễm của Mẹ, vốn được hoàn thành qua công trình trực tiếp của Chúa Thánh Thần. Với đặc ân này, Chúa Cha và Chúa Con muốn rằng Mẹ Maria kết hợp với Thánh Thần Tình Yêu theo một cách thức gần gũi và thân mật đến độ cho phép Chúa Thánh Thần đem được sự Nhập Thể của Ngôi Lời vào trong cung lòng Mẹ, khiến Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa; đồng thời sự kết hợp này khiến cho Mẹ Maria trở thành dụng cụ hay ống máng qua đó Chúa Thánh Thần thông ban tất cả moi ân huệ do công nghiệp của Chúa Kitô lập ra. Kolbe nhấn mạnh rằng ý nghĩa phân minh của "Ðầu Thai Vô Nhiễm" là một mầu nhiệm cả thể, sâu xa và nhiệm lạ đến độ ta không hiểu được hoàn toàn.
Lối tiếp cận của Kolbe, nhất là khi nhấn mạnh đến mối tương quan giữa đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội và tư cách thông ơn Thiên Chúa của Mẹ Maria, tìm thấy sự biện minh và hỗ trợ trong "Marialis Cultus" và các văn kiện của Thánh Truyền. Trong "Marialis Cultus" Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nói rằng, bên cạnh chiều hướng Kitô học của việc sùng kính Ðức Trinh Nữ Maria, thật là xứng hợp khi nêu bật lên trong việc sùng kính này một trong các sự kiện cốt yếu của Ðức Tin, đó là Ngôi Vị và công trình của Chúa Thánh Thần. Trong cùng một đoạn văn, ta đọc thấy rằng:
"Suy tư thần học và phụng vụ cho thấy rằng việc can thiệp mang tính cách thánh hóa của Chúa Thánh Thần nơi Ðức Trinh Nữ thành Nazarét quả là một khoảnh khắc cao điểm tác động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu độ. Chẳng hạn như một số Giáo Phụ và tác giả Giáo Hội học đã quy kết sự thánh thiện nguyên thủy của Mẹ Maria như là công trình của Chúa Thánh Thần, y như được "nắn đúc từ bàn tay của Chúa Thánh Thần để trở thành một bản thể mới và một tạo vật mới"... Các vị ấy nhìn thấy trong mối tương quan nhiệm mầu giữa Chúa Thánh Thần và Mẹ Maria một khía cạnh khơi gợi về hôn nhân. ...Các vị gọi Mẹ là "Ðền Thờ Chúa Thánh Thần," một diễn ngữ nhấn mạnh đến tính cách linh thánh của Mẹ hiện trở thành nơi cư ngụ vĩnh viễn của Thánh Thần Thiên Chúa. Ðào sâu hơn nữa vào học thuyết về Ðấng An Ủi, các vị ấy nhìn thấy từ nơi Ngài, như là một mạch suối tuôn tràn nguồn sung mãn ân sủng (x. Luca 1:28) và sự dồi dào tặng ân trang điểm cho Mẹ... Trên hết, các vị ấy chạy đến xin Ðức Trinh Nữ cầu bầu để Chúa Thánh Thần ban cho khả năng sinh hạ Chúa Kitô trong cõi lòng mình, như Thánh Anphong đã thốt lên trong lời kinh đầy chất giáo lý sâu xa và có uy lực khẩn cầu: "Lậy Ðức Nữ Trinh, xin Mẹ ban cho con Chúa Giêsu từ tay Chúa Thánh Thần mà nhờ Ngài Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu. Xin cho linh hồn con biết đón nhận Chúa Giêsu qua Chúa Thánh Thần mà nhờ Ngài cung lòng Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu... Xin cho con biết yêu Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, nơi Ngài, Mẹ đã thờ lậy Chúa Giêsu như là Chúa và ngắm nhìn Người như Con của Mẹ. [6]
Suốt cả quãng đời trưởng thành, Kolbe đã cố công thấu nhập vào mối tương quan độc nhất và tiềm ẩn của Mẹ Maria với Chúa Thánh Thần. Thánh nhân đặc biệt chú ý đến những lời của Mẹ nói với Thánh Bernadette ở Lộ Ðức: "Ta là Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm" mà theo ngài, như mang một ý nghĩa mạc khải đặc biệt. Có thể bảo rằng những lời Mẹ nói với Bernadette đã ám ảnh Kolbe đến độ thánh nhân không ngừng tìm hiểu để thấu suốt mầu nhiệm sâu xa ẩn chứa trong đó. Kolbe cho rằng những lời nói của Mẹ không chỉ cho thấy sự kiện Mẹ đã được đầu thai không vương tội lụy, mà còn minh chứng cho cách thức mà đặc ân này thuộc về Mẹ. Ðây không phải là một cái gì phụ thuộc, mà là cái thực sự thuộc về chính bản thể Mẹ. Bởi vì Mẹ chính là Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm bằng xương bằng thịt." [7]
Chỉ vài giờ đồng hồ trước khi bị Ðức Quốc Xã bắt giam vào ngày 17 tháng 2 năm 1941, Thánh Maximilianô Kolbe đã đạt được một tầm nhìn sâu xa vốn không chỉ giúp ta thấu hiểu rõ hơn về mối tương quan giữa Mẹ và Chúa Thánh Thần, mà còn cho ta một thấu đạt đến tận chiều sâu về Chúa Thánh Thần như là Ngôi Thiên Chúa tự muôn đời xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Thánh nhân còn giúp ta hiểu rõ hơn vai trò của Mẹ Maria trong việc phân phát mọi ơn lành mà Thiên Chúa ban cho loài người trong kế hoạch cứu độ.
Trong tác phẩm của mình, Kolbe cho rằng trong khi Mẹ Maria là Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm được-tạo-dựng, được tạo dựng qua tình yêu của Thiên Chúa và công trình của Chúa Thánh Thần để trở thành một tạo vật duy nhất được đổ tràn ân sủng và được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa, thì Chúa Thánh Thần chính là Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm Phi-Thụ-Tạo, được "thai nghén" từ tình yêu tuôn tràn vĩnh cửu giữa Chúa Cha và Chúa Con, một tình yêu toàn hảo đến độ được ngôi vị hoá. Kolbe cho rằng việc Mẹ Maria trở thành Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm được-tạo-dựng, là do bởi công trình trực tiếp của Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm Phi-Thụ-Tạo. Cả hai cuộc đầu thai đều là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa: Mẹ Maria thì được tạo dựng và ở trong thời gian, còn Chúa Thánh Thần thì Phi-Thụ-Tạo và vĩnh cửu. Thật là ý nghĩa, chính khi những dòng chữ cuối cùng được viết ra, Kolbe đặt tên cho Chúa Thánh Thần là "Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm Phi-Thụ-Tạo," để lần đầu tiên phân biệt "Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm" này với Mẹ Maria là "Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm được-tạo-dựng."
Tác phẩm của Maximilianô Kolbe cho thấy rõ thánh nhân nắm rất vững nền thần học của Thánh Tôma. Ta chỉ có thể nói về Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của loài thụ tạo, như Thánh Tôma viết: "Lời nói là những chỉ dấu của tư tưởng, và tư tưởng là sự tương tự của sự vật. Như thế, ta chỉ có thể đặt tên cho một vật gì khi ta đã thấu hiểu nó... Ta biết được Thiên Chúa như là nguyên lý của thụ tạo... Vì thế, cho dù ta dùng ngôn ngữ thụ tạo để đặt tên cho Thiên Chúa, nhưng không hề có nghĩa là ngôn ngữ ấy đã diễn tả hết bản chất của Ngài." [8]
Thế có nghĩa là những ngôn từ ta dùng nói về những thực tại thụ tạo thì chỉ diễn tả các thuộc tính của Thiên Chúa một cách khập khiễng, hạn chế và loại suy mà thôi. Từ "đầu thai" ở đây cũng không thoát khỏi quy luật này. Kolbe biết rằng ở Lộ Ðức, Mẹ Maria đã tự xưng mình là Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm, qua đó thánh nhân hiểu rằng "Bản tính của Mẹ là Ðầu Thai Vô Nhiễm." Ngài viết: "Chúa Thánh Thần là ai? Là sự nở hoa tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Nếu hoa trái của tình yêu thụ tạo là một đầu thai thụ tạo, thì hoa quả của Tình Yêu Thiên Chúa, vốn là mẫu mực cho mọi tình yêu thụ tạo, tất nhiên phải là một "đầu thai" thần linh. Như thế, Chúa Thánh Thần chính là "đầu thai vĩnh cửu, Phi-Thụ-Tạo," là mẫu mực cho mọi đầu thai nhân rộng đời sống ra toàn vũ trụ." [9]
Nhưng khi nói "bản tính của Mẹ là Ðầu Thai Vô Nhiễm" thực sự Kolbe muốn nói gì? Trước hết, ta phải loại bỏ những điều thánh nhân không muốn ám chỉ. Rõ ràng Kolbe không muốn nói là Mẹ Maria không hề có một bản tính nhân loại qua việc truyền sinh loài người. Mẹ Maria hoàn toàn là một con người. Mẹ nhận được bản tính nhân loại từ cha mẹ tự nhiên của mình. Kolbe cũng không muốn nói rằng Mẹ Maria có một bản tính "siêu nhân." Cũng không có nghĩa là Ðầu Thai Vô Nhiễm là một cái gì được "thêm vào" cho bản tính nhân loại của Mẹ khiến Mẹ trở thành một cái gì khác với hữu thể nhân loại. Không, tự bản chất, Mẹ Maria hoàn toàn là một con người, y như mỗi người chúng ta vậy. Ðiểm khác nhau giữa Mẹ và tất cả mọi người chính là ân sủng. Sự kiện là, ở ngay thời điểm Mẹ được tạo dựng/thụ thai, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, Mẹ đã được ban cho một ơn đặc biệt, một đặc ân, mà trong luân thư tuyên bố tín điều Ðầu Thai Vô Nhiễm - Ineffabilis Deus - Ðức Giáo Hoàng Piô IX nói là Mẹ được gìn giữ cho khỏi mọi vết tích Nguyên Tội.
Ân sủng được xây dựng trên bản tính. Nếu bảo rằng Ðầu Thai Vô Nhiễm là một điều thuộc bản tính nhân loại của Mẹ, không phải là một đặc ân, thì có nghĩa là đi ngược lại điều Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã công bố; bởi vì nếu do bản tính mà Mẹ là "Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm" thì không cần đến một hồng ân đặc biệt nào cả. Thế nên, kiểu nói của Kolbe "bản tính của Mẹ là Ðầu Thai Vô Nhiễm" cần phải được minh định: ngài muốn dùng lối nói này để cho thấy rằng Ðầu Thai Vô Nhiễm đúng là bản thân của Mẹ nên Mẹ mới tự xưng mình là như thế.
Chính nhờ hồng ân đặc biệt này, một đặc ân mà không một ai có được, ngoại trừ một mình Mẹ, nên Mẹ mới có thể tự xưng: "Ta là Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm." Hồng ân đặc biệt này - vốn một cách khôn tả kết hợp Mẹ với Chúa Thánh Thần, khiến Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa và là người cộng tác tích cực và đầy ý thức với mọi ơn huệ Thiên Chúa ban cho loài người - đã trở thành đồng nhất với bản thân Mẹ một cách chặt chẽ đến độ Mẹ thật sự có thể đồng hóa ân sủng này với chính bản thân, với chính hữu thể của Mẹ.
Loại suy có thể giúp làm sáng tỏ điểm này. Chúa Giêsu Kitô thực sự có thể nói: "Ta là Tư Tế Vĩnh Cửu." Ngài là Thầy Cả Thượng Phẩm Vĩnh Cửu do bởi mầu nhiệm ngôi hiệp trong đó Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa kết hợp với một bản tính nhân loại, và do sự kiện Ngài tự hiến với tư cách vừa là Tư Tế, vừa là Nạn Nhân của Thâp tự giá trên đỉnh Calvariô. Không ai có thể tuyên bố như Ngài (cho dù các linh mục, do thông phần vào chức tư tế của Ngài, có thể nói rằng: "Tôi là một tư tế"). Cũng vậy, Mẹ Maria thực sự có thể nói: "Ta là Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm (được tạo dựng)" bởi vì hồng ân đặc biệt này không hề được ban cho ai khác ngoài Mẹ, y như Mẹ đang nói với ta rằng: "Chỉ có mình Mẹ đây là đươc gìn giữ không vướng lây dấu vết tội lỗi từ lúc đầu thai. Chỉ có mình Mẹ đây là được kết hợp một cách nhiệm mầu với Chúa Thánh Thần. Chỉ có mình Mẹ đây là Mẹ Chúa Giêsu, Ngôi Lời mặc xác phàm. Và cũng chỉ mình Mẹ đây, với tất cả Trái Tim Vô Nhiễm, xưa đã cộng tác với cái chết cứu chuộc của Con Mẹ thì hôm nay đang cộng tác với Chúa Thánh Thần để phân phát mọi ân sủng đền từ công nghiệp của Chúa Giêsu."
Một cách nhìn khác vào đặc ân mà Mẹ nhận được là so sánh với ân sủng bí tích vốn ghi dấu không phai mờ trong linh hồn, và gây nguồn cảm hứng cho mọi khả năng thiêng liêng. Bí tích Rửa Tội biến ta thành con cái Thiên Chúa, khiến ta được bước vào Vương Quốc của Ngài; bí tích Truyền chức khiến một số người được thông phần vào chức tư tế vĩnh cửu của Chúa Giêsu, biến họ nên giống Ngài và thi hành ba chức năng tư tế là giảng dậy, thánh hoá và lãnh đạo. Cũng thế, đặc ân Mẹ nhận được từ lúc đầu thai đã kết hợp Mẹ một cách đặc biệt và không phai mờ với Chúa Thánh Thần, và đặc ân này khiến Mẹ có khả năng phản ảnh trong linh hồn mình cái thuộc tính căn cơ nhất được biệt gán cho Chúa Thánh Thần: năng lực Tình Yêu Thiên Chúa mang lại hoa trái dồi dào. Chúa Thánh Thần là Ngôi Tình Yêu, Tình Yêu vừa đón nhận vừa phát sinh hiệu quả. Chúa Thánh Thần hoàn toàn đón nhận tình yêu từ muôn đời tuôn chảy giữa Ngôi Cha và Ngôi Con; Ngài khiến tình yêu này sinh hoa trái phong nhiêu vô cùng. Còn phần Mẹ, sự đón nhận được bộc lộ trong lời "Xin Vâng," qua đó Mẹ hoàn toàn rộng mở đón nhận tình yêu sáng tạo của Chúa Thánh Thần, và từ đó cũng ban phát muôn vàn hoa trái: Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật. Với tư cách là hiền thê của Chúa Thánh Thần, Mẹ góp phần phân phát ân sủng do công nghiệp Con Mẹ mang lại. Trong ý nghĩa này, Kolbe viết: "Chúa Thánh Thần khiến cho Mẹ sinh được nhiều hoa trái ngay từ lúc vào đời, cho đến suốt cuộc đời, và cho đến mãi muôn đời. Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm vĩnh cửu này, tức Chúa Thánh Thần, một cách vô nhiễm, đã cưu mang mầm sống thiên linh tận thẳm sâu linh hồn Mẹ, khiến cho Mẹ trở thành Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm, một Ðầu Thai Vô Nhiễm nhân loại. Chính cung lòng trinh tuyết của Mẹ đã được gìn giữ linh thánh cho Chúa Giêsu; ở nơi đó, Ngài đã xuống thai, trong thời gian, mặc lấy đời sống nhân loại của vị Thiên Chúa làm người."
Kolbe dùng những lời Mẹ nói ở Lộ Ðức không phải để khai triển một nền thần học Tam Vị về Chúa Thánh Thần. Ðó chỉ là phương tiện cho một mục đích. Mục tiêu của thánh nhân là đem lại một hiểu biết sâu đậm hơn về Mẹ Maria trong ánh sáng những lời hay đẹp Mẹ nói cho Bernadette, và cũng để trả lời cho câu hỏi đã nung nấu biết bao lời kinh và suy niệm của ngài: "Mẹ là ai, hỡi Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm?"
Nếu có thể cô đọng trong một đoạn, thì đây là tóm gọn suy tư thần học lồng trong nền Thánh Mẫu học của Thánh Maximilianô Kolbe: cũng y như việc đầu thai vô nhiễm của Trinh Nữ Maria được quy hướng về mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu, Thiên Chúa mặc xác phàm, thì sự kết hợp thần bí giữa Mẹ Maria và Chúa Thánh Thần, khởi sự từ thời điểm Ðầu Thai Vô Nhiễm của Mẹ, tìm thấy được ý nghĩa và mục đích tối hậu khi Chúa Thánh Thần hình thành xác thể của Ngôi Lời Vĩnh Cửu trong cung lòng trinh tuyết của Mẹ. Thế nhưng, do bởi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và do bởi sự kết hợp thần bí của Mẹ với Chúa Thánh Thần, do đó vai trò của Mẹ trong kế hoạch cứu độ của Chúa không kết thúc ở mầu nhiệm Nhập Thể, mà đi xa hơn thế--để bao gồm cả sự cộng tác đầy ý thức và hoàn toàn tự do của Mẹ với Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần trong công trình cứu chuộc và cứu độ ngay dưới chân Thập giá, trong suốt phần đời còn lại của Mẹ trên dương thế, và cả hôm nay nữa, trên chốn thiên cung.
--------------------------------------------------
[1] Pope Paul VI, Marialis Cultus (Apostolic Exhortation For the Right Ordering and Development of Devotion to the Blessed Virgin Mary) Feb.2, 1974, No. 27
[2] Fr. H. M. Manteau-Bonamy, O.P., Immaculate Conception and the Holy Spirit (Knosha, Wisc.: Prow Books/Franciscan Marytown Press, 1977) 3-5, from Final Sketch by St. Maximilìan Kolbe, Feb. 17, 1941. This book has been republished recently by Ignatius Press.
[3] Ibid., 52, from conference by Kolbe, April 9, 1938.
[4] In Marialis Cultus, No. 26, Paul VI says, "The Fathers and writers of the Church... in examining more deeply the mystery of the Incarnation, saw in the mysterious relationship between the Spirit and Mary an aspect redolent of marriage, poetically portrayed by Prudentius: "The unwed Virgin espoused by the Spirit."
[5] Manteau-Bohamy, 57, quoting from Final Sketch by Kolbe.
[6] Marialis Cultus, No. 25
[7] Manteau-Bonamy, 7, quoting from Letter by Kolbe from Nagasaki to the Youth of the Franciscan Order, Feb. 28, 1933.
[8] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, I, q. 13, a. 1
[9] Manteau-Bohamy, 3, quoting from Final Sketch by Kolbe.
{Ghi chú thêm: loài thụ tạo = loài được tạo dựng; Phi-Thụ-Tạo = Không-Ðược-Tạo-Dựng hay không phải là loài được tạo dựng).
 
Nguyễn Kim Ngân
5/12/2005
Nguồn: http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/veritas/index.html