Trang chủ

Samstag, April 01, 2017

Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm A

LƯỠI HÁI HAY CHÌA KHÓA VÀNG?

R. Veritas
Thánh Charles Borrômê sống ở Italia trên 400 năm trước đây (1538-1584). Khi còn trẻ, Borrômê đầy những tước vị, danh vọng. Nhưng một lúc Borrômê đã nhận ra ngày nào đó, Ngài sẽ phải bỏ tất cả. Ngài muốn ghi khắc điều đó, nên nhờ một họa sĩ nổi tiếng vẽ bức bích họa trong tư thất để diễn tả cái chết. Bức họa hoàn thành: họa sĩ trình bày thần chết theo lối cổ điển: một bộ xương người nắm chặt lưỡi hái trong tay.

Borrômê ngạc nhiên: “Tại sao họa sĩ hình dung cái chết bằng chiếc lưỡi hái?”

Họa sĩ đáp: “Vì thần chết cắt hái mọi cuộc sống. Cái chết hủy hoại mọi cuộc đời.”


“Đồng ý”, Borrômê nói, “nhưng thần chết cũng mở cửa Nước Trời nữa chứ. Cái chết là cửa ngõ vào đời sống tốt đẹp hơn. Vì thế, tôi đề nghị họa sĩ xóa chiếc lưỡi hái đi và đặt vào tay thần chết chiếc chìa khóa vàng.”

Phải, Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Thập giá là chìa khóa Nước Trời. Thần chết đã buông lưỡi hái và cầm lấy chiếc chìa khóa vàng. Cửa Trời đã mở ra cho con người vào Nhà Cha.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Tôi là sự sống lại và là sự sống”. Lời tuyên bố của Chúa Giêsu trước khi làm cho Lagiarô sống lại là một trong những lời “lạ tai” nhất đối với người thời đại cũng như bao người ngoài Thiên Chúa giáo và những người không tin ngày nay. Nhưng đối với chúng ta, lời tuyên bố đó chính là nền tảng và hy vọng của cuộc đời.

Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi là sự sống. Ai đang sống mà tin tôi sẽ không bao giờ chết”. Chúa không nói đùa. Chúa không thể đùa với sự chết, vì nó hoàn toàn trái nghịch với Ngài. Là sự sống và đến để đem lại sự sống, Chúa không thể muốn sự chết cho con người. Phép lạ cho ông Lagiarô sống lại làm chứng rằng Ngài có quyền ban sự sống. Không phải sự sống như đám đông bao quanh Ngài thầm nghĩ – sống một thời gian rồi chết – cũng không phải sống lại ngày tận thế mà thôi, như Matta tin tưởng, mà là sống ngay bây giờ và sống đời đời, như Ngài đã nói: “Ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống” (Ga 5,24).

Vậy là có một sự sống khác. Có một sự sống thật. Sự sống ấy đã bắt đầu từ bí tích Rửa Tội và tiếp tục mãi đến đời đời. Sự sống thật này không mất đi khi con người chết, nhưng chỉ mất đi bởi tội lỗi (Ga 8,21). Tội lỗi mới là cái chết thật. Và ngược lại, cái mà chúng ta coi là sống chưa hẳn là sống.

Chỉ khi nào sống bằng chính sự sống của Chúa thông ban cho, lúc đó mới là sống thật và bảo đảm sống đời đời ngan qua cái mà chúng ta gọi là chết.

Thánh Phaolô, trong bài đọc 2 hôm nay (Rm 8,8-11) đã nói đến tình trạng những người “sống mà như chết” và “chết mà vẫn sống” đó: “Ai sống theo xác thịt, tội lỗi, thì dù có sống cũng như chết; ngược lại, ai sống theo Thánh Thần thì dù có chết cũng vẫn sống; hơn nữa, một ngày kia, Đấng đã cho Đức Kitô phục sinh cũng sẽ cho thân xác của những kẻ sống theo Thánh Thần được sống lại”.

Thưa anh chị em,

Một người nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời này được coi là chết. Nhưng nhiều người đang sống vẫn tự coi mình đã chết. Vì sống mà không có hy vọng, sống không tình thương, sống mà bị đời bạc đãi, phản bội, sống không ra con người, và nhất là sống trong tội ác. Sống như vậy, con người không cần đợi đến chết mới là chết. Chúng ta khóc thương người chết, nhưng biết đâu người sống lại chẳng đáng khóc thương hơn?

Bất cứ ai đã thoát khỏi tội lỗi và sống trong ân sủng thì đang sống trong sự sống đời đời rồi. Sự chết thể xác không làm gián đoạn được sự sống thân thiết với Thiên Chúa trong Nước Trời. Sự sống lại ngày tận thế, sự sống vinh quang đời sau đã bắt đầu ở hiện tại như cây trái đã bắt đầu trong hạt giống.

Từ Lời Chúa hôm nay, chúng ta mới có được một cái nhìn lạc quan hơn về thân phận con người chúng ta. Là tội nhận, là loài người phải chết, nhưng chúng ta đã được Con Thiên Chúa xuống thế làm người mạc khải tình yêu thương của Thiên Chúa cho chúng ta và Ngài đã thực hiện công việc cứu chuộc của Thiên Chúa giữa chúng ta và cho chúng ta. Cuối cùng, bằng chính cái chết và cuộc Phục Sinh của Ngài, Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi chết đời đời và cho chúng ta được tham dự vào sự sống bất diệt của Thiên Chúa.

Như thế, đối với chúng ta, những người đã tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế và đang cố gắng sống Lời Chúa dạy, thì sống hay chết, không thành vấn đề, mà chỉ có một thực tại duy nhất là sống, sống trong Chúa, sống cho Chúa, sống thuộc về Chúa. Cái chết chẳng qua chỉ là bước vượt qua từ đời sống trần gian đến đời sống vinh quang vĩnh hằng với Chúa Cha trên trời. Chính vì có sự liên tục giữa hai cuộc sống mà đời sống trần gian này mới có ý nghĩa và mới quan trọng, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải sống làm sao cho cuộc sống trần gian này là khởi điểm, là bảo đảm, là dấu chứng cho cuộc sống mai sau.

Anh chị em thân mến,

Trước khi bước vào Tuần Thánh là đỉnh cao của mầu nhiệm Khổ Nạn Phục Sinh, Giáo Hội đọc bài Tin Mừng hôm này nhằm kêu gọi chúng ta tin vào Đấng là sự sống lại và là sự sống. Niềm tin ấy thắp sáng lên trong chúng ta một hy vọng mà trần gian này dù đen tối đến đâu cũng không thể nào dập tắt được. Đức tin không chuẩn chước cho chúng ta khỏi những tang chế đau thương, những chia ly mất mát hay sự sợ hãi khi đối diện với cái chết. Nhưng đức tin là chấp nhận hiểu và sống các biến cố hiện tại dưới ánh sáng của sự sống siêu việt mà Đức Giêsu Kitô, Đấng là nguồn cội sự sống đã loan báo.“Tôi là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Tôi sẽ không chết bao giờ”. “Matta, con có tin điều đó không?”, Chúa Giêsu hỏi.“Vâng, thưa Thầy, con tin”. Matta nói lên niềm tin của chị cũng là niềm xác tín của chúng ta: “Con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.Chớ gì khi tuyên xưng: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”, trong kinh Tin Kính chúng ta sắp đọc, niềm tin ấy không chỉ được phát biểu cách máy móc ngoài môi miệng, nhưng sẽ trở nên sức mạnh giúp chúng ta đứng vững trước mọi đau khổ thử thách, ngay cả cái chết. Đồng thời niềm tin ấy thúc đẩy chúng ta đến với anh em, để góp phần mang lại sự sống dồi dào cho anh em.
Nguồn:http://www.tinmung.net/SUYNIEM_HANGTUAN/suyniemINDEX1.htm